Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Ca Diếp Bồ Tát - Phần Chín
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
PHẨM HAI MƯƠI BỐN
PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT
PHẦN CHÍN
Này thiện nam tử! Dầu Đức Như Lai nói tưởng thọ diệt, nhưng đã tổng nói dứt tất cả pháp nên dứt.
Người trí đã quán tưởng như vậy rồi, kế lại quán nhân của tưởng: Vô lượng tưởng này nhân đâu mà sanh?
Biết rằng nhân xúc mà sanh.
Xúc này có hai: Một là do phiền não mà có xúc, hai là do giải thoát mà có xúc. Do vô minh sanh gọi là phiền não xúc, do minh sanh gọi là giải thoát xúc. Nhân nơi phiền não xúc sanh ra đảo tưởng. Nhân nơi giải thoát xúc sanh ra bất đảo tưởng. Quán sát nhân của tưởng rồi kế lại quán sát quả báo.
Bạch Thế Tôn! Nếu vì Nhân nơi tưởng phiền não này mà sanh đảo tưởng, thời tất cả Thánh Nhân thiệt có đảo tưởng mà không phiền não.
Này thiện nam tử! Thế nào là Thánh Nhân mà có đảo tưởng?
Bạch Thế Tôn! Tất cả Thánh Nhân đối với con bò con ngựa tưởng là bò là ngựa rồi cũng nói là bò là ngựa. Đối với nam nữ lớn nhỏ nhà cửa v.v… cũng như vậy, do đây nên gọi là đảo tưởng.
Này thiện nam tử! Tất cả phàm phu có hai thứ tưởng: Một là thế lưu bố tưởng, hai là chấp trước tưởng. Tất cả Thánh Nhân chỉ có thế lưu bố tưởng, không có chấp trước tưởng. Tất cả phàm phu vì ác giác quán nên đối với thế lưu bố sanh ra chấp trước tưởng.
Tất cả Thánh Nhân vì thiện gíac quán nên đối với thế lưu bố chẳng sanh tưởng chấp trước. Do đây nên phàm phu gọi là đảo tưởng. Thánh Nhân dầu biết các pháp mà chẳng gọi là đảo tưởng.
Người trí quán sát nhân của tưởng rồi kế lại quán quả báo: Ác trưởng này thọ quả nơi địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, nhân và thiên. Như ta do vì dứt ác giác quán nên vô minh xúc dứt, do đây mà tưởng dứt, vì tưởng dứt nên quả báo cũng dứt. Người trí vì dứt nhân của tưởng nên tu bát chánh đạo.
Nếu có người quán sát được như vậy, thời gọi là phạm hạnh thanh tịnh.
Này thiện nam tử! Như trên đây gọi là trong thân ác độc của chúng sanh mà có thuốc hay. Như trong núi Tuyết dầu có cỏ độc nhưng cũng có cây thuốc hay.
Này thiện nam tử! Người trí kế lại quán sát dục, tức là sắc, thinh, hương, vị, xúc. Đây là Đức Như Laiở trong nhân mà nói quả, vì từ năm trần này mà sanh ra dục, thiệt ra năm trần chẳng phải dục.
Này thiện nam tử! Người ngu si vì tham cầu thọ lấy nên đối với sắc sanh ra tưởng điên đảo, đối với thanh, hương, vị, xúc cũng sanh ra tưởng điên đảo. Do đảo tưởng làm nhân duyên mà sanh ra thọ. Do đây nên trong đời nói rằng nhân đảo tưởng sanh ra mười món tưởng.
Do dục làm nhân duyên mà thọ lấy quả báo ác nơi thế gian. Đem sự ác làm hại cha mẹ, Sa Môn, Bà La Môn v.v…, chỗ chẳng nên làm ác mà cố làm chẳng tiếc thân mạng. Người trí quán sát ác tưởng này làm nhân duyên mà sanh ra dục tâm.
Quán sát nhân duyên của dục rồi kế lại quán quả báo:
Dục này có nhiều quả báo ác: Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, Nhân, Thiên.
Nếu những ác tưởng này đã trừ diệt được, thời vĩnh viễn chẳng sanh dục tâm này, vì không dục tâm nên chẳng sanh ác thọ, đã không ác thọ thời không ác quả, do đây nên phải dứt ác tưởng trước. Ác tưởng đã dứt thời những pháp ác khác tự nhiên đều dứt.
Do cớ trên đây nên người trí vì dứt ác tưởngmmà tu bát chánh đạo, đây gọi là phạm hạnh thanh tịnh, cũng gọi là trong thân độc của chúng sanh có vị thuốc hay. Như trong núi Tuyết dầu có cỏ độc nhưng cũng có cây thuốc hay.
Này thiện nam tử! Người trí quán dục như vậy rồi kế nên quán nghiệp.
Phải suy nghĩ rằng: Bốn thứ thọ, tưởng, xúc và dục chính là phiền não. Phiền não này có thể làm sanh nghiệp mà chẳng làm thọ nghiệp.
Phiền não này cùng đi với nghiệp có hai thứ:
Một là làm sanh nghiệp, hai là làm tác nghiệp.
Do đây nên người trí phải quán sát nơi nghiệp.
Nghiệp này có ba: Thân, khẩu và ý.
Hai nghiệp thân, khẩu tên là nghiệp mà cũng gọi là nghiệp quả, ý chỉ gọi là nghiệp, vì là nhân của nghiệp nên gọi là nghiệp.
Hai nghiệp thân, khẩu là nghiệp ngoài, ý gọi là nghiệp trong.
Ba thứ nghiệp này đi cùng với phiền não làm thành hai thứ nghiệp: Một là sanh nghiệp, hai là thọ nghiệp.
Này thiện nam tử! Chánh nghiệp tức là ý, kỳ nghiệp tức là thân khẩu. Phát sanh trước gọi là ý nghiệp, từ ý nghiệp sanh ra gọi là thân khẩu nghiệp. Do đây nên ý nghiệp được gọi là chánh.
Người trí đã quán nghiệp rồi kế lại quán nghiệp nhân. Nghiệp nhân đây là vô minh xúc. Do nơi vô minh xúc mà chúng sanh cầu lấy có. Nhân duyên cầu lấy có tức là ái. Nhân nơi ái mà gây tạo ba thứ nghiệp, thân, khẩu, ý.
Người trí quán nghiệp Nhân rồi kế lại quán quả báo.
Quả báo đây có bốn: Một là hắc hắc quả báo, hai là bạch bạch quả báo, ba là tạp tạp quả báo, bốn là bất hắc bất bạch quả báo.
Hắc hắc quả báo là lúc tạo nghiệp nhơ đục quả báo cũng nhơ đục. Bạch bạch quả báo là lúc tạo nghiệp thanh tịnh quả báo cũng thanh tịnh.
Tạp tạp quả báo là lúc tạo nghiệp tạp quả báo cũng tạp. Bất bạch bất hắc quả báo là nói vô lậu nghiệp.
Bạch Thế Tôn Trước kia Đức Như Lai nói vô lậu không có quả báo, cớ sao nay lại nói vô lậu là bất bạch bất hắc quả báo.
Này thiện nam tử! Nghĩa này có hai: Một là cũng quả cũng báo, hai là chỉ quả chẳng phải báo.
Hắc hắc quả báo là quả cũng là báo: Do nghiệp nhân hắc mà sanh ra nên gọi là quả, nó lại có thể làm nhân nên lại gọi là báo. Bạch bạch và tạp tạp cũng như vậy.
Quả vô lậu nhân nơi hữu lậu mà sanh nên gọi là quả, nó chẳng làm nhân cho pháp khác nên chẳng gọi là báo. Do đây nên vô lậu gọi là quả mà chẳng gọi là báo.
Bạch Thế Tôn! Nghiệp vô lậu này chẳng phải là hắc pháp, duyên cớ gì chẳng gọi nó là bạch?
Này thiện nam tử! Vì vô lậu không có báo nên chẳng gọi là bạch. Vì đối trị hắc nên gọi là bạch. Nay ta nói thọ quả báo gọi là hắc bạch. Vì nghiệp vô lậu này chẳng thọ báo nên chẳng gọi là bạch mà gọi là tịch tịnh.
Nghiệp như vậy có chỗ định thọ báo, như mười pháp ác quyết định ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, mười nghiệp lành quyết định ở Nhân, Thiên.
Mười pháp ác có thượng, trung và hạ: Nghiệp thượng thọ thân địa ngục, nghiệp trung thọ thân súc sanh, nghiệp hạ thọ thân ngạ quỉ.
Mười nghiệp lành về nhân đạo có bốn hạng: Nghiệp Hạ Sanh Bắc Câu Lô Châu, nghiệp Trung Sanh Tây Ngưu Hóa Châu, nghiệp Thượng Sanh Đông Thắng Thần Châu, nghiệp Thượng Thượng Sanh Diêm Phù Đề.
Người trí quán sát như vậy rồi liền nghĩ rằng: Ta phải làm thế nào dứt những quả báo ấy?
Lại nghĩ rằng nhân duyên của những nghiệp này do vô minh xúc sanh ra, nếu ta dứt trừ vô minh cùng xúc, thời nghiệp quả này dứt mất chẳng còn sanh.
Vì dứt trừ vô minh và xúc nên người trí tu bát chánh đạo, đây gọi là phạm hạnh thanh tịnh. Cũng gọi là trong thân độc của chúng sanh có vị thuốc hay, như trong núi Tuyết dầu có cỏ độc nhưng cũng có cây thuốc.
Này thiện nam tử! Người trí quán sát nghiệp và quán sát phiền não rồi, kế lại quán sát quả báo của hai thứ này: Tức là khổ. Đã biết là khổ thời có thể xa lìa tất cả sự thọ sanh.
Người trí lại quán sát phiền não làm nhân duyên sanh ra phiền não, nghiệp cũng làm nhân duyên sanh ra phiền não.
Phiền não lại làm nhân duyên sanh ra nghiệp, nghiệp làm nhân duyên sanh ra khổ, khổ làm nhân duyên sanh ra phiền não, phiền não làm nhân duyên sanh ra hữu, hữu làm nhân duyên sanh ra khổ, khổ làm nhân duyên sanh ra hữu, hữu làm nhân duyên sanh ra nghiệp, nghiệp làm nhân duyên sanh ra phiền não, phiền não làm nhân duyên sanh ra khổ, khổ làm nhân duyên sanh ra nghiệp.
Này thiện nam tử! Nếu ai có thể quán sát như vậy, nên biết rằng người này có thể quán sát nghiệp khổ, vì những điều quán sát như vậy chính là mười hai nhân duyên sanh tử, người này chẳng gây tạo nghiệp mới, có thể phá hoại nghiệp cũ.
Này thiện nam tử! Người trí quán sát sự khổ nơi địa ngục. Quán sát nơi địa ngục nhẫn đến ba trăm ba mươi sáu sở. Mỗi địa ngục đều có các sự khổ, đều do phiền não và nghiệp sanh ra. Quán sát địa ngục rồi kế lại quán sát những sự khổ của ngạ quỉ và súc sanh. Kế lại quán sát những sự khổ của nhân gian và của Chư Thiên. Những sự khổ như vậy đều do nơi phiền não và nghiệp sanh ra.
Này thiện nam tử! Trên các Cõi Trời dầu không những sự khổ não lớn, nhưng thân thể của Chư Thiên mềm dịu mịn trơn, lúc năm tướng suy hiện ra họ cũng thọ lấy sự khổ lớn, như sự khổ của địa ngục.
Này thiện nam tử! Người trí quán sát những sự khổ của Tam Giới đều do nơi phiền não và nghiệp mà sanh. Như đồ bằng đất chưa hầm thời dể bể hư. Thân thể của chúng sanh cũng như vậy, là những đồ đầy sự khổ. Như cây to bông trái sum sê bầy chim có thể làm hư hại.
Như nhiều cỏ khô chút lửa cũng có thể cháy hết. Thân thể của chúng sanh bị những sự khổ làm hư hoại cũng như vậy. Người trí nếu có thể quán sát tám thứ khổ, người này có thể dứt được những sự khổ.
Này thiện nam tử! Đã quán sát tám sự khổ rồi kế lại quán sát khổ nhân.
Khổ nhân đây là ái cùng vô minh.
Có hai thứ: Một là cầu thân thể, hai là cầu của cải, hai thứ này đều là khổ, do đây nên biết ái cùng vô minh là khổ nhân.
Lại có hai thứ: Một là nội, hai là ngoại. Nội có thể gây nghiệp, ngoại có thể làm tăng trưởng. Nội lại có thể gây nghiệp, ngoại làm thành nghiệp quả.
Đã dứt nội ái thời nghiệp cũng dứt, dứt được ngoại ái thời qủa cũng dứt. Nội ái có thể sanh khổ đời vị lai, ngoại ái có thể sanh khổ đời hiện tại. Do đây nên ái là khổ nhân.
Đã quán khổ nhân rồi kế lại quán sát quả báo. Quả báo của khổ chính là thủ, ái quả gọi là thủ. Nhân duyên của thủ này tức là nội ái và ngoại ái do đây có ái khổ.
Nguời trí phải quán sát ái làm nhân duyên cho thủ, thủ nhân duyên nơi ái, nếu có thể dứt ái và thủ thời chẳng tạo nghiệp thọ khổ.
Do đây nên người trí vì dứt trừ ái khổ mà tu bát chánh đạo. Đây gọi là phạm hạnh thanh tịnh, cũng gọi là trong thân độc của chúng sanh có vị thuốc hay. Như trong núi Tuyết dầu có cỏ độc nhưng cũng có cây thuốc.
Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là phạm hạnh thanh tịnh?
Này thiện nam tử! Chính là tất cả pháp.
Bạch Thế Tôn! Nghĩa của tất cả pháp chẳng nhất định. Vì Đức Như Lai có lúc nói là thiện, bất thiện. Có lúc nói là tứ niệm xứ quán. Hoặc nói là thập nhị nhập. Hoặc nói là thiện tri thức. Hoặc nói là thập nhị nhân duyên. Hoặc nói là chúng sanh. Hoặc nói là chánh kiến, tà kiến. Hoặc nói là mười hai Bộ Kinh. Hoặc nói là nhị đế.
Hôm nay Đức Như Lai lại nói tất cả pháp là phạm hạnh thanh tịnh, đó là những tất cả pháp gì?
Này thiện nam tử! Kinh Đại Niết Bàn vi diệu này là bảo tạng trong tất cả pháp.
Như biển cả là kho chứa những châu báu, Kinh Đại Niết Bàn này cũng như vậy, là bí tạng của tất cả chữ nghĩa.
Như núi Tu Di là cội gốc của các vị thuốc, Kinh này cũng là cội gốc của giới Bồ Tát.
Như hư không là chỗ ở của tất cả vật, Kinh này cũng là chỗ ở của tất cả pháp lành.
Như luồng gió mạnh không gì trói buộc được. Tất cả Bồ Tát thật hành Kinh này cũng chẳng bị tất cả phiền não trói buộc.
Như chất kim cương không gì phá hoại được, Kinh này dầu có ngoại đạo ác tà cũng chẳng phá hoại được.
Như cát Sông Hằng không ai đếm được, ý nghĩa của Kinh này cũng không ai đếm được.
Kinh này là pháp tràng của Bồ Tát, như bảo tràng của Thiên Đế Thích.
Kinh này là vị thương chủ thẳng đến thành Niết Bàn, như bậc Đạo Sư dẫn các thương nhân thẳng đến biển cả.
Kinh này có thể làm ánh sáng pháp cho Bồ Tát, như mặt trời, mặt trăng có thể phá tối tăm ở thế gian.
Kinh này có thể làm vị thuốc hay cho chúng sanh mang bệnh khổ, như trong núi Tuyết có cây thuốc hay trị được các thứ bệnh. Kinh này có thể làm gậy cho nhất xiển đề, như người quá yếu nhờ gậy mà đứng dậy được.
Kinh này có thể làm cầu đò cho tất cả người ác, như cây cầu là chỗ tất cả người đi qua.
Kinh này làm bóng mát cho những ai bị nóng phiền não trong hai mươi lăm cõi, như cây lọng che nắng nóng.
Kinh này là Vua đại vô úy có thể phá hoại tất cả ác ma phiền não, như Sư Tử Vương hàng phục bầy thú.
Kinh này là đại Thần Chú có thể phá hoại tất cả ác quỉ phiền não, như chú sư trong đời có thể đuổi trừ quỉ vọng lượng.
Kinh này là mưa đá vô thượng có thể phá hoại tất cả quả báo sanh tử.
Kinh này có thể làm vị thuốc hay cho người hư con mắt giới, như thuốc An Xà Na trị lành con mắt đau.
Kinh này có thể làm chổ ở cho tất cả pháp lành, như mặt đất làm chỗ ở cho muôn vật.
Kinh này là gương sáng của chúng sanh phá giới, như gương sáng soi các hình tượng.
Kinh này có thể làm y phục cho người không tàm quí, như áo xiêm che đậy thân thể của người đời.
Kinh này làm của báu lớn cho người nghèo pháp lành, như công đức thiên lợi ích ban sự lợi ích cho người nghèo.
Kinh này làm nước cam lộ cho chúng sanh khát ngưỡng chánh pháp, như nước bát công đức làm no đủ cho người khát nước.
Kinh này làm giường pháp cho người phiền não, như người đời gặp được giừơng nằm an ổn.
Kinh này là cổ xe trân bảo, chuổi ngọc hoa hương trang nghiêm thanh tịnh của bậc Sơ Địa Bồ Tát nhẫn đến bậc Thập Địa Bồ Tát, hơn tất cả chỗ vui vi diệu của sáu môn Ba la mật, như cây Ba Lợi Chất Đa La trên cung Trời Đao Lợi.
Kinh này là cây buá trí huệ cứng bén có thể chặt tất cả cây to phiền não, là dao bén có thể cắt đứt tập khí, là lực sị dũng kiện có thể trừ dẹp ma tà oán địch, là ngọn lửa trí huệ đốt củi phiền não, là tạng nhân duyên xuất sanh Bích Chi Phật, là tạng Thanh Văn sanh ra bậc Thanh Văn.
Là con mắt của tất cả Chư Thiên, là con đường chánh của mỗi người là chỗ nương của tất cả loài súc sanh, là chỗ giải thoát của ngạ quỷ, là đấng vô thượng tôn của địa ngục, là chỗ vô thượng của tất cả chúng sanh trong mười phương, là Phụ Mẫu của Chư Phật.
Do đây nên Kinh này nhiếp tất cả pháp.
Này thiện nam tử! Trước kia ta nói Kinh này dầu nhiếp tất cả pháp, nhưng ta nói phạm hạnh là ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Nếu rời ba mươi bảy phẩm này thời trọn chẳng được quả Thanh Văn nhẫn đến quả vô thượng bồ đề, cũng chẳng thấy Phật Tánh cùng quả Phật Tánh. Do đây nên phạm hạnh là ba mươi bảy phẩm trợ đạo.
Vì ba mươi bảy phẩm này tánh của nó chẳng phải điên đảo, nó có thể phá hoại điên đảo. Tánh của nó chẳng phải ác kiến, nó có thể phá hoại ác kiến.
Tánh của nó chẳng phải bố úy, nó có thể phá hoại bố úy. Tánh của nó là phạm hạnh, nó có thể làm cho chúng sanh rốt ráo thật hành phạm hạnh thanh tịnh.
Bạch Thế Tôn! Pháp hữu lậu cũng có thể làm nhân cho pháp vô lậu, cớ sao Đức Như Lai chẳng nói pháp hữu lậu là phạm hạnh thanh tịnh?
Này thiện nam tử! Tất cả pháp hữu lậu là điên đảo, nên tất cả pháp hữu lậu chẳng được gọi là phạm hạnh thanh tịnh.
Bạch Thế Tôn! Pháp thế đệ nhất là hữu lậu hay là vô lậu.
Này thiện nam tử! Là hữu lậu.
Bạch Thế Tôn! Pháp thế đệ nhất dầu là hữu lậu nhưng tánh nó chẳng phải điên đảo, cớ sao chẳng gọi nó là phạm hạnh thanh tịnh?
Này thiện nam tử! Pháp thế đệ nhất là nhân của pháp vô lậu, vì giống với vô lậu và hướng về vô lậu nên chẳng gọi là điên đảo. Phạm hạnh thanh tịnh phát tâm tương tục mãi đến rốt ráo. Còn pháp thế đệ nhất chỉ là một niệm, nên chẳng được gọi là phạm hạnh thanh tịnh.
Bạch Thế Tôn! Năm thức của chúng sanh cũng là hữu lậu nhưng chẳng phải là điên đảo, lại chẳng phải là một niệm, cớ sao chẳng gọi là phạm hạnh thanh tịnh?
Này thiện nam tử! Năm thức của chúng sanh dầu chẳng phải một niệm nhưng là hữu lậu lại là điên đảo. Vì thêm các lậu nên gọi là hữu lậu, thể của nó chẳng phải chân thật vì là tưởng chấp trước nên là điên đảo.
Thế nào gọi là thể của nó chẳng phải chân thật vì tưởng chấp trước nên điên đảo?
Vì trong vật chẳng phải nam nữ nó sanh tưởng nam nữ, nhẫn đến nhà cửa xe cộ v.v… cũng như vậy, nên gọi là điên đảo.
Này thiện nam tử! Ba mươi bảy phẩm trợ đạo tánh của nó không điên đảo nên được gọi là phạm hạnh thanh tịnh.
Này thiện nam tử! Nếu có Bồ Tát đối với ba mươi bảy phẩm này mà biết căn, biết nhân, biết nhiếp, biết tăng, biết chủ, biết đạo, biết thắng, biết thật và biết rốt ráo, Bồ Tát này được gọi là phạm hạnh thanh tịnh.
Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là biết căn, nhẫn đến biết rốt ráo?
Này thiện nam tử!
Bồ Tát thưa hỏi thường vì hai điều: Một là vì mình, hai là vì người.
Nay ông đã biết mà vì vô lượng chúng sanh nên thưa hỏi những việc như vậy.
Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử! Căn bổn của ba mươi bảy phẩm trợ đạo là dục, nhân là minh xúc, nhiếp thủ là thọ, tăng trưởng là thiện tư duy, chủ là niệm, đạo dẫn là định, thắng là trí huệ, thật là giải thoát, rốt ráo là Đại Bát Niết Bàn.
Này thiện nam tử! Thiện dục là căn bổn của sơ phát tâm nhẫn đến vô thượng bồ đề, do đây nên ta nói dục là căn bổn.
Như người đời nói tất cả khổ não do ái làm căn bổn. Tất cả bệnh tật do ăn cách đêm làm căn bổn. Tất cả sự phán đoán do đấu tranh làm căn bổn. Tất cả việc ác do hư vọng làm căn bổn.
Bạch Thế Tôn! Trong Kinh này trước kia Đức Như Lai nói rằng tất cả pháp lành do bất phóng dật làm căn bổn.
Sao nay Đức Phật lại nói rằng dục là căn bổn?
Này thiện nam tử! Nếu luận về sanh nhân thời là thiện dục, còn liễu nhân thời là bất phóng dật. Như người đời nói rằng tất cả trái cây do hột làm nhân, hoặc có người nói hột là sanh nhân, đất là liễu nhân.
Bạch Thế Tôn! Trong những Kinh khác Đức Phật từng nói rằng Phật là cội gốc của ba mươi bảy phẩm trợ đạo.
Nghĩa này như thế nào?
Này thiện nam tử! Đức Như Lai ngày trước nói rằng chúng sanh mới biết ba mươi bảy phẩm trợ đạo thời Phật là căn bổn. Nếu tự chứng đặng thời dục là căn bổn.
Bạch Thế Tôn! Sao minh xúc gọi là nhân?
Này thiện nam tử! Có lúc Đức Như Lai nói minh là huệ, hoặc nói minh là tín. Do tín tâm mà gần gũi bạn lành đây gọi là xúc. Do gần gũi bạn lành được nghe chánh pháp, đây gọi là xúc. Do nghe chánh pháp mà thân, khẩu, ý thanh tịnh, đây gọi là xúc. Do ba nghiệp thanh tịnh mà được chánh mạng, đây gọi là xúc.
Do chánh mạng được giới căn thanh tịnh, do giới căn thanh tịnh mà thích nơi tịch tịnh, do thích tịch tịnh nên có thể tư duy hiểu biết do thiện tư duy mà được an trụ đúng pháp, do an trụ đúng pháp mà được ba mươi bảy phẩm trợ đạo, do đây có thể phá hoại vô lượng phiền não ác, đây gọi là xúc.
Này thiện nam tử! Thọ gọi là nhiếp thủ, vì lúc chúng sanh cảm thọ có thể làm việc lành việc ác. Do nơi thọ mà sanh các phiền não. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo có thể phá hoại những phiền não này, nên dùng thọ làm nhiếp thủ.
Do thiện tư duy có thể phá phiền não, nên gọi là tăng trưởng. Vì siêng năng tu tập nên được ba mươi phẩm trợ đạo như vậy.
Nếu quán lực có thể phá những phiền não ác cần phải nhờ chuyên niệm, do đây nên dùng niệm làm chủ. Như trong đời tất cả binh chủng đều theo ý của chủ tướng. Ba mươi phẩm trợ đạo cũng đều theo nơi niệm chủ.
Này thiện nam tử! Đã nhập chánh định rồi thời ba mươi bảy phẩm trợ đạo có thể khéo phân biệt tất cả pháp tướng, nên dùng làm dẫn đạo.
Phân biệt pháp tướng này do trí huệ là tối thắng, nên dùng huệ làm thắng.
Trí huệ này rõ biết phiền não, vì năng lực của trí huệ và phiền não tiêu diệt. Như trong đời bốn binh chủng phá hoại óan địch, hoặc một hoặc hai người dũng kiện có công năng phá địch.
Ba mươi bảy phẩm trợ đạo cũng như vậy, do năng lực của trí huệ có thể phá hoại phiền não, nên lấy trí huệ làm thắng.
Này thiện nam tử! Dầu do tu tập ba mươi phẩm trợ đạo mà chứng được Tứ Thiền thần thông an lạc nhưng cũng chẳng gọi là thật. Nếu phá hoại phiền não lúc chứng được giải thoát mới gọi là thật.
Ba mươi phẩm trợ đạo này từ khi phát tâm tu hành, dầu được thế lạc và xuất thế lạc, chứng bốn quả Sa Môn được giải thoát, cũng chẳng gọi là rốt ráo.
Nếu có thể dứt trừ được những công hạnh do ba mươi bảy phẩm trợ đạo này thật hành, đây gọi là Niết Bàn, nên ta nói rốt ráo là Đại Niết Bàn.
Này thiện nam tử! Lại tâm thiện ái niệm chính là dục. Do thiện ái niệm mà gần gũi bạn lành nên gọi là xúc, đây là nhân. Do gần gũi bạn lành nên gọi là thọ, đây là nhiếp thủ. Do gần bạn lành mà có thể thiện tư duy nên gọi là tăng trưởng. Do bốn pháp này có thể sanh trưởng chánh đạo, dục, niệm, định và trí, đây gọi là chủ, là dẫn đạo, là tối thắng vậy.
Do ba pháp này mà được hai thứ giải thoát, do dứt trừ ái nên tâm được giải thoát, do dứt trừ vô minh nên huệ được giải thoát, đây gọi là thật.
tâm pháp như vậy rốt ráo được quả gọi là Niết Bàn, nên Đại Niết Bàn gọi là rốt ráo.
Này thiện nam tử! Lại dục chính là phát tâm xuất gia, xúc là bạch tứ Yết Ma, đây gọi là nhân.
Nhiếp thủ chính là thọ hai thứ giới: Một là Ba La Đề Mộc Xoa giới, hai là tịnh căn giới, đây gọi là thọ, đây gọi là nhiếp thủ.
Tăng trưởng là tu tập Tứ Thiền. Chủ là quả Tu Đà Hoàn và quả Tư Đà Hàm. Dẵn đạo là quả A Na Hàm. Tối thắng là quả A La Hán, thật là quả Bích Chi Phật. Rốt ráo là quả vô thượng Bồ Đề.
Này thiện nam tử! Lại dục gọi là thức, xúc gọi là lục nhập, nhiếp gọi là thọ, tăng trưởng gọi là vô minh, chủ gọi là danh sắc, dẫn đạo gọi là ái, thắng gọi là thủ, thật gọi là hữu, rốt ráo gọi là sanh, lão, bệnh, tử.
Bạch Thế Tôn! Căn bổn cùng nhân với Tăng, ba pháp này khác nhau thế nào?
Này thiện nam tử! Căn bổn tức là sơ phát tâm. Nhân là tương tợ chẳng dứt. Tăng trưởng là tương tợ dứt rồi có thể sanh tương tợ.
Lại căn là tạo tác. Nhân chính là quả. Tăng trưởng là có thể dùng.
Này thiện nam tử! đời vị lai dầu có quả báo, nhưng vì chưa thọ nên gọi là nhân. Đến khi thọ thời gọi là tăng trưởng.
Lại căn là mong cầu. Được tức là nhân. Dùng được tức là tăng trưởng.
Này thiện nam tử! Trong Kinh này, căn là kiến đạo, nhân là tu đạo, tăng là vô học đạo. Lại căn là Chánh Nhân, phương tiện gọi là nhân, từ chánh nhân này chứng được quả báo gọi là tăng trưởng.
Bạch Thế Tôn! Như Đức Phật nói rốt ráo là Đại Niết Bàn, Đại Niết Bàn này làm thế nào chứng được?
Này thiện nam tử! Hoặc Bồ Tát hoặc Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, hoặc Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di có thể tu tập mười quán tưởng, thời người này có thể được Niết Bàn: Một là vô thường tưởng, hai là khổ tưởng, ba là vô ngã tưởng, bốn là yểm ly thuật tưởng, năm là nhất thiết thế gian bất khả lạc tưởng, sáu là tư tưởng, bảy là đa tội quá tưởng, tám là lý tưởng, chín là diệt tưởng, mười là vô ái tưởng.
Người nào tu tập mười thứ quán tưởng như vậy thời rốt ráo quyết định được Niết Bàn. Chẳng do nơi người, tự mình có thể phân biệt thiện bất thiện v.v…, đây gọi là thật xứng nghĩa Tỳ Kheo, nhẫn đến xứng nghĩa Ưu Bà Di.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Tám Mươi Chín - Phẩm đàm Vô Kiệt
Phật Thuyết Kinh Na Tiên đàm đạo - Phần Bốn - Thần Thức Tái Sanh
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hiếu Dưỡng
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Hai - Phẩm Xá Lợi Tử - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Quảng Thuyết Bát Lực