Phật Thuyết Kinh Phạm Chí Trường Trảo Thỉnh Vấn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH
PHẠM CHÍ TRƯỜNG TRẢO THỈNH VẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nghĩa Tịnh, Đời Đường
Tôi nghe như vậy!
Một thuở nọ, Đức Bạt Già Phạm ở trong núi Thứu Phong tại thành Vương Xá cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Nam Cư Sĩ, Nữ Cư Sĩ, Quốc Vương, Đại Thần, Sa Môn, Bà La Môn, Trời, Rồng, Dạ Xoa, nhân và phi nhân đứng chiêm ngưỡng Thế Tôn.
Bấy giờ, Thế Tôn nói pháp vi diệu tự chứng cho họ nghe. Thế nên, điều lành lúc ban đầu, chặng giữa và rốt sau văn nghĩa đều mầu nhiệm thuần nhất vẹn toàn, tướng phạm hạnh thanh tịnh và sáng suốt.
Bấy giờ, có một vị phạm chí tên Trường Trảo đi đến chỗ Phật.
Ông đứng chống gậy, hỏi Kiều Đáp Ma rằng: Ngài từng nói đời là do từ nơi nghiệp, nghiệp là hay thọ, nghiệp là chỗ sanh, nghiệp là thân tộc, nghiệp là chỗ nương tựa.
Vậy có chắc như thế không?
Phật bảo Bà La Môn Phạm chí: Ta đã nói như thế! Cuộc đời này là do từ nơi nghiệp, nghiệp là hay thọ, nghiệp là chỗ sanh, nghiệp là thân tộc, nghiệp là chỗ nương tựa.
Bà La Môn hỏi: Nếu nói như thế thì Sa Môn Kiều Đáp Ma trước đã tạo nghiệp gì mà đời nay Ngài được thân Kim Cang không hoại?
Phật bảo Bà La Môn: Ta ở kiếp trước xa lìa được sự giết hại mạng căn của loài hữu tình, vì tu nghiệp nhân này mà nay được quả báo như thế!
Bà La Môn lại hỏi: Sa Môn Kiều Đáp Ma trước gây nghiệp gì mà nay được tướng chỉ tay dài mà chằng chịt như mạng lưới?
Phật bảo Bà La Môn: Vì Ta đời trước xa lìa sự trộm cắp tài vật của người, do tu nghiệp lực ấy mà được quả báo như thế!
Bà La Môn hỏi tiếp: Sa Môn Kiều Đáp Ma trước đã tạo nghiệp gì mà nay Ngài được đầy đủ sắc lực các căn tròn đầy?
Phật bảo Bà La Môn: Ta ở trong đời trước vì xa lìa được sự dục nhiễm của người nữ, do nghiệp lực ấy mà nay được quả báo như thế!
Bà La Môn lại hỏi tiếp: Sa Môn Kiều Đáp Ma trước đã tạo nghiệp gì mà nay được tướng lưỡi rộng dài tự che trùm cả mặt?
Phật bảo Bà La Môn: Ta ở kiếp trước vì xa lìa được việc nói lời dối trá với người khác, do nghiệp lực ấy mà nay được sự quả báo như thế!
Bà La Môn hỏi: Sa Môn Kiều Đáp Ma trước đã tạo nghiệp gì mà nay Ngài được oai nghi mô phạm dáng dấp như sư tử vậy?
Phật đáp: Ta ở kiếp trước vì xa lìa được các nơi rượu thịt, buông lung, do nghiệp lực ấy mà nay được quả báo như thế!
Bà La Môn hỏi: Sa Môn Kiều Đáp Ma trước đã tạo nghiệp gì mà nay được thân tướng trang nghiêm vi diệu đẹp đẽ?
Phật đáp: Ta ở kiếp trước vì xa lìa được sự ca hát nhảy múa, do nghiệp lực ấy mà nay được quả báo như thế!
Bà La Môn hỏi: Sa Môn Kiều Đáp Ma trước đã tạo nghiệp gì mà nay trên thân Ngài lại thoảng ra mùi hương mầu nhiệm?
Phật bảo: Ta ở kiếp trước vì xa lìa được việc trang sức và đeo tràng hoa anh lạc, do nghiệp lực này mà nay được sự quả báo như thế!
Bà La Môn hỏi: Sa Môn Kiều Đáp Ma trước đã tạo nghiệp gì mà nay được thọ dụng bảo tòa Kim Cang thù thắng mầu nhiệm?
Phật đáp: Ta ở trong đời trước vì xa lìa được sự buông lung, nằm giường cao tốt rộng lớn, do nghiệp lực này mà nay được quả báo như thế!
Bà La Môn hỏi: Sa Môn Kiều Đáp Ma trước đã tạo nghiệp gì mà nay được đầy đủ bốn mươi cái răng trắng đều?
Phật bảo: Vì Ta ở đời trước xa lìa được việc ăn uống phi thời, do nghiệp lực ấy mà nay được quả báo như thế!
Bà La Môn hỏi: Sa Môn Kiều Đáp Ma trước đã tạo nghiệp gì mà nay được tướng nhục kế trên đảnh tròn đầy đẹp đẽ?
Phật bảo: Vì ta ở đời trước đối với ba ngôi báu, hai vị thầy, Sa Môn, Bà La Môn, cha mẹ và tôn trưởng cung kính phụng thờ, năm vóc sát đất, dùng tâm không kiêu mạn kiền thành đảnh lễ, do nghiệp lực ấy mà nay được quả báo như thế!
Lúc bấy giờ, Bà La Môn nghe Phật nói về lý nhân quả chân thật chẳng hư vọng, nên ông bạch rằng: Kiều Đáp Ma đây gọi là phước gì và thọ trì như thế nào?
Phật dạy: Đây gọi là tám phần tịnh giới. Nếu ai có thể ở trong một ngày một đêm hoặc suốt đời theo thầy vâng giữ thì sẽ được quả báo như thế!
Lúc bấy giờ, phạm chí Trường Trảo ở chỗ Phật, nghe Phật nói về tám phần tịnh giới thọ trì trong một ngày một đêm xong, do trước đã xa lìa nghiệp chướng hèn xấu nên liền được trang nghiêm mầu nhiệm, thân tâm dốc lòng tin nhận và vui mừng khôn xiết!
Bấy giờ, ông liền ở trước Phật, bỏ tâm ngã mạn, ném gậy xuống đất, chắp tay cung kính đảnh lễ dưới chân Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, con nay mới biết sự cảm báo của nghiệp thiện ác thật chẳng hư dối.
Con nguyện từ nay cho đến trọn đời sẽ trở về nương tựa Đấng Đại Giác Lưỡng Túc Tôn, cho đến trọn đời trở về nương tựa Đạt Ma Ly Dục Tôn, cho đến trọn đời trở về nương tựa Tăng Già Chúng Trung Tôn, cho đến trọn đời xin lãnh thọ tám phần tịnh giới của người Phật tử cận trụ ngôi Tam Bảo.
Bắt đầu từ giờ phút này cho đến khoảng thời gian mặt trời mọc, con nguyện:
Không sát tất cả mạng
Không trộm tài vật người
Không dâm, không vọng ngữ
Uống rượu phóng dật thảy
Hoa, trang sức, ca múa
Giường lớn, ăn trái thời
Con nay thảy xa lìa
Vâng giữ tám tịnh giới.
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy!
Phật bảo Bà La Môn: Lành thay! Lành thay! Nên làm như thế!
Bấy giờ, Thế Tôn nói pháp này rồi thì Bà La Môn, chúng Tỳ Kheo, Trời và người đều rất hoan hỷ tin nhận vâng làm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Hai - Phẩm Thực Hành Tất Cả Pháp - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tam Muội Niệm Phật - Phẩm Chín - Tán Thán Tướng Tam Muội
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Câu Ca Ni - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Bốn - Phẩm Ai Thán
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Cột Trói
Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Hai - Giới độ Vô Cực - Kinh Số Ba Mươi