Phật Thuyết Kinh Những điều Bồ Tát Hải ý Hỏi Về Pháp Môn Tịnh ấn - Phần Bảy
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Duy Tịnh, Đời Triệu Tống
PHẬT THUYẾT KINH
NHỮNG ĐIỀU BỒ TÁT HẢI Ý
HỎI VỀ PHÁP MÔN TỊNH ẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Duy Tịnh, Đời Triệu Tống
PHẦN BẢY
Tuy có thân đẹp đẽ hoàn toàn như thế nhưng Bồ Tát đối với sắc tướng cũng không kiêu hãnh. Thân tuy đẹp đẽ mà không sinh ý tưởng ưa thích. Nếu Bồ Tát thấy các loại sắc tướng của tất cả chúng sinh có người nào bị khiếm khuyết thì bấy giờ Bồ Tát không khởi tâm kiêu mạn, mà vì cầu pháp nên khởi tâm khiêm hạ, cung kính.
Vì sao?
Vì pháp tánh của tự thân cùng với pháp tánh của tất cả thân chúng sinh đều bình đẳng, nương vào trí tuệ. Bồ Tát đối với thân và pháp tánh của thân đều biết rõ rồi, liền đắc Pháp Thân, không thọ thân phần đoạn.
Sao gọi là Pháp Thân?
Đó là thân dùng thiền duyệt làm thức ăn uống, không dùng đoàn thực. Bồ Tát vì muốn tùy thuận thế gian, vì thương yêu chúng sinh nên thị hiện thọ nhận thức ăn của thế gian, chứ không vì sự gầy ốm của thân. Bồ Tát chỉ đối với pháp thân, dùng pháp mạng ấy mà nuôi dưỡng, chẳng nhờ đoàn thực của thế gian nuôi dưỡng.
Sao gọi là pháp mạng?
Nghĩa là chỗ nuôi dưỡng không do nhân duyên tạo tác, không vượt Thánh hạnh.
Sao gọi là Thánh hạnh?
Nghĩa là không tham, không sân, không si, lìa các phiền não, tùy chỗ hiện bày mà âm thầm hộ trì giới cấm thì gọi là Thánh hạnh. Bồ Tát do trí này dẫn dắt mà thân nghiệp hoàn hảo, nên đạt được các trí thông, thành tựu thần lực, dùng tâm không phát khởi tỏ ngộ, ở trong tất cả cõi ấy, hiện thân cùng khắp, tùy theo từng loại chúng sinh nơi các Cõi Phật mà ứng hiện thân hình trang nghiêm, sắc tướng sáng ngời của Bồ Tát.
Bồ Tát an trú trong không phát, ngộ, không phân biệt, thân tướng trang nghiêm chói sáng hoàn hảo. Ở trong thân ấy, phóng ra hào quang lớn. Hào quang này chiếu khắp vô lượng, vô số quoc độ của Chư Phật.
Tất cả chúng sinh ở địa ngục, cõi ác đều nhờ xúc tiếp với ánh sáng chiếu đến mà được an vui. Do an vui nên ưa tiếp xúc với hiện tiền, vì ưa được tiếp xúc nên phiền não thiêu đốt tất cả chúng sinh đều tiêu trừ, tất cả đều được mát mẻ, thân tâm an lạc. Các chúng sinh ấy vì được an lạc nên khéo làm Phật Sự.
Này Hải Ý! Các pháp như thế gọi là trí Bồ Tát dẫn dắt thân nghiệp hoàn hảo.
Lại nữa, Hải Ý! Thế nào là trí Bồ Tát dẫn dắt ngữ nghiệp hoàn hảo?
Nghĩa là nếu Bồ Tát nói ra lời nào thì trong lời nói ấy, thường xa lìa tất cả tội lỗi thô ác.
Này Hải Ý! Thế nào là lỗi lầm thô ác trong lời nói?
Nghĩa là Bồ Tát luôn luôn xa lìa sáu mươi bốn thứ lỗi lầm trong lời nói.
Những gì là sáu mươi bốn?
1. Bồ Tát không nói lời khúc mắc.
2. Không nói lời thô tục.
3. Không nói lời gây đổ vỡ.
4. Không nói lời gây nhụt chí.
5. Không nói lời quá cầu kỳ.
6. Không nói lời quá kém cỏi.
7. Không nói lời quá ác.
8. Không nói cạnh khóe.
9. Không nuốt lời.
10. Không nói lời khiêu khích.
11. Không nói chia rẽ.
12. Không nói lời chọc giận.
13. Không nói lời mê hoặc.
14. Không nói lời oán hận.
15. Không nói lời lén.
16. Không nói lời ô nhiễm.
17. Không nói lời như rên rỉ.
18. Không nói lời như trẻ con.
19. Không nói lời như rống.
20. Không nói lời thô bạo.
21. Không nói lời xúc phạm.
22. Không nói phi thời.
23. Không nói lời tham lam thấp kém.
24. Không nói lời giận dữ ngăn cách.
25. Không nói lời si mê cuồng loạn.
26. Không nói lời kinh sợ.
27. Không nói lời khinh mạn, cố chấp.
28. Không nói lời phá hoại.
29. Không nói lời dua nịnh.
30. Không nói lời cao ngạo.
31. Không nói lời tự tôn, tự ti.
32. Không nói lời tùy theo sự yêu mến mà che giấu.
33. Không nói lời bới móc không thương yêu.
34. Không nói lời chẳng thật.
35. Không nói lời thiếu sót.
36. Không nói lời hư vọng.
37. Không nói lời tranh chấp gây rối.
38. Không nói lời hai lưỡi.
39. Không nói lời ác độc.
40. Không nói lời thêu dệt.
41. Không nói lời phá hoại bè bạn.
42. Không nói lời quá sắc bén.
43. Không nói lời quá mềm mỏng.
44. Không nói lời pham tục.
45. Không nói lời không che chở.
46. Không nói nhiều.
47. Không nói lời giận dữ.
48. Không nói lời tranh giành.
49. Không nói lời thấp hèn.
50. Không nói lời loạn động.
51. Không nói lời khinh rẻ.
52. Không nói lời chê bai trước mặt.
53. Không nói lời bỡn cợt.
54. Không nói lời như ca hát.
55. Không nói lời phi pháp.
56. Không nói lời ly gián.
57. Không nói lời tự khen.
58. Không nói lời chê bai người.
59. Không nói lời khinh nhờn.
60. Không nói lời kích bác.
61. Không nói lời chống trái Phật, Pháp, Tăng.
62. Không nói lời hủy báng Hiền Thánh.
63. Không nói lời làm chứng phi lý.
64. Không nói tất cả lời thô ác tội lỗi.
Này Hải Ý! Trong sáu mươi bốn thứ lời nói tội lỗi như thế, phàm nói ra điều gì Bồ Tát, đều mau xa lìa, liền được ngữ nghiệp thanh tịnh.
Phàm nói ra điều gì đều nói lời không gián đoạn, nói lời như thật, nói lời chân chánh, nói lời thành thật rõ ràng, nói lời thuận theo sự thật, tùy theo ngôn ngữ của hết thảy chúng sinh, biết tâm ưa thích của tất cả các loài, khiến các chúng sinh đều sinh hoan hỷ, soi rõ căn tánh của tất cả chúng, dứt các phiền não, trụ trong oai thần của Phật, nắm giữ chánh pháp, nói ra điều gì phân minh rõ ràng, êm ái dễ mến, lìa các lầm lỗi.
Vì đều do phước hạnh thành tựu nên lời nói không sinh tham lam mà gồm thâu công đức, chẳng sinh sân giận, sâu xa vô cùng, không sinh si mê. Ở trong mười phương Thế Giới hiện bày ngôn ngữ đều được lợi ích, đến tất cả nơi đều không hiện tướng.
Này Hải Ý! Đó là trí Bồ Tát dẫn dắt ngữ nghiệp hoàn hảo.
Lại nữa, Hải Ý! Thế nào là trí Bồ Tát dẫn dắt ý nghiệp hoàn hảo?
Nghĩa là Bồ Tát trong một sát na, nhất tâm vào khắp tâm hành của tất cả chúng sinh đều thấu rõ cả, an trú trong Tam ma sí đa, hiện các việc oai nghi, nhưng cũng không hiện khởi Tam Ma Địa ấy. Tất cả chúng ma đều không thể biết nghiệp tâm của Bồ Tát. Vào khắp tâm của tất cả Thanh Văn, Duyên Giác, họ cũng không biết.
Bồ Tát ấy không bao giờ sinh tâm tự hại mình và hại người, cũng không hại cả hai, chẳng biểu hiện ở tâm ý, không bị chướng ngại nơi một pháp nhỏ nào. Ở trong tất cả pháp, khởi trí biết rõ. Vì tâm ý của vị ấy không biểu hiện nên không chỗ biết rõ được, không thọ mà thọ, chưa đủ pháp Phật, cũng không diệt thọ mà thủ chứng.
Này Hải Ý! Đây gọi là trí Bồ Tát dẫn dắt ý nghiệp hoàn hảo.
Này Hải Ý! Những pháp như thế là căn bản Tam Ma Địa tịnh ấn của Bồ Tát an trú tự thuyết. Pháp căn bản này tức là thân, ngữ, ý nghiệp của Bồ Tát, đều dùng trí để dẫn dắt.
Vì ba nghiệp ấy trí là dẫn đầu nên có thể đạt được pháp Tam Ma Địa tịnh ấn tự thuyết.
Hải Ý nên biết! Có mười pháp mà Tam Ma Địa này được gọi là tự thuyết.
Những gì là mười?
1. Hạnh mới phát khởi, gọi là tự thuyết vì thâm tâm thanh tịnh.
2. Hạnh Bồ Tát, gọi là tự thuyết vì sáu Ba La Mật Đa thanh tịnh.
3. Hạnh hiển bày sự trong sạch, gọi là tự thuyết vì tất cả pháp thiện thanh tịnh.
4. Hạnh tướng hảo viên mãn, gọi là tự thuyết vì phước hạnh vô ngại thanh tịnh.
5. Hạnh đắc biện tài, gọi là tự thuyết vì, nghe theo pháp hành thiện khiến người khác thanh tịnh.
6. Trí niệm định không tán loạn, gọi là tự thuyết vì xa lìa tất cả sự ngăn che thô nặng, phiền não hiện khởi được thanh tịnh.
7. Trí pháp phần Bồ Đề, gọi là tự thuyết vì bất phóng dật thanh tịnh.
8. Trí biểu thị chỉ quán, gọi là tự thuyết vì tâm ý thức thanh tịnh.
9. Trí nơi mười địa thứ lớp, gọi là tự thuyết vì trong tất cả phap, kiến lập đối trị siêu vượt chướng ngại, đều được thanh tịnh.
10. Trí trang nghiêm Đạo Tràng đại Bồ Đề, gọi là tự thuyết vì dứt trừ tất cả pháp bất thiện, tập hợp tất cả pháp thiện thanh tịnh.
Này Hải Ý! Vì đầy đủ mười pháp ấy nên Tam Ma Địa này gọi là tự thuyết.
Hải Ý nên biết! Lại có hai mươi pháp nên Tam Ma Địa này gọi là Tịnh ấn.
Những gì là hai mươi?
1. Nội tịnh, gọi là tịnh ấn vì ngã thanh tịnh.
2. Ngoại tịnh, gọi là tịnh ấn vì ngã sở thanh tịnh.
3. Thân tịnh, gọi là tịnh ấn vì tất cả nhận thức đều thanh tịnh.
4. Tất cả pháp vô ngã thanh tịnh, gọi là tịnh ấn vì xưa nay thanh tịnh.
5. Đối với tất cả pháp bình đẳng, hiểu rõ thanh tịnh, gọi là tịnh ấn vì nhất vị thanh tịnh.
6. Không, vô tướng, vô nguyện thanh tịnh, gọi là tịnh ấn vì tất cả giải thoát thanh tịnh.
7. Hư không thanh tịnh, gọi là tịnh ấn vì rốt ráo thanh tịnh.
8. Chúng sinh giới, pháp giới thanh tịnh, gọi là tịnh ấn vì xa lìa các sự tạo tác.
9. Chỗ nhận biết hiện tại thanh tịnh, gọi là tịnh ấn vì tự trí thông thanh tịnh.
10. Nhật luân quang minh thanh tịnh, gọi là tịnh ấn vì thường chiếu sáng thanh tịnh.
11. Tri kiến ba đời vô ngại thanh tịnh, gọi là tịnh ấn vì lìa các chướng ngại, thanh tịnh.
12. Môn biểu thị thấu đạt thanh tịnh, gọi là tịnh ấn vì thức trí vô trụ thanh tịnh.
13. Vô vi thanh tịnh, gọi là tịnh ấn vì tự tánh hưu vi thanh tịnh.
14. Hiểu rõ duyên sinh thanh tịnh, gọi là tịnh ấn vì khéo quán pháp duyên sinh.
15. Tùy sức chứng vô sở úy, pháp Phật thanh tịnh, gọi là tịnh ấn vì thật trí thanh tịnh không thể sánh.
16. Hiểu rõ tướng pháp Phật thanh tịnh, gọi là tịnh ấn vì nghiệp trước thanh tịnh.
17. Đại từ, đại bi thanh tịnh, gọi là tịnh ấn vì không bỏ chúng sinh khiến họ thanh tịnh.
18. Hàng phục các ma, ngoại đạo khiến họ thanh tịnh, gọi là tịnh ấn vì tất cả việc làm thanh tịnh.
19. Phá trừ tất cả hạt giống tập khí phiền não khiến cho thanh tịnh, gọi là tịnh ấn vì tự tánh các pháp thanh tịnh.
20. Ở trong một sát na tâm biết khắp tất cả môn pháp Phật, tùy theo chỗ biết thanh tịnh, gọi là tịnh ấn vì tích tập sự thanh tịnh viên mãn.
Này Hải Ý! Vì đầy đủ hai mươi pháp ấy nên Tam Ma Địa này gọi là Tịnh ấn.
Hải Ý nên biết! Bồ Tát khi ngồi nơi Đạo Tràng Bồ Đề mới có thể đạt được Tam Ma Địa này. Sau khi đắc Tam Ma Địa ấy, sẽ đạt được tám loại tướng đại Thần Thông Bất cộng.
Những gì là tám?
1. Bỗng nhiên cõi tam thiên đại thien này, đất đều biến thành Kim Cang.
2. Tất cả rừng cây, hoa quả cành lá đều rộ nở, nẩy mầm và hướng về cây Bồ Đề, tất cả đều cong mình cúi xuống bày tỏ tướng cung kính.
3. Tất cả chúng sinh, trong khoảng sát na, không bị tất cả phiền não gây hại.
4. Tất cả địa ngục, cõi ác, chúng sinh đều thấy Bồ Tát ngồi nơi Đạo Tràng Bồ Đề. Thấy rồi đều được an vui hoàn toàn.
5. Tất cả Thế Giới, ở trên không đều hiện ra hào quang sắc vàng chiếu sáng rộng khắp.
6. Đại địa chấn động, nhưng trong đó, không có một phần nhỏ chúng sinh nào bị nhiễu hại.
7. Chư Phật Thế Tôn hiện trú thuyết pháp giáo hóa trong mười phương, dùng pháp vô úy thí để an ủi, nói thế này: Thiện Nam! Các ngươi rất tốt, rất tốt, là Đạo Sư lớn.
8. Trong một sát na, tất cả Pháp Phật đều tập trung hiện ra trước tâm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Xá La Bộ
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phổ Siêu Tam Muội - Phẩm Chín - Phẩm Biến động
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Sanh - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tát Giá
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Ba - Pháp Hội Phổ Minh Bồ Tát - Phần Một