Phật Thuyết Kinh Như Lai Hưng Hiển - Phần Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH NHƯ LAI HƯNG HIỂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN NĂM
Lại nữa, này Phật Tử! Như ánh sáng của mặt trời chiếu khắp cõi Diêm Phù Đề, các loài chúng sinh nhờ ân chiếu sáng vô lượng ấy mà được sống còn.
Giống như nước chảy ra từ sông suối, nuôi lớn trăm thứ lúa mạ, cây cỏ, ở chỗ tối tăm không có ánh sáng cũng phải nhờ nó. Sâu bọ, côn trùng, trâu ngựa, dê lừa cũng là nhờ nó. Chỗ muốn đọc nói, khe suối cây cối, cùng các thảo dược cũng đều nhờ đó. Tranh tụng hư thực đều được quyết rõ. Các loài chúng sinh du hành trong không đều dựa vào đó.
Sông ngòi ao hồ, suối nguồn nước chảy cũng đều nhờ đó. Hoa sen nở ra, quốc thành huyện ấp, đại bang, châu vực đều nhờ ánh sáng ấy mà hưng phát. Thiên hình vạn trạng, loài sống trong đồng hoang cỏ úa, người sống trên đất, cho đến loài ở trong nước cũng đều nhờ nó mà mỗi một được hoàn chỉnh đời sống, sự nghiệp, có chỗ tạo lập và có thể đến chỗ rốt ráo.
Vì sao?
Vì chỗ chiếu của ánh sáng mặt trời không có giới hạn, lợi ích khắp chúng sinh. Đạo đức cũng như vầng mặt trời, chúng sinh nếu được nhìn thấy thân Như Lai, nghe được pháp âm và đạt được các duyên phương tiện vô lượng, vô biên không thể lường tính thì được nương tựa vào đó mà an trú.
Xoay ác hướng thiện về pháp tâm đức, trừ sạch vô minh, diệt hết ma sự, hưng thịnh tuệ đạo lồng lộng sáng chói. Đại từ hộ khắp tất cả chúng sinh, đại bi cứu thoát chúng sinh quy hướng các pháp, trưởng dưỡng thành tựu ba mươi bảy pháp phần trợ đạo, gieo trồng tịnh tín.
Giống như nước đục mà gạn cho trong, chỗ thấy không lầm không mất báo ứng. Hữu sắc, vô sắc, việc sinh, việc tử đều nhìn thấy rõ, không hề tổn hại, đạo tuệ sáng tỏ làm cho chúng sinh không mất gốc đức. Bồ Tát Đại Sĩ là cái đầu của chúng sinh và cũng như hoa sen, tất cả các hành nhân duyên phương tiện khuyến hóa bố thí, làm tối thượng.
Vì sao?
Vì Đạo Tràng của Chư Bồ Tát không có bờ mé. Như Lai phấn chấn phóng ra vô lượng tuệ quang vô hạn cảnh giới Thánh cũng là như vậy. Đó là cửa thứ ba.
Bồ Tát lại nói kệ rằng:
Như Cung Điện mặt trời
Chiếu sáng Diêm Phù Đề
Ở trong không tỏa sáng
Trừ tối, không ngăn chướng
Vốn không, không xứ sở.
Do đất sinh hoa sen
Mọi người được nương tựa
Vô số trên mặt đất.
Mặt Trời cũng như vậy
Chúng sinh đều nương nhờ
Chư Thiên cùng loài người
Khéo tu trồng gốc đức
Hàng phục đến vô cực
Đạt được pháp ánh sáng
Được thấy Thánh trong người
Vì đó thành tam thừa.
Lại nữa, này Phật Tử! Ví như mặt trời kia chiếu vào núi đá Vua của núi chúa Tu Di, tiếp đến lại chiếu vào các núi lớn khác, sau đó mới chiếu đến Hắc sơn, sau nữa mới chiếu đến các gò đồi, đất đai và các xứ sở khác. Ánh sáng ấy tùy theo chỗ ở của con người trong cõi Diêm Phù Đề này mà chiếu tới.
Ánh sáng của mặt trời không hề có tưởng nghĩ, trước hết phải chiếu ở Bảo Sơn Vương… Lại nữa, ánh sáng mặt trời chiếu ra bình đẳng không có phân biệt nhưng do mặt đất có chỗ cao thấp không đồng đều, chứ chẳng phải ánh sáng mặt trời có sự phân biệt riêng khác, nghĩ tưởng trước sau.
Như Lai cũng vậy, bình đẳng du hóa vô lượng pháp giới chánh chân, Đạo Tràng lồng lộng, diễn xuất vô lượng tuệ quang, dùng ánh sáng trí tuệ ấy chiếu tỏa khắp nơi. Như trước đã nói, núi chúa Tu Di được ánh sáng mặt trời chiếu đến trước nhất, nghĩa là Như Lai hướng đến chư Đại Bồ Tát, dùng ánh sáng pháp mà vì họ thị hiện, mở bày, thọ ký cho họ trước nhất.
Sau đó mới chỉ bày trí tuệ ưa chuộng của hàng Thanh Văn, Duyên Giác và chúng sinh phát tâm kiến lập gốc đức. Sau hết mới giáo hóa bè hàng bất thiện, dần dần giáo hóa tà kiến sâu dày của tất cả chúng sinh.
Tất cả đều được ánh sáng của Như Lai soi chiếu. Đã nhờ được ánh sáng ấy thì họ nhất định sẽ được thọ ký ở đời vị lai. Gặp được ánh sáng mặt trời trí tuệ làm cho họ không còn vọng tưởng nên thành tựu các gốc đức như chí nguyện và đạt được ánh sáng trí tuệ. Đó là cửa vào thứ tư.
Bồ Tát lại nói kệ rằng:
Như ánh sáng mặt trời
Không rời bỏ vạn hữu
Cùng các chúng Chư Thiên
Cũng đều được nương nhờ.
Giống như các sông ngòi
Mọi người được lợi ích
Ánh sáng an trú ấy
Chúng sinh đều ngưỡng dựa.
Nếu họ lìa thuần tín
Không thấy mặt trời Phật
Phật hóa hiện thế nào
Họ cũng đều nương cậy
Nếu có nghe danh tiếng
Gặp ánh sáng thù thắng
nhân duyên tiến dần lên
Cho đến thành Phật Đạo.
Lại nữa, này Phật Tử! Như có người mù thì không thể thấy được ánh sáng chiếu tỏa của mặt trời. Tuy không có mắt, không biết ngày đêm nhưng họ vẫn nhờ ánh sáng ấy mà được sinh sống đủ đầy. Cũng vậy, chúng sinh quên mất bản tịnh nên thấy ánh sáng đạo quang vô lượng của Phật không hề tin hiểu thì đó là kẻ sống mù.
Tuy không nhìn thấy ánh sáng trí tuệ của Như Lai nhưng vẫn nhờ được sự chiếu soi của mặt trời Đại Thánh. Vì vậy mặt trời Đại Thánh sáng rộng vi diệu, ánh sáng oai thần chiếu tỏa chúng sinh, ứng bày điềm lành, tẩy sạch tất cả hành nghiệp của phiền não ái dục. Đó là cửa vào thứ năm.
Bồ Tát lại nói kệ rằng:
Mặt Trời chiếu thiên hạ
Người mù không thể thấy
Tuy không rõ đêm ngày
Vẫn nhờ ánh sáng đó.
Chúng sinh mất bản tịnh
Không tin tuệ Như Lai
Ân từ Phật rộng lớn
Vẫn được nhờ hóa độ.
Lại nữa, này Phật Tử! Ví như cung trăng tạo lập bốn pháp chưa từng có.
Những gì là bốn?
Soi chiếu mọi chỗ sâu tối, ở với các vì sao mà thường sáng rộng, che khắp.
Những ai quên đường thì chỉ bày nẻo về.
Đi khắp thiên hạ, dung nạp mọi chỗ.
Mọi chúng sinh khi thấy ánh trăng đều ngưỡng mộ vì chỗ đứng của họ ở đâu cũng thấy mặt trăng trước mặt, không có hồ nghi.
Thân Như Lai cũng vậy, có bốn điều khó bì kịp xưa nay chưa từng có. Đó là sự thị hiện kỳ đặc, chẳng phải chỗ thấy của con người.
Những gì là bốn?
Hiện khắp tất cả hàng Hữu Học, Vô Học, Duyên Giác thừa, chỗ thệ nguyện tùy theo sự tín lạc của họ mà thị hiện thân.
Các việc hạn ngại, thời gian thọ mạng, sự tổn giảm của chúng sinh thì vì họ mà thị hiện lợi ích dài lâu.
Đạo Tràng Như Lai không tăng không giảm đều thấy tất cả Thế Giới Chư Phật.
Tùy theo sức tín lạc và chỗ khởi niệm của tất cả chúng sinh mà ứng làm pháp khí. Nhờ ánh sáng này mà tất cả chúng sinh nhìn thấy đều kính ngưỡng, quán thấy Phật thân thì đều được nhờ ánh sáng ấy.
Lại nữa, thân Như Lai không có tưởng nghĩ nên muốn thấy gặp phải bằng tâm không chỗ trụ. Đó là cửa vào thứ sáu.
Bồ Tát lại nói kệ rằng:
Ánh sáng mặt trăng chiếu
Thần vi, Tu Di sơn
Rồi mới chiếu các núi,
Sau đó đến gò đồi,
Tiếp chiếu chỗ đất cao,
Rồi đến nơi bình địa
Sau cùng chiếu chỗ thấp
Khắp cả mọi nơi chốn.
Ánh sáng Chư Phật chiếu
Trước tiên Chư Bồ Tát
Sau đó chiếu sáng đến
Nẻo hành của Duyên Giác
Đó đây chiếu tự tại
Đến hữu học, vô học
Sau mới chiếu chúng sinh
Phật Đạo không tưởng nghĩ.
Lại nữa, này Phật Tử! Như Đại Phạm Thiên gọi là tam thiên, tất hiện thân đến tam thiên Thế Giới không một chỗ nào không cùng khắp mà chẳng hề phân thân.
Tùy theo sắc mạo, sắc lực của mỗi phẩm loại chúng sinh hữu hình mà hiện ra trước họ, không một ai là không thấy. Như Lai chí chân cũng như vậy, chưa từng phân thân, chẳng có số lượng hình thể mà luôn hiện khắp Thế Giới. Tùy theo căn tánh, hình thể, niềm tin, niệm khởi của mỗi loài chúng sinh mà thị hiện khắp đủ nhưng thân tâm Đại Thánh vẫn không bao giờ khởi nghĩ. Đó là cửa vào thứ bảy.
Bồ Tát lại nói kệ rằng:
Phạm thiên là Tam Thiên
Tự hiện hình cùng khắp
Ở mọi nơi đều tôn
Tự tại hiện bày khắp
Mà đấng Phạm Thiên ấy
Chẳng phân thân hình thể.
Đạo Sư của các pháp
Tự tại cũng như vậy
Thân Phật thị hiện khắp
Ở mười phương Thế Giới
Thân hình không hạn lượng
Cũng không phân hình thể
Mọi người đều nghĩ rằng
Phật đang ở trước mình
Đều thấy hình diện Phật
Nghe giảng thuyết pháp đạo.
Lại nữa, này Phật Tử! Như Đại Y Vương biết rõ tất cả các thứ dược phẩm, phân biệt tốt xấu lúc thuốc đi vào các bộ phận của cơ thể. Ông ta thông làu các điển tịch, chú thuật và tất cả các dược thảo ở cõi Diêm Phù Đề này.
Người nào không biết thì cho là ông ta dùng thuốc không đúng Y Vương ra cho chúng sinh thấy các gốc đức của y dược và sức mạnh của y chú. Mọi người vừa thấy Y Vương này thì bệnh đều được thuyên giảm và an ổn.
Lại nữa, Y Vương ấy ngoài sức tạo lập ở hiện tại, ông ta còn tự nghĩ xa: Nếu sau khi ta chết nhân dân sẽ mất đi sự cứu hộ, vì muốn họ được sự nương tựa, khỏi sự côi cút nên ta phải thiết bày phương tiện quyền xảo để chỉ bày cho họ.
Nghĩa là ta sẽ thâu hái các dược thảo, dùng nó để tự xoa lên thân thể, nhờ sức phương thuật của mình hòa hợp với các dược thảo nên lúc mạng chung, thân ấy không bị hư hoại, không khô mục, cũng không tan nát.
Những người đứng ngồi, kinh hành, đi lại xung quanh thân ấy thì ta đều vì họ mà biến hiện y dược đang có phù hợp với mỗi một chúng sinh để chữa lành bệnh tật cho họ. Nếu họ được nghe thấy hình tướng âm thanh của Y Vương ấy thì đều được an ổn, đầu cuối không khác.
Cũng vậy, Như Lai là Y Vương Vô Thượng, hiểu rõ và chữa lành tất cả bệnh khổ trần lao của chúng sinh. Trăm ngàn ức na do tha kiếp số Như Lai đã từng tạo lập y dược và tất cả đều cho quy hướng về nhất thiết trí Độ vô cực.
Như Lai đã từng khéo học phương tiện đạo thuật pháp dược và từng kiến lập phụng hành từ thuở quá khứ xa xưa lúc còn tu hạnh Bồ Tát nên trí tuệ, phương tiện quyền xảo, kỳ chú, thảo dược của sức oai thần vẫn còn trụ mãi đến đời vị lai như vậy vô lượng, vô biên. Như Lai luôn ở nơi chúng sinh, lập nên sự cứu hộ và chữa lành những bệnh tật cho tất cả chúng sinh.
Như Lai có thân thanh tịnh mà thật chẳng có thân, chẳng sự nghiệp, tất cả chúng sinh vừa thấy thì hết thảy những bệnh tật của phiền não ái dục đều được chữa lành. Dẫu có kẻ không tin nhưng vẫn được hưởng sự an ổn. Tất cả những Phật sự ấy của Như Lai chưa từng đoạn dứt. Đó là cửa vào thứ tám.
Bồ Tát lại nói kệ rằng:
Giả như có Y Vương
Đều học các phương thuật
Thấy được thầy thuốc ấy
Bệnh chúng sinh tiêu trừ.
Như người bệnh nguy khốn
Cho thuốc chữa bệnh lành
Tức thân ấy được độ
Hiện tất cả uy nghi
Tôn quý trong cõi người
Y Vương không hạn lượng
Hiển bày nơi Thánh trí
Khéo học tuệ y thuật
Chỗ hành gốc đời trước
Nên hiện thân tôn Thánh
Mọi người được nhìn thấy
Trừ bệnh dục không còn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Sáu - Phẩm Vương Tương ưng - Kinh Chuyển Luân Vương
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Hai Mươi Tám
Phật Thuyết Kinh Vô Cấu Xưng - Phẩm Cúng Dường Pháp
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Bảy - Phẩm Trường Thọ Vương - Kinh Hữu Thắng Thiên
Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Bốn Mươi Bốn
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bốn - Bốn Pháp - Phẩm Mười Hai - Phẩm Kesi - Phần Một - Kesi