Phật Thuyết Kinh đại Tập Ví Dụ Vương - Phần Sáu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI TẬP VÍ DỤ VƯƠNG
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẦN SÁU
Này Xá Lợi Phất! Ví như nhà ảo thuật, hay học trò của nhà ảo thuật, bày, mọi trò ảo thuật ở các nẻo đường, nào là trò voi, ngựa, xe, đi bộ.
Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao?
Chỗ mà bốn bộ binh ấy đến, đi trong mười phương các Thế Giới có biết không?
Xá Lợi Phất đáp: Không biết, thưa Bà Già Bà! Không biết, thưa Tu Già Đà! Trò huyễn đến đi đó, không thể biết được. Tuy là nói thế, nhưng trò huyễn thuật ấy, không phải là không nhân.
Phật nói: Đúng vậy! Xá Lợi Phất! Phật trí ấy, hoặc đến hoặc đi, trong mười phương các Thế Giới, cũng không thể biết được. Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà, dùng trí đầy đủ này, mà biết đúng như thật về các tâm hạnh của chúng sinh, trong mười phương Thế Giới. Trí ấy, không phải không nhân. Trí tối thượng đó, nên thấy như vậy.
Này Xá Lợi Phất! Ví như có người yết hầu bị nghẽn thì các căn khác cũng đều bị nghẽn.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Nếu thiện nam, thiện nữ dùng tâm biến trí, tâm bồ đề, nhập vào các pháp, để hộ trì các chúng sinh, giáo hóa chúng sinh, giữ gìn chúng sinh.
Này Xá Lợi Phất! Ví như có người sống lâu trăm tuổi, đem một giọt nước đến đưa Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà và nói: Thưa Thế Tôn! Tôi gởi giọt nước này, Thế Tôn hãy giữ giúp tôi, chớ để nó hòa lẫn vào các dòng nước khác.
Sau khi Như Lai nhận lời rồi, ném nó vào Sông Hằng, giọt nước theo dòng chảy ra biển.
Qua một năm sau, người trăm tuổi ấy trở lại chỗ Thế Tôn, hỏi: Thưa Thế Tôn! Giọt nước mà trước kia, tôi gửi đó chắc không bị hòa lẫn vào các dòng nước khác chứ?
Xá Lợi Phất!
Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà có các trí như vậy: Trí không nghĩ bàn, trí không gì sánh bằng, trí vượt qua ba cõi. Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà đầy đủ trí như vậy, rồi liền lấy giọt nước được gửi trước kia, từ biển ra mà không bị xen tạp các giọt nước khác, để trả lại cho người kia.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà nói pháp, không phải trong một Cõi Phật, cũng không phải hai, ba, bốn, năm, cho đến ngàn Cõi Phật, cũng không phải một vài phương tiện khéo léo giáo hóa chúng sinh.
Vì sao?
Vì Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà nói pháp trong bất khả lượng A tăng kỳ, bất khả thuyết vô lượng Cõi Phật. Với đủ mọi phương tiện khéo léo giáo hóa chúng sinh.
Này Xá Lợi Phất! Ví như sau mùa Xuân, tháng đầu của mùa Hạ thì nóng bức.
Có một người cùng với đại chúng muốn vượt qua đồng trống, trong khi đang đi, mọi người thấy từ xa có sóng nước, người ấy mới an ủi mọi người: Các bạn ơi! Hãy cố gắng đến chỗ có nước kia mà uống. Người này nói thế, rồi đốc thúc đại chúng hướng đến chỗ có nước, mà đi không nghỉ. Nhờ vậy, mà mau chóng vượt qua đồng trống, liền được nghỉ ngơi, không bị thương tổn, được an ổn, không còn sợ hãi và đến cảnh giới của chính mình.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà, muốn khiến các Thanh Văn nhập vào quả A La Hán, nên vì họ mà nói pháp tương ưng với việc làm, dụng lực tinh tấn của A La Hán. Như Lai hành dụng như vậy rồi thì liền thu được lợi ích.
Xá Lợi Phất! Nếu tin vào pháp này, tức là tin vào pháp vô trần. Nếu tin vào pháp vô trần tức là tin Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà. Nếu tin Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà thì là tin pháp vô trần giải thoát. Nếu ở nơi pháp vô trần giải thoát thì liền giải thoát sinh, già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não.
Này Xá Lợi Phất! Ví như có một A La Hán lậu tận, tụng Kinh ở núi A La Noa là nơi xa xôi hiểm trở. Nơi ấy, phát ra tiếng vang, lúc đó, lại có một dị nhân nghe tiếng Kinh đó liền chứng quả A La Hán.
Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao?
Ai điều phục người ấy?
Xá Lợi Phất thưa: Thưa Thế Tôn! Là vị A La Hán.
Phật nói: Này Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao?
A La Hán lậu tận kia, đâu có nghĩ như vậy: Ta tụng Kinh sẽ có chúng sinh được điều phục.
Xá Lợi Phất thưa: Dạ không, thưa Bà Già Bà! Dạ không, thưa Tu Già Đà!
Phật nói: Này Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao?
Tiếng vang ấy là từ trong, từ ngoài hay từ cả trong ngoài phát ra?
Chớ hiểu như vậy. Nếu các chúng sinh đã phát ra lời nói thì nên tin như thế: Nếu có tiếng ấy nói ra thì cũng tùy ở mình.
Này Xá Lợi Phất! Ví như vợ của một anh chàng nọ, trong giấc mộng, chị ta thấy Như Lai và chúng Thanh Văn vây quanh thuyết pháp.
Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao?
Như Lai và chúng Thanh Văn có đến thật không?
Xá Lợi Phất đáp: Dạ không, thưa Bà Già Bà! Dạ không, thưa Tu Già Đà!
Phật nói: Đúng vậy! Xá Lợi Phất! Nếu người hiện thấy ta và chúng Thanh Văn vây quanh nói pháp, nên tin như mộng. Người ấy, liền đã thấy ta và pháp tăng trước mặt.
Này Xá Lợi Phất! Ví như biển cả không phải là không có báu, mà do người không tìm lấy được báu.
Vì sao?
Vì người ấy, đời trước chưa từng làm nghề lấy châu báu, cho nên, không phát hiện được Ma Ni báu màu đen kia là quý, nên không lấy. Nếu người đã từng làm nghề Ma Ni báu mà vào được kho báu, liền lấy Ma Ni báu.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Không phải là không pháp giới mà do không giác biết Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Đó là do chúng sinh ấy, đời trước ở trong cảnh giới Phật, nhưng không tạo thiện căn, cũng không phát khởi.
Thế nên, nay chỉ vào Thanh Văn, không thể đi trên con đường mà Như Lai đã đi, cũng không có công đức như Như Lai, không đầy đủ thần lực vô úy… và trí vô ngại của Như Lai. Còn Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà, đầy đủ lực Như Lai, vô úy… và trí vô ngại.
Này Xá Lợi Phất! Ví như vợ của một anh chàng nọ, cầm gương tự soi mặt mình, thấy được diện tướng mình, liền sinh vui mừng.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Phàm phu không nghe, nên không biết pháp gốc là dụ như bóng ảnh, cứ chạy theo dòng lưu chuyển mà sinh ham thích.
Thế nên, Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát nên mặc áo giáp như: Nay ta vì các chúng sinh, mà nói pháp, đề làm cho họ phải biết mà đoạn đi sự lưu chuyển đó.
Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát nên tin các pháp là hư dối, không chắc thật, hành như thế.
Này Xá Lợi Phất! Ví như Như Lai A la ha Tam Miệu Tam Phật Đà. Khi hóa sinh thì không chỗ hóa sinh. Khi diệt thì không chỗ diệt. Ở nơi cảnh giới Phật, hoặc hỏi hoặc đáp, ấy chẳng phải là hai pháp. Khi Như Lai hóa sinh không chỗ sinh, khi diệt không chỗ diệt.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát được pháp nhẫn vô sinh, biết các pháp không sinh. Do biết thế, nên không được một pháp. Nếu lúc sinh mà sinh thì không có chỗ pháp sinh, nếu lúc diệt mà diệt thì cũng không hữu vi, vô vi.
Vì sao?
Vì Bồ Tát Ma Ha Tát hiểu rõ các pháp không hai.
Này Xá Lợi Phất! Ví như bọt nước không chắc chắn. Do không chắc chắn, nên tùy thuận mà biết.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Các pháp không chắc chắn, các pháp là không, nên tùy thuận mà biết. Các pháp như biển, bản tánh không có hai tướng.
Này Xá Lợi Phất! Ví như bong bóng nước, từ nhân duyên sinh. Nếu chỉ có mỗi một nhân thì không thể sinh được.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Phàm có chúng sinh là do không chánh niệm, muốn bám lấy sinh. Việc đó là do hư vọng, trống rỗng, không chắc chắn. Chúng sinh đó đối với thật tế, không biết như thật, không thấy, không nhập, không biết. Ta vì các chúng sinh ấy, mà xưa kia đã mặc áo giáp như vậy. Bằng mọi cách làm thế nào, để các chúng sinh ấy, thấy được thật tế. Ta sẽ vì họ mà nói lưu chuyển luân hồi.
Này Xá Lợi Phất! Ví như chim bay lượn trên không, không có một vật gì cản trở.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Thiện nam, thiện nữ tu Bồ Tát thừa, đối với các pháp. Không có biên vực nào làm chướng ngại. Không có biên giới của vi trần. Không có biên giới giữa bên này bên kia. Tin vào trí biết cùng khắp. Ta nói thiện nam, thiện nữ hành Bồ Tát thừa này, nhất định chứng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Này Xá Lợi Phất! Ví như Tỳ Kheo có thần thông đi trong hư không, tuy thấy đi nhưng không thấy dấu vết.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Tuy thấy hạnh của Bồ Tát, nhưng không thể nói đến pháp ấy và chỗ hồi hướng thiện căn của Bồ Tát.
Vì sao?
Vì pháp mà ta đã biết, không thể nói ra. Pháp ấy, các hàng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân phi nhân không thể thành tựu được. Chỉ trừ Bồ Tát Ma Ha Tát đầy đủ trí tối thắng vô thượng, đã mặc áo giáp ở trong các Thế Giới.
Vì sao?
Vì Bồ Tát Ma Ha Tát ấy, các hàng trời… đều không thể sánh bằng.
Này Xá Lợi Phất! Ví như tay chân có thể làm mọi việc. Như vậy, đối với pháp gốc này, cũng nên thấy như thế.
Này Xá Lợi Phất! Ví như có người, có khả năng dùng một ngón tay hiện ra năm ngón tay, ý ông nghĩ sao?
Việc đó có khó làm không?
Xá Lợi Phất thưa: Rất khó, thưa Bà Già Bà! Rất khó, thưa Tu Già Đà!
Phật nói: Này Xá Lợi Phất! Ta nói việc này khó như hư không… pháp giới. Hư không…
Pháp Giới đã hiểu rồi thì sẽ vì người khác mà giải nói: Cái khó này là ở chỗ ấy. Ta nói việc này là hiếm có.
Vì sao?
Vì Bồ Tát Ma Ha Tát này đã biết các pháp là bình đẳng như hư không, không thật, không tạo hý luận mà có thể tăng trưởng.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát với các thiện căn, có được. Nên biết Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác và các thiện căn đó đều là hư vô rỗng không, không chắc chắn. Cho đến lúc, thị hiện Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác và các thiện căn đó thì mới không còn dối gạt. Lúc đó là giác ngộ Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Thế nên, Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát nên mặc áo giáp như: Ta tin các pháp là không chắc chắn. Nếu ai không nhập vào nhẫn này thì không thể thành tựu tám nhân pháp. Pháp Tu Đà Hoàn, pháp Tư Đà Hàm, pháp A Na Hàm và pháp A La Hán. Huống gì là giác ngộ được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Chỉ trừ Bồ Tát Ma Ha Tát đã đầy đủ trí tối thắng ở trong ba cõi.
Xá Lợi Phất! Các Bồ Tát Ma Ha Tát nên thân gần thiện hữu, cung cấp và cúng dường.
Thế nào là thiện hữu?
Là người hướng dẫn thực hành sáu pháp Ba la mật. Nếu dạy các việc khác thì không phải là thiện hữu. Nếu Bồ Tát Ma Ha Tát nói như vậy, dạy như vậy, nên học các Ba la mật như vậy. Nếu học các pháp Bồ Tát như vậy. Đây mới là chân thật thiện hữu của Bồ Tát Ma Ha Tát.
Này Xá Lợi Phất! Ví như một giọt sữa đem ném vào biển cả, ý ông nghĩ sao?
Giọt sữa đó có nhiều không?
Xá Lợi Phất thưa: Không nhiều, thưa Bà Già Bà! Không nhiều, thưa Tu Già Đà! So với lượng nước kia thì đây chỉ là một giọt.
Phật nói: Đúng thế, đúng thế! Này Xá Lợi Phất! Các Thanh Văn, Độc Giác có quá ít giới, định, trí, giải thoát, giải thoát tri kiến thì không thể làm lợi ích cho các chúng sinh.
Này Xá Lợi Phất! Ví như lấy một giọt dầu, bỏ vào ao hoa, giọt dầu đó liền tan ra khắp không còn thấy đâu là giọt dầu nữa.
Cũng vậy, này Xá Lợi Phất! Giới, định, trí, giải thoát, giải thoát tri kiến và kể cả các thiện căn của Bồ Tát Ma Ha Tát, đều là vì các chúng sinh để được thọ dụng, cho đến Niết Bàn rốt ráo.
Này Xá Lợi Phất! Ví như có một người ở nơi biển cả, chẻ sợi lông ra làm trăm phần, rồi lấy một phần, để lấy một giọt nước.
Ý ông nghĩ sao?
Giọt nước đó so với nước trong biển cả thì phần nào nhiều?
Xá Lợi Phất thưa: Thưa Thế Tôn! Giả sử như có lấy đến trăm du xà na cũng vẫn còn ít hơn. Huống gì là chẻ trăm phần lông, rồi lấy một giọt nước, lượng nước đó có là bao.
Phật nói: Đúng vậy! Này Xá Lợi Phất! Trí của Thanh Văn, Độc Giác như một giọt nước. Còn tri kiến của Bồ Tát Ma Ha Tát như nước của biển cả. Bồ Tát Ma Ha Tát đầy đủ tri kiến như vậy, cho nên có khả năng tạo mọi thành tựu đầy đủ cho chúng sinh, cho đến đưa tới Niết Bàn vô dư.
Khi Phật tán thán công đức pháp bản của các Bồ Tát Ma Ha Tát. Có vô lượng A tăng kỳ vô biên các chúng sinh phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Có vô lượng A tăng kỳ vô biên các Bồ Tát Ma Ha Tát thiện căn càng mạnh mẽ, tăng trưởng, khuyến khích tu hành và được thành tựu. Có vô lượng A tăng kỳ vô biên hàng Trời, Người xa lìa trần cấu, trong các pháp đạt được pháp nhãn thanh tịnh.
Lúc Phật nói Kinh này, Tôn Giả Xá Lợi Phất và các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Trời, Người, Càn Thát Bà, A tu la nghe Phật nói đều hoan hỷ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Trì Thế - Phẩm Một - Phẩm Tứ Lợi - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Chín - Pháp Hội úc Già Trưởng Giả - Phần Hai
Phật Thuyết đà La Ni Phật đỉnh Tôn Thắng
TRUNG ĐẠO LÀ HẠNH TU THÙ THẮNG NHẤT
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bản Sinh Tâm địa Quán - Phẩm Mười - Phẩm Quán Tâm