Phật Thuyết Kinh Như Lai Hưng Hiển - Phần Mười Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH NHƯ LAI HƯNG HIỂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN MƯỜI BA
Này Phật Tử! Sao gọi là Bồ Tát hội nhập nơi sự thị hiện diệt độ của Như Lai chí chân?
Bồ Tát ấy muốn vào sự diệt độ thì phải hiểu rõ tất cả vốn thanh tịnh, tự nhiên, tức là như Phật. Giống như vô bản mà quay về diệt độ. Như Lai diệt độ cũng là như vậy.
Lại nữa, bản tế, pháp giới cũng như vậy, giống như cõi hư không vô cực. Lại như bản tịnh, chân bản tế mà lìa dục tế, như vô tướng tế, vô tự nhiên tế. Giống như tất cả các pháp vốn thanh tịnh, như chân bản tế giữ lấy diệt độ. Như Lai diệt độ cũng là như thế.
Vì sao?
Vì tương ưng hay không tương ưng và tất cả những điều ấy đều không sai khác, không sinh không diệt. Giả sử các pháp không sinh không diệt thì chúng không trú, cũng chẳng phải không trú. Không rời, cũng chẳng phải không rời. Lại nữa, Như Lai không vì hưng phát sự rộng nói cho chúng Bồ Tát mà giữ lấy sự diệt độ vĩnh viễn vô dư.
Vì sao?
Vì tất cả Như Lai đều ở trước mắt, nếu như hiện tại, quá khứ cùng với vị lai cũng vậy thì nhất thời đều thành tựu trí tuệ, phút chốc đắc đạo, nhìn thấy chư Như Lai đều đang tuyên thuyết thông suốt âm thanh sắc tướng, không khởi hai tưởng cũng chẳng không hai tưởng.
Thấy chư Như Lai đã bỏ các tưởng tương ưng với hạnh Bồ Tát, buông xả các sự trú chấp. Như Lai chẳng hề nghĩ là làm vui lòng tất cả chúng sinh, đó là Như Lai diệt độ. Chỉ vì thương xót các tưởng lo sợ của họ nên xuất hiện ở đời mà cũng chẳng diệt độ.
Vì sao?
Vì chỗ trú của Như Lai là ở pháp giới, làm vui lòng mọi chúng sinh cho nên có hiện thân mà có sự diệt độ, vì do pháp giới vô biên.
Cũng giống như lúc Mặt Trời mọc thì ánh sáng của nó chiếu khắp thiên hạ và ảnh hiện trong nước mà nó chẳng hề tưởng nghĩ, cũng không chuyển dời và đều chiếu soi không chỗ nào không có. Những nơi chứa nước thì đều thấy ảnh của nó, nếu đồ chứa nước không có nước thì chẳng thấy ánh sáng mặt trời.
Ý ông thế nào?
Có thể cho đó là lỗi của mặt trời mà làm cho ảnh của nó không hiện ra ở đồ chứa nước chăng?
Bồ Tát thưa: Bạch Thế Tôn! Không phải vậy. Đó là lỗi của vật chứa không có nước, chẳng phải là lỗi của mặt trời.
Đức Phật dạy: Đúng vậy! Mặt trời trí tuệ của Như Lai đem bản hạnh đến các pháp giới là đều vì chúng sinh mà thường diễn thanh tịnh, hưng khởi việc tự nhiên, đạt đến đạo nghiệp, hiển bày ánh sáng của biển tâm và thường nhìn thấy thân Như Lai. Do đồ đựng con người bị hư hoại, tâm mang uế trược nên không nhìn thấy uy quang của Đức Phật.
Này Phật Tử! Cần phải hóa độ chúng sinh khát ngưỡng chưa hiển bày tánh Như Lai là hiện diệt độ. Cũng không có sinh, không có cái bất sinh, cũng không diệt độ.
Rồi nói kệ tụng:
Như Mặt Trời chiếu khắp
Cõi giới cùng bờ bến
Chỗ thấy ảnh khó giữ
Vừa thấy là biến mất.
Chư Phật cũng như vậy
Hiện khắp ở thế gian
Chúng sinh chưa thuần tín
Dùng vô vi dạy bảo
Quán khắp các Cõi Phật
Bình đẳng bởi như huyễn
Các nhân duyên huân tập
Mà phân biệt ta, người
Giả như có tạo hạnh
Chỗ Phật làm rốt ráo
Hoặc chẳng thấy Đại Thánh
Chỗ thấy đều không đồng
Định lực Bậc Tối Thắng
Gọi là Giải vô thường
Phật dùng đó diệu dụng
Về sau hiện Đẳng sinh
Vì phân biệt thân hình
Là vô lượng vô hạn
Khắp mười phương chốc lát
Phật giống như hoa sen.
Giống như lửa vì khắp chúng sinh mà nấu chín và thành tựu nhiều thứ. Ví như có một lúc nào đó, ở một nơi nào đó lửa bỗng nhiên tắt hết.
Ý ông thế nào?
Lửa có tắt hết khắp tất cả thế gian chăng?
Bồ Tát đáp: Bạch Thế Tôn! Không phải vậy.
Đức Phật dạy: Đúng vậy! Như Lai đều vào khắp tất cả pháp giới vô dư, hưng khởi Phật sự. Vào một lúc khác, ở một Cõi Phật khác, hiển phát đạo ý bèn thấy diệt độ mà thật chẳng phải diệt độ. Bồ Tát phải dùng ấn tâm như vậy để vào Bát Niết Bàn của Như Lai. Giả sử có một ảo thuật sư giỏi về huyễn thuật, biết rõ phương tiện, thông thạo Thần Chú, luôn luôn tinh chuyên.
Ông ta có thể hóa tam thiên Thế Giới thành nước. Thân ông ta tự hiện ra tại một nước, một quận, một ấp nào đó. Ông ta dừng lại trong một kiếp mà duy trì kiến lập thành ấp, rồi ông ta muốn đi đến một nước, một quận, một thành ấp khác thì những thành ấp trên đều biến mất.
Ý ông thế nào?
Huyễn thuật sư ấy đều tận diệt hết hay không?
Bồ Tát thưa: Bạch Thế Tôn! Không phải như vậy.
Đức Phật dạy: Đúng vậy! Như Lai khéo học vô lượng huyễn tuệ, thị hiện phương tiện quyền xảo, kỳ thuật Thánh chú, vào khắp tất cả, vào trọn pháp giới mà không hề thấy chỗ vào. Giống như huyễn hóa, hiện thân Như Lai, ở tại pháp giới, cùng hư không giới.
Nghĩa là tùy theo chỗ tin ưa của chúng sinh mà hiển bày mỗi một cõi nước Chư Phật mà hiện diệt độ. Không chỉ ở trong một cõi nước thị hiện Bát Niết Bàn mà ở khắp tất cả pháp giới. Như Lai đều thị hiện như vậy không một chỗ nào mà không khắp thấu. Này Phật Tử! Là Bồ Tát thì phải biết thể nhập chư Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác hiện diệt độ.
Lại nữa, Phật Tử! Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác có tam muội gọi là Vô sở trước định ý chánh thọ hiện diệt độ. Lúc dùng định ấy trong tam muội thì nơi mỗi lỗ chân lông của pháp thể Như Lai đều diễn xuất trăm ngàn ức na do tha ánh sáng khó tính đếm được.
Mỗi mỗi ánh sáng đều hóa hiện ra hoa sen không thể suy lường. Mỗi một hoa sen đều biến hiện ra vô số Tòa Sư Tử tự nhiên vi diệu. Trên mỗi tòa ấy đều có hóa thân Như Lai ngự tọa. Như Lai tùy theo tâm lượng vô số chúng sinh mà tự hóa lập đầy đủ hình mạo, công đức chân đế viên tịnh đầy khắp như bản nguyện trong quá khứ xa xưa.
Nếu có chúng sinh nào các căn thuần thục thì liền thấy rõ dung mạo thị hiện của Như Lai. Như Lai dùng phương tiện theo luật giáo mà kiến lập bản tế nghiêm tịnh ở vị lai. Tùy thuận theo tâm chí thuần thục của chúng sinh mà dùng lục độ.
Hình tướng Như Lai không có xứ sở, cũng không phải không có xứ sở. Không có sở thuyết, cũng không phải không có chỗ nêu thuyết. Không có cái thường, cũng không phải không có cái thường. Lại nữa, chư Như Lai hẳn nhiên là do bản hạnh thệ nguyện đời trước mà khai thị chúng sinh, diễn đạt các căn ấy là chỗ hóa hiện oai thần của Thánh chí.
Này Phật Tử! Chư Bồ Tát hội nhập nơi đại Niết Bàn của Như Lai mà chỗ nhập không hạn lượng, không hề ngăn ngại nơi vô lượng hư không giới, cứu cánh pháp giới.
Lại nữa, pháp tánh của Như Lai, không sinh không diệt, ở nơi bản tế. Sự thị hiện của Như Lai là muốn cho chúng sinh luôn được an nghỉ. Như Lai dùng oai thần kiến lập khắp để chỉ bày cho tất cả pháp giới chúng sinh, tùy thuận theo căn tánh của họ mà diễn bày pháp yếu. Tuy có tạm lập Duyên Giác, nhưng chỉ có Bồ Tát mới biết rõ.
Rồi nói kệ tụng:
Phật vô trước, Vua định
Tối tôn trong chúng sinh
Lực đại bi vô cực
Pháp Thân bao trùm khắp
Ở nơi đạo chánh chân
Diễn mưa pháp phân minh
Sáng nhuần chẳng tưởng nghĩ
Khắp đời mỗi một khác.
Ngưỡng mộ tuệ như thế
Tâm các bậc mười lực
Thánh tối tôn quán sát
Lấy những gì làm đạo
Ở mười phương khắp cùng
Các chúng sinh hữu hình
Nghĩ tất cả đều không
Vô tự nhiên, vô thân.
Phương tiện tuệ Bồ Tát
Biến tòa sen Sư Tử
An ổn biết bao chốn
Khắp pháp giới chúng sinh
Tất cả Thánh an trụ
Thành trí tuệ tự nhiên
Dùng vô cực tuệ này
Siêu việt các hình tướng
Đã bình đẳng giải thoát
Pháp giới chẳng ta, người
Ở mười phương tại đó
Lý do có Duyên Giác
Phật mới rõ điều đó
Thấu pháp giới trọn vẹn
Lại quán các pháp giới
Không tăng cũng chẳng giảm.
Thân cận Thánh Tối thắng
Tuệ tự tại tất cả
Hàng hữu học, vô học
Hữu vi cùng vô vi
Đều an trú tự tại
Không giảm cũng chẳng tăng
Không diệt cũng chẳng sinh
Phật tuệ khó nghĩ bàn.
Như nước chảy thông dòng
Dần dần chảy lan khắp
Thấm ướt khắp mặt đất
Nước ấy không phân biệt
Đất cũng chẳng khởi nghĩ
Không cho nước chảy khắp.
Sức tinh tấn vâng tu
Phân minh rộng khắp cả
Mười lực chẳng bờ mé
Giải thoát khỏi chúng sinh.
Những loài chúng sinh ấy
Tuệ an trú tư duy
Tuân theo đó tu hành
Thân lập sự tinh tấn
Biết vậy không bao lâu
Sẽ đạt tuệ công đức.
Này Phật Tử! Sao gọi là Đại Bồ Tát phải vào tất cả các gốc đức mà nghe biết chỗ hiện của Như Lai?
Bồ Tát ấy phải dùng chân hành vô tâm chứ không thể đem sự hư vọng để quán biết Như Lai. Bồ Tát biết được việc trồng các gốc đức, vào nơi vô lượng hành nghiệp tham dục bằng oai thần cứu cánh, dùng bình đẳng để chế ngự các hành nghiệp ấy. Sinh trong cảnh hữu vi mà đầy đủ tất cả các nguyện không cùng tận, đi vào vô vi mà luôn khởi dụng đến tận vị lai không hề hạn hữu, xét tận sắc, dục về tự tại địa.
Như có một người muốn dùng ngọn gió thoảng nhẹ để hủy hoại kim cương, việc đó không thể được. Phải luôn nghĩ thân thể này toàn là vật bất tịnh, nếu phân lìa ngũ tạng ra riêng biệt thì chẳng có gì là thân thể, là sở hữu cả. Lại nữa, pháp tánh của gió ấy và không có chỗ tiêu mất.
Như vậy, này Phật Tử! Theo Phật Pháp và lời dạy của Như Lai thì tuy trồng gốc đức hơi mỏng nhưng đều có thể phá trừ tất cả hữu vi là chỗ trú của phiền não vọng tưởng. Trí tuệ của Như Lai ứng với vô vi, thật vô sở hữu, trừ các ngăn ngại, sự trồng các gốc đức của Như Lai không chỗ diệt mất. Giống như có người tích tụ củi khô, rơm cỏ nhiều như núi Tu Di nhưng chỉ một ngọn lửa bằng hạt cải ném vào củi ấy thì tức thời cháy ngay không sót một gì.
Vì sao?
Vì ý nghĩa của lửa chủ về việc thiêu đốt. Hành giả cũng vậy, tuy đối với Như Lai trồng ít phước đức nhưng đều có thể đốt cháy vô số phiền não không còn dư sót, mau chóng gần gũi và trở về sự diệt độ.
Vì sao?
Vì đã gần gũi Như Lai trồng các gốc đức thì vĩnh viễn dứt sạch các chướng ngại và tội cấu. Ví như có một vị thuốc lớn tên là Thiện kiến, giả như có người thấy sắc của nó, nghe tiếng, ngửi mùi, ăn uống rồi đeo vào thân thì mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều tự nhiên được thanh tịnh. Hoặc lúc người ấy chết chôn vào đất thì sẽ biến thành vị thuốc quý, có thể trừ các bệnh.
Như vậy, này Nhân Giả! Như Lai chí chân làm Đại Dược Vương, dùng Đại Thánh tuệ tạo lợi ích cho chúng sinh, chữa lành nhiều bệnh tật. Nếu có kẻ quán thấy sắc thân Như Lai thì mắt được thanh tịnh, tai nghe thì thấu rõ tam muội, nếu ngửi hương giới thì mũi tự nhiên được thanh tịnh, nếu uống pháp vị thì tròn đủ các hạnh, người ấy nghe được chỗ giảng của Như Lai, lưỡi tự nhiên tịnh, biện tài vô lượng.
Nếu gặp được ánh sáng của Như Lai thì liền được thân pháp. Nếu người ấy nhớ nghĩ về Như Lai thì tâm họ được bình đẳng an tịnh. Nếu có cúng dường Như Lai thì thành tựu gốc đức, trừ bệnh phiền não.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Bốn - Phẩm Thế Giới Thành Tựu - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bi Không Trí Kim Cương đại Giáo Vương Nghi Quỹ - Phần Bảy - Nói Mật ấn
Phật Thuyết Kinh Chư Phật Yếu Tập Kinh Pháp Cốt Yếu Của Chư Phật - Phần Tám
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Thập Luân - Phẩm Hai - Phẩm Chư Thiên Nữ Hỏi Về Bốn đại