Phật Thuyết Kinh Như Lai Trang Nghiêm Trí Tuệ Quang Minh Nhập Nhất Thiết Phật Cảnh Giới - Phần Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT KINH

NHƯ LAI TRANG NGHIÊM TRÍ

TUỆ QUANG MINH NHẬP

NHẤT THIẾT PHẬT CẢNH GIỚI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẦN NĂM  

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu tất cả pháp ấy là không, không khác, thì bồ đề cũng không. Bồ đề không tức là tất cả pháp không. Tất cả pháp không ấy, Như Lai như thật biết gọi là bậc giác ngộ.

Này Văn Thù Sư Lợi! Chẳng phải không là trí rỗng không.

Này Văn Thù Sư Lợi! Không tức là bồ đề, bồ đề tức là không.

Này Văn Thù Sư Lợi! Trong cái không, không có không, cũng không có bồ đề, cũng không có cả hai.

Những pháp gì là không?

Những pháp gì là bồ đề mà lại nói hai tên?

Vì sao?

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả không có hai, không tướng, không sai biệt, không danh, không tưởng, lìa tâm, ý, ý thức, không sinh, không diệt, không hành, không có hành, không nhóm tập, không có văn tự, không có âm thanh.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nói không là chấp lấy sự hý luận.

Này Văn Thù Sư Lợi! Trong pháp đệ nhất không có pháp nào có thể nắm bắt được, gọi là không.

Này Văn Thù Sư Lợi! Như nói về hư không, hư không nhưng không có hư không có thể gọi là hư không.

Này Văn Thù Sư Lợi! Không cũng nói như vậy nên gọi là không. Không mà không có pháp nào để có thể nói nên gọi là không. Như vậy, nhập vào tất cả pháp thì gọi là nhập vào tất cả pháp môn.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp không có tên, nhưng nó nương vào tên để nói.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu tên chẳng phải vật này, chẳng phải lìa vật này, như vậy nó căn cứ vào tên để nói.

Những pháp nào là chẳng phải vật này, chẳng phải lìa vật này?

Như vậy, này Văn Thù Sư Lợi! Như Lai như thật biết tất cả pháp xưa nay không sinh, không khởi, không diệt, không tướng, lìa tâm, ý, ý thức, không có văn tự, không có tiếng.

Này Văn Thù Sư Lợi! bồ đề là như hư không bình đẳng, hư không chẳng phải bình đẳng, chẳng phải thấp, chẳng phải cao, bồ đề cũng chẳng phải bình đẳng, chẳng phải thấp, chẳng phải cao.

Vì sao?

Này Văn Thù Sư Lợi! Vì pháp không thật có.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu pháp không thật có thì làm sao nói bình đẳng, chẳng phải thấp, chẳng phải cao.

Này Văn Thù Sư Lợi! Như Lai như thật biết tất cả pháp bình đẳng, chẳng phải cao, chẳng phải thấp. Sau khi biết như vậy, thì không có một pháp nhỏ nào không bình đẳng không cao không thấp, giống như pháp trụ ấy dùng trí như thật biết.

Này Văn Thù Sư Lợi! Trí như thật là gì?

Này Văn Thù Sư Lợi! Là như thật biết tất cả pháp, tất cả pháp không có xưa nay, không sinh, không diệt. Pháp vốn không sinh, sinh rồi lại diệt. Các pháp ấy không ai tạo ra, không ai nắm lấy mà sinh, không ai tạo tác, không ai nắm lấy mà diệt.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các pháp do nhân duyên sinh ra không có nhân duyên thì diệt, là đạo không thật, cho nên Như Lai vì đoạn đạo mà nói pháp.

Này Văn Thù Sư Lợi! bồ đề là dấu chân như thật.

Này Văn Thù Sư Lợi! Dấu chân như thật là gì?

Này Văn Thù Sư Lợi! Nói dấu chân như thật tức là bồ đề như bồ đề, sắc cũng vậy không lìa như. Như vậy thọ, tưởng, hành, thức không lìa như. Như bồ đề, địa giới như không lìa như, thủy, hỏa, phong cũng không lìa như. Như bồ đề, Nhãn Giới, Sắc Giới, nhãn thức giới không lìa như.

Này Văn Thù Sư Lợi! Như bồ đề, nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới không lìa như.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới không lìa như. Thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới không lìa như. Thân giới, xúc giới, thân thức giới không lìa như. Ý giới, pháp giới, ý thức giới không lìa như.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả pháp là pháp giả danh, đó là năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới. Pháp ấy, Như Lai biết như thật chẳng phải biết điên đảo. Pháp ấy trụ trong đời trước, đời hiện tại và đời sau.

Như Lai như thật biết đời trước, đời hiện tại, và đời sau. Pháp ấy, đời trước không sinh, đời vị lai không đi, đời hiện tại không trụ là như thật biết dấu chân pháp ấy. Như một pháp, tất cả pháp cũng đều như vậy. Như tất cả pháp, một pháp cũng như vậy.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nhưng một hay nhiều đều không thể đắc.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nhập vào tất cả pháp, môn A, môn không có A.

Này Văn Thù Sư Lợi! Môn A là gì?

Môn không có A là gì?

Này Văn Thù Sư Lợi! Nói môn A là tất cả pháp căn lành mới phát. Không A là không thấy tất cả pháp. Nói A là tâm không trụ, có thể làm cho trụ. Nói không A là môn giải thoát vô tướng Tam Muội. Nói A là nói số lượng để quán tướng các pháp. Nói không A là quá lượng. Nghĩa là nghiệp vô thức. A là quán pháp hữu vi. Còn nói không A là quán pháp vô vi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nói bồ đề là pháp vô lậu không chấp lấy.

Này Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là vô lậu, không chấp lấy?

Này Văn Thù Sư Lợi! Nói vô lậu là xa lìa bốn lậu.

Những gì là bốn?

Đó là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu và kiến lậu. Do không chấp lấy bốn lậu ấy nên gọi là viễn ly các lậu.

Này Văn Thù Sư Lợi! Không chấp lấy là gì?

Đó là xa lìa bốn thủ.

Những gì là bốn?

Đó là dục thủ, kiến thủ, ngã thủ và giới thủ. Do các lậu này mà chúng sinh bị vô minh che lấp, bị dòng nước ái nhận chìm rồi cùng nhau theo cái hư vọng mà chấp trước.

Này Văn Thù Sư Lợi! Như Lai như thật biết về nguồn gốc của ngã. Nếu ngã thanh tịnh thì như thật biết tất cả chúng sinh thanh tịnh. Nói ngã thanh tịnh là tất cả chúng sinh thanh tịnh, đây là không hai, và nghĩa sai biệt của không hai, tức là vô sinh, vô diệt.

Này Văn Thù Sư Lợi! Vô sinh, vô diệt là những pháp xứ nào mà tâm, ý, ý thức không thể biết?

Này Văn Thù Sư Lợi! Những pháp cao tột nào mà không có tâm, ý, ý thức và trong pháp đó không phân biệt?

Phân biệt, những pháp nào thì không chánh niệm?

Cho nên Bồ Tát sinh chánh niệm. Ai có chánh niệm thì vô minh không khởi lên. Nếu vô minh không sinh thì không có mười hai hữu chi. Mười hai hữu chi không sinh thì đó là bất sinh. Bất sinh tức là vị. Vị tức là liễu nghĩa. Liễu nghĩa là nghĩa đệ nhất. Nghĩa đệ nhất tức là nghĩa vô ngã. Nghĩa vô ngã là nghĩa bất khả thuyết.

Nghĩa bất khả thuyết tức là nghĩa nhân duyên. Nghĩa nhân duyên là nghĩa pháp, nghĩa pháp tức là nghĩa như. Cho nên nói thấy nhân duyên tức là thấy pháp. Thấy pháp tức là thấy Như Lai. Nói thấy, tuy thấy các pháp nhưng không có chỗ thấy.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nói có chỗ thấy nghĩa là thấy tâm thấy quán. Như Lai không thấy tâm. Nếu không thấy tâm thì không thấy quán. Đó là thấy đúng.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các pháp bình đẳng như vậy. Như Lai thấy sự bình đẳng của pháp ấy.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nói bồ đề là tịnh, vô cấu, không dơ bẩn.

Này Văn Thù Sư Lợi! Những gì là tịnh?

Những gì là vô cấu?

Những gì là không dơ bẩn?

Này Văn Thù Sư Lợi! Không gọi là tịnh. Vô tướng là vô cấu, vô nguyện là không dơ bẩn.

Này Văn Thù Sư Lợi! Vô sinh là tịnh, không hành là vô cấu, không khởi là không dơ bẩn.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tự tánh là tịnh, căn lành thanh tịnh là vô cấu, ánh sáng tràn đầy là không dơ bẩn. Không hý luận là tịnh, lìa sự hý luận là vô cấu, vắng bặt tất cả hý luận là không dơ bẩn. Như là tịnh, pháp giới là vô cấu, thật tế là không dơ bẩn.

Hư không là tịnh, vô ngại là vô cấu, không thấy là không dơ bẩn. Bên trong thanh tịnh là tịnh, bên ngoài không tạo nghiệp là vô cấu, bên trong bên ngoài đều không thấy là không dơ bẩn. Ấm tụ là tịnh, tự thể pháp giới là vô cấu, mười hai nhập không đi là không dơ bẩn. Quá khứ tận trí là tịnh, vị lai vô sinh trí là vô cấu, hiện tại trụ pháp giới trí là không dơ bẩn.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tóm lại tịnh, vô cấu, không dơ bẩn đều nhập vào dấu chân một pháp bình đẳng, gọi đó là dấu chân tịch tĩnh. Nói dấu chân tịch tĩnh tức là tịch diệt, tịch diệt tức là tịnh, tịnh tức là Thánh.

Này Văn Thù Sư Lợi! Như hư không, bồ đề cũng như vậy. Như bồ đề, pháp cũng như vậy. Như pháp, pháp thể cũng như vậy. Như pháp thể, chúng sinh cũng như vậy. Như chúng sinh, Quốc Độ cũng như vậy. Như Quốc Độ, Niết Bàn cũng như vậy.

Này Văn Thù Sư Lợi! Như Lai nói tất cả pháp bình đẳng như Niết Bàn vì cứu cánh rốt ráo không có pháp bị đối trị, xa lìa các pháp bị đối trị. Vì xưa nay thanh tịnh, xưa nay vô cấu, xưa nay không dơ bẩn.

Này Văn Thù Sư Lợi! Như Lai như thật giác ngộ tất cả pháp như vậy, quán sát tánh của tất cả chúng sinh rồi liền sinh thanh tịnh, vô cấu, không dơ bẩn, phấn chấn tâm đại từ bi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát thực hành hạnh Bồ Tát như thế nào?

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu Bồ Tát không sinh tâm, không vì các pháp tận, không vì các pháp sinh, chẳng phải không vì các pháp không sinh, thấy các pháp xưa nay tận, thấy các pháp không tận, mà không sinh tâm ngã mạn nói ta biết như vậy, nhưng các pháp không hoại vì xưa nay không sinh.

Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát thực hành hanh Bồ Tát như vậy.

Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát không thấy tâm quá khứ tận mà thực hành hạnh Bồ Tát, không thấy tâm vị lai chưa đến mà thực hành hạnh Bồ Tát, không thấy tâm hiện tại có mà thực hành hạnh Bồtát, và không chấp trước quá khứ vị lai hiện tại, trong tâm thực hành hạnh Bồ Tát như vậy.

Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát và Như Lai bố thí không có hai, không sai khác, hành như vậy gọi là thực hành hạnh Bồ Tát. Bồ Tát và Như Lai trì giới không có hai, không sai khác, hành như vậy là thực hành hạnh Bồ Tát.

Bồ Tát, Như Lai nhẫn nhục không có hai, không sai khác, hành như vậy là hành hạnh Bồ Tát. Bồ Tát, Như Lai tinh tấn không có hai, không sai khác, hành như vậy là thực hành hạnh Bồ Tát.

Bồ Tát Như Lai thiền định không có hai, không sai khác, hành như vậy là thực hành hạnh Bồ Tát. Bồ Tát và Như Lai trí tuệ không có hai, không sai khác, hành như vậy là thực hành hạnh Bồ Tát.

Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát không thấy sắc không, không thấy sắc bất không, hành như vậy là thực hành hạnh Bồ Tát.

Vì sao?

Vì sắc không là tánh của sắc.

Như vậy, này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát khong hành thọ, tưởng, hành, thức, không lìa thọ, tưởng, hành, thức. Hành như vậy là thực hành hạnh Bồ Tát.

Vì sao?

Vì không có tâm, ý, ý thức.

Này Văn Thù Sư Lợi! Không có một pháp nào mà biết hoặc lìa, hoặc tu hoặc chứng.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nói tận là pháp ấy thường tận, chẳng phải không tận vì xưa nay vốn đã tận. Nếu pháp xưa nay vốn đã tận thì pháp ấy không thể tận. Vì không thể tận nên nói tận.

Vì sao?

Vì như thật tận. Nếu như thật tận thì pháp ấy không tận một pháp nào. Nếu không tận một pháp nào thì pháp ấy là vô vi. Nếu là pháp vô vi thì pháp vô vi không sinh không diệt, đó gọi là Như Lai. Nếu Như Lai xuất hiện hay không xuất hiện ở đời thì pháp tánh, pháp thể, pháp trụ, pháp vị, pháp giới đều như thật. Nếu pháp giới như thật trụ thì pháp trí không sinh không diệt, dựa vào trí ấy mà biết pháp vô vi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu nhập vào các pháp vị như vậy thì biết pháp lậu không sinh không diệt.

Này Văn Thù Sư Lợi, nói các lậu tận thì đây là dựa vào danh từ thế gian mượn lời để nói, nhưng Pháp Thân chân như ấy không có pháp sinh cũng không có pháp diệt.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương tử đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng Phật nói kệ:

Không sắc không hình tướng

Vô căn, không chỗ trụ

Vì không sinh không diệt

Kính lạy Bậc Biến Tri

Không ở cũng không đi

Không lấy cũng không bỏ

Vì viễn ly sáu nhập

Kính lạy Bậc Biến Tri

Vượt xa khỏi ba cõi

Bình đẳng như hư không

Vì không nhiễm các dục

Kính lạy Bậc Biến Tri.

Ở trong các oai nghi

Tới, lui và ngủ thức

Luôn sống trong tịch mặc

Kính lạy Bậc Biến Tri.

Đến đi đều bình đẳng

Do trụ trong bình đẳng

Không làm hoại bình đẳng

Kính lạy Bậc Biến Tri.

Nhập các định vô tướng

Thấy các pháp tịch tĩnh

Vì thường nhập bình đẳng

Kính lạy Bậc Biến Tri.

Chư Phật tướng hư không

Hư không cũng vô tướng,

Vì lìa các nhân quả

Kính lạy Bậc Biến Tri.

Hư không không giới hạn

Thân Chư Phật cũng vậy

Vì tâm đồng hư không

Kính lạy bac Biến Tri.

Phật thường ở thế gian

Mà không nhiễm pháp đời

Không phân biệt thế gian

Kính lạy Bậc Biến Tri.

Các pháp giống như huyễn

Mà huyễn không thể đắc

Vì lìa các pháp huyễn

Kính lạy Bậc Biến Tri.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần