Phật Thuyết Kinh Như Lai Hưng Hiển - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH NHƯ LAI HƯNG HIỂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN BA
Cùng ở khắp ba đời
Tất cả không ngăn ngại
Bản tế không tạo tác
Không tạo lẽ tự nhiên
Vốn tịnh như hư không
Không bẩn, không trần lao.
Bậc Tối thắng hiển bày
Tất cả đều nghiêm tịnh
Bỏ hết làm, không làm
Dứt sạch việc có không
Phóng hiện các ngôn âm
Cùng tất cả phát âm
Dứt ý niệm đi về
Diệt độ không chốn có.
Chư mười lực như thế
Với pháp luôn tự tại
Tất cả lời vô thanh
Cũng không thể nắm giữ
Tịch tỉnh cũng như vậy
Liễu rõ tất cả pháp
Như dấu chim trong không
Hoặc như đá trong không.
Duyên là chỗ thệ nguyện
Mà thị hiện sắc không
Tự quán các mười lực
Chỗ biến hóa Tối thắng,
Giả sử muốn vào đó
Cõi Tối thắng như vậy
Phải chí niệm tuân đạo
Chí tánh ấy tự tịnh
Điều phục các tư tưởng
Ở nơi niệm vô niệm.
Như dấu chim trong không
Tâm vào đâu cũng vậy
Cho nên đã an trú
Tỉnh nơi Đạo Sư hành
Nghe chỗ nói của tôi
Nêu rõ các ví dụ.
Nói về chư mười lực
công đức không cùng tận
Huống gì nói nghĩa ấy
Giảng nói về Thánh tôn
Như loài chúng sinh kia
Tự nhiên hành hết mình
Không thể tính, nghĩ bàn
Chỗ hành các Đạo Sư
Cảnh giới của mười lực
Phật đạo tự tại chuyển
Thành tựu các gốc đức
Nghe nói thảy công đức.
Nay hiện làm cõi người
Nghĩ và làm không khác
Chưa từng nghĩ lãnh chịu
Nương nhân duyên hội tụ
Ngôn âm ngàn ức cõi
Phật nói khế hợp khắp.
Sở dĩ có ngôn thuyết
Vì có cõi Tam Thiên
Trên cõi người như thế
Những việc ấy tự nhiên
công đức khó diễn bày
Chỗ biến khắp như vậy
Có thể biết số lượng
Tất cả niệm chúng sinh
Khó biết bậc thị hiện
Tự nhiên trong sở hành.
Lại nữa, này Phật Tử! Như cơn mưa đó không từ đâu đến, chẳng đi về đâu mà có sự thấm nhuần. Đó là do chúng sinh có tội phước khác nhau nên thấy có sự đến đi vậy thôi.
Cũng thế, này Phật Tử! Các Đức Như Lai hóa đạo cũng không từ đâu đến, không đi về đâu mà có ra cơn mưa pháp, chỉ do các oai lực nơi gốc đức của Chư Bồ Tát mà hiện ra tướng hóa đạo ấy. Đó là việc thứ ba.
Bồ Tát nói kệ tụng:
Như mưa không đâu đến
Cũng chẳng đi về đâu
Phật giáo hóa tất cả
Không đến cũng không đi.
Lại nữa, này Phật Tử! Ví như cơn mưa lớn ở Tam Thiên Thế Giới rơi vào thân mọi người thì họ không thể tính đếm được số giọt mưa ấy.
Giả sử, ở một Cõi Phật hưng khởi cho chúng sinh tư niệm về một hồ chứa rộng lớn thì mắt tâm của họ bị choáng ngợp, chỉ có Thiên Tử Vũ Tôn chủ nhân về việc này trong Tam Thiên Thế Giới mới biết hết số lượng hạt mưa ấy không sót một giọt, đó là do gốc đức của đời trước đã từng đạt đến.
Cũng vậy, thưa Đại Sĩ! Tất cả chúng sinh, Thanh Văn, Độc Giác thì không thể tư duy biết rõ hồ pháp rộng lớn của Như Lai, chỗ khởi niệm của họ không thể theo kịp với đại tâm Như Lai.
Giả sử có nghe cái đại tâm ấy thì cũng sẽ bị mê hoặc che lấp, chỉ có những chúng sinh tôn Bồ Tát đại nhân đã từng khéo tu đạo nghiệp ở đời Phật quá khứ, được oai lực vô thượng thì mới có thể biết được. Đó là việc thứ tư.
Bồ Tát nói kệ tụng:
Giả như có mưa lớn
Khắp ba ngàn Cõi Phật
Chỉ Tôn Thiên Tử biết
Ngoài ra không thể rõ
Kể cả hết thảy thừa
Thanh Văn và Duyên Giác
Không hiểu mưa Phật Pháp
Chỉ Bồ Tát mới thông.
Lại nữa, này Phật Tử! Lúc mây lớn nổi lên, lại có cơn mưa tên là Diệt trừ, nó làm tiêu diệt tất cả lửa đốt. Lại có mưa lớn tên là quán loạn, nó làm tiêu hoại nạn thủy tai. Lại có cơn mưa gọi là đoạn tuyệt, nó làm diệt trừ các loại gió.
Lại có mưa lớn tên là Hoại bại, nó hủy hoại các vật báu. Lại có cơn mưa lớn gọi là Tiêu lạn, nó làm tiêu nát Tam Thiên Thế Giới. Cũng vậy, Như Lai thị hiện ra ở đời có đại mưa pháp tên là Diệt trừ để nêu bày hồ nước pháp, tiêu trừ tất cả trần lao ái dục. Lại có đại mưa pháp tên là Tích nghiệp, nhằm tuyên diễn hồ nước pháp để tích lũy tất cả các gốc đức.
Lại có đại mưa pháp tuyên diễn hồ nước pháp gọi là Quyên thích, nhằm đoạn trừ tất cả sáu mươi hai tà kiến. Lại có đại mưa pháp làm rõ hồ nước pháp khắp gọi là Hoại bại, khiến cho trí tuệ của tất cả các pháp được thành tựu. Lại có đại mưa pháp diễn bày hồ nước pháp gọi là Tiêu hóa, hóa diệt tất cả chốn hành nơi tâm chí. Đó là việc thứ năm.
Bồ Tát nói kệ tụng:
Như mưa trừ diệt lửa
Có mưa hoại thủy tai,
Có mưa đoạn tuyệt gió,
Và mưa hủy núi báu.
Như Lai thị hiện đời
Diệt tất cả tham dục
Tích lũy các gốc đức
Trừ sáu hai tà kiến.
Mưa pháp khắp mười phương
Thành tựu tất cả tuệ
Hóa chí tánh chúng sinh
Khiến thuận theo Chánh Giác
Không tham luyến bốn đại
Ba Cõi không tự tánh
Tự nhiên từ vô lượng
Ba đạt không ngăn ngại.
Lại nữa, này Phật Tử! Như nước mưa chỉ có một vị mà tưới nhuận vô hạn, thấm nhuần cùng khắp. Như Lai cũng vậy, dùng một tâm đại Bi mà mưa ra tất cả hồ nước pháp cùng khắp, tới tận vô biên, đạt đến Đại Thánh, cho nên gọi là Như Lai hiển hiện phân minh vô lượng pháp. Đó là việc thứ sáu.
Bồ Tát lại nói kệ rằng:
Như nước mưa một vị
Mà thấm ướt cùng khắp
Như Lai cũng như vậy
Bình đẳng không nghiêng lệch.
Dùng một tâm đại bi
Mưa xuống khắp mọi người
Pháp trạch thật vô biên
Đem hết về đạo lớn.
Lại nữa, này Phật Tử! Cũng như lúc Tam Thiên Thế Giới hình thành, trước hết hoàn thành thân các Thiên Tử và các Cung Điện của cõi Sắc, thứ đến hoàn thành con người và chỗ ở của Cõi Dục, sau đó thành tựu các loài chúng sinh.
Như Lai xuất hiện ở đời cũng vậy, trước hết thành tựu trí tuệ Chư Bồ Tát, sau đó diễn bày tuệ hạnh Duyên Giác, thứ nữa mới hiển thị chốn hành gốc đức của trí tuệ Thanh Văn, sau cùng mới chỉ bày chỗ hành trí tuệ nhóm họp gốc thiện cho tất cả chúng sinh khác.
Đạo pháp chỉ một vị mà tùy theo sở thích, chỗ hành gốc đức, chỗ ở nhà cửa, xứ sở Cung Điện của mỗi một chúng sinh mà hiện ra mỗi một loại hoặc hiện ra mặt trái của sự tiện dụng. Pháp vị của Như Lai cũng như vậy, tùy theo trình độ chúng sinh và chỗ gieo trồng gốc đức mà tự nhiên hiển bày tuệ hạnh. Đó là việc thứ bảy.
Bồ Tát lại nói kệ rằng:
Như trước lập Thiên Cung
Sắc Giới, Vô Sắc Giới
Sau đó mới hình thành
Cung điện của Dục Giới
Sau mới thành mặt đất
Muôn dân và xứ sở
Tất cả loại chúng sinh
Các Rồng, Kiền Đạp Hòa.
Mười lực cũng như vậy
Vốn hợp với tự nhiên
Tu hành không bờ mé
Oai nghi từ Bồ Tát
Sau mới thật tịch nhiên
Nhân duyên mà được thành
Thứ đến được tự tại
Mới sống cùng chúng sinh.
Các giọt mưa rơi xuống
Không xanh cũng không vàng
Nước thì thấm vào đất
Do vô số duyên sinh.
Và nhờ đất mới thành
Sinh cây cỏ núi rừng
Nước ấy không những thế
Còn tạo nhiều địa chủng.
Đạo Sư ở chân lý
Trí tuệ là Thánh đạt
Bi tuệ như hư không
Cầm nắm các phương tiện.
Như pháp Bậc Tối thắng
Vào đó tức cúng dường
Trí tuệ rời cấu nhiễm
Thân ấy không chỗ trụ.
Lại nữa, này Phật Tử! Như lúc hưng khởi thủy tai ngang bằng với hư không, trong Thế Giới ba ngàn hiện ra hoa sen tên là Thành Đức Bảo, tự nhiên sinh vô số loại làm che lấp nạn thủy tai ấy và chiếu khắp thế gian.
Giả sử lúc hoa sen tự nhiên xuất hiện có, Thiên Tử Đại Tôn và Trời Tịnh Cư thấy được cũng hoa sen ấy thì biết trong kiếp ấy phải có bao nhiêu bậc Bình Đẳng Giác xuất hiện ở đời. Ở đó có gió tự nhiên tên là Hiển diệu, lúc thổi lên khắp cùng thì nhà cửa Cung Điện của Thiên Tử nơi Dục Giới được thành lập.
Lại có ngọn gió tên là Tịnh hiển minh, nó làm an ổn, thanh khiết và thành lập nhà cửa Cung Điện của Thiên Tử Dục hành. Lại có ngọn gió gọi là nhất loại, không hủy hoại mà còn thành lập núi Đại Thiết Vi, núi Kim Cang. Lại có ngọn gió gọi là Đặc tôn, mỗi khi nó thổi lên thì thành lập núi chúa Tu Di sơn. Lại có ngọn gió tên là Trường lập, mỗi khi nó thổi lên thì thành lập bảy núi chúa Đại Bảo.
Đó là:
1. Âm đồ lợi.
2. Ý thử sơn kỳ lợi.
3. Trừ hại bảo.
4. Trừ ưu đà la.
5. Thoát hóa Dân tùy la.
6. Mục lân đại mục lân
7. Hương sơn băng sơn.
Lại có ngọn gió tên là Thiện Trú, mỗi khi thổi lên thì thành lập đại địa. Lại có ngọn gió tên là Nghiêm tịnh, thành lập nhà cửa Cung Điện của Chư Thiên Du Địa, Thiên, Long, Kiền Đạp Hòa. Lại có ngọn gió tên là Vô tận ý, thành lập và lưu thông tất cả vực sâu đáy biển trong Tam Thiên Thế Giới. Lại có ngọn gió tên là Chiếu minh tạng, thành lập Bảo châu như ý khắp thế gian, lại có ngọn gió gọi là Kiên cố căn, mỗi khi thổi lên sẽ thành lập vỏ thân cây.
Như vậy thưa Đại Sĩ! Nước cơn mưa ấy chỉ là một vị, nước kia không hề tưởng nghĩ là nó hình thành vô số các pháp tự nhiên, nhưng vì chỗ biết và gốc đức của chúng sinh nên thấy các pháp có sự sinh diệt. Như các gió ấy, dùng nhiều loại gió mà phân biệt biết rõ Tam Thiên Thế Giới.
Đức Như Lai Chánh chân Đẳng Chánh Giác sở dĩ mang lại tất cả gốc đức, thành tựu trí tuệ vô thượng, vô cực của các pháp, là vì làm đầu mặt cho cõi đời không để cho đoạn mất. Tánh Như Lai sáng bày vô cực, ánh sáng oai thần chiếu khắp thế gian không một chỗ nào mà không soi thấu. Lúc thấy ánh sáng ấy mỗi một chúng sinh đều phải chí tâm quy hướng Như Lai.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba