Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Năm - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

 PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI  

PHẨM NĂM  

CHUYỆN BẬC ĐẠI TRÍ BHÙRIDATTA

TIỀN THÂN BHÙRIDATTA  

PHẦN BỐN  

Và chàng không nao núng bước vào cung Vua, yết kiến Đức Vua, tức là Cửu Phụ của chàng, và ngâm kệ:

Muôn tâu chúa thương, nghe lời thần,

Đừng bỏ dịp may, hưởng phước phần,

Mong Chúa Thượng vì thần bảo chứng,

Đem ra đánh cuộc giá năm ngàn!

Vua nghĩ thầm:

Ẩn sĩ này đòi một số tiền quá lớn, thế là nghĩa gì?

Vì thế Ngài liền đáp:

Thân phụ Ngài trao lại nợ đời,

Hay là món nợ của riêng Ngài,

Khiến Ngài phải đến đây đòi trẫm,

Một món nợ nghe thật lạ tai!

Sudassana ngâm hai vần kệ:

À lam muốn cuộc với Long Vương,

Đánh bại hạ thần lập chiến công,

Thần chỉ có đây con nhái bén,

Phá tan kiêu mạn Bà La Môn.

Chúa Thượng, xin Ngài hãy giáng lâm,

Ngự du cùng với đám tùy tùng,

Và nhìn chiến cuộc nơi này nhé,

Đang đợi gã kia đấu với thần.

Vua ưng thuận ra đi cùng với ẩn sĩ.

Khi Àlambàna thấy Vua, gã liền nghĩ:

Ẩn sĩ này kéo được nhà Vua vào phe mình, chắc phải là thân hữu của Vương Gia rồi.

Gã bỗng sinh ra sợ hãi, vội chạy theo chàng và nói:

Ta chẳng muốn đâu hạ nhục Ngài,

Ta không một chút muốn khoe tài,

Nhưng Ngài khinh thị rồng này quá,

Kiêu mạn sẽ làm thất bại thôi.

Sudassana đáp hai vần kệ:

Ta chẳng cầu mong hạ nhục ngươi,

Cũng không khinh kẻ muốn khoe tài,

Nhưng sao ngươi phỉnh phờ dân chúng,

Bằng loại rắn không giết hại ai?

Ví thử người ta biết tướng chân,

Như ta thấy nó rõ ràng ràng,

Nói gì đến chuyện vàng hay bạc,

Ngươi chỉ được ăn một bữa xoàng!

Àlambàna nổi giận đáp:

Nhà ngươi khất thực khoác da lừa,

Dơ bẩn và trông vẻ xác xơ,

Ngươi dám khinh khi Rồng của lão,

Nói rồng không biết cắn bao giờ!

Đến đây và thử việc Rồng làm,

Học hỏi bằng kinh nghiệm nếu cần,

Ta bảo đảm dù không độc hại,

Nọc rồng sẽ biến bạn thành than!

Sudassana liền ngâm kệ chế nhạo gã:

Chuột hay rắn nước cắn người nào,

Chọc giận nó phun nọc độc sao,

Rồng đỏ đầu này không có hại,

Nó không cắn, dẫu biết phun cao!

Àlambàna đáp hai vần kệ:

Ta đã được bao vị Thánh Nhân,

Thực hành pháp khổ hạnh không ngừng,

Bảo người bố thí trong đời sống,

Sẽ đến Cõi Thiên lúc mạng chung.

Ta khuyên ngươi bố thí ngay liền,

Nếu thực ngươi còn chút của tiền,

Rồng sẽ biến ngươi thành cát bụi,

Ngươi không có thể sống lâu bền!

Sudassana lại nói:

Ta cũng nghe từ các Thánh Nhân,

Người bố thí đến Thiên Cung,

Vậy mau bố thí khi còn sống,

Nếu có vật gì để phát phân.

Nhái của ta không phải loại thường,

Sẽ làm ngươi hạ giọng kiêu căng,

Là công chúa của Long Vương đó,

Nàng ấy là bào muội chính tông,

Mồm của Acci phun ngọn lửa,

Hơi nàng cực độc, tiếng vang lừng.

Rồi chàng đứng giữa đám đông gọi to: Này hiền muội Accimukhì, em hãy ra khỏi tóc ta và đứng trên tay ta. Chàng đưa tay ra, và khi nàng nghe chàng bảo, liền thốt lên tiếng kêu ba lần như loài ếch nhái lúc còn nằm trên tóc chàng, rồi nàng nhảy ra vai chàng, phun ra ba giọt nọc độc trên lòng bàn tay chàng rồi trở lại mái tóc chàng như cũ.

Sudassana đứng cầm nọc rắn ấy thốt lên ba lần: Xứ này sẽ bị thiêu rụi. Âm vang rền khắp Ba La Nại đến mười hai dặm đường. Vua hỏi vật gì có thể hủy được nọc này. Tâu Đại Vương, thần chẳng thấy chỗ nào có thể thả nọc này xuống được. Đất này rộng lắm, cứ thả xuống đi. Không thể được.

Chàng đáp bằng vần kệ sau:

Nếu thần thả nó xuống đồng bằng,

Tâu Đại Vương, nghe kỹ hạ thần,

Đám cỏ, cây leo và dược thảo,

Thảy đều tiêu diệt cháy khô cằn.

Vậy thì hãy ném lên Trời.

Cũng không được.

Chàng đáp bằng vần kệ sau:

Nếu hạ thần nghe lệnh Đại Vương,

Ném tung độc ấy giữa không gian,

Sẽ không mưa, tuyết Trời rơi xuống,

Cho đến bảy năm phải lụi tàn.

Vậy thì hãy ném xuống nước.

Cũng không được.

Chàng đáp bằng vần kệ sau:

Nếu vào trong nước, nọc này rơi,

Tâu Đại Vương, nghe kỹ mấy lời:

Tất cả cá, rùa đều phải chết,

Muôn loài thủy tộc sống ngoài khơi.

Vua kêu lên: Trẫm cũng chẳng biết làm sao nữa. Ngài hãy chỉ cho trẫm cách nào để đất nước khỏi bị tiêu diệt. Tâu Đại Vương, xin cho đào ba hố liền nhau. Vua ra lệnh làm ngay.

Sudassana đổ đầy thuốc độc vào hố giữa, phân bò vào hố thứ hai, và thần dược vào hố thứ ba, rồi chàng thả nọc độc vào hố giữa, một ngọn lửa đầy khói bùng lên, lan qua hố phân bò, bùng lên lần nữa, rồi lan qua hố thuốc thần, thiêu rụi hết thuốc rồi mới tắt. Àlambàna đứng gần hố ấy, bị hơi nóng của nọc độc bắt phải, màu da liền biến dạng và gã thành tên hủi trắng.

Gã kinh hoàng la lên ba lần: Ta sẽ thả Rồng chúa ra. Nghe thế, Bồ Tát liền bước ra khỏi giỏ dát ngọc vàng ấy, hiện hình sáng lòa mang đầy châu ngọc, sừng sững uy nghi trong dáng điệu của Thiên Chủ Indra tức Sakka. Sudassana và Accmukhì đứng hai bên.

Lúc đó Sudassana hỏi Vua: Đại Vương có biết đây là dòng dõi nào chăng?

Trẫm không được biết. 

Đại Vương không biết chúng thần, nhưng Đại Vương biết chuyện Vua Kàsi gả công chúa Samuddàja cho Rồng chúa Dhàtarattha chứ?

Trẫm biết rõ lắm, đó là tiểu Vương Muội của trẫm. Chúng thần là con trai của công chúa ấy, Đại Vương là Cửu Phụ cậu của chúng thần.

Thế rồi Vua ôm lấy các cháu, hôn lên đầu và khóc, xong lại mang các cháu vào cung tiếp đãi rất trọng thể. Trong khi Vua ân cần đón tiếp Bhùridatta, Vua hỏi Bồ Tát bằng cách nào Àlambàna đã bắt Ngài trong khi Ngài có nọc thần vô địch như vậy.

Sudassana liền kể hết đầu đuôi câu chuyện rồi bảo: Tâu Đại Vương, một vị Vua phải trị vì Quốc Độ như thế này.

Chàng liền Thuyết Pháp cho Vua, rồi chàng bảo: Tâu Cửu Phụ, Mẫu Hậu đang héo mòn vì vắng bóng Bhùridatta, chúng tiểu điệt không dám ở lâu hơn nữa.

Phải lắm, các hiền điệt cứ ra về, nhưng trẫm cũng muốn gặp Vương Muội, vậy làm cách nào?

Tâu Cửu Phụ, thế Tổ Phụ, Đại Vương Kàsi, đâu rồi?

Ngài không thể sống thiếu Vương Muội, nên Ngài đã rời ngôi báu, đi làm ẩn sĩ, hiện đang sống trong rừng kia. Tâu Cửu Phụ, Mẫu Hậu cũng đang ao ước được gặp Tổ Phụ cùng Cửu Phụ, chúng tiểu điệt xin rước Mẫu Hậu đến lều ẩn sĩ của Tổ Phụ, lúc ấy Cửu Phụ sẽ gặp luôn Mẫu Hậu tại đó.

Thế là họ định ngày xong, và rời cung. Sau khi từ giã các cháu trai, Vua khóc lóc trở vào. Còn họ liền độn thổ ra đi về cảnh giới Nàga.  

GÃ THỢ SĂN BỊ TRỪNG PHẠT  

Khi bậc Đại Sĩ trở về với dân chúng như vậy, cả Kinh Thành đang rền vang những lời than khóc khắp nơi.  Chính Ngài cũng mệt mỏi vì cả tháng Trời ở trong giỏ, nên đi nằm dưỡng bệnh, và thần dân Nàga tấp nập đến viếng thăm Ngài đông vô số, khiến Ngài lại mệt thêm vì phải chuyện trò cùng họ.

Trong lúc ấy Kànàrittha lên Thiên Giới tìm không gặp bậc Đại Sĩ, là kẻ trở về đầu tiên, nên chàng được phân công làm thần canh cửa của bậc Đại Sĩ vì chàng được xem là kẻ tính tình nóng nảy có thể xua tan hết đám đông Nàga ấy.

Phần Subhàga, sau khi tìm khắp vùng núi Himavat Tuyết Sơn, cả đại dương cùng các sông ngòi không gặp, liền phiêu bạt đến vùng sông Yamunà để tìm kiếm.

Lúc bấy giờ gã Bà La Môn hạ đẳng thấy Àlambàna đã hóa thành người hủi, gã nghĩ thầm: Gã ấy hóa hủi, chỉ vì quấy phá Bhùridatta. Nay ta cũng vậy, chỉ vì ham ngọc báu mà phản bội Ngài dù Ngài là ân nhân của ta, tội này ta sẽ phải mang. Vậy trước khi họa đến, ta phải xuống dòng sông Yamunà rửa sạch tội trong chỗ tẩy uế linh thiêng này. Thế rồi gã xuống sông, tự cho là gã sẽ rửa sạch tội phản bội kia.

Vừa lúc ấy Subhàga đến nơi, nghe gã nói, liền nghĩ thầm: Gã khốn nạn tồi tệ này chỉ vì tham bảo ngọc mà phản bội anh ta, Ngài đã ban cho gã mọi phú quý vinh hoa, ta không thể nào tha mạng gã được. Vì vậy chàng cuộn đuôi quanh chân gã, kéo gã dìm xuống nước, đến khi gã ngạt thở, chàng để yên gã một lát.

Gã ngẩng đầu lên, chàng lại dìm xuống, nhiều lần như thế cho đến cuối cùng gã Bà La Môn hạ đẳng kia ngẩng đầu lên bảo:

Ta đang tắm ở chốn thiêng này,

Dòng thánh Pa Yà linh hiển thay,

Chân cẳng ta trên đầy nước thánh,

Quỷ nào hút máu của ta đây?

Subhàga đáp lời gã qua vần kệ sau:

Chuyện kể ngày xưa có vị thần,

Đến Kà si đất nước kiêu căng,

Long Vương thật hiển vinh danh vọng,

Hùng dũng cuộn tròn khắp núi sông,

Ta chính con Ngài đang chụp lão,

Tên Su bha, hỡi Bà La Môn.

Gã Bà La Môn nghĩ thầm: Anh của rồng chúa Bhùridatta không muốn tha chết cho ta, nhưng ta thử làm động từ tâm của vị này bằng cách tán tụng Phụ Mẫu của họ, rồi xin tha mạng xem sao.

Thế là gã ngâm kệ sau:

Kà si Vương Tử thật oai linh,

Mẫu Hậu sinh dòng giống hiển linh,

Ngài chớ để nô tài hạ đẳng,

Chết chìm trong sóng nước vô tình.

Subhaga nghĩ thầm: Gã Bà La Môn độc ác này cố đánh lừa ta để ta xiêu lòng mà tha nó, nhưng ta chẳng tha nó đâu.

Thế là chàng đáp, nhắc lại các hành động của gã:

Một nai khát nước đến dòng sông,

Từ bụi cây, ngươi núp bắn cung,

kinh hãi, đau thương nai chạy trốn,

Bỗng dưng tai họa giáng vào thân.

Người thấy trong rừng nai ngã ra,

Ngươi đem đòn gánh vác nai qua,

Đến cây đa mọc đầy cành lá,

Chằng chịt bao quanh gốc rễ cha.

Sơn ca trỗi khúc nhạc du dương,

Anh Vũ trên cây nhảy rộn ràng,

Đất trải cỏ xanh như thảm lót,

Hoàng hôn mời nghỉ bước an nhàn.

Mắt ngươi độc ác thấy anh ta,

Đang ẩn mình trong đám lá đa,

Mang sắc áo hè tươi rực rỡ,

Vui đùa cùng với đám cung nga.

Hoan hỷ, anh ta chẳng hại ai,

Sao ngươi độc ác giết oan Ngài,

Nạn nhân vô tội, nhìn đây nhé!

Tội ấy trên đầu ngươi tái lai.

Ta chẳng tha ngươi dù phút chốc,

Ngươi đành trả hận tối cao này.

Gã Bà La Môn nghĩ thầm: Vị này quyết không tha mạng ta, song ta phải tìm mọi cách thoát đi mới được.

Rồi gã ngâm kệ sau:

Học hành, cầu nguyện để cúng dâng,

Làm tế lễ trong ngọn lửa thần,

Ba việc khiến La Môn được sống,

Không ai xúc phạm dẫu hờn căm.

Subhaga nghe gã nói đâm ra do dự, chàng nghĩ thầm: Ta sẽ mang nó về cảnh giới Nàga hỏi các Vương huynh ra sao.

Và chàng ngâm hai vần kệ:

 Dưới dòng sông thánh Yamunà,

Trải tận chân đèo núi Tuyết xa,

Thủ phủ Nà ga chìm đáy nước,

Là nơi ngự trị chúa Dha ta.

Cũng là cung thất các Vương huynh,

Ta sẽ đưa lời ngươi biện minh,

Tùy các Vương huynh quyền định đoạt,

Xử ngươi tối hậu thật công bình.

Chàng liền lôi cổ gã đi xềnh xệch cùng lớn tiếng lăng mạ phỉ báng gã cho đến cung môn của bậc Đại Sĩ.  

BẬC ĐẠI TRÍ BÁC BỎ VỆ ĐÀ  

Kànàrittha đã trở thành thần giữ cửa đang ngồi đó, thấy gã kia bị kéo lôi đi một cách thô bạo như thế, liền ra gặp họ và bảo: Này Subhàga, đừng làm gã bị thương, tất cả Bà La Môn đều là con của đấng Đại Phạm Thiên. Nếu Ngài biết ta đang làm con Ngài bị thương, Ngài sẽ nổi giận và tiêu diệt Thế Giới Nàga của ta.

Trên thế gian này các Bà La Môn có địa vị cao nhất và thụ hưởng đại vinh danh, Vương huynh chưa biết uy danh của họ, nhưng tiểu đệ đã biết rõ lắm.

Vì chuyện kể rằng Kànàrittha trong tiền kiếp ngay trước đời này đã sinh ra làm một Bà La Môn tế tự, cho nên chàng mới nói quả quyết như vậy.

Hơn nữa, nhờ kinh nghiệm của đời trước, chàng rất thông thạo việc tế tự cho nên chàng bảo Subhaga cùng hội chúng Nàga: Đến đây ta sẽ tả cho các bạn biết đặc tính Bà La Môn tế lễ ra sao.

Rồi chàng tiếp tục nói như sau:

Vệ Đà và các lễ Tế Đàn,

Những điều trọng vọng thật cao sang,

Thuộc quyền các vị La Môn ấy,

Cho dẫu họ hèn hạ tận cùng.

Đặc quyền họ hưởng đại quang vinh,

Nếu kẻ nào cười nhạo miệt khinh,

Sẽ mất của tiền và phạm luật,

Sống trong tội lỗi thật điêu linh.

Rồi Kànàrittha hỏi Subhaga có biết ai tạo ra Thế Giới này không, khi Subhaga bảo không biết, chàng liền ngâm kệ bảo rằng Thế Giới được tạo dựng bởi đấng Phạm Thiên, là vị Tổ của các Bà La Môn:

Ngài tạo La Môn để học hành,

Tạo dòng Sát Đế Lỵ điều binh,

Cày bừa, Vệ xá, và Ngài tạo,

Nô lệ Thủ Đà phụng mệnh trên.

Như vậy chúa Trời ban thượng lệnh,

Từ thời nguyên thủy đã hình thành.

Kế đó chàng bảo: Các Bà La Môn này có rất nhiều uy lực, ai thân cận với họ và cúng dường họ nhiều lễ vật thì sẽ được Ngài định số phận cho khỏi tái sinh mà được ngay Thiên Giới.

Rồi chàng đọc kệ sau:

Ku Ve Ra, So Ma, các Thần,

Dhà tà, Vi dha, cùng Trời, trăng,

Bao phen đã cử hành Đàn tế,

Ban các La Môn mọi phước ân.

Ajjun vĩ đại giáng tai ương,

Chi chít ngàn tay mọc khắp thân.

Mỗi cặp tay cầm cung dọa nạt,

Dâng thần lửa lễ vật đầy tràn!

Rồi chàng tiếp tục tả cảnh huy hoàng của các Bà La Môn cùng các lễ vật tối cao sang phải được đem cúng dường cho họ như thế nào:

Cổ tích kể Vua nọ cúng dâng,

Thật nhiều, sau hỏa một Thiên Thần.

Vua Muja mãi thờ thần lửa,

Giải khát lửa bằng bơ tưới tràn,

Thần lửa cuối cùng đem tưởng thưởng,

Ngài tìm ra lối đến Thiên cung.

Rồi chàng ngâm các vần kệ này để chứng minh bài thuyết giáo của chàng:

Duji đã sống trọn ngàn năm,

Xe ngựa, quân hầu, thảy phục tuân,

Ngài chọn cuối cùng đời ẩn sĩ,

Từ Am Tranh đã đến Thiên Cung.

Sà ga chiến thắng khắp trần gian,

Dựng trụ vàng dâng lễ Tế Đàn,

Không ai thờ lửa hơn Ngài cả,

Ngài cũng thăng Thiên hóa vị Thần.

Sữa, lạc, Anga chúa Kàsi,

Cúng dâng liên tục tưới tràn trề,

Làm ngập Sông Hằng thành biển cả,

Cuối cùng triều Đế Thích Ngài về.

Đại Đế Sakka có Tướng quân,

Dâng Soma tửu, được vinh thăng,

Nay Ngài nắm giữ bao thần lực,

Từ số phận như mọi thế nhân.

Phạm Thiên, đại tạo hóa, thành hình,

Ranh giới núi non tại tế đình,

Tuân lệnh Ngài, Sông Hằng chảy xuống,

Vinh quang Ngài đạt bởi hy sinh.

Rồi chàng hỏi anh: Này Vương huynh, anh có biết tại sao biển cả thành muối mặn không uống được chăng?

Hiền đệ Arittha, ta không được biết. Vương huynh chỉ biết làm tổn hại các Bà La Môn thôi, này hãy nghe đây.

Rồi chàng ngâm vần kệ:

Một ẩn sĩ, thông kệ, chú thần,

Đứng trên bờ biển, đệ nghe rằng:

Chạm vào biển, nó liền ăn sống,

Từ ấy, nước không uống được dần.

Tất cả các Bà La Môn đều như thế đấy.

Rồi chàng đọc kệ khác:

Đế Thích xưa thành đấng Ngọc Hoàng,

Đặc ân chiếu xuống Bà La Môn,

Đông, tây, nam, bắc, đồng dâng lễ,

Nên đượcVệ Đà, họ hưởng phần.

Cứ thế Arittha miêu tả các Bà La Môn cùng các tế lễ hy sinh và Kinh Vệ Đà cho hội chúng Nàga.

Nghe vậy nhiều Rồng Nàga tìm đến thăm Bồ Tát bên giường bệnh, và bảo nhau: Vương Tử đang kể chuyện cổ tích. Rồi dường như có nguy cơ là họ chấp nhận tà thuyết ấy.

Lúc bấy giờ Bồ Tát đang nằm trên sàng tọa nghe hết câu chuyện xong, hội chúng Nàga lại kể cho Ngài nghe, Ngài suy nghĩ: Arittha đang kể một chuyện cổ sai lạc, ta phải ngắt lời thuyết giảng của em ta và đem Chánh kiến lại cho hội chúng này. Rồi Ngài trở dậy, tắm rửa, trang hoàng châu báu xong liền ngồi trên bảo tọa, tụ tập hội chúng Nàga lại.

Ngài cho gọi Arittha đến bảo: Này Arittha, hiền đệ đã nói lời sai lầm khi diễn tả các Bà La Môn và Kinh Vệ Đà, vì các tế lễ hy sinh theo nghi thức của Kinh Vệ Đà không phải là điều đáng mơ tưởng và nó không thể đưa lối đến Thiên Giới, hãy nhìn kỹ đây những gì hư vọng trong lời nói của hiền đệ.

Thế rồi Ngài ngâm các vần kệ này miêu tả các loại tế lễ hy sinh khác nhau:

Vệ Đà là bẫy kẻ khôn ngoan,

Lôi cuốn làm hư hỏng nạn nhân,

Ảo ảnh tạo mê lầm mắt tục,

Song bao bậc trí vượt an toàn.

Kinh Vệ Đà không bí lực thần,

Cứu người hèn, phản bội, vô luân,

Lửa kia dù thắp bao năm tháng,

Vô vọng cuối cùng tên chủ nhân.

Dù cây toàn cõi đất chồng cao,

Để thỏa nguyện thần lửa khát khao,

Nó vẫn thèm thuồng, khao khát mãi,

Nà ga mong đáp ứng làm sao?

Sữa thường cứ thế biến dần lên,

Bơ, sữa đông là chuyện tự nhiên.

Khao khát đổi thay vậy ngọn lửa,

Càng khơi động, nó mãi cao lên.

Lửa không cháy tự gỗ tươi, khô,

Lửa cần nhen nhúm mới bùng to,

Gỗ tươi, khô nếu đều bừng cháy,

Ắt hẳn rừng xanh hóa hỏa lò!

Kẻ chất củi, rơm đốt lửa cao,

Đạt nhiều công đức, khác đâu nào,

Đầu bếp nhen lò, hay thợ nguội,

Hoặc người thiêu xác chết kia sao?

Chẳng ai cầu nguyện, dẫu thành tâm,

Hoặc chất mồi lên đốt lửa hồng,

Được phước đức gì nhờ tế lễ,

Lửa cao ngất khói cũng tàn dần!

Lửa mà bạn nghĩ đáng tôn vinh,

Vậy phải ở cùng rác thối tanh,

Ăn xác chết hân hoan độc ác,

Mọi người kinh tởm vội quay nhanh.

Có người tôn kính lửa như thần,

Giống bọn man ri trọng nước sông,

Bọn chúng lạc ra ngoài chánh đạo,

Đều không xứng được gọi Thần nhân.

Thờ lửa, tôi đòi của thế nhân,

Vô tình, mù điếc trước lời than,

Sống đời ích kỷ đầy lầm lỗi,

Mơ tưởng Thiên Đường có được chăng?

Bà La Môn ấy muốn làm ăn,

Nên bảo Phạm Thiên cúng lửa thần,

Sao Tạo hóa làm ra vạn vật,

Lại thờ tạo vật chính tay làm?

Pháp luật hão huyền, phi lý sao,

Tổ Tiên ta tưởng đạt sang giàu:

Học hành Ngài tạo La Môn ấy,

Sát  ly cầm quyền lực quý cao.

Vệ xá cày bừa mọi đất đai,

Thủ đà phụng mệnh của bao người,

Từ thời nguyên thủy là như vậy,

Phát xuất tối cao lệnh của Trời.

Ta thấy lệnh này đều áp đặt,

Mắt ta trông đã hiển nhiên rồi.

Chỉ các La Môn được tế thần,

Không ai ngoài Sát Ly cầm quân,

Cày bừa Vệ xá và nô lệ,

Các Thủ Đà kia phải phục tuân.

Vọng ngữ tham lam thuyết đảo điên,

Kẻ ngu tin tưởng chuyện hư huyền,

Ai người có mắt nhìn toàn cảnh,

Sao chẳng công bình, hỡi Phạm Thiên?

Nếu quyền vô hạn khắp nơi nơi,

Sao chính tay ban phúc hiếm hoi,

Sao vật Ngài sinh đều chịu khổ,

Sao không ban phúc đến muôn loài?

Lừa dối ngu si ở khắp nơi,

Tràn đầy hư vọng, chánh chân vơi,

Phạm Thiên là vị bất công quá,

Đã tạo thế gian lắm trái sai.

Những kẻ được xem là trắng trong,

Tha hồ giết nhái, rắn, trùng, ong,

Tục này man rợ, ta khinh ghét,

Như thể Kam Bo, bộ lạc rừng.

Nếu kẻ giết kia được trắng trong,

Nạn nhân cũng được đến Thiên Đàng,

La Môn hãy giết La Môn sạch,

Như vậy bọn này được lạc an,

Và cả những ai nghe thật kỹ,

Những lời chúng nói thật tà gian.

Chẳng thấy bò, dê muốn thiệt thân,

Để mong có cuộc sống cao hơn,

Chúng miễn cưỡng đi vào chỗ chết,

Vẫy vùng tuyệt vọng trút hơi tàn.

 Bao phủ tế đàn, chuyện sát sinh,

Tuôn lời bóng bẩy tuyệt tài tình:

Tế đàn như thể con bò mập,

Bảo đảm bao tâm nguyện đạt thành.

Nếu củi chất quanh vật tế Thần,

Chứa đầy kho báu, họ ca vang,

Bạc, vàng, châu, ngọc cho ta hưởng,

Cùng lạc Thiên Cung sẽ ngập tràn,

Hẳn họ tế Đàn riêng họ hưởng,

Giữ cho mình sản nghiệp giàu sang.

Bọn dối lừa, ngu xuẩn, ác gian,

Chuyện dài thêu dệt phỉnh ngu dân:

Dâng tiền, cắt móng và râu tóc,

Người sẽ được như nguyện thỏa lòng.

Thí chủ ngây ngô sẵn nhiệt tình,

Với hầu bao đến, chúng vây nhanh,

Như bầy quạ xúm quanh chim cú,

Tâm hướng về bao chuyện ác hành,

Khiến nạn nhân kia thành sạt nghiệp,

Cuối cùng bị lột sạch sành sanh,

Đồng tiền chắc chắn người kia có,

Đổi lấy hứa suông chẳng thực hành.

Như bọn lạ tham được lệnh Vua,

Tịch thu tài sản đám nông gia,

Bọn này cướp chỗ nào rình rập,

Tìm của với con mắt ác tà.

Không luật lệ nào lên án chúng,

Tuy nhiên chúng phải chết là vừa!

Tế Sư phải nắm nhánh Bu Ta,

Làm lễ tế Đàn tự trước kia,

Nó được gọi thay Thiên Chủ đấy.

Thế nhưng nếu thật vậy từ xưa,

Phải chăng Thiên Chủ InDra đã,

Chiến thắng được yêu quỷ địch thù?

Tay của Trời cho Ngài ích lợi,

Có đâu làm quỷ sợ vu vơ?

Mỗi rặng núi trong Quốc Độ kia,

Chính là lễ vật tự ngàn xưa,

Đặt lên đàn tế thành từng đống,

Tín chủ đưa tay nhẫn nại ra

Chất lễ vật lên cao tựa núi,

Tuân theo lệnh Đại Phạm Thiên mà!

Núi được chất cao với lễ dâng,

Nói như vậy đó các La Môn,

Khoe khoang huyễn hoặc, ôi ô nhục!

Đống gạch kia dù kiếm hết lòng,

Cũng chẳng chứa đâu nguồn mạch sắt,

Để người thợ mỏ phải hoài công.

Chuyện kể một Hiền Thánh thuở xưa,

Đang khi cầu nguyện ở bên bờ,

Bị chìm xuống biển, từ thời đó,

Nước biển không sao uống đến giờ!

Sông đã nhận chìm các Thánh Hiền,

Hằng trăm và nước vẫn bình yên,

Xuôi dòng chảy mãi không hề thối,

Sao chỉ biển xanh giữ hận hiềm?

Nước mặn tràn vào trên mặt đất,

Do người đào, chẳng bởi lời nguyền.

Trước tiên chẳng có nữ, nam nhân,

Trí óc làm nhân loại sáng dần,

Dòng giống ban đầu bình đẳng cả,

Nhưng vì thành bại đã bao lần,

Làm con người đổi thay ngôi thứ,

Chẳng phải vì xưa thiếu phước ân,

Những lỗi lầm ngày nay đã khiến,

Họ thành ưu thắng hoặc cùng bần.

Kẻ hạ đẳng kia dùng trí khôn,

Đọc Kinh này, trí chẳng cao hơn,

La Môn tạo Vệ Đà làm hại,

Khi các tha nhân đạt trí thông.

Như vẹt, câu ca được thuộc lòng,

Khó quên vì nhịp điệu du dương,

Tối tăm ý nghĩa làm mê mẩn,

Ngu trí nuốt trôi thật bốc đồng.

Bà La Môn chẳng giống thú hoang,

Sư tử, cọp beo của núi ngàn,

Chúng với trâu bò đồng một loại,

Khác ngoài nhưng trí vẫn ngu đần.

Nếu Vua thắng trận dứt đao binh,

Và sống bình an với bạn mình,

Chế ngự dục tham, theo chánh đạo,

Muôn dân hạnh phúc sống phồn vinh.

Vệ Đà, Sát Đế Ly cầm quyền,

Độc đoán cả hai, lại hão huyền,

Mù quáng chúng lần mò tiến bước,

Trên đường hồng thủy ngập liên miên.

Vệ Đà, Sát ly nắm quyền năng,

Thâm nghĩa, chúng ta thảy nhận chân:

Rốt cuộc, nhục vinh hay được mất,

Cùng chung số phận bốn giai tầng.

Như các chủ nhà muốn kiếm ăn,

Tính bao nghề tốt đẹp, an toàn,

La Môn nay gặp ngày tàn mạt,

Tìm kế sinh nhai đủ mọi đàng.

Chủ nhà lầm lạc bởi tham vàng,

Mù quáng đi theo dục dẫn đàng,

Bày đủ mọi trò lừa đảo ấy,

Kẻ ngu phải đọa! Thác người khôn.

Bậc Đại Sĩ, sau khi đánh tan mọi luận thuyết của họ như vậy, đã thành lập ra giáo phái của Ngài và khi hội chúng Nàga nghe Ngài thuyết giảng, tâm họ tràn đầy hoan hỷ.

Bậc Đại Sĩ cho thả tên Bà La Môn hạ đẳng kia ra khỏi cảnh giới Nàga mà không hề đá động gì đến gã, dù chỉ bằng một lời nói khinh miệt.

Vua Sàgara cũng không lỗi hẹn, vội ngự du cùng binh lính đến nơi trú ngụ của Vua cha, sau khi đánh trống báo cho thần dân biết Ngài sẽ đi thăm ngoại Tổ Phụ và quốc cửu, bậc Đại Sĩ du hành qua sông Yamunà, trước tiên Ngài ngự đến am ẩn sĩ của Tổ Phụ với mọi vẻ long trọng huy hoàng, theo sau Ngài có đầy đủ các Vương Tử cùng phụ Vương, Mẫu Hậu Ngài.

Lúc ấy Vua Sàgara chưa nhận ra bậc Đại Sĩ khi Ngài tiến đến cùng đám tùy tùng, liền hỏi Vua cha:

Chiêng trống nào đây, tiếng nói vang,

Trầm hùng hòa điệu giữa không gian,

Làm tâm Thánh thượng đầy hoan hỷ,

Đàn sáo, tù và, tiếng trống con?

Ai là nam tử bước hiên ngang,

Nai nịt cung tên được điểm trang,

Vương miện quanh đầu đang chiếu sáng,

Khác nào ánh chớp tỏa hào quang?

Ai đó uy nghi bước đến gần,

Sáng ngời tướng mạo dáng thanh xuân,

Như cành phượng vĩ đang hồng đỏ,

Lò thợ rèn lia cháy sáng bừng?

Chiếc lọng của ai sáng sắc vàng,

Làm mờ ngọ nhật vẻ kiêu căng,

Bên sườn khéo léo treo lơ lửng,

Chiếc quạt đập ruồi đợi sẵn sàng?

Gậy vàng vung vẫy các đuôi công,

Hòa đủ màu bên cạnh mặt Rồng,

Rực rỡ vòng tai tô điểm tóc,

Khác nào tia chớp lóe không trung?

Hào kiệt nào đây mắt sáng trong,

Mão long đội giữa đôi mày cong,

Răng trắng như chồi hoa, vỏ ốc,

Hoàn toàn đều đặn, thẳng ngay hàng.

Bàn tay hồng đỏ tựa sơn son,

Môi, đóa bim ba thắm nở tròn,

Chàng trẻ sáng ngời như mặt nhật,

Như SàLa nở rộ đầu non,

Indra Thiên Chủ mang bào giáp,

Chiến thắng quỷ thù thảy dẹp tan.

Ai vừa hiện trước nhãn quang ta,

Mở ví bên sườn, tuốt kiếm ra,

Chuôi nạm ngọc vàng đầy kỹ xảo,

Huy hoàng chiếu sáng dưới tay ngà?

Ai cởi hài vàng khỏi gót chân,

Hài thêu dệt gấm thật cao sang,

Cuối đầu trịnh trọng trang nghiêm lễ,

Bày tỏ lòng tôn kính trí nhân?

Khi nghe con của Ngài là quốc Vương Sàgara Brahmadatta hỏi như vậy, vị ẩn sĩ xuất gia đã chứng đắc thắng trí cùng các Thiên chứng, liền trả lời: Này Vương nhi, đó là các Vương Tử của Vua Dhatarattha, các Long Vương Nàga của bào muội của con đó.

Rồi Ngài ngâm kệ sau:

Dha ta Vương Tử các chàng đây,

Uy lực, vinh quang vĩ đại thay,

Tất cả đều tôn sùng chấp nhận,

Sa mud da Mẫu Hậu chung này.

Trong lúc các vị đang đàm đạo, hội chúng Nàga đến nơi, đảnh lễ dưới chân vị ẩn sĩ, rồi ngồi xuống một bên. Công chúa Samuddajà cũng đảnh lễ cha xong, khóc lóc một hồi rồi từ tạ cùng hội chúng Nàga trở lại cảnh giới của mình.

Quốc Vương Sàgara ở lại đó vài hôm rồi trở về thành Ba La Nại. Còn công chúa Samuddajà về sau qua đời tại cảnh giới Nàga.

Phần Bồ Tát vẫn giữ giới suốt đời Ngài và tu tập đủ mọi công hạnh trong ngày Trai giới, nên khi mạng chung, Ngài cùng với hội chúng Nàga đi lên Thiên Giới thật đông đảo.

Khi Pháp Thoại chấm dứt, Bậc Đạo Sư dạy: Như vậy các vị Thánh Đệ Tử, các Bậc Hiền Nhân ngày xưa, trước khi Đức Phật ra đời, đã từ bỏ mọi vinh quang của Quốc Độ Nàga và trang nghiêm hành trì các công hạnh trong ngày Trai giới.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy, gia tộc của Đại Vương là cha mẹ Ta, Devadatta Đề Bà Đạt Đa là gã Bà La Môn hạ đẳng, Ànanda A Nan là Somadatta, Uppalavannà Liên Hoa Sắc là Accimukhì, Sàriputta Xá Lợi Phất là Sudassana, Moggallàna Mục Kiền Liên là Subhaga, Sunakkhatta là Kànàrittha và Ta chính là bậc Đại Trí Bhùridatta.

*** 

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần