Phật Thuyết Kinh Như Lai Hưng Hiển - Phần Mười Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH NHƯ LAI HƯNG HIỂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN MƯỜI HAI  

Tuy có sự chiếu soi nhưng không nghĩ tưởng về sự chiếu soi ấy, tức là tự nhiên, cho nên gọi là Đạo Như Lai khai thị chúng sinh vậy. Như Lai dùng phương tiện để giáo hóa kẻ có thể giáo hóa, tạm dùng văn tự khai đạo, giảng giải nhưng cũng không hề nói một điều gì, ở nơi tất cả âm thanh mà không hề tuyên xướng. Tuy có ngôn giáo nhưng không hề có chỗ nói.

Dẫu có sự kính ngưỡng cũng không thấy chỗ kính ngưỡng. Lại nữa, vì khuyến hóa chúng sinh mà nay phải chuyển bánh xe pháp lớn, vì họ mà diễn thuyết. Đạo Như Lai khai hóa vô lượng chúng sinh thành Tối Chánh Giác, như vô lượng danh hiệu Như Lai, như số hóa thân, như số cõi nước, như số lượng hiện có nơi tất cả ba đời, số lượng hóa thân cũng là như vậy không hề sai khác.

Như số Đạo Giáo, tất cả ngôn âm số lượng như hư không, số lượng pháp giới của Như Lai không hề ngăn ngại. Sự khai thị của chư Như Lai, bờ cõi ngôn giáo, cõi giới Niết Bàn, thân hình chúng sinh, số cõi trú xứ cũng là như vậy. Số lượng lời nói cũng như vậy. Như số lượng thân khẩu, tâm không ngăn ngại. Số lượng chỗ trú cũng bình đẳng không sai biệt.

Bồ Tát vì hội nhập vào vô số như vậy thì làm thanh tịnh ba cảnh giới đạt đến công đức chánh đạo, thấy tâm mình bình đẳng với tất cả chúng sinh. Thấy rõ như vậy nên tất cả đều vắng lặng mà quán bình đẳng, dẫn dắt tất cả đến cõi Niết Bàn.

Đã thấy tự nhiên tự tại như vậy nên đều nhập vào tất cả, tức vô tự nhiên, vô tận tự nhiên, không sinh không diệt thì cũng tự nhiên. Đối với tướng ngã, tướng nhân, tướng vô ngã, vô nhân cũng là tự nhiên. Chư Phật không hề khởi nghĩ tưởng cũng lại tự nhiên, pháp giới tự nhiên, hư không tự nhiên, cũng không có tự nhiên.

Đã hiểu rõ điều này thì thành Tối Chánh Giác, đạt đến trí tuệ chánh pháp trọn vẹn, được thấy Như Lai đại bi vô lượng, giáo hóa vô số chủng loại chúng sinh. Giống như hư không dung chứa tất cả phương tục, chí tánh tự nhiên, thành tựu thế gian. Các thứ như vậy vô lượng, vô biên, không chỗ sinh diệt.

Cũng vậy, Như Lai thành Tối Chánh Giác cũng không chỗ giác, tướng thành Tối Chánh Giác ấy thật không có tướng thành Tối Chánh Giác, ấy mới là tướng thành Tối Chánh Giác mà chẳng có tất cả tướng ấy. Ví như có người có thể biến hóa con người thành hằng hà sa số chư Như Lai không có gì sánh được, cũng không có hình tướng. Vừa hóa hiện ra thì lại lấy hằng hà sa số ấy làm số kiếp.

Ý ông thế nào?

Người biến hóa ấy vì hóa những gì mà làm cho tất cả phát tâm thành Như Lai?

Bồ Tát đáp: Bạch Thế Tôn! Như chỗ con biết là để làm rõ nghĩa số Như Lai hóa và không hóa cũng đều như nhau.

Đức Phật dạy: Lành thay, lành thay! Đúng như chỗ ông nói! Này Phật Tử! Tất cả chúng sinh chỉ trong một sát na đều có thể đạt đến Vô thượng chánh đạo, thành Tối Chánh Giác, thành hằng hà sa số Bồ Tát với sự không thành cũng đều như vậy, không tăng không giảm.

Vì sao?

Vì nếu đã giác tỉnh Chánh đạo thì thấy không có thật tướng, thật thấy vô tướng thì không có tướng thành Chánh Giác, không có sở đắc và lợi lạc.

Tuy đắc Chánh Giác nhưng thật không có chỗ đắc. Chư Bồ Tát phải dùng ấn tâm như vậy vào cảnh giới Như Lai mới thành Chánh Giác. Nếu muốn biết rõ thì phải phát khởi cái biết ấy. Như Lai đều cùng một tướng, cùng phẩm loại nhưng thật không có phẩm tướng. Phẩm tướng ấy gọi là trí tuệ thành tựu giác đạo Chánh thọ tam muội.

Mỗi một chỗ giác đều là pháp thân, siêu vượt thân tướng của tất cả chúng sinh. Giống như có người thành được Tối Chánh Giác đến được cửa đạo thì tất cả chúng sinh nếu thành Phật Đạo thì cũng đến được cửa pháp đạo như vậy, không hề sai biệt.

Giả sử vô lượng người thành tựu cửa Chánh Giác nhập vào vô lượng cõi của các thân Như Lai không có bờ mé, vào cõi chúng sinh nhiều không thể tính. Đó là Chư Bồ Tát hội nhập vào Như Lai thành Tối Chánh Giác thì mỗi mỗi đều đạt đến rốt ráo. Như nguồn gốc chúng sinh nhập vào thân Như Lai.

Vì sao?

Vì nếu được vào cửa Như Lai Chí Chân Tối Chánh Giác, thì chốn hành của thân ấy không chỗ sinh ra, không chỗ diệt mất. Như đạt đến một việc thì các việc khác còn lại cũng như vậy. Bồ Tát tác pháp hội nhập tất cả pháp giới không lìa xứ sở, không xả ngôn từ, bởi tin vào pháp thân Như Lai vậy.

Vì sao?

Vì nếu có thể vào trọn mới có thể thành Chánh Giác, đạt đến trí tuệ vô cực, vắng lặng rộng khắp, đến Tòa Sư Tử nơi cây Phật Đạo. Lại nữa, Bồ Tát hiểu rõ tâm mình có thể thành Chánh Giác, tức vào được pháp thân vậy.

Vì sao?

Vì Như Lai chí chân không bao giờ rời bỏ bản tâm nên đạt đến đại đạo như bản tâm của mình. Những việc còn lại cũng đều như vậy, nghĩa là khai thị dẫn dắt tất cả tâm của chúng sinh để có sự hội nhập ấy.

Này Phật Tử! Các Bồ Tát vì chư Đại Thánh dùng sự hội nhập này mà thành Tối Chánh Giác, rộng lớn cùng khắp, không đâu chẳng vào mà chẳng hề trái bỏ, không chỗ nối tiếp mà chẳng hề chán nghĩ, không chỗ dốc tâm tin thì vào pháp phẩm khó nghĩ bàn.

Rồi nói kệ tụng:

Đã thoát hai, không hai

Biết rõ tất cả pháp

Bình đẳng như hư không

Hiểu rõ hết Kinh Điển

Bình đẳng không ta, người

Đó là rõ các pháp.

Đã phân minh Chánh Giác.

Tất cả không chỗ giác

Giống như bốn phương vực

Chứa tất cả hình thể

Bao dung hết sông suối

Nên gọi là biển lớn

mười lực cũng như vậy

Hải ấn của chúng sinh

Biết rõ chí tánh họ

Cho nên nói phân minh

Tâm ý đều như huyễn.

Chư Phật như hiển hiện

Hành bình đẳng tự nhiên

Hóa độ đều như huyễn

Phật Đạo tạm ngôn thuyết

Cho tất cả chúng sinh

Vốn tự nhiên bình đẳng

Không giảm cũng chẳng tăng.

Tam Muội Bậc tối thắng

Gọi là đạo Thiện giác

Lúc ở cây Bồ Đề

Đắc thành định ý này

Tức phóng xuất ánh sáng

Chiếu vô lượng chúng sinh

Khai đạo như hoa sen

Dạy dỗ khắp mọi loài

Như ở kiếp đương lai

Cõi chúng sinh tự nhiên

Pháp, tư duy cũng vậy

Các căn cùng chí tánh

Quán bình đẳng tất cả

Không làm chỗ ta, người

Cho nên không bờ mé

Biết rõ đạo cùng khắp

Luôn hành đạo Bồ Tát

Đại trí, bi vắng lặng

Bồ Đề Tòa Sư Tử

Thành tựu Vô Thượng Giác

Đạo lực không ai bằng

Pháp Thân Phật lồng lộng

Không đâu không vào khắp

Không hề bỏ chúng sinh.

Này Phật Tử! Sao gọi là Bồ Tát hội nhập nơi âm hưởng chuyển pháp luân của Như Lai?

Bồ Tát ấy khéo đứng trên chỗ tư niệm rộng lớn của Như Lai. Tất cả chúng sinh đều không gốc ngọn, không chỗ thành tựu. Bồ Tát luôn vào các pháp mà vĩnh viễn vô sở trú, đoạn dứt ba chốn, đi vào chân đế, ở trong tất cả pháp mà xa lìa chỗ thấy biết, xả bỏ chỗ tham cầu.

Nghĩa là không chỗ bám trụ mà đi vào tất cả pháp. Như cõi hư không không chỗ hành niệm, tức là hội nhập mọi pháp mà không chốn sở đắc, gốc ngọn vĩnh viễn vắng lặng. Tất cả các pháp hay Niết Bàn đều tự nhiên. Các văn tự ngôn thuyết ấy đều để tự nhiên thì đó mới là hội nhập âm hưởng chuyển pháp luân của Như Lai. Như gọi lớn thì âm thanh vang dội, ấy mới gọi là tự nhiên.

Nghĩa là đi vào Pháp Môn pháp luân tự nhiên, tất cả các âm đều cùng một hưởng mới gọi là thể nhập pháp luân, gốc ngọn vô chủ, văn tự vô tận, thể nhập pháp luân ở trong lẫn ngoài đều không chỗ tích chứa. Như văn tự ngôn thuyết, dẫu có văn tự cũng không hề xả bỏ chân đế. Giảng thuyết từ quá khứ xa xưa, tỏ bày gốc ngọn trong vô số kiếp mà tất cả văn tự ngôn thuyết không thể cùng tận.

Như vậy, này Nhân giả! Sự chuyển pháp luân của Như Lai chí chân tất cả là giả hiện và đều là tạm dùng văn tự.

Diễn thuyết vô tận mà không chỗ dốc tâm tin, đều vô sở hữu, không có âm hưởng, không chỗ thi hành, cũng không thể nghĩ bàn. Như Lai chuyển pháp luân tức vào tất cả mà không chỗ vào, chỉ tạm mượn văn tự mà thôi, nên gọi là không. Nếu gọi là đèn sáng thì tất cả cái tạo ra đèn ấy đều là giả hợp, chỉ tạm gọi mà thôi.

Vào tất cả các pháp ở đời, tạm gọi là độ thế, là đi vào đó mà luôn vô sở trú. Đó là pháp âm Như Lai vào khắp tất cả các cõi của chúng sinh, các sự báo ứng, các pháp thân giới vĩnh viễn đều vô sở trú. Bao nhiêu chủng loại ngôn từ âm thanh của tất cả chúng sinh đều là bấy nhiêu âm thanh tuyên chuyển pháp luân của chư Như Lai.

Vì sao?

Vì chỗ chuyển pháp luân của Như Lai chí chân đều phát ra tất cả âm thanh mà không hề tăng giảm. Đó là Bồ Tát thể nhập nơi sự chuyển pháp luân của các Như Lai. Bồ Tát Đại Sĩ cần phải tạo lập điều ấy để đi vào ngôn từ tuyên thuyết vô hạn của Như Lai.

Sao gọi là chỗ vào ngôn thuyết của Như Lai?

Lúc Như Lai chí chân chuyển pháp luân, ngôn ngữ âm thanh diễn thuyết là diễn bày về hành nghiệp, chí tánh, sở thích của chúng sinh.

Vì sao?

Vì Đức Phật có tam muội gọi là không ngăn ngại cứu cánh vô úy. Lúc chuyển pháp luân, Đức Phật dùng định ý chánh thọ để tùy theo tất cả ngôn ngữ âm thanh của chúng sinh mà chuyển pháp luân. Mỗi một âm hưởng đều tùy theo chí tánh của họ.

Giả sử dùng tam muội Chánh thọ này làm vui lòng tất cả chúng sinh đó là hội nhập nơi sự chuyển pháp luân của Như Lai chí chân. Nghĩa là dùng sự thuận hơp để tuyên thuyết pháp đạo không chỗ nhập, sự hội nhập như thế mới thật là hội nhập, mới nghe được ngôn ngữ âm thanh Thánh Giáo của pháp Như Lai.

Này Phật Tử! Đó là chúng Bồ Tát hội nhập nơi sự chuyển pháp luân của Như Lai đến vô hạn lượng.

Rồi nói kệ tụng:

Pháp luân không hạn lượng

Thành tựu cõi cứu cánh

Không thấy chỗ lợi ích

Giúp tất cả không hai

Các văn tự sở thuyết

Tất cả không cùng tận.

mười lực cũng như vậy

Pháp luân chuyển vô cùng

Giảng thuyết về luật giáo

Vào các pháp hữu vi

Không thật có chỗ nhập.

Phật luân cũng như vậy

Đi vào các ngôn âm

Tự nhiên, không chỗ nhập

Tuyên thuyết khắp chúng sinh

Không ngoài tất cả hạnh

Tam muội siêu hữu vi

Các định lực cứu cánh

Vì muốn cầu diệu pháp

Đó là định lực Phật.

Chỗ đến nhờ ân Phật

Thấu tất cả chúng sinh

Đấng Tối thắng diễn thuyết

Ngôn âm luôn nhu hòa,

Dùng một lời dạy dỗ

Chuyển đến khắp chúng sinh

Phân làm vô lượng hưởng

Không ngoài pháp âm Phật.

Phật là đấng trên hết

Hiểu rõ tâm chúng sinh

Ví như nói điều gì

Chúng sinh đều nghe trọn

Ngôn âm chẳng từ trong

Cũng không từ ngoài vào

Kỳ thật đều diệt tận

Cũng thật vô sở hữu.

Như Lai chuyển pháp luân

Chỉ vì mọi chúng sinh

Hãy quán các mười lực

Thị hiện chuyển trần lao.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần