Phật Thuyết Kinh Những điều Bồ Tát Hải ý Hỏi Về Pháp Môn Tịnh ấn - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Duy Tịnh, Đời Triệu Tống

PHẬT THUYẾT KINH

NHỮNG ĐIỀU BỒ TÁT HẢI Ý

HỎI VỀ PHÁP MÔN TỊNH ẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Duy Tịnh, Đời Triệu Tống  

PHẦN BỐN  

Lại nữa, Hải Ý! Thế nào là Bồ Tát đối với tâm báu nhất thiết trí đã phát ấy có thể nhận lãnh sự bức bách phá tan?

Còn thế nào gọi là hành tướng phá hoại, bức bách?

Này Hải Ý! Nếu Bồ Tát này đối với tâm báu nhất thiết trí ấy, hoặc có người phá giới bất mãn, hoặc các ma, hoặc đệ tử của ma, hoặc dựa vào sức thủ lãnh nơi cung ma, hoặc sứ giả của ma cố đến quấy nhiễu, não loạn, khiêu khích, lung lạc, đánh đập thì ngay khi ấy Bồ Tát giữ vững tâm bồ đề, không để cho hủy hoại, lại cũng không hủy hoại lòng đại bi tinh tấn độ thoát tất cả chúng sinh, lại cũng không tiêu tan sức khuyến trợ, hộ trì để hạt giống Tam bảo không đoạn, không dứt.

Lại cũng không hủy hoại tất cả thiện căn đã siêng năng tu hành tích tập trong pháp Phật. Lại cũng không hủy hoại sự thành tựu tướng hảo, nên tu hành, tích tập hạnh phước. Lại cũng không hủy hoại sự nghiêm tịnh Cõi Phật nên dũng lực tăng tiến.

Lại cũng chẳng hủy hoại sự hộ trì chánh pháp nên không tiếc thân mạng. Lại cũng không hủy hoại sự độ thoát khắp các chúng sinh nên không đắm vào cái vui của mình. Nếu Bồ Tát có đầy đủ tâm sâu xa như thế, khởi ý như thế, mới có thể ở chỗ các chúng sinh kia, hoặc bị kẻ sân giận đánh đập, nhục mạ, chê bai thì khi ấy, Bồ Tát đều có thể nhận chịu.

Hoặc bị tất cả chúng sinh phá hoại, bức bách cũng đều chịu đựng, vì Bồ Tát ấy cứu độ khắp tất cả chúng sinh, không mệt mỏi, không biếng lười, không thối chí, không buông xuôi, luôn tăng cường sức mạnh, quyết khởi tinh tấn, hết sức chịu khổ, thu giữ tâm ý. Nếu có tha nhân cố đến gây sân giận thì khi ấy Bồ Tát không dùng sân giận đáp trả.

Họ đến đánh, ném, hoặc phá phách, thì lúc đó Bồ Tát không đáp trả mà nghĩ thế này: Ta nay nên khoác áo giáp nhẫn nhục đại thừa.

Vì sao?

Vì pháp đại thừa này rất trái ngược với thế gian. Chúng sinh ở thế gian thuận theo dòng sinh tử, còn pháp đại thừa của ta thì ngược dòng sinh tử. Chúng sinh thế gian mâu thuẫn với nhau, pháp đại thừa của ta làm cho chúng sinh dứt trừ mâu thuẫn. Chúng sinh nơi thế gian nổi giận bừng bừng, pháp đại thừa của ta tăng cường sức nhan.

Chúng sinh ở thế gian lừa dối lẫn nhau, pháp đại thừa của ta khiến tuệ tâm của các chúng sinh viên mãn. Lại, ở thế gian, hoặc có chúng sinh đi đến mười phương, cầm nắm gậy gộc, đuổi theo Bồ Tát đến khắp mọi nơi, hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm.

Hoặc thấy có người phát tâm đại bồ đề, hoặc có người tu tâm bố thí, hoặc có người tu tâm trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, cho đến hoặc nghe người phát một tâm thien, thì sẽ theo người ấy ở bất cứ nơi đâu, cắt đứt thân vị ấy ra từng mảnh giống như lá táo.

Bồ Tát dù gặp những việc như vậy, đều có thể nhẫn chịu. Lại nếu tất cả chúng sinh trong thế gian đều khởi sân giận thốt ra lơi ác chê bai nhục mạ, khi ấy Bồ Tát đối với các chúng sinh đó, tâm chẳng móng khởi mảy may kích động.

Vì sao?

Vì Bồ Tát nghĩ: Nay thân này của ta, ở trong vô lượng, vô số sinh tử, từ trước đến nay trải qua các cõi không việc gì là không làm, hoặc ở địa ngục, hoặc tại ngạ quỷ, hoặc ở súc sanh…, cho đến nay đây ở trong loài người đam mê ăn uống, thọ hưởng các dục, nghe điều phi pháp, đuổi tìm gian khổ, nuôi dưỡng tà mạng, nhiều loại bức bách đối với thân mình đều hoàn toàn vô ích. Tuy mong cầu nhiều điều nhưng chẳng lợi mình, cũng không lợi người.

Vì vậy, nên từ nay cho đến trong sinh tử đời sau, giả sử tất cả chúng sinh cắt xẻo thân ta ra từng mảnh, ta thà chịu đựng các khổ chứ không bao giờ xả bỏ tâm nhất thiết trí, lại cũng không xả bỏ tất cả chúng sinh, lại cũng không xả bỏ các pháp dục thiện.

Vì sao?

Vì nay thân này của ta bị nhiều thứ khổ não bức bách, hủy hoại, so với nỗi khổ phải chịu ở trong địa ngục thì không bằng một phần trong trăm phần, ngàn phần, cho đến một phần trong vô lượng vô số phần. Vì vậy, nên ta ở trong pháp Phật, vĩnh viễn không bỏ, lại cũng không bỏ tâm đại bi độ thoát chúng sinh hữu duyên.

Vì sao?

Vì như Phật đã dạy, tất cả pháp thiện có nhiều chướng nạn. Chúng sinh thế gian phần nhiều đối với pháp bất thiện thì luôn trợ giúp, còn ít ai thường trợ giúp các pháp thiện. Vì vậy ta nay ở trong pháp thiện phát khởi siêng năng tinh tấn hỗ trợ tu tập, chứ chẳng phải ở trong pháp bất thiện mà trợ lực. Do đó, ta đối với tất cả chúng sinh sân giận… đều có thể chịu đựng.

Nếu các chúng sinh theo ta gây sự thì ta liền thi hành sự đối trị: Nếu có chúng sinh khởi sân hận và ganh ghét giận dữ ta, thì ta liền ban cho họ pháp nhẫn nhục. Vì ta ban cho họ pháp nhẫn nhục rồi, thì sức nhẫn hiện ra nên đối với họ, ta thà bỏ than mạng chứ không bao giờ nổi sân. Vì vậy, nếu Bồ Tát tu như thế thì đắc quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác không khó.

Nếu khi ấy, mà khởi sự sân giận thì Bồ Tát phải nghĩ nhớ: Ta khởi pháp đoạn sân.

Pháp đoạn đó thế nào?

Đó là, nếu ưa thích thân, hoặc lệ thuộc thân, hoặc chấp trước thân, nếu có những pháp như vậy đều phải xả bỏ xa lìa, do luôn luôn xả bỏ, thân như thế nên sân hận không khởi.

Này Bồ Tát Hải Ý! Nếu đối với cac pháp như thế, luôn khéo tư duy, siêng năng tu tập thì liền có thể chịu đựng tất cả sự bức bách của chúng sinh mà đối với tâm nhất thiết trí không hoại, không mất.

Hải Ý nên biết! Chịu đựng sự bức bách có ba thứ.

1. Chịu đựng sự bức bách về thân.

2. Chịu đựng sự bức bách về lời nói.

3. Chịu đựng sự bức bách về tâm.

Lại nữa, Hải Ý! Thế nào là Bồ Tát có thể chịu đựng sự bức bách về thân?

Nghĩa là nếu Bồ Tát gặp khi thân phần sắp đoạn hoại thì Bồ Tát phải y theo pháp quán sát các chúng sinh khác. Lại nữa, nếu Bồ Tát có đầy đủ phương tiện khéo léo thì có thể tu hành viên mãn sáu pháp Ba la mật.

Những hành tướng nào gọi là phương tiện khéo léo để Bồ Tát tu tập viên mãn sáu Ba la mật?

Nghĩa là Bồ Tát khi thấy thân mình sắp bị đoạn hoại thì không tiếc thân ấy, từ bỏ thân ấy, cũng không ưa thích, như thế tức là có thể tu thí Ba la mật.

Lại nữa, nếu khi thấy thân sắp hoại, đối với tất cả chúng sinh khởi tâm đại từ không bỏ họ, như thế tức là có thể tu giới Ba la mật. Lại nữa, nếu khi thấy thân sắp hoại, Bồ Tát vì độ tất cả chúng sinh nên dù thân bị đoạn hoại cũng có thể chịu đựng, tâm không lay động, sức nhẫn hiện khởi, như thế tức có thể tu nhẫn Ba la mật.

Lại nữa, nếu khi thấy thân sắp hoại thì không bỏ tâm nhất thiết trí mà phát khởi sức tinh tấn lớn để thâu nhận nó, ở trong sinh tử khởi các thiện căn, như thế tức có thể tu tinh tấn Ba la mật.

Lại nữa, nếu khi thấy thân sắp hoại, đối với chí phát tâm báu nhất thiết trí không từ bỏ, phải khéo léo chăm sóc tâm đại bồ đề. Chăm sóc như vậy, trong ngoài vắng lặng, như thế tức có thể tu Định Ba la mật.

Lại nữa, nếu khi thấy thân sắp hoại, Bồ Tát nên quán kỹ thân mình giống như các loại cây cỏ, đất đá, hiểu rõ thân này không thật, như huyễn. Nghĩa như thật các hành là vô thường, các hành là khổ, các hành là vô ngã, Niết Bàn vắng lặng.

Nếu có thể quán kỹ thân như thế thì đó là có thể tu Tuệ Ba la mật. Bồ Tát tu hanh viên mãn hành tướng sáu Ba la mật như thế mới được không thoái chuyển đối với pháp đại thừa. Như vậy gọi là Bồ Tát có thể nhẫn chịu sự bức bách về thân.

Lại nữa, Hải Ý! Thế nào là Bồ Tát có thể nhận lãnh sự bức bách về lời nói?

Nghĩa là nếu có người đến, hoặc thử hoặc thật, dùng lời ác chê bai, mắng nhiếc, nhục mạ giận dữ, khi ấy Bồ Tát có thể nhận lãnh, không khởi sân giận, cắt đứt sự ràng buộc oan nghiệt ấy. Lại nưa, nếu Bồ Tát có đủ phương tiện khéo léo, khi thấy người khác đến chê bai nhục mạ, thì khi nghe rồi, Bồ Tát cần phải tu hành viên mãn sáu Ba la mật.

Những hành tướng nào gọi là phương tiện khéo léo để Bồ Tát tu tập viên mãn sáu Ba la mật?

Nghĩa là Bồ Tát khi bị người khác đến dùng lời ác chê bai, nhục mạ, Bồ Tát nghe xong, liền nghĩ thế này: Người này, đời trước tạo nhân keo kiệt, cho nên bị keo kiệt làm nhiễm ô, nay mới hiện khởi. Lại cũng không gần gũi bạn hiền, vì vậy người ấy không bỏ được sân giận, nay ta nói pháp đoạn trừ sân giận cho người ấy.

Vì sao?

Vì ta luôn tin hiểu pháp thí xả nên không keo kiệt, cũng từng gần gũi các thiện tri thức. Vì vậy ta nay buông bỏ lời nói ác, xa lìa sân giận. Như vậy tức là có thể tu thí Ba la mật.

Lại nữa, người kia đến chê bai nhục mạ, khi ấy Bồ Tát liền nghĩ thế này: Người này hiện rõ nghiệp ác phá giới nên đến nhục mạ giận dữ ta. Nay ta tu tập cấm giới thanh tịnh nên đối với người này, ta không sinh sân giận, vì ta giữ gìn tâm bồ đề, vì nghĩ đến nghiệp báo. Như vậy tức là có thể tu Giới Ba la mật.

Lại nữa, người khác đến chê bai nhục ma, khi ấy Bồ Tát liền nghĩ: Người này quá thô lỗ, tội lỗi, nhiều sân giận cho nên đến chê bai nhục mạ ta. Nay ta đầy đủ sức nhẫn nhục, rộng tu hạnh từ cho nên đối với người này, ta không sân giận. Như vậy tức là có thể tu Nhẫn Ba la mật.

Lại nữa, có người đến chê bai nhục mạ, khi ấy Bồ Tát liền nghĩ thế này: Người này lười biếng, xa lìa pháp thiện, cho nên đến nhục mạ giận dữ ta, nay ta phát khởi tinh tấn rộng lớn, khuyến khích thực hành tu tập, vun trồng các gốc lành, không hề chán nản. Ta cầu cho người này, trước hết được ngồi nơi Đạo Tràng Bồ Đề, còn ta sau cùng mới chứng đắc quả bồ đề vô thượng. Nếu người mang áo giáp tinh tấn như thế thì đó tức có thể tu tinh tấn Ba la mật.

Lại nữa, nếu có người đến chê bai nhục mạ, khi ấy Bồ Tát liền nghĩ thế này: Người ấy mất chánh niệm nên không hiểu biết đúng đắn, lại cũng không dứt bỏ phiền não nên đến giận dữ nhuc mạ ta. Nay ta dứt trừ phiền não, nghĩ đúng, biết đúng, chuyên chú vào một cảnh.

Lại không quên mất tâm đại bồ đề. Nay ta nên vì những chúng sinh ấy, người không điều phục, người không vắng lặng, người không giữ gìn các căn, người không dừng nghỉ, ta đều làm lợi ích cho họ nên mang áo giáp đại thừa. Nếu người có thể an định tâm như thế thì đó tức có thể tu Định Ba la mật.

Lại nữa, nếu có người đến chê bai nhục mạ, khi ấy Bồ Tát liền nghĩ thế này: Người này chấp trước tướng ngã, thấy có cảnh sở đắc, nên đến chê bai nhục mạ ta. Nay ta nương vào pháp, đối với hai loại sân đã khởi, hoặc sân chưa khởi, quán sát như thật thì người sân và pháp sân đều chẳng thể nắm bắt được, như lý suy tìm, hoặc tự, hoặc tha đều xa lìa. Có sự hiểu biết như thế nên có thể nhận lãnh. Như vậy tức có thể tu Tuệ Ba la mật.

Này Hải Ý! Bồ Tát tu hành viên mãn hành tướng của sáu Ba la mật như thế mới được không thoái chuyển đối với pháp đại thừa. Như vậy gọi là Bồ Tát có thể lãnh chịu sự bức bách về lời nói.

Lại nữa, Hải Ý! Thế nào la Bồ Tát có thể nhận lãnh sự bức bách về tâm?

Nghĩa là nếu khi Bồ Tát thấy các loại ma đến quấy nhiễu, phá hoại, Bồ Tát cần phải giữ tâm đại bồ đề vững chắc, bất động. Lại khi có người dùng tất cả lời nói tà vay tự cho là có sở đắc, có tướng chấp trước đến quấy nhiễu thì cũng nên như thật an trú nội tâm, đối với tâm nhất thiết trí chớ nên quên mất.

Vì sao?

Vì loại ma ấy có thế lực lớn, cho đến cuối cùng hóa làm hình Phật hiện đến trước người ấy, nói thế này: Ngươi ở trong pháp đại thừa, có năng lực gì?

Ngươi nên bỏ gánh nặng như thế xuống đi! Hãy ngừng việc làm cần khổ tinh tấn lại, bồ đề khó đắc, pháp Phật khó đạt. Ở trong sinh tư chỉ trải qua nhiều khổ não. Nay ngươi là Đại Sĩ, nếu muốn chấm dứt khổ ấy thì hãy mau thủ chứng Niết Bàn Thanh Văn.

Nếu Bồ Tát khi bị ma đến dùng lời cố quấy nhiễu như thế thì nên mang áo giáp kiên cố như trước, chẳng nên xả bỏ. Nội tâm cũng chẳng động, chẳng hoại. Nếu được như thế thì tâm không gì sánh hơn không thể hoại diệt.

Bồ Tát khi ấy nghĩ thế này: Ta phải quyết định đi đến Đạo Tràng, ta phải quyết định dùng sức đại trí trừ dẹp quân ma rồi, sau đó mới chứng đắc quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác. Ta phải quyết định chuyển pháp luân mầu nhiệm.

Ta phải quyết định nói pháp rộng lớn khắp cả tam thiên đại thiên Thế Giới. Ta phải mời gọi tất cả chúng sinh, ban pháp thí khắp cho họ, làm cho họ được tròn đủ. Tất cả Chư Phật dùng tha tâm trí soi chiếu ta. Tất cả Hiền Thánh chứng tri tâm đại bồ đề này của ta, thật sự có thể nhận lãnh các việc bức bách. Ta không lừa dối tất cả Chư Phật, tất cả Hiền Thánh, tất cả chúng sinh, cho đến cũng không tự lừa dối mình.

Này Hải Ý! Nếu chư Bồ Tát tu hành như thế tức có thể chịu đựng sự bức bách về tâm, mới đạt được pháp đại thừa không thoái chuyển. Những hành tướng này, đối với những Bồ Tát nào đã phát tâm báu nhất thiết trí thì có thể nhận lãnh sự bức bách.

Nếu đối với nhẫn nhục Ba la mật mặc áo giáp kiên cố thì đối với tinh tấn Ba la mật không biếng tre thoái lui. Nếu đối với hai Ba la mật này có thể viên mãn được tức là Đại Bồ Tát với tâm báu nhất thiết trí có thể nhận lãnh sự bức bách.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần