Phật Thuyết Kinh Những điều Bồ Tát Hải ý Hỏi Về Pháp Môn Tịnh ấn - Phần Mười

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Duy Tịnh, Đời Triệu Tống

PHẬT THUYẾT KINH

NHỮNG ĐIỀU BỒ TÁT HẢI Ý

HỎI VỀ PHÁP MÔN TỊNH ẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Duy Tịnh, Đời Triệu Tống  

PHẦN MƯỜI  

Bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Tử tiến tới trước, thưa với Thế Tôn: Hy hữu thay, Thế Tôn! Có vô lượng tâm hành của chúng sinh cho đến trí Phật chẳng thể nghĩ bàn, thật rất kỳ diệu! Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát mới phát tâm, nghe nói vô lượng tâm hành này của chúng sinh và vô lượng trí Phật thì khi nghe rồi có sinh kinh sợ không?

Phật nói: Này Tôn Giả Xá Lợi Phất! Theo ý ông thì sao?

Ví như Sư Tử con mới sinh nghe tiếng Sư Tử gầm có kinh sợ chăng?

Xá Lợi Tử thưa: Bạch Thế Tôn! Không!

Phật nói: Này Xá Lợi Tử! Bồ Tát mới phát tâm, cũng giống như thế, nghe Phật Như Lai gầm lên tiếng gầm Sư Tử rồi, chẳng sinh kinh sợ. Nghe nói vô lượng tâm hành của chúng sinh rồi cũng không kinh sợ.

Này Xá Lợi Tử! Lại như một đốm lửa nhỏ không sợ hãi tất cả cỏ cây, lửa cũng không nghĩ: Ta không có năng lực thiêu đốt các cỏ cây. Bồ Tát mới phát tâm cũng giống như thế, ánh sáng trí tuệ tuy rất nhỏ nhưng đối với phiền não của tất cả chúng sinh không sinh sợ hãi.

Bồ Tát cũng không nghĩ thế này: Ta không thể dứt phiền não của chúng sinh.

Vì sao?

Nếu Bồ Tát khởi ý sâu xa kiên cố và dùng tuệ thành tựu mà quán sát như thật thì liền có thể dứt trừ phiền não của chúng sinh.

Này Xá Lợi Tử! Lại như vào thời kỳ kiếp tận, có lửa cùng với tất cả cỏ cây, lùm rừng, hoa quả trên mặt đất hẹn sẽ đánh nhau. Đến ngày thứ bảy, sẽ khởi chiến.

Khi ấy, cỏ cây trên mặt đất và tất cả cỏ cây khác nhóm họp lại, bàn luận với nhau: Quý vị có sức mạnh có thể viện trợ cho chúng tôi. Bấy giờ, các loại cây cỏ dồn chứa lại thành đống cao như núi Tu Di.

Có người đến bảo với lửa: Cỏ cây dồn lại quá nhiều, ngươi chỉ lẻ loi một mình, tại sao ngươi không cầu trợ giúp cho nhiều?

Sức của ngươi làm sao có thể địch lại với số đông cỏ cây?

Lửa kia đáp: Tôi nay không cần cầu ai giúp sức.

Vì sao?

Vì các cỏ cây tuy nhiều, nhưng sức của tôi có thể địch lại tất cả, làm cho lũ cỏ cây kia đều bị tiêu diệt, không còn gì. Bồ Tát cũng vậy, tùy theo tất cả phiền não của vô lượng chúng sinh, Bồ Tát tức thời phóng vô lượng lửa trí tuệ, sức lửa ấy sẽ thắng địch.

Lại nữa, Bồ Tát phát khởi ý sâu xa kiên cố, ở trong khối phiền não của tất cả chúng sinh, dùng tuệ đã thành tựu mà quán sát như thật, liền có thể dứt trừ phiền não của các chúng sinh. Hoặc nếu Bồ Tát thủ chứng pháp lìa phiền não mà xả phiền não thì liền nhanh chóng rơi vào quả vị Thanh Văn, Duyên Giác.

Này Xá Lợi Tử! Vì vậy cho nên, ông phải biết, nếu Bồ Tát nào ở trong khối tất cả phiền não mà có thể tác ý sâu xa kiên cố, quán sát như thật thì đối với sức của tất cả các loại phiền não đều có thể thắng phục.

Này Xá Lợi Tử! Nếu có người được nghe nói như thế rồi, mà chẳng kinh sợ thì nên biết, đó là Bồ Tát có phương tiện khéo léo.

Này Xá Lợi Tử! Lại như rắn độc khi cắn thì không có bạn giúp sức. Bồ Tát mới phát tâm cũng vậy, khi tu tập pháp phần bồ đề, cũng một mình, không có bạn bè giúp sức, chỉ tự tu tập pháp phần bồ đề.

Lại như lửa đom đóm chẳng thể hơn ánh sáng to lớn của trăm ngàn mặt trời, tất cả phiền não, cũng lại như thế, chẳng thể địch nổi ánh sáng trí tuệ của Bồ Tát. Lại như loại thuốc trừ độc, hình dạng tuy rất nhỏ nhưng có thể giải trừ sự độc hại to lớn.

Bồ Tát cũng vậy, loại thuốc trí tuệ, tuy rất nhỏ nhưng có thể dứt trừ các độc phiền não. Lại như trời mưa, cơn mưa đồng một vị, tùy theo chỗ mưa rơi, đồ chứa có khác nên thành ra các loại mùi vị sai khác. Bồ Tát cũng vậy, tu tập trí nhất vị giải thoát, tùy theo căn tánh của các loài chúng sinh mà có các loại thuyết pháp khác nhau.

Lại như vàng Diêm phù đàn xuất hiện trên đời, sáng chói, làm lu mờ các loại châu báu khác. Bồ Tát đại bảo xuất hiện thế gian cũng giống như vậy, sáng chói che mờ tất cả Thanh Văn, Duyên Giác. Lại như Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện ở thế gian, tất cả tiểu vương đều quy hướng.

Bồ Tát là con của đấng Pháp Vương, cũng lại như thế, nếu phát tâm đại bồ đề, tất cả Trời, Người, A Tu La… ở trong thế gian, đều đảnh lễ quy hướng. Lại như chúng sinh mỏng phước, tuy gặp được cơn mưa báu nhưng không tiếp nhận được gì.

Các loại chúng sinh không trồng thiện căn, cũng giống như vậy, tuy phát tâm bồ đề nhưng không thành tựu. Lại như thế gian nếu không có giống mía thì không thể sinh vị ngọt. Bồ Tát cũng vậy, nếu không có hạt giống tâm đại bồ đề thì không thể thành tựu quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Phật bảo: Lại nữa, Xá Lợi Tử! Ví như y vương Kỳ bà xem khắp tất cả cỏ cây trên mặt đất không có loại nào chẳng phải là thuốc. Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa cũng giống như thế, quán tất cả pháp đều là bồ đề.

Xá Lợi Tư! Ví như Vua A Tu La La hầu tuy có thế lực nhưng đối với mặt trời, mặt trăng không thể làm chướng ngại được. Tất cả chúng ma cũng giống như thế, tuy có thế lực nhưng đối với đạo bồ đề chỗ siêng năng tinh tấn tu tập của Bồ Tát thì chúng không thể làm chướng ngại được.

Xá Lợi Tử! Ví như cung điện của các chúng Thiên Tử ở Cõi Sắc nương vào hư không mà trụ. Các chúng Bồ Tát tu hành hạnh sâu xa cũng lại như thế, giống như hư không, bình đẳng vô ngại, các pháp cũng vậy ngang bằng với hư không, như thế mới đắc quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác.

Xá Lợi Tử! Ví như các đồ dùng ở thế gian, khi đã thành hình rồi thì tùy theo độ lớn nhỏ mà có lượng hư không ở trong ấy, lượng hư không đó không tăng không giảm. Bồ Tát cũng lại như thế, tu các lực thiện đã thành thục rồi, tùy theo độ sâu, cạn mà có thể thọ nhận pháp Phật, pháp Phật ấy không tăng, không giảm.

Xá Lợi Tử! Ví như lực sĩ đem hết sức mình giương cung bắn vào hư không, nhưng chẳng bao giờ tên có thể đến mức tận cùng của hư không. Bồ Tát cũng giống như thế, hết sức tin tưởng, đối với pháp Phật phát sinh tin hiểu, nhưng không thể đạt đến giới hạn cuối cùng của pháp Phật.

Xá Lợi Tử! Ví như ở đời, khi đồ gốm nung chưa chín thì không thể thành đồ gốm hữu dụng. Bồ Tát cũng như thế, khi căn lành bồ đề chưa thành thục thì không thể được gọi là Ba la mật.

Xá Lợi Tử! Như người được thấy Chuyển Luân Thánh Vương rồi lại không muốn nhìn Vua các nước nhỏ. Bồ Tát cũng như thế, được thấy Đại Pháp Vương Như Lai rồi, lại không muốn thấy các Thanh Văn, Duyên Giác.

Xá Lợi Tử! Ví như nước ở vết chân bò không thể sinh ra tất cả châu báu. Giới Thanh Văn cũng giống như thế, không thể sinh ra Phật, Pháp, Tăng Bảo.

Xá Lợi Tử! Ví như biển lớn mới có thể sinh ra các châu báu kỳ diệu. Bồ Tát cũng như thế, nghe trong biển giới có thể sinh ra Phật, Pháp, Tăng Bảo.

Xá Lợi Tử! Ví như Thái Tử mới sinh không gọi là Vua mà chẳng phải không gọi là Vua. Bồ Tát mới phát tâm cũng giống như thế, không gọi là Phật mà chẳng phải không gọi là Phật.

Xá Lợi Tử! Ví như ngọc báu ma ni chưa trải qua mài giũa, không ai ưa thích. Bồ Tát mới phát tâm tuy thuyết pháp nhưng chưa được vô úy cũng giống như thế.

Xá Lợi Tử! Như ngọc báu ma ni đã qua mài giũa, trong suốt sáng chói, ai cũng ưa thích. Bồ Tát tu đủ thắng hạnh cũng giống như thế, đạt được vô úy, khéo nói pháp, tất cả chúng sinh đều ưa thích.

Xá Lợi Tử! Như trong sông hồ sinh loại báu nhỏ, không nên coi thường.

Vì sao?

Vì báu ấy tuy nhỏ nhưng nếu đem để trong phòng, hoặc để trong tối thì ánh sáng có thể chiếu soi cùng khắp. Bồ Tát mới phát tâm cũng giống như thế, chớ xem thường họ.

Vì sao?

Vì Bồ Tát ấy chứng đắc bồ đề rồi, có thể phóng hào quang to lớn chiếu soi khắp tất cả Cõi Phật.

Xá Lợi Tử! Ví như ngọc báu đại ma ni vô giá, vô cùng kỳ diệu, lìa mọi trần cấu. Bồ Tát không thoái chuyển cũng giống như thế, lìa tâm kiêu mạn.

Xá Lợi Tử! Ở thế gian, khi lúa chín, bông lúa rủ xuống. Bồ Tát cũng vậy, pháp thiện đã tu được viên mãn rồi, đối các chúng sinh, khiêm hạ không ngại.

Xá Lợi Tử! Ví như thế gian, khi kiếp hỏa bùng phát thì tất cả cỏ cây trên đại địa này bị đốt cháy không còn gì. Bồ Tát cũng giống như thế, nếu lửa trí đốt lên thì tất cả tập khí chủng tử phiền não đều bị đốt cháy tiêu tan. Đã diệt hết rồi, sau đó mới chứng quả vị giác ngộ cao tột.

Lại, Xá Lợi Tử! Ví như có lửa, hoặc nhỏ, hoặc lớn, đốt thiêu Tam Thiên Thế Giới, nhưng tánh của hư không vốn tự như thế. Bồ Tát cũng giống như thế, hoặc có Bồ Tát thành Đẳng Chánh Giác, hoặc không có Bồ Tát thành Đẳng Chánh Giác thì tự tánh của tất cả pháp cũng như vậy.

Này Xá Lợi Tử! Các ví dụ mà Như Lai đã nói đó có thể thâu giữ nơi các chúng Bồ Tát. Nếu có Bồ Tát nghe nói như thế rồi, phát sinh sự hiểu biết thù thắng thì tất cả những ví dụ ấy đều được thành tựu.

Khi Phật giảng nói pháp nhận thức và về các lãnh vực như thế, trong chúng hội có hai vạn bốn ngàn người phát tâm bồ đề.

Bấy giờ, Thế Tôn lặp lại bằng bài tụng:

Quả bồ đề tối thượng khó đắc

Thâm diệu vô cấu, vô sở hữu

Người muốn viên mãn quả vị này

Thì chớ nên sinh tâm nghi hoặc.

Trí tuệ tịnh diệu không hư giả

Ánh sáng chân thật chiếu soi khắp

An trú trong diệu ấn vô cấu

Bồ Đề Phật ấy thường quán chiếu.

Tự tánh của tâm tịnh sáng trong

Đời trước đời sau cũng như thế

Khi trong ý nhiễm ô phiền não

Chớ nên lìa xa ý sâu bền.

Không người làm ra, không người thọ

Các pháp tự tại, không chủ tể

Không ngã, nhân nên nói vô ngã

Như không như mộng, không tự tánh.

Thường quán pháp này, chẳng thân nghiệp

Chẳng ngữ, chẳng tâm chỗ phân biệt

Tự tánh vô vi, không tưởng khác

Thí dụ, ngôn từ, không thể nói.

Như hư không, tự tánh thanh tịnh

Chẳng phải sắc tướng, không thể quán

Nhãn, nhĩ, tỷ, thức chẳng biết được

Thiệt thân và ý cũng như vậy.

Xa lìa không tướng, không vô tướng

Không nương, tĩnh lặng, sáng như trăng

Chẳng phải chỗ hành của ý, tâm

Chẳng phải suy lường của thức, tưởng.

Chẳng phải trí nghiệp có thể biết

Thì làm sao thức tâm hiểu được

Do tâm Phật đại bi vô thượng

Tạm mượn văn tự để thuyết pháp.

Chúng sinh nhờ thắng nghiệp đời trước

Cũng được thiện tri thức thâu giữ

Nhờ như thế, khi nghe pháp rồi

Được vui vô cùng, không đắm chấp.

Chẳng bị các ma tìm sơ hở

Chẳng thể biết tâm và cảnh giới

Bất cứ làm gì và nghĩ gì

Nghiệp ma ấy chẳng thể hơn được.

Bồ Tát vượt thoát bốn ma rồi

Như lý, như giáo, tu phước tuệ

Khéo an trú cảnh giới Chư Phật

Là bậc tu bồ đề thù thắng.

Chúng sinh không thể biết việc làm

Của bậc tu bồ đề thù thắng

Tạm bày trong nhiều loại pháp môn

Tùy theo từng tướng mà thuyết pháp.

Như vậy các việc làm thế gian

Các duyên nương nhau mà hòa hợp

Đại trí hiểu rõ trong các hành

Tùy chỗ tuyên thuyết không gián đoạn.

Hoặc có chúng sinh nhiều tham nhiễm

Hoặc nhiều sân giận đều biết rõ

Khi thấy phiền não, sân bức bách

Trong tánh si kia sinh tổn hại.

Các hành tướng thế gian như vậy

Bồ Tát tùy rõ có thể vào

Hành tướng sở duyên và duyên thành

Tùy theo tướng ấy mà tuyên thuyết.

Ví như lưới dây bủa giăng khắp

Người đại trí sáng soi biết hết

Có thể phá trừ các lưới rồi

Ra khỏi sở quán không chướng ngại.

Bồ Tát dõng trí cũng như vậy

Có thể vào tâm ý thế gian

Làm cho phiền não thảy tiêu trừ

Nẻo hành cùng khắp, không chướng ngại.

Như ánh mặt trời không cần giúp

Loài rắn độc cũng không bạn hữu

Sư Tử gầm vang cũng như vậy

Bồ Tát tu hành không ban giúp.

Bồ Tát một mình không có hai

Tích tập các pháp Phật tối thượng

Sức mạnh tinh tấn đều tròn đầy

Dẹp trừ các phiền não thế gian.

Ví như có lửa gặp củi khô

Sức cháy tùy chỗ càng thêm mạnh

Trí tuệ Bồ Tát càng thêm sáng

Có thể chiếu, trừ các phiền não.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần