Phật Thuyết Kinh Vô Cấu Xưng - Phẩm Chúc Lụy
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH VÔ CẤU XƯNG
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Huyền Trang, Đời Đường
PHẨM CHÚC LỤY
Đức Phật dạy Bồ Tát Từ Thị: Ta đem đại Pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề đã được tập hợp trong vô lượng vô số trăm ngàn câu chi na do tha kiếp mà giao phó cho ông. Kinh Điển này được sức oai thần Phật giữ gìn, được sức oai thần của Phật gia hộ.
Sau khi Như Lai Bát Niết Bàn, trong đời ác năm trược ông cũng dùng thần lực mà giữ gìn bảo hộ Kinh Pháp này, đem giảng giải khắp Thiệm Bộ Châu đừng để lạc mất.
Vì sao?
Vì tương lai, có Người Nam, Người Nữ, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Kiền Đạt Phược… đã trồng vô lượng căn lành thù thắng. Đối với Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề tâm đã thắng giải sâu rộng, nếu họ không được nghe Kinh Điển này thì sẽ làm mất vô lượng thắng lợi.
Còn ai nghe Kinh này chắc chắn sẽ tin thích phát tâm hy hữu, hoan hỷ cung kính lãnh thọ. Ta giao phó các Thiện Nam Thiện Nữ ấy cho ông. Ông nên hộ niệm đừng để họ gặp chướng ngại. Khi nghe thọ tu học Kinh Điển này cũng giảng giải rộng rãi theo pháp môn mà Phật đã nói.
Từ Thị nên biết! Nói chung có hai loại tướng ấn Bồ Tát.
Thế nào là hai?
1. Tướng ấn tin thích những văn từ trau chuốt.
2. Tướng ấn không sợ pháp môn thâm sâu, ngược lại ngộ nhập vào tánh tướng của nó.
Bồ Tát nào tôn trọng tin thích văn từ trau chuốt, thì nên biết rằng đó là Bồ Tát mới học. Bồ Tát nào với pháp thâm sâu mà không nhiễm, không chấp trước, thần thông tự tại bất tư nghì, đối với pháp môn giải thoát, Kinh Điển vi diệu không còn sợ sệt.
Sau khi nghe, tin hiểu thọ trì đọc tụng thuộc lòng, giảng giải cho người khác, như thật ngộ nhập, tinh tấn tu hành, đạt được lòng tin thích thanh tịnh xuất thế gian, thì nên biết rằng đó là Bồ Tát đã học lâu rồi.
Từ Thị nên biết! Do bốn duyên mà Bồ Tát mới học tự làm mình tổn thương không thể đắc pháp nhẫn thâm sâu.
Những gì là bốn?
1. Mới nghe Kinh Điển thâm sâu mà từ xưa chưa từng nghe thì sợ hãi, nghi ngờ không tùy hỷ.
2. Nghe rồi lại phỉ báng khinh chê nói rằng: Kinh Điển ấy trước đây tôi chưa nghe đến, vậy ở đâu mà có.
3. Thấy có Thiện Nam thọ trì, giảng nói pháp môn thâm sâu này thì không thích gần gũi cung kính lễ lạy.
4. Sau đó khinh mạn oán ghét hủy nhục phỉ báng.
Do bốn duyên này mà Bồ Tát mới học tự làm mình tổn thương không thể đắc pháp nhẫn thậm thâm.
Từ Thị nên biết! Lại có bốn duyên dù Bồ Tát tin hiểu pháp môn thậm thâm nhưng vẫn tự mình làm tổn thương không thể mau chứng vô sanh pháp nhẫn.
Thế nào là bốn?
1. Khinh chê Bồ Tát sơ học mới tu hành Đại Thừa.
2. Không thích chỉ dạy giảng giải.
3. Không kính trọng tha thiết với chỗ học sâu xa rộng lớn.
4. Thích giáo hóa chúng sanh bằng tài thí thế gian, không thích pháp thí thanh tịnh xuất thế gian.
Do bốn duyên này, dù Bồ Tát tin hiểu pháp môn sâu xa nhưng vẫn tự mình làm tổn thương, không thể mau chứng vô sanh pháp nhẫn.
Sau khi nghe Phật dạy, Bồ Tát Từ Thị vui mừng hớn hở và thưa Phật: Pháp Thế Tôn rất là hy hữu, Pháp Như Lai giảng rất là vi diệu. Theo lỗi lầm của Bồ Tát mà Phật đã dạy, con sẽ xa lìa hoàn toàn.
Con sẽ giữ gìn không làm mất đại Pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề mà Đức Như Lai đã tập hợp trong vô lượng vô số trăm ngàn câu chi na do kiếp.
Nếu vào đời tương lai, có thiện nam hay thiện nữ nào học đại thừa, đó chính là chơn pháp khí. Con sẽ làm cho trong tay họ có được Kinh Điển sâu xa này và sẽ cho họ có sức trí huệ để thọ trì, đọc tụng, thuộc lòng, ghi chép cúng dường Kinh này, tu hành không điên đảo và giảng cho người khác nghe.
Bạch Thế Tôn! Đời sau, với Kinh này nếu có ai nghe tin hiểu thọ trì, đọc tụng, thuộc lòng, tu hành không điên đảo, giảng nói cho người, thì nên biết rằng đó là do sức oai thần giữ gìn gia hộ của con.
Thế Tôn dạy: Lành thay! Lành thay! Ông rất là tốt. Như Lai tùy hỷ cho ông lãnh thọ giữ gìn chánh pháp này.
Bấy giờ, tất cả chúng hội trong cõi này và các Bồ Tát đến từ phương khác đều chắp tay thưa: Bạch Thế Tôn! Sau khi Như Lai Bát Niết Bàn, chúng con từ các Thế Giới phương khác cũng đến đây giữ gìn đại Pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề mà Như Lai đã chứng đắc không cho mất và đem giảng giải rộng rãi.
Nếu thiện nam, thiện nữ tin hiểu thọ trì đọc tụng thuộc lòng Kinh này, tu hành không điên đảo, giảng nói cho người thì con sẽ hộ trì và cho họ có sức nhớ để họ không gặp chướng ngại.
Khi ấy, trong chúng bốn Đại Thiên Vương cũng chắp tay thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu ở xóm làng, thành ấp, đô thị nào lưu hành pháp môn này, chúng con cùng quyến thuộc thống lãnh quân chúng sẽ đến nơi ấy bảo hộ người nghe pháp và người nói pháp môn này để có thể giảng nói, thọ trì, đọc tụng pháp môn này.
Làm cho trong phạm vi bốn phía cả đến một trăm du thiện na được an ổn, không có các chướng nạn nguy hiểm, không có ai rình rập làm hại.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Cụ Thọ A Nan: Ông nên thọ trì pháp môn này đem giảng giải cho người để pháp môn này được lưu bố rộng rãi.
A Nan thưa: Con đã thọ trì pháp môn này.
Pháp môn Như Lai nói đặt tên là gì và con thọ trì như thế nào?
Thế Tôn dạy: Pháp môn này tên là: Thuyết Vô Cấu Xứng bất khả tư nghì tự tại thần biến giải thoát pháp môn nên thọ trì như vậy.
Sau khi Đức Phật nói Kinh này, Bồ Tát Vô Cấu Xứng, Bồ Tát Diệu Cát Tường, Cụ Thọ A Nan Đà và các Bồ Tát, Đại Thanh Văn… Chư Thiên, Trời, Người, A Tố Lạc… đều hoan hỷ tín thọ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Hai Mươi Năm - Tịnh Phục Tịnh Vương
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Hai Mươi Hai - Pháp Hội đại Thần Biến - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Ba Mươi Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bốn Quả - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Như Lai Giáo Thắng Quân Vương