Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Chín Mươi Mốt
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM SÁU
PHẨM QUÁN THIÊN
DẠ MA THIÊN
TẬP CHÍN MƯƠI MỐT
Công đức thứ mười sáu của việc nghe pháp là: Có thể tránh nhân duyên bất thiện. Nếu nhân duyên bất thiện phát sinh thì người trí tuệ sẽ quan sát nỗi sợ trong đường dữ. Quan sát xong họ sẽ xả bỏ nhân duyên ấy vì sợ hãi đường sinh tử. Nếu nhân duyên bất thiện phát sinh thì họ tránh không thực hành.
Để nhân duyên bất thiện không phát sinh, họ siêng năng tinh tấn giữ giới, tu tập trí tuệ, nếu sinh tâm tham cầu ta cần phải thực hành bố thí, nếu tâm keo kiệt phát sinh thì dùng tâm không tham lam để diệt trừ, dùng trí tuệ để phá ngu si, dùng thấy biết như thật để diệt trừ sự suy nghĩ bất thiện.
Dùng chánh kiến để trừ bỏ tà kiến, dùng suy nghĩ chân chánh để diệt trừ vọng tưởng phân biệt, nếu cảm giác vui thú phát sinh thì phải quan sát các nỗi khổ, nếu có cảm giác mọi vật đều thật có thì phải quán tất cả là không, nếu chấp ngã thì phải quán vô ngã.
Đó là cách đối trị bằng suy nghĩ như thật. Nếu có nhân duyên bất thiện phát sinh, ta phải lìa xa nó.
Các nhân duyên đó dù là tế hoặc thô hoặc vừa ta đều phải diệt trừ chúng. Nhờ nghe chánh pháp ta có thể lìa bỏ tất cả nhân duyên bất thiện. Nếu không nghe chánh pháp thì ta không thể tránh chúng. Việc nghe pháp giống như kho tàng yên ổn. Đó là công đức thứ mười sáu của việc nghe pháp.
Công đức thứ mười bảy của việc nghe pháp là: Nhờ nghe pháp, người sống phóng dật không còn suy nghĩ ác và không sống phóng dật nữa.
Người không phóng dật thì có thể thâu giữ các căn, tất cả pháp lành đều tăng thêm, tất cả pháp bất thiện đều được trừ bỏ, người ấy cách Niết Bàn không xa và được mọi thứ an lạc. Được như vậy là nhờ trừ bỏ phóng dật và nghe chánh pháp. Nhờ nghe chánh pháp biết tai họa của sự phóng dật nên họ tránh xa nó. Nhờ nghe chánh pháp ta có thể điều phục các căn.
Do các căn được điều phục nên ta có thể thâu giữ tâm, làm tăng thêm ý nghĩ lành, diệt trừ suy nghĩ ác. Do suy nghĩ thiện ta được thú vui bậc nhất. phóng dật là gốc của tất cả phiền não và không phóng dật là gốc của tất cả pháp lành. Nhờ nghe chánh pháp ta trừ bỏ được phóng dật. Vì vậy chúng ta phải thường hết lòng lắng nghe chánh pháp và tu tập theo ngày càng tinh tấn. Đó là công đức thứ mười bảy của việc nghe pháp.
Công đức thứ mười tám của việc nghe pháp là: Nhờ nghe chánh pháp nên ta gần gũi bạn lành, cung kính cúng dường các bậc thiện nhân, biết tư duy lường xét. Nhờ gần bạn lành, họ được công đức lớn. Nếu gần bạn ác thì họ rước lấy nhiều lầm lỗi.
Không có pháp nào làm ta gần gũi bạn lành như việc nghe chánh pháp. Nhờ nghe chánh pháp ta được gần bạn lành. Vì vậy phạm hạnh bậc nhất là thân cận bạn lành. Đó là công đức thứ mười tám của việc nghe pháp.
Công đức thứ mười chín của việc nghe pháp là: Nhờ nghe pháp ta có thể trừ bỏ tâm gian xảo, dối trá, keo kiệt, ganh ghét.
Nếu gần gũi bạn lành sẽ được công đức gì?
Nhờ gần bạn lành ta sẽ được công đức thù thắng, không còn gian xảo, dối trá, keo kiệt, ganh tỵ, nhờ nghe pháp ta có thể thật sự tin tưởng về nghiệp và quả báo. Nếu chúng sinh nào gian xảo, dối trá, keo kiệt, ganh tị thì khi chết sẽ đọa vào đường ác là ngạ quỷ hoặc địa ngục.
Người nào trước kia đã từng thường xuyên gian xảo, dối trá, keo kiệt, ganh ghét thì nhờ nghe chánh pháp liền có thể xả bỏ không tái phạm, nhàm chán và hối hận về những việc trước đây đã làm, khi thấy có ai gian xảo, dối trá thì họ khuyên bảo người ấy đừng làm vậy nữa.
Họ giúp người kia nhàm chán ăn năn những việc trước đây đã làm và sống trong đường lành. Nhờ nghe pháp ta được công đức này. Pháp chắc chắn nhất ở trong Cõi Trời, người là việc nghe chánh pháp. Đó là công đức thứ mười chín của việc nghe pháp.
Công đức thứ hai mươi của việc nghe pháp là: Sau khi được nghe chánh pháp, ta cúng dường cha mẹ, biết nghiệp và quả báo, biết ruộng phước. Đó là công đức hơn hết. Ruộng phước bậc nhất là cha mẹ. Do biết nghiệp và quả báo này ta có thể cúng dường cha mẹ đủ thứ như giường nằm, thuốc trị bệnh và các vật cần dùng khác. Việc cúng dường cha mẹ có thể tạo phước sinh Cõi Trời Phạm Thiên.
Do phước đức này, về sau ta đạt được Niết Bàn.
Lại nữa, do nghe pháp, cúng dường cha mẹ ta được mọi người yêu thích, hiện đời được mọi người khen ngợi, sau khi chết được sinh vào đường lành làm Trời, người. Nhờ nghe pháp, cuối cùng ta sẽ đạt được Niết Bàn. Vì biết công đức này, suốt đời người trí cúng dường vào ruộng phước của cha mẹ, làm việc và suy nghĩ chân chánh, hết lòng kính trọng cha mẹ. Đó là công đức thứ hai mươi của việc nghe pháp.
Công đức thứ hai mươi mốt của việc nghe pháp là: Biết quả báo của nghiệp. Do biết quả báo của nghiệp họ không thích pháp khác. Nhờ nghe chánh pháp họ có thể biết quả báo của nghiệp. Nếu có ý niệm bất thiện phát sinh thì biết có ý niệm bất thiện, nếu tâm nghĩ điều thiện thì biết tâm nghĩ điều thiện. Họ biết như thật về quả báo của nghiệp.
Nếu tâm suy nghĩ về pháp bất thiện thì họ biết rằng: Suy nghĩ bất thiện này sẽ đưa đến quả báo xấu, không đáng ưa là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Do biết như vậy nên họ không sinh tâm bất thiện nữa. Việc bất thiện này chắc chắn sẽ đem lại quả báo không đáng ưa là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, nếu tạo nghiệp ác này chắc ta sẽ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Nhờ nghe chánh pháp nên ta biết rõ ba loại nghiệp ấy, nếu không nghe pháp thì không thể biết việc ấy. Vì thế trọn đời người trí thường nghe pháp. Nếu thường nghe pháp tu tập nghiệp lành thì không tạo nghiệp bất thiện. Đó là công đức thứ hai mươi mốt của việc nghe pháp.
Công đức thứ hai mươi hai của việc nghe pháp là: Có thể tích tụ và làm tăng thêm nghiệp sống lâu. Nhờ nghe pháp, tin nghiệp báo, họ không sát sinh, trộm cắp… và siêng năng tu tập các nghiệp lành để được sinh vào hàng Trời, người, có tuổi thọ cao. Nhờ nghe pháp siêng năng tu tập nên họ có được công đức là tuổi thọ rất cao. Nhờ nghe pháp họ được sinh làm Trời, người.
Nếu được sinh lên Trời thì có tuổi thọ rất cao so với các vị Trời khác. Họ ăn uống vui chơi hưởng thú vui bậc nhất, nếu sinh làm người thì họ có sắc đẹp mạnh khỏe, giàu có, sống lâu, sinh ở nước giàu mạnh, văn minh, nhờ nghe chánh pháp họ thường siêng năng tu tập chánh kiến được thoát các khổ não. Ai có thể nghe pháp với tâm thiện thì người đó được phước đức bậc nhất.
Nếu ai bước một bước để đi nghe pháp thì đều có phước sinh lên Cõi Trời. Người nghe pháp thường thực hành theo pháp thì được nghiệp lành của thân, nghe xong đọc tụng thì được nghiệp lành của miệng, nghe xong tâm trong sạch thì được nghiệp lành của ý.
Do ba nghiệp lành người nghe pháp được sinh làm Trời, người, được sự giàu có vui sướng bậc nhất, có tuổi thọ cao và cuối cùng đạt được Niết Bàn. Tất cả công đức lớn đều nhờ nghe pháp mà được. Vì vậy, nghe pháp là việc an ổn bậc nhất. Đó là công đức thứ hai mươi hai của việc nghe pháp.
Công đức thứ hai mươi ba của việc nghe pháp là: Người nghe pháp được mọi người khen ngợi. Họ có công đức trì giới. Do thường nghe pháp nên họ có trí tuệ điều phục. Mọi người đều cung kính, lễ bái, thăm hỏi họ. Họ nói với mọi người bằng lời nói êm dịu, hòa nhã và thẳng thắng.
Người này tương ưng với công đức. Họ thường sợ những tội ác nhỏ. Tất cả bạn bè đều ca ngợi và cứu giúp khi họ bị hoạn nạn. Người nghe pháp được người đời khen ngợi. Đó là công đức thứ hai mươi ba của việc nghe pháp.
Công đức thứ hai mươi bốn của việc nghe pháp là: Được Chư Thiên ủng hộ. Người nghe pháp tương ưng với nghiệp lành, thân, miệng, ý đều thực hành nghiệp lành do đó họ được Chư Thiên hộ trì. Nhờ họ mọi người đều an ổn. Nếu họ chết vô số người sẽ không được lợi ích, bảo vệ họ thì quân ma bị hao hụt, chánh pháp được tăng thêm.
Vì thấy điều đó, ngày đêm Chư Thiên thường đi theo hộ vệ họ. Nhờ Chư Thiên giúp, họ làm việc gì cũng thành tựu. Do nghiệp lành làm nhân lẫn nhau, các việc mà họ làm đã được thành tựu ngày càng phát triển thêm, tất cả nghiệp lành đều thành tựu. Lần lượt như vậy họ làm lợi ích cho hai đời. Do đó, công đức nghe pháp là kho an ổn bậc nhất. Đó là công đức thứ hai mươi bốn của việc nghe pháp.
Công đức thứ hai mươi lăm của việc nghe pháp là: Nhớ nghĩ việc gì cũng đều thành tựu.
Đó là người trí tuệ sống thuận theo pháp, trì giới, bố thí được nghiệp báo hiện tiền, suy nghĩ và làm việc gì cũng đều được thành tựu, không ai có thể cướp đoạt, việc làm dễ được thành tựu, thọ nhận như pháp, không mắc năm nạn, sinh sống bằng nghề chân chánh, thanh tịnh không bị lệ thuộc vào người khác, khi chết sinh vào đường lành mang thân Trời. Đó là công đức thứ hai mươi lăm của việc nghe pháp.
Công đức thứ hai mươi sáu của việc nghe pháp là: Giàu có như pháp, những người cùng trì giới, giàu có hào hiệp đều gần gũi họ. Do cùng giữ giới nên họ trao đổi kinh nghiệm với nhau.
Tài sản của họ không phải do làm hại hay cưỡng ép người khác mà là thuận theo pháp mà có. Người thực hành pháp bố thí có công đức ngày càng tăng làm lợi ích an lạc cho hai đời. Do nghe pháp ta được công đức này. Đó là công đức thứ hai mươi sáu của việc nghe pháp.
Công đức thứ hai mươi bảy của việc nghe pháp là: Có trí tuệ, xa lìa sự biếng nhác. Do nghe pháp, biết lầm lỗi của sự biếng nhác là nếu biếng nhác thì không thành tựu được các pháp thế gian và xuất thế gian.
Nhờ nghe pháp, họ lìa bỏ sự biếng nhác, siêng năng làm tất cả mọi việc, chánh niệm không rối loạn, lìa bỏ người biếng nhác, tìm cách làm xong mọi việc một cách mau chóng, làm đúng thời, đúng pháp nên thành tựu tất cả, lợi ích cho hai đời. Nếu lìa bỏ sự biếng nhác siêng năng tinh tấn thì mọi việc đều được hoàn tất, mọi sự phát tâm đều thành tựu.
Ai vốn biếng nhác thì nhờ nghe pháp, biết tai hại của sự biếng nhác nên liền lìa bỏ nó mau chóng như vứt bỏ dao vào lửa. Do nghe tai họa của biếng nhác là phá hoại tất cả việc làm của thế gian nên họ thành tựu tất cả mọi việc lợi ích. Đó là công đức thứ hai mươi bảy của việc nghe pháp.
Công đức thứ hai mươi tám của việc nghe pháp là: Lần lượt phát sinh tâm báo ân, biết ơn người khác. Do nghe pháp nói về việc báo ân nên họ tìm cách báo ân. Do họ biết báo ân nên tất cả bạn bè đều gắn bó keo sơn với họ. Do công đức đó, tất cả kẻ thù đều giống như bạn bè.
Nếu chịu chút ít ơn nghĩa của ai họ thường nhớ nghĩ không quên. Biết ơn, báo ơn sẽ được công đức lớn. Đó là công đức thứ hai mươi tám của việc nghe pháp.
Công đức thứ hai mươi chín của việc nghe pháp là: Nghĩ về cái chết. Sự nhớ nghĩ thù thắng nhất là nhớ nghĩ về cái chết. Do thường nghĩ về cái chết nên thường lo sợ. Do lo sợ nên không tạo nghiệp ác, giả sử thấy sắc đẹp cũng không sinh phân biệt, nghe âm thanh vui thú cũng không ghi nhớ, khi mũi ngửi các hương thơm, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý tư duy pháp đều không sinh tâm tham đắm nhớ nghĩ.
Họ chặt đứt và lìa bỏ tất cả lưới hữu. Do sợ chết họ quan sát và thấy các thế gian đều không chắc chắn, tất cả đều khổ, vô ngã, không thật. Người có cái thấy như thật thì không có tâm dính mắc nơi Cõi Trời, cõi người huống gì là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Người này dứt bỏ sự hy vọng nơi năm đường và được giải thoát.
Họ sợ hãi nhàm chán nỗi khổ trong đường sinh tử. Do sự nhàm chán đó, họ được giải thoát và có trí tuệ giải thoát, sinh tử đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau. Nếu không nghe pháp thì không có công đức nhàm chán và lập phạm hạnh như vậy.
Vì vậy, ta phải siêng năng nghe và ghi nhớ chánh pháp gần gũi Sư Trưởng để cúng dường và nghe pháp làm lợi ích cho hai đời hiện tại và vị lai. Gần gũi thiện tri thức và nghe chánh pháp làm cho ta được yên ổn. Đó là công đức thứ hai mươi chín của việc nghe pháp.
Công đức thứ ba mươi của việc nghe pháp là: Nhờ nghe pháp nên khi chết ta không hối hận. Người thường nhớ nghĩ về cái chết nếu có lỗi lầm phát sinh thì liền mau chóng diệt trừ.
Nhờ nhớ nghĩ về cái chết, nếu ba loại bụi tham, sân, si là nhân của sinh tử phát sinh ta liền có thể đoạn trừ. Do trừ ba loại cấu uế đó, ta không còn sinh tử, không bị thoái lui. Không có pháp nào khác có thể diệt trừ ba thứ bụi dơ đó. Nhờ công đức nghe pháp nên ta được pháp như vậy.
Trong tất cả công đức an ổn, công đức nghe pháp là an ổn bậc nhất. Khi ấy Bồ Tát Ngỗng chúa nói cho Chư Thiên nghe pháp tương ưng với chánh pháp mà Phật Ca Na Ca Mâu Ni đã nói. Đó là công đức thứ ba mươi của việc nghe pháp.
Công đức thứ ba mươi mốt của việc nghe pháp là: Lúc chết tâm không hối hận. Nếu được nghe ý nghĩa của chánh pháp thì do thực hành nghiệp lành, lúc chết ta không hối hận. Sau khi đã nghe ý nghĩa của kinh ta nhớ nghĩ tư duy. Tư duy xong, ta sẽ tăng thêm lòng tin trong sạch đối với Phật, Pháp, Tăng.
Do tâm trong sạch nên máu cũng trong sạch. Do máu trong sạch nên dung mạo thanh tịnh. Do thân tâm trong sạch nên khi chết ta sẽ thấy đường lành là Cõi Trời đáng yêu có ánh sáng trắng. Do thấy được nơi sẽ sinh đến nên tâm ta càng thêm trong sạch. Nhờ tin tưởng Phật, Pháp, Tăng với tâm trong sạch, ta được sinh nơi thù thắng hơn.
Nhờ lòng tin trong sạch, nếu tạo nghiệp sinh ở Cõi Trời Tứ Thiên Vương thì ta được sinh vào Cõi Trời thứ nhì, nếu có nghiệp ở Cõi Trời Tam Thập Tam thì ta được sinh vào Cõi Trời Dạ Ma, nếu có nghiệp sinh ở Cõi Trời Dạ Ma thì ta sẽ được sinh vào Cõi Trời Đâu Suất Đà, lần lượt như vậy cho đến Cõi Trời Tha hóa tự tại thứ sáu.
Nhờ lòng tin trong sạch nên ta được sinh vào nơi thù thắng hơn. Tất cả đều do nghe pháp, nếu không nghe pháp thì không được như vậy. Nghe chánh pháp là người cứu giúp là nơi nương tựa lúc ta chết. Đó là công đức thứ ba mươi mốt của việc nghe pháp.
Công đức thứ ba mươi hai của việc nghe pháp là: Nhờ nghe pháp cuối cùng ta được Niết Bàn. Công đức nghe pháp là công đức hơn hết nơi mọi công đức vì nó giúp ta đạt được Niết Bàn. Do nghe chánh pháp, tinh tấn tu tập đúng pháp, thành tựu như thật người đó chắc chắn đoạn trừ phiền não, đạt đến Niết Bàn.
Để đoạn trừ phóng dật của Chư Thiên ở Trời Dạ Ma, Bồ Tát Ngỗng chúa Thiện Thời đã dùng âm thanh không có gì sánh bằng để nói pháp chân chánh. Chư Thiên đều sinh tâm thán phục. Bấy giờ, do nghe Phật Pháp, tâm Chư Thiên trở nên trong sạch.
Tất cả Chư Thiên bạch với Ngỗng chúa: Ở trong Cõi Trời này Bồ Tát là Thiên Chủ vì có sức trí tuệ biện tài, còn Chư Thiên Chúng con giống như súc sinh, do phóng dật nên thường ưa thích cảnh giới, ưa thích dục lạc làm hại tâm mình. Âm thanh của chúng con đều không thể sánh kịp âm thanh của Ngỗng chúa.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Bốn Mươi Sáu - Phẩm Hiến Cúng Rừng Tre - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Ngũ Thiên Ngũ Bách Phật Danh Thần Chú Trừ Chướng Diệt Tội - Phần Mười Bốn
Phật Thuyết Kinh Bát Quan Trai
Phật Thuyết Muôn Pháp Hội Trổ Một Hoa Vô Tướng - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Như Lai Thần Lực