Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phổ Siêu Tam Muội - Phẩm Chín - Phẩm Biến động

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

VĂN THÙ SƯ LỢI PHỔ SIÊU TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM CHÍN

PHẨM BIẾN ĐỘNG  

Rạng ngày hôm sau, bấy giờ Vua A Xà Thế dậy sớm, đến chỗ Bồ Tát Nhu Thủ cúi đầu thưa: Vật phẩm cúng dường đã bày biện rồi, đã đến lúc xin Bồ Tát khởi hành.

Hiền Giả Đại Ca Diếp sáng nay dậy sớm, đắp y, mang bình bát cùng với năm trăm vị Tỳ Kheo sắp vào đại thành Xá Vệ khất thực.

Đến giữa đường Tôn Giả Ca Diếp nghĩ: Ta đi khất thực quá sớm như vậy mới có thể gặp được Bồ Tát Nhu Thủ, nghĩ xong liền đi đến. Tôn Giả cùng với Bồ Tát bàn luận giải bày rộng rãi, những điều cốt yếu.

Bồ Tát Nhu Thủ nói với Tôn Giả Đại Ca Diếp: Thưa Tôn Giả Đại Ca Diếp! Còn sớm, sao đã đến?

Tôn Giả Đại Ca Diếp đáp: Muốn đi khất thực sớm để học hỏi Đại Sĩ.

Bồ Tát Nhu Thủ nói: Nay Tôn Giả nên cùng quyến thuộc tề tựu về chỗ trai soạn cúng cho tôi thì tôi sẽ cúng cho Tôn Giả thực phẩm.

Tôn Giả Ca Diếp đáp: Vật phẩm cúng dường đã có được rồi. Tôi vì pháp nên đến đây, chẳng vì ăn uống!

Bồ Tát Nhu Thủ lại nói với Tôn Giả Ca Diếp: Tôn Giả nhận lời mời là nhận cả hai việc: Cúng dường đại pháp và đồ ăn thức uống, cũng chẳng chọn đạo pháp cũng chẳng bỏ việc ăn uống.

Tôn Giả Ca Diếp đáp: Chúng tôi chỉ trân trọng đạo pháp, tuyệt đối chẳng vì ăn uống. Chúng tôi đem hết thân mạng, ý chí suốt đời bảo tồn đạo pháp.

Vì sao?

Vì chúng tôi chẳng theo người khác mới có thể đạt đến được. Chẳng hạn như pháp môn này, nghĩa chân chánh mà Bồ Tát đã nói.

Rồi lại hỏi: Thưa Bồ Tát Nhu Thủ! Hôm nay Bồ Tát và các Bồ Tát vì sao thọ thực?

Bồ Tát Nhu Thủ đáp lại: Chúng ta thọ thực và bố thí cho họ, việc này cũng chẳng lợi ích lâu dài, cũng chẳng hao tổn, chẳng động đến sinh tử, chẳng gần với Nê Hoàn, cũng chẳng vượt qua cõi phàm phu, cũng chẳng chứng minh pháp của Hiền Thánh, chẳng vượt Thanh Văn chẳng bỏ Duyên Giác.

Chúng ta sẽ nói việc thỉnh mời kia, việc bố thí ấy cũng chẳng trừ sạch tuệ thanh tịnh cùng sự hiểu biết chẳng tồn tại mà ích lợi, chẳng đến được giải thoát. Đối với Kinh Pháp cũng không chỗ dấy khởi, cũng chẳng đắc pháp, cũng không chỗ cởi bỏ.

Tôn Giả Ca Diếp đáp: Đúng là đại thí, bố thí vô cực, đã vào đến chỗ bản thể vô vi vậy.

Bấy giờ Bồ Tát Nhu Thủ tự nghĩ: Hôm nay vào thành chắc được Đức Phật cảm động biến hóa. Ngay lúc ấy Bồ Tát dùng thần túc tam muội biến động để nhập định. Khi vừa dùng định này để nhập định tức thời tất cả tam thiên đại thiên Thế Giới, khắp nơi đều bằng phẳng như bàn tay.

Ở khắp Cõi Phật này được ánh đại hào quang kia soi khắp, không đâu chẳng tới. Ánh sáng ấy đến địa ngục thì mọi khổ đau tức thời ngưng nghỉ, đến với loài súc sanh, ngạ quỷ thì các bất an tức thời được yên ổn, tâm tưởng của các loài chúng sinh đều được khai mở, không còn tham giận, không xan tham ganh ghét, cũng không dua nịnh, không có các kết sử, sân hận kiêu mạn, không chỗ dấy khởi, cũng không phiền não.

Bấy giờ, chúng sinh nhìn thấy nhau như cha mẹ, thấy tam thiên đại thiên Thế Giới này chấn động. Thiên Tử Dục Hành, Thiên Tử Sắc Hành đều đến chúng hội để cúng dường Bồ Tát Nhu Thủ. Họ tấu nhạc, đờn ca, diễn xướng hàng trăm ngàn thứ, mưa hoa Trời xuống trang nghiêm đường đi.

Bồ Tát Nhu Thủ vừa khởi các định ấy, thì từ thất Bồ Tát đến cửa thành, tự nhiên đường cái bằng phẳng, vừa rộng vừa dài đều được trang hoàng bằng vô số bảy báu trân quý, có bao nhiêu vật dụng trang trí tự nhiên xuất hiện, báu vật nhiều không kể xiết hóa làm hào báu.

Trong hào ấy mọc lên hoa sen, cành hoa chen đầy đỏ hồng rực rỡ. Trên hào hóa ra chuỗi ngọc giăng, màn phủ dựng lên cờ, phướn, lọng, hoa bằng lụa là năm sắc. Giáp vòng hào ấy đều có lan can. Bên trái, bên phải lan can đều có cây báu rất cao to. Các cây báu được nối kết lại với nhau bằng những sợi dây báu.

Bên cạnh mỗi một cây báu đều có giá báu, trên đặt lư hương đốt các loại hương thơm quý giá. Mỗi một lư hương đốt các loại hương thơm xa đến bốn mươi dặm. Khoảng giữa các cây hóa ra ao tắm báu, trong các ao ấy tràn đầy nước tám vị. Đáy ao toàn là cát bằng vàng, lan can quanh khắp ao bằng các thứ báu. Bờ ao bằng lưu ly.

Dưới ao mọc toàn hoa sen xanh. Đất dưới những cây báu cũng bằng các thứ báu. Trên tất cả đất báu đặt các lư hương báu, đốt các loại hương quý. Nơi mỗi một cây báu có năm trăm ngọc nữ đứng thẳng hàng. Họ đều kiến lập công đức bố thí.

Bồ Tát Nhu Thủ vừa dùng định tam muội chánh thọ này, ngay khi ấy có thầy ngoại đạo kia thị hiện biến hóa, lồng lộng không lường, không đâu chẳng phô bày. Bồ Tát Nhu Thủ liền đứng dậy, đắp y, mang bát, chuẩn bị ra đi.

Bồ Tát nói với Tôn Giả Ca Diếp rằng: Thưa Tôn Giả Đại Ca Diếp! Tiện thể xin đi lên trước, tôi xin đi theo sau.

Vì sao?

Vì Tôn Giả niên kỷ đã cao, thuộc hàng kỳ túc, vốn tu phạm hạnh, làm Sa Môn đã lâu, chưa gặp Đức Như Lai mà đã xuất gia tu học. Kể ra thế gian đã có nhiều La Hán theo Tôn Giả tu học. Do vậy, nên Tôn Giả phải đi trước, tôi nay xin theo sau.

Tôn Giả Ca Diếp đáp: Xét theo pháp luật thì chẳng lấy tuổi tác làm tôn trưởng. Theo pháp luật thì lấy trí tuệ làm tôn trưởng. Thần trí Bậc Thánh mới là đáng tôn kính, học nhiều hiểu rộng, có biện tài thì mới gọi là tôn trưởng, các căn minh triệt mới gọi là tôn trưởng, thông hiểu pháp luật mới là tôn trưởng.

Do những điều kể trên, Bồ Tát Nhu Thủ trí tuệ lồng lộng, học rộng hiểu nhiều, thông đạt hết các biện tài vô ngại, hiểu rõ nguồn gốc chúng sinh nên Bồ Tát rất to lớn, rộng rãi, cao xa. Bồ Tát quả là một bậc Đại tôn trưởng. Vậy nên, Đại Sĩ phải đi trước, tôi xin đi sau.

Nay muốn ví dụ để phân biệt ý nghĩa này, Tôn Giả Ca Diếp nói tiếp: Ví như con của sư tử vừa sinh chưa lâu, tuy là còn nhỏ, khí lực chưa thành, nhưng bước đi của sử tử con ấy còn lưu lại cái hơi của nó khiến nai rừng, các thú vật đánh được cái hơi mạnh ấy đều trốn chạy hết.

Như có con voi lớn sáu ngà, sáu mươi năm tuổi, thân cao lớn, nếu dùng dây da buộc con voi ấy ba lớp mà nó đánh được hơi uy mãnh của sư tử con thì sợ hãi, kinh hoàng, khích động hết sức, vùng đứt ba lớp dây trói, vội vàng chạy trốn mất vào nơi hang hốc, khe suối, rừng rậm, hốc cây… nếu vào sông lớn thì tự lặn mất. Chim làm tổ trên cây, cố che khuất. Thú chạy dưới đất náu mình ẩn trốn.

Loài dưới nước như cá, ba ba, lặn sâu xuống vực cho đến các loài chim bay lượn giữa hư không, Bồ Tát phát tâm cũng lại như vậy. Giả sử người phát tâm, trí tuệ đạo lực chưa được thành tựu, lòng còn khát ngưỡng, học tập bước sư tử, đi qua con đường của các bậc Thanh Văn, Duyên Giác thì tất cả chúng ma ở cung điện Tự tại đều sợ hãi, chẳng được tự yên ổn.

Giả sử sư tử con thấy các sư tử khác thế lực uy mãnh, nếu con sư tử này gầm lên, sư tử con nghe âm thanh ấy chẳng Kinh, chẳng sợ cũng chẳng sợ hãi, không sợ hoạn nạn mà càng thêm vui mừng, hớn hở. Nương theo thế lực ấy, sư tử con cũng sẽ gầm lên. Như vậy, Đại Sĩ Nhu Thủ khi nghe Đức Phật gầm tiếng sư tử thì chẳng lo lắng, cũng chẳng sợ hãi, không sợ hoạn nạn mà còn vui mừng hớn hở, tâm yên ổn vậy.

Tôi cũng sẽ tập tiếng gầm sư tử của Phật như hôm nay. Giả sử có nói về sự bình đẳng của bậc chánh chân, bậc Duyên Giác, bậc Thanh Văn là Đức Như Lai vì tôn trọng sự phát tâm Bồ Tát, điều ấy chính là căn bản. Lời nói ấy chí thành, bình đẳng, không tà vạy.

Vì sao?

Vì chính do điều ấy sinh ra tất cả các pháp mà hiển hiện khắp nơi. Do vậy nên tôi biết rõ Đại Sĩ Nhu Thủ là bậc đáng tôn kính. Tuổi Đại Sĩ tuy nhỏ mà đã là Bậc Thánh tôn trưởng nên phải đi trước, tôi nên theo sau.

Bồ Tát Nhu Thủ liền đi trước, rồi đến các Bồ Tát, các chúng Thanh Văn mới theo sau. Bồ Tát Nhu Thủ vừa hướng về con đường báu trang nghiêm thì Trời đổ mưa hoa, vô số nhạc cụ chẳng tấu mà tự vang lên.

Ngay lúc ấy, đất đai chấn động, ánh hào quang lớn không đâu mà chẳng soi thấu. Khi ấy, Bồ Tát Nhu Thủ đã thị hiện biến hóa, uy thần cảm động, phóng ánh hào quang lớn, mưa hoa, xông hương các tiếng âm nhạc hòa nhau tấu lên mà tiến vào thành Vương Xá.

Vua A Xà Thế suy nghĩ: Bồ Tát Nhu Thủ cùng với hai mươi ba ngàn chúng Bồ Tát và các quyến thuộc Thanh Văn làm tùy tùng đang trên đường đi đến, Vua liền lo sợ. Hôm nay, ta chuẩn bị vật phẩm cúng dường cho năm trăm người mà người đến thì nhiều quá, đâu có thể cúng dường đều khắp được!

Chư vị đã ngồi vào rồi, lấy gì để dùng đây?

Rồi Vua lại nghĩ: Bồ Tát Nhu Thủ quả nghi ngờ nhau mới phát khởi tâm này.

Ngay khi ấy, Bồ Tát Nhu Thủ đã kiến lập thần oai thánh đức, Vua Trời Tức Ý liền tự hóa thân làm quỷ thần Kim Tỷ, biến hiện thân thể vi diệu, gọi Vua A Xà Thế bảo: Đại Vương hãy yên tâm, chớ lo nghĩ khiến mệt long thể. Bồ Tát Nhu Thủ phương tiện, quyền xảo khéo léo, trí tuệ vô cực, thị hiện công đức lớn, uy linh hiển hách, thần lực sáng rực rỡ.

Bồ Tát lên đường đến đây thì phần ăn của một người có thể dùng cho khắp cả Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới chúng sinh đều được no đủ, huống gì ở đây chỉ có hai mươi ba ngàn quyến thuộc đến mà thôi. Vậy nên, chẳng đủ khiến Đại Vương lo nghĩ khó nhọc. Đại Vương hãy an tâm, chớ lo thêm vật phẩm cúng dường. Tất cả những người đến đây đều sẽ được no đủ hết.

Vì sao?

Vì Bồ Tát Nhu Thủ được sự hộ giúp rộng lớn không cùng tận, khó lường được.

Khi ấy Vua A Xà Thế vui mừng không tự kềm chế được phát ý nghĩ rộng lớn về Bồ Tát Nhu Thủ như Phật Thế Tôn. Vua A Xà Thế cùng các quần thần, quan lại trong cung mang theo hương hoa, các thứ bột thơm, quần áo, cờ, phướn, lọng bằng lụa năm màu, nhạc cụ, đàn cầm, đàn sắt, không hầu… đến phụng nghênh Bồ Tát Nhu Thủ. Họ cúi đầu làm lễ xong, theo hầu Bồ Tát Nhu Thủ vào thành về cung.

Khi Bồ Tát Nhu Thủ cùng các quyến thuộc mới vào thành, nhân dân nội thành đều mang của cải đến để cúng dường.

Ở trong hội có một vị Bồ Tát tên là Phổ Quán, Bồ Tát Nhu Thủ bảo vị ấy: Này Thiện Nam! Hãy khiến cho cung điện, nhà cửa kia che chở hết chúng hội.

Vị ấy liền nhận lời, quan sát trái phải, thấy được khắp cung điện của Vua A Xà Thế. Tự nhiên cung điện rộng lớn, lọng hoa bằng lụa năm sắc treo giăng, cờ phướn dựng đầy. Đất ở cung Vua bằng phẳng, rộng rãi, tung đầy hương hoa.

Lại có vị Bồ Tát tên là Pháp Siêu, Bồ Tát Nhu Thủ bảo vị ấy: Này thiện nam! Hãy bày biện trang nghiêm các tòa ngồi.

Vị ấy liền nhận lời ngay. Chỉ trong khoảnh khắc, ở cung điện kia tự nhiên đầy đủ giường ngồi cho hai mươi ba ngàn người với ngần ấy loại trang hoàng vi diệu trang nghiêm, vô số tọa cụ trải trên đó. Bồ Tát Nhu Thủ và các vị Bồ Tát đều đến ngồi vào chỗ, tiếp theo là hàng Thanh Văn.

Nhà Vua thấy Bồ Tát Nhu Thủ, các vị Bồ Tát và các vị Thanh Văn ngồi xong, tự đến trước thưa rằng: Xin quý Ngài hãy đợi trong giây lát, để tôi bày biện thêm vật phẩm cúng dường.

Bồ Tát Nhu Thủ đáp: Đại Vương hãy an tâm, tự khắc sẽ đầy đủ, chớ lấy làm nhọc sức.

Khi ấy, Tứ Thiên Vương cùng với quyến thuộc đều đến hầu cúng Bồ Tát Nhu Thủ. Lại có Thiên đế Thích, Phu Nhân Lương Thiện và hàng ngàn ngọc nữ mang đến nào là chiên đàn của Trời, đủ loại hương nào là hương mật, hương bột dùng để tung lên cúng dường tất cả các vị Bồ Tát, các vị Thanh Văn.

Khi các vị Bồ Tát thấy các hoa hương và các ngọc nữ thì họ không tưởng đến ngọc nữ, không tưởng đến hoa hương. Trời Phạm Nhẫn Tích hóa làm thân hình của Phạm chí Ma nạp, tay cầm quạt đứng hầu bên trái Bồ Tát Nhu Thủ, dùng quạt để quạt. Các Thiên Tử cõi Phạm đều cầm quạt hầu các vị Bồ Tát, đều đứng quạt.

Vua rồng Vô Nhiệt ẩn mình trên hư không thả rủ xuống một chuỗi trân châu. Từ trong chuỗi trân chân ấy tuôn ra nước tám vị, vừa trong mát vừa ngọt lành, cung cấp đủ dùng cho các vị Bồ Tát ấy. Trước các vị Thanh Văn đều có rủ chuỗi ngọc xuống cũng tuôn ra nước ngon lành để cung cấp cho các vị ấy dùng.

Vua A Xà Thế tự nghĩ: Các vị Bồ Tát này chẳng mang theo bát, họ sẽ dùng thế nào?

Bồ Tát Nhu Thủ biết tâm Vua nghĩ nên bảo: Các vị Chánh Sĩ ấy đi đến đây chẳng mang bát đi theo. Họ có thể đi qua các Cõi Phật, vừa ngồi xuống muốn ăn là bát tự nhiên hiện ra do các vị Bồ Tát ấy đã kiến lập được. Hơn nữa, Đức Như Lai ở chỗ các vị Bồ Tát ấy xưa đã từng tạo nguyện như thế.

Bát từ hư không hiện đến trong bàn tay các vị Bồ Tát.

Vua A Xà Thế hỏi Bồ Tát Nhu Thủ: Các vị Bồ Tát này từ Cõi Phật nào đến?

Thế Giới đó tên gì?

Đức Như Lai Chánh Giác hiệu là gì?

Bồ Tát Nhu Thủ đáp: Thế Giới tên là Thường danh văn, Đức Như Lai hiệu là Ly Văn Thủ, nay đang thuyết pháp. Các vị Bồ Tát này từ đó đến tham dự buổi cúng dường của Nhà Vua là muốn được thức tỉnh sự hồ nghi của Nhà Vua vốn ôm ấp hư vọng.

Khi chí nguyện của các vị Bồ Tát đã kiến lập được bản nguyện của Đức Như Lai thì bát từ hư không tự nhiên bay đến, rơi vào ao nước tám vị của rồng Vô Nhiệt, tẩy rửa sạch sẽ rồi đến chỗ các vị Đại Sĩ. Hai vạn ba ngàn thể nữ rồng mang hương thơm đặt vào tay các vị Bồ Tát. Thấy thế Nhà Vua càng thêm hớn hở, liền cúi đầu trước Bồ Tát Nhu Thủ.

Bồ Tát Nhu Thủ bảo Nhà Vua: Hãy bày biện phẩm vật cúng dường, nên biết đã đúng thời.

Nhà Vua nhận lời chỉ giáo, liền cho bày thức ăn lên bao nhiêu là món ăn ngon lành trân quý. Tất cả đều dùng mà thực phẩm chẳng giảm bớt. Như vậy, thức ăn của Vua A Xà Thế vốn chỉ cúng dường cho năm trăm vị, thì bây giờ đủ cho hai mươi ba ngàn vị đều đủ mà thức ăn vẫn như cũ.

Vua A Xà Thế bạch Bồ Tát Nhu Thủ: Thức ăn hiện vẫn như cũ, sao chẳng giảm bớt?

Bồ Tát Nhu Thủ đáp: Giống như Nhà Vua hôm nay, hồ nghi chưa hết, nghi ngờ chưa hết nên giống như thức ăn ấy, dùng mà chẳng tiêu mất.

Các vị Bồ Tát dùng cơm xong liền lấy bát ấy ném lên không trung, bát ở giữa hư không, không chỗ nương tựa mà chẳng rơi rớt.

Vua A Xà Thế hỏi Bồ Tát Nhu Thủ: Hôm nay, các bát ấy sao dừng được vậy?

Bồ Tát Nhu Thủ đáp: Giống như sự hồ nghi của Đại Vương còn tồn tại, nay các bát ấy đang ở nơi kia.

Nhà Vua đáp: Bát không có chỗ đứng.

Bồ Tát Nhu Thủ đáp: Giống như Nhà Vua đã có hồ nghi thì cũng không có chỗ đứng. Nay các bát này không chỗ y cứ mà chẳng rơi rớt. Như vậy các pháp đều không thật có, cũng không có chỗ trụ. Do đó, các pháp cũng không đọa lạc.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần