Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Một - Một Pháp - Phẩm Năm - Phẩm ðặt Hướng Và Trong Sáng
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG CHI BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
CHƯƠNG MỘT
MỘT PHÁP
PHẨM NĂM
PHẨM ÐẶT HƯỚNG VÀ TRONG SÁNG
Ví như, này các Tỳ Kheo, sợi râu của lúa mì, hay sợi râu của lúa mạch bị đặt sai hướng, khi tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu. Sự tình này không xảy ra.
Vì cớ sao?
Này các Tỳ Kheo, vì sợi râu bị đặt sai hướng. Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo với tâm bị đặt sai hướng, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết Bàn. Sự tình này không xảy ra.
Vì cớ sao?
Này các Tỳ Kheo, vì tâm bị đặt sai hướng. Này các Tỳ Kheo, ví như các sợi râu của lúa mì, hay sợi râu của lúa mạch được đặt đúng hướng, khi tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm cho đổ máu. Sự tình này có xảy ra.
Vì cớ sao?
Này các Tỳ Kheo, vì sợi râu được đặt đúng hướng. Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo với tâm được đặt đúng hướng, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết Bàn. Sự tình này có thể xảy ra.
Vì cớ sao?
Này các Tỳ Kheo, vì tâm được đặt đúng hướng.
Ở đây, này các Tỳ Kheo, với tâm của ta biết tâm một người là uế nhiễm, ta rõ biết: Nếu trong thời gian này, người này mệnh chung, người ấy bị rơi vào địa ngục như vậy tương xứng.
Vì cớ sao?
Này các Tỳ Kheo, vì rằng tâm người ấy uế nhiễm. Cũng do tâm uế nhiễm làm nhân như vậy, này các Tỳ Kheo, một số loài hữu tình ở đời, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Ở đây, này các Tỳ Kheo, với tâm của ta biết tâm một người là thanh tịnh, ta biết rõ: Nếu trong thời gian này, người này mệnh chung, người ấy được sanh lên Thiên Giới như vậy tương xứng.
Vì cớ sao?
Này các Tỳ Kheo, vì rằng tâm người ấy thanh tịnh. Cũng do tâm thanh tịnh làm nhân như vậy, này các Tỳ Kheo, một số loài hữu tình ở đời này, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi thiện, Cõi Trời, cõi đời này.
Ví như, này các Tỳ Kheo, một hồ nước uế nhớp, bị khuấy động, đục bùn. Tại đấy có người có mắt, đứng trên bờ, không thể thấy các con ốc, các con sò, các hòn sạn, các hòn sỏi, các đàn cá qua lại, đứng yên.
Vì cớ sao?
Vì nước bị khuấy đục. Này các Tỳ Kheo, cũng vậy, vị Tỳ Kheo với tâm bị khuấy đục biết được lợi ích của mình, hay biết được lợi ích của người, hay biết được lợi ích cả hai, hay sẽ chứng ngộ các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng các bậc Thánh. Sự kiện như vậy không xảy ra.
Vì cớ sao?
Vì rằng tâm bị khuấy đục, này các Tỳ Kheo. Ví như, này các Tỳ Kheo, một hồ nước trong sáng, sáng suốt, không bị khuấy đục. Tại đấy có người có mắt, đứng trên bờ, có thể thấy các con ốc, các con sò, các hòn sạn, các hòn sỏi, các đàn cá qua lại, đứng yên.
Vì cớ sao?
Vì nước không bị khuấy đục, này các Tỳ Kheo. Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo với tâm không bị khuấy đục biết được lợi ích của mình, hay biết được lợi ích của người, hay biết được lợi ích cả hai, hay sẽ chứng ngộ các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng các bậc Thánh. Sự kiện như vậy có xảy ra.
Vì sao?
Vì rằng tâm không bị khuấy đục, này các Tỳ Kheo. Ví như, này các Tỳ Kheo, phàm có những loại cây gì, cây Phan Da Na được xem là tối thượng, tức là về nhu nhuyến và dễ sử dụng.
Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, Ta không thấy một pháp nào khác, lại nhu nhuyễn và dễ sử dụng, như một tâm được tu tập, được làm cho sung mãn. Tâm được tu tập, được làm cho sung mãn, này các Tỳ Kheo, là nhu nhuyến và dễ sử dụng.
Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ Kheo, lại vận chuyển nhẹ nhàng như tâm. Thật không dễ gì, này các Tỳ Kheo, dùng một ví dụ để diễn tả sự vận chuyển nhẹ nhàng của tâm.
Tâm này, này các Tỳ Kheo, là sáng chói, nhưng bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào.
Tâm này, này các Tỳ Kheo, là sáng chói và tâm này được gột sạch các cấu uế từ ngoài vào.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba