Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bí Mật Chẳng Nghĩ Bàn Của Như Lai - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Chuyển Pháp Luân

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA BÍ MẬT

CHẲNG NGHĨ BÀN CỦA NHƯ LAI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MƯỜI BỐN

PHẨM CHUYỂN PHÁP LUÂN  

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Hoặc có Trời, người biết Bồ Tát hàng phục ma quân. Hoặc có Trời, người biết tất cả các chúng ác ma ấy, nhưng chưa từng đến chỗ của Bồ Tát.

Hoặc có Trời, Người vừa biết Bồ Tát trải cỏ Cát tường liền tựu đến tòa Bồ Đề. Hoặc có Trời, Người thấy Bồ Tát Thích Ca ngồi trên Tòa Sư Tử được trang nghiêm bằng các hoa sen. Hoặc có Trời, Người thấy Bồ Tát ngồi trên đất. Hoặc thấy Bồ Tát ngồi an tường dưới gốc cây Bồ Đề. Hoặc thấy Bồ Tát ở tại cây Ba Lợi Chất Đa La.

Hoặc cây Câu Tỳ Đà La, hoặc dưới cây Bồ Đề. Hoặc thấy Bồ Tát dưới gốc cây Bồ Đề do các báu tạo thành. Hoặc có Trời, Người thấy cây Bồ Đề cao bằng một cây Đa La. Hoặc có Trời, Người thấy Tòa Sư Tử cao bằng một cây Đa La.

Hoặc có Trời, Người thấy cây Bồ Đề cao bằng bảy cây Đa La. Hoặc có Trời, Người thấy Tòa Sư Tử cao bằng nửa cây Đa La. Hoặc thấy cây Bồ Đề cao đến tám vạn bốn ngàn do tuần. Hoặc thấy Tòa Sư Tử cao bốn vạn hai ngàn do tuần.

Hoặc có Trời, Người thấy Bồ Tát hàng phục quân ma. Hoặc có Trời, Người thấy một quân ma. Hoặc có Trời, Người thấy nhiều chúng ác ma. Hoặc thấy Bồ Tát dùng thần thông du hý phá chúng quân ma. Hoặc thấy Bồ Tát ở trong hư không. Hoặc thấy Bồ Tát ngồi Tòa Sư Tử ở trên hư không. Hoặc thấy Bồ Tát ngồi trên tòa báu dưới cây Bồ Đề chứng quả vị giác ngộ cao tột.

Tịch Tuệ nên biết! Bồ Tát thành tựu vô lượng các cảnh giới thanh tịnh tối thượng, đều là từ đại Bồ Đề tràng tối thượng tối thắng, đầy đủ vô lượng công đức và hiện các tướng thù thắng như vậy.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Bồ Tát ngồi tại Bồ Đề tràng tối thắng tối thượng hàng phục ma quân rồi liền có các chúng Bồ Tát đồng tu phạm hạnh thuở trước trong mười phương A tăng kỳ Thế Giới, đều đến nơi đó nói lên tiếng thanh tịnh vô úy như: Tiếng tốt đẹp, tiếng vui thích, tiếng hoan hỷ, tiếng tấn tốc, tiếng lanh lẹ, tiếng lành thay, tiếng bất không, tiếng dũng mãnh, tiếng sĩ phu, tiếng không thoái chuyển, tiếng tăng ích, tiếng cát tường.

Tiếng không nhiệt não, tiếng đại bi thương xót, tiếng ý vui đời trước, tiếng không rời bỏ công đức, tiếng vừa ý, tiếng hòa hợp kiên cố, tiếng Bồ Tát du hý, tiếng lợi ích thù thắng, tiếng sát na tương ưng, tiếng trí nhất thiết trí, tiếng thành Đẳng Chánh Giác.

Khi các Bồ Tát ấy nói ra những tiếng thanh tịnh như vậy, mười phương Thế Giới đều đến hội họp. Trong Bồ Đề tràng tối thượng tối thắng, các chúng Bồ Tát lại dùng trăm ngàn ức lời hay đẹp để khích lệ, bày biện các món cúng dường thù thắng vi diệu và dùng những lời khen ngợi tối thắng.

Lúc đó các chúng Bồ Tát từng tu thiện hạnh đời trước, cùng với các Đại Bồ Tát ở tại Bồ Đề tràng, từ mười phương Thế Giới đến hội họp, cùng nhau khích lệ, cúng dường, khen ngợi như thế. Bồ Tát Thích Ca tuy hàng quân ma, nhưng ở chỗ ma không trái không thuận.

Vì sao?

Vì Bồ Tát đã lìa pháp trái thuận. Tâm Bồ Tát trong một sát na tương ưng với tuệ thù thắng. Hoặc có sở tri, hoặc có sở kiến, hoặc có sở đắc, hoặc có sở chứng, tất cả những thứ ấy Bồ Tát đều thành tựu.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Như Lai thành đạo quả rồi, Chư Phật Như Lai ở mười phương vô lượng A tăng kỳ Thế Giới đều duỗi cánh tay phải rờ thân Bồ Tát và an ủi, khích lệ: Thân thể Bồ Tát không mệt mỏi chứ?

Tu tập có an lạc không?

Dùng tự nhiên trí để chứng phải không?

Chứng đắc mà tâm không chướng ngại mà chứ?

Dùng bình đẳng trí để chứng ư?

Tu tập không trở ngại chứ?

Mặc áo giáp đại bi ư?

Làm cho hạt giống Tam Bảo không đoạn tuyệt chứ?

Được tự tại trong tất cả pháp chứ?

Tịch Tuệ nên biết! Lúc bấy giờ, những ai đã có căn lành thành thục rồi, thì có thể đến gần Bồ Đề tràng và biết những việc làm thù thắng. Còn những ai căn lành chưa thành thục, thì không thể thân cận cũng không thể biết gì.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Như Lai thành đạo quả rồi, trong bảy ngày đêm trầm lặng tư duy rõ về pháp lạc chân thật, rồi lại ngắm mãi cây Bồ Đề mắt không nháy. Lúc đó có trăm ngàn Thiên Tử chí thành cúng dường khen ngợi đảnh lễ. Lại có trăm ngàn Thiên Nữ đều cung kính đảnh lễ xưng tán. Các Thiên Nữ ấy chiêm ngưỡng oai nghi thù thắng của Như Lai rồi, thảy đều phát tâm hướng tới quả vị giác ngộ.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Sau khi Như Lai thành tựu đạo quả, có bốn Đại Thiên Vương đều đem bát báu đến hiến cúng cho Thế Tôn.

Bốn Thiên Vương đó là: Thiên Vương Trì Quốc ở phương Đông, Thiên Vương Tăng Trưởng ở phương Nam, Thiên Vương Quảng Mục ở phương Tây, Thiên Vương Tỳ Sa Môn ở phương Bắc. Bốn Thiên Vương này ở bốn đại châu đã đến chỗ Phật. Các chỗ khác cũng lại như vậy, có trăm ức Tứ Đại Thiên Vương ở trăm ức bốn đại châu, đều cầm bình bát báu, cùng đến chỗ Phật cúng dường.

Lúc đó Như Lai nhận bốn trăm ức cái bình bát báu, rồi liền dùng thần lực hợp thành một cái bát.

Mỗi mỗi Tứ Thiên Vương đều khởi tâm như vậy: Đức Như Lai đã nhận bát cúng dường của ta, rồi đây sẽ lần lượt thọ thực trong bát ấy. Mỗi vị đều sinh tâm hoan hỷ thanh tịnh tối thượng, không còn thoái chuyển với đạo giác ngộ cao tột.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Sau khi Như Lai thành đạo, có hai vị khách buôn, một vị tên là Đát La Bố Sa, một vị tên là Phược Lê Ca và hơn sáu vạn Thiên Tử đều đến chỗ Phật. Những vị ấy là những vị đầu tiên dâng thức ăn thanh tịnh lên Thế Tôn.

Hai khách buôn và các Thiên Tử ấy do đời trước vốn đã phát nguyện nên thưa: Tôi nguyện dâng thức ăn thanh tịnh đầu tiên lên Thế Tôn. Cúi xin Thế Tôn nhận thức ăn cúng dường đầu tiên của tôi.

Tất cả sinh tâm hoan hỷ và đều được không thoái chuyển với đạo giác ngộ cao tột.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Khi Bồ Tát mới bước lên đại Bồ Đề tràng tối thắng, lúc đó nhất thiết trí chưa viên mãn. Nay thành đạo quả rồi trí giác tròn đầy, nhưng chưa chuyển pháp luân rộng lớn, vì lợi ích chúng sinh.

Vì sao?

Từ lúc mới phát tâm cho đến nay, Bồ Tát ngồi Bồ Đề tràng thành Chánh đẳng giác, chỉ vì muốn làm lợi ích cho chúng sinh.

Tịch Tuệ! Vì lý do đó, cho nên ông nay nên biết! Các vị Bồ Tát sau khi thành Bồ Đề rồi, mỗi vị đều như vậy, đều vì vô lượng chúng sinh mà làm lợi ích.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Như Lai thành đạo quả rồi, lúc đó có Phạm Vương tên Thi Khí, cùng với sáu trăm tám mươi vạn Thiên Tử cõi Phạm chúng đều cung kính vây quanh rời khỏi Phạm giới, đến trước đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu bên phải bảy vòng, chắp tay chí thành khuyến thỉnh Thế Tôn chuyển diệu pháp luân.

Thưa như vậy: Cúi xin Thế Tôn, cúi xin Đấng Thiện Thệ vì chúng sinh mà chuyển diệu pháp luân. Trong hội có những người có đủ pháp khí, có khả năng hiểu biết những lời Phật dạy.

Đó là do Thiên Vương Trì Quốc thuở xưa có phát nguyện thù thắng rằng: Tôi nguyện trong hiền kiếp Chư Phật Như Lai thành đạo rồi đều khuyến thỉnh chuyển diệu pháp luân.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Nay không phải chỉ có Phạm Vương Thi Khí khuyến thỉnh Như Lai chuyển diệu pháp luân.

Vì sao?

Vì Phạm Vương Thi Khí vừa thỉnh xong, lại có mười ức chúng Phạm Vương, mười ức chúng Trời Đế Thích, mười ức chúng Bồ Tát cũng đều khuyến thỉnh Như Lai chuyển diệu pháp luân.

Lúc đó Phạm Vương Thi Khí biết Phật Thế Tôn im lặng nhận thỉnh, liền đến vườn nai Chư Tiên đọa xứ thuộc nước Ba La Nại, vì Phật Thế Tôn mà trải Tòa Sư Tử đẹp đẽ, cao bốn vạn hai ngàn dotuần trang nghiêm vi diệu đặc biệt, đầy đủ tướng thù thắng, ai cũng thích xem, đem đặt trên đất.

Phạm Vương Thi Khí vừa thiết Tòa Sư Tử đẹp xong, theo đó tức thời lại có mười ức chúng Phạm Vương, mười ức chúng Trời Đế Thích, mười ức chúng Đại Bồ Tát vì Thế Tôn mà thiết lập Tòa Sư Tử hết sức đẹp đẽ, trang nghiêm đặc biệt, đầy đủ tướng thù thắng, ai cũng thích xem.

Bấy giờ Thế Tôn liền đến vườn nai chư Tiên đọa xứ, thuộc nước Ba La Nại. Đến nơi, Thế Tôn hóa hiện mỗi thân đều ngồi nơi tòa Sư Tử. Lúc đó, Phạm Vương, Đế Thích, các Đại Bồ Tát ai nấy cũng đều thấy Như Lai ngồi trên tòa của mình cúng. Ngồi trên tòa ấy chuyển đại pháp luân. Thấy vậy, các chúng đều sinh tâm hoan hỷ thanh tịnh, không còn thoái chuyển với đạo giác ngộ cao tột.

Khi Đức Thế Tôn đã ngồi trên Tòa Sư Tử tối thượng, tức thời mười phương vô biên Thế Giới đều chấn động, có ánh sáng lớn chiếu sáng khắp nơi.

Lúc đó Đức Thế Tôn liền nhập Vô biên cảnh giới Tam Ma Địa. Khi Thế Tôn vào Tam Ma Địa ấy rồi, lúc ấy Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, tất cả đại địa bằng phẳng như lòng bàn tay.

Lại có tất cả chúng sinh trong tam thiên đại thiên Thế Giới, hoặc Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, Trời, Người các nẻo, tất cả các loài chúng sinh đều được an lạc, không có một chúng sinh nào bị tham, sân, si và các phiền não nhiễu hại, cùng khởi tâm Từ, tưởng nhau như cha mẹ.

Lại nữa, khi Thế Tôn nhập Vô biên cảnh giới Tam Ma Địa ấy, có vô lượng A tăng kỳ Bồ Tát ở mười phương đều tập hội đến lắng nghe chánh pháp. Khi ấy tất cả những hạng có đầy đủ oai lực tận trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới như Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân, Phi nhân v.v… đều đến Phật hội lắng nghe chánh pháp.

Tịch Tuệ nên biết! Lúc Thế Tôn sắp nói pháp, khắp nơi trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, tất cả chúng Trời, Người đều đến tập hội vây kín xung quanh, đến nỗi một đầu sợi lông xen cũng không lọt. Tất cả đại chúng như vậy đều vì muốn nghe Thế Tôn tuyên thuyết chánh pháp.

Khi biết tất cả Trời, Người đại chúng đều đã tập hội, Đức Thế Tôn liền xả định phát khởi tâm đại bi, nhìn khắp tất cả chúng hội với con mắt hiền từ thanh tịnh. Đức Thế Tôn chuyển chánh pháp luân, dù là Sa Môn, Bà La Môn và tất cả hạng người khác cũng đều cùng một pháp.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Đức Như Lai chuyển pháp luân là vì tất cả chúng sinh, vì khiến cho tâm ý họ được hoan hỷ và để cho tất cả chúng sinh trong chúng hội, mỗi vị đều biết rõ pháp mà Phật nói. Khi Phật Thế Tôn sắp chuyển pháp luân, trước đó có mười phương vô lượng A tăng kỳ Bồ Tát đều đến tập hội lắng nghe chánh pháp. Đồng thời cũng có trăm ngàn ức triệu Thiên Tử Dục Giới, Thiên Tử Sắc Giới cũng tập hội đến lắng nghe chánh pháp.

Khi ấy Đức Thế Tôn nói như vậy: Này các nhân giả! Mắt không phải là thường pháp.

Vì sao?

Vì nếu lấy Khổ để nói, thì người đáng được độ nghe nói mắt này là khổ?

Nếu đem vô ngã để nói, thì người đáng được độ nghe nói mắt là vô ngã. Nếu đem không để nói, thì người đáng được độ nghe nói mắt này là không. Nếu đem tịch tĩnh để nói, thì người đáng được độ nghe nói mắt này là tịch tĩnh.

Nếu đem xa lìa để nói, thì người đáng được độ nghe nói mắt này là pháp xa lìa. Nếu đem vô thường để nói, thì người đáng được độ nghe nói mắt này là vô thường. Nếu đem không y chỉ để nói, thì người đáng được độ nghe nói mắt là không y chỉ.

Nếu đem như huyễn để nói, thì người đáng được độ nghe nói mắt là như huyễn. Nếu đem như mộng để nói, thì người đáng được độ nghe nói mắt là như mộng. Nếu đem như bóng trăng in nước mà nói, thì người đáng được độ nghe nói mắt như bóng trăng in nước. Nếu đem hình bóng để nói, thì người đáng được độ nghe nói mắt như hình bóng.

Nếu đem như tiếng vang để nói, thì người đáng được độ nghe nói mắt như tiếng vang. Nếu đem không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, vô sinh, vô khởi… để nói, thì người đáng được độ nghe nói mắt là không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, vô sinh, vô khởi. Nếu đem duyên sinh để nói, thì người đáng được độ nghe nói mắt là duyên sinh. Nói về mắt đã như thế thì tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy.

Cho đến đem duyên sinh để nói, thì người đáng được độ nghe nói ý là duyên sinh. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nghĩa ấy cũng vậy. Hoặc nghe nói về không, hoặc nghe nói năm uẩn là vô thường hoặc nghe nói mười tám giới là vô thường, hoặc nghe nói mười hai xứ là vô thường, hoặc nghe nói khổ, hoặc nghe nói tập.

Hoặc nghe nói diệt, hoặc nghe nói đạo, hoặc nghe nói bốn niệm xứ, hoặc nghe nói bốn chánh đoạn, hoặc nghe nói bốn thần túc, hoặc nghe nói năm căn, hoặc nghe nói năm lực, hoặc nghe nói bảy giác chi, hoặc nghe nói tám chánh đạo.

Hoặc nghe nói Xa Ma Tha, hoặc nghe nói Tỳ Bát Xá Na, hoặc nghe nói về pháp duyên sinh, hoặc nghe nói về pháp tương ưng Thanh Văn, hoặc nghe nói về pháp tương ưng Duyên Giác, hoặc nghe nói về pháp tương ưng Đại Thừa.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Như Lai chuyển pháp luân đều vì tất cả chúng sinh, vì khiến cho tâm ý họ được hoan hỷ nên chuyển pháp luân. Lại nữa, Như Lai chuyển pháp luân là làm lợi ích rộng rãi cho tất cả chúng sinh. Giả sử như có người trí tuệ ngang bằng với Xá Lợi Tử, ý muốn trù lượng để hiểu rõ được pháp này, dù có trải qua trăm kiếp cũng không thể hiểu nỗi, huống là những người khác.

Tịch Tuệ nên biết! Đức Như Lai từ lúc mới phát tâm, đến Bồ Đề tràng hàng phục quân ma, dùng tiếng rống Sư Tử vang dội trang nghiêm thù thắng, dùng thần thông du hý để chuyển đại pháp luân. Lúc làm việc lợi ích thù thắng như vậy, có tám vạn bốn ngàn Trời, người phát tâm hướng đến quả vị giác ngộ, vô lượng chúng sinh được thành thục trong địa vị ba thừa.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần