Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Phật Lô Xá Na - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH

PHẠM VÕNG PHẬT LÔ XÁ NA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẦN MỘT  

Bấy giờ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở trong bậc Thiền thứ tư, tại cung của Thiên Vương Ma Hê Thủ La, cùng với vô lượng Đại Phạm Thiên và chúng Bồ Tát không thể tính kể, không thể nêu bày, nói về phẩm pháp môn tâm địa mà Đức Phật Lô Xá Na ở Thế Giới Liên Hoa Đài Tạng đã nói.

Khi ấy, thân của Đức Phật Thích Ca phóng ra ánh sáng trí tuệ, chiếu từ cung của Thiên Vương cho đến Thế Giới Liên Hoa Đài Tạng. Tất cả chúng sanh trong các Thế Giới ấy thảy đều nhìn thấy, đều vui mừng, thích thú nhưng không thể biết ánh sáng này do nhân gì, duyên gì, nên đều sanh tâm nghi ngờ. Vô lượng hàng Trời, người cũng sanh tâm nghi ngờ.

Lúc này, trong chúng có Bồ Tát Huyền Thông Hoa Quang Vương, từ tam muội Đại Trang Nghiêm Hoa Quang Minh đứng dậy, do thần lực của Phật, phóng ra ánh sáng sắc Kim Cang bạch vân, chiếu soi tới tất cả Thế Giới, trong đó hết thảy các Bồ Tát đều đến tập họp.

Cùng nhau thưa hỏi: Ánh sáng rực rỡ này là điềm tướng gì?

Khi đó, Đức Phật Thích Ca liền nâng đưa đại chúng của Thế Giới này mau chóng đến Thế Giới Liên Hoa Đài Tạng, trong các cung điện có trăm vạn ức ánh sáng Kim Cang đỏ tía, thấy Đức Phật Lô Xá Na an tọa trên tòa hoa sen trăm vạn cánh, ánh sáng hết sức rực rỡ. Bấy giờ, Đức Phật Thích Ca và đại chúng cùng lúc cung kính đảnh lễ dưới chân Đức Phật Lô Xá Na.

Đức Phật Thích Ca nói: Trong Thế Giới này, tất cả chúng sanh nơi đại địa và hư không do nhân gì, duyên gì, đã thành tựu đạo mười địa của Bồ Tát, sẽ thành tựu quả vị Phật.

Đó là những tướng gì?

Như trong phẩm Bản Nguyên Phật Tánh đã hỏi rộng về hạt giống của tất cả Bồ Tát.

Đức Phật Lô Xá Na rất hoan hỷ, hiện ra ánh sáng nơi hư không là bản nguyên của thể tánh thành tựu tam muội của pháp thân Phật thường trú, dạy cho đại chúng:

Này các Phật Tử! Hãy lắng nghe kỹ, khéo tư duy để tu tập. Ta đã trải qua hàng trăm A tăng kỳ kiếp tu tập tâm địa, lấy đó làm nhân đầu tiên xả bỏ hàng phàm phu thành tựu Đẳng Chánh Giác, hiệu là Lô Xá Na, an trú trong biển Thế Giới Liên Hoa Đài Tạng.

Đài đó hiện bày khắp có ngàn cánh, mỗi cánh là một Thế Giới thành ngàn Thế Giới. Ta đã biến hóa thành một ngàn Đức Thích Ca an trú nơi một ngàn Thế Giới. Sau cứ một thế giơi của mỗi cánh hoa lại có trăm ức núi Tu Di.

Trăm ức mặt Trời, mặt trăng, trăm ức bốn cõi thiên hạ, trăm ức Châu Nam Diêm Phù Đề, trăm ức Bồ Tát Thích Ca an tọa nơi trăm ức cây Bồ Đề, đều nói về tâm địa của Bồ Tát giống như các ông đã hỏi. Chín trăm chín mươi chín Đức Thích Ca còn lại, mỗi mỗi vị đều hiện ra ngàn trăm ức Thích Ca cũng lại như vậy.

Những Đức Phật ở trên ngàn cánh hoa do ta hóa thân, ngàn trăm ức Đức Thích Ca là ngàn Đức Thích Ca hóa thân, ta đã hoàn thành bản nguyên nên gọi là Phật Lô Xá Na.

Bấy giờ, Đức Phật Lô Xá Na ngự trên tòa Liên Hoa Đài Tạng, giải đáp rộng cho một ngàn Đức Thích Ca, ngàn trăm ức Thích Ca đã hỏi về phẩm Pháp Tâm Địa.

Các Đức Phật nên biết! Trong tính nhẫn kiên cố gồm mười tâm phát thú hướng đến quả:

Một là tâm xả.

Hai là tâm giới.

Ba là tâm nhẫn.

Bốn là tâm tấn.

Năm là tâm định.

Sáu là tâm tuệ.

Bảy là tâm nguyện.

Tám là tâm hộ.

Chín là tâm hỷ.

Mười là tâm đảnh.

Chư Phật nên biết! Từ mười tâm phát thú này tâm phát khởi hướng nhập Đại Thừa đi vào mười tâm trưởng dưỡng hướng đến quả trong pháp nhẫn kiên cố gồm:

Một là tâm từ.

Hai là tâm bi.

Ba là tâm hỷ.

Bốn là tâm xả.

Năm là tâm thí.

Sáu là tâm phát ra lời nói tốt.

Bảy là tâm lợi ích.

Tám là tâm đồng.

Chín là tâm định.

Mười là tâm tuệ.

Chư Phật nên biết!

Từ mười tâm trưởng dưỡng này lại đi vào mười tâm Kim Cang hướng tới quả trong tu nhẫn kiên cố gồm:

Một là tâm tín.

Hai là tâm niệm.

Ba là tâm hồi hướng.

Bốn là tâm chứng đắc.

Năm là tâm ngay thẳng trực.

Sáu là tâm không thối chuyển.

Bảy là tâm đại thừa.

Tám là tâm vô tướng.

Chín là tâm tuệ.

Mười là tâm không hoại.

Chư Phật nên biết!

Từ mười tâm Kim Cang này đi vào mười địa hướng tới qua trong Thánh Nhân kiên cố:

Một là địa thể tánh bình đẳng.

Hai là địa thể tánh thiện tuệ.

Ba là địa thể tánh quang minh.

Bốn là địa thể tánh nhĩ diệm.

Năm là địa thể tánh tuệ chiếu.

Sáu là địa thể tánh hoa quang.

Bảy là địa thể tánh mãn túc.

Tám là địa thể tánh Phật hống.

Chín là địa thể tánh hoa nghiêm.

Mười là địa thể tánh nhập Phật giới.

Bốn mươi phẩm pháp môn này là cội nguồn của ta khi còn làm Bồ Tát tu tập bước vào quả vị Phật. Như vậy, tất cả chúng sanh nhập vào mười phát thú, mười trưởng dưỡng, mười Kim Cang, mười địa sẽ thành tựu quả vị lớn, an trú viên mãn trong pháp vô vi, vô tướng, mười lực, mười tám pháp bất cộng, pháp thân, trí thân đều đầy đủ.

Lúc này, Đức Phật Lô Xá Na ở Thế Giới Liên Hoa Đài Tạng, với ánh sáng rực rỡ nơi tòa ngồi tỏa chiếu đến chỗ các Đức Phật trên ngàn cánh hoa, đến trăm ngàn ức Phật nơi tất cả Thế Giới của Chư Phật.

Trong các tòa đó, có Bồ Tát tên Hoa Quang Vương Đại Trí Minh từ chỗ ngồi đứng dậy, thưa Đức Phật Lô Xá Na: Bạch Đức Thế Tôn! Ngài đã lược nêu về danh tướng của mười Phát thú, mười Trưởng dưỡng, mười Kim Cang và mười địa, nhưng ở mỗi mỗi nghĩa con chưa thể hiểu rõ, nguyện xin Ngài giảng thuyết cho con về pháp môn nhất thiết trí của Tạng báu Kim Cang hết mực vi diệu mà Như Lai đã giảng thuyết trong phẩm Bách quán.

Đức Phật Lô Xá Na bảo: Ngàn Đức Phật lắng nghe! Trước ông đã hỏi về nghĩa phát thú là thế nào?

Này Phật Tử! Tâm xả là xả bỏ tất cả. Cõi nước, thành ấp, ruộng vườn, nhà cửa, vàng bạc, ngọc quý, nam, nữ, thân mình, tất cả những vật hữu vi, xả bỏ cả vô vi, vô tướng,vì biết ngã, nhân là do giả hợp mà thành.

Vị chủ tạo tác là ngã kiến, do mười hai nhân duyên, không hợp, không tan, không thọ nhận, mười hai nhập, mười tám giới, năm ấm, tất cả là một, tướng hợp là tướng vô ngã, vô ngã sở, chỉ do giả hợp mà thành các pháp.

Tất cả các pháp bên trong và bên ngoài đều không xả bỏ, cũng không thọ nhận, khi ấy, Bồ Tát quán các pháp hiện tiền là giả hợp nên tâm xả đi vào tam muội không.

Này Phật Tử! Tâm giới là chẳng phải phi giới, không có người thọ, không có thầy nêu giảng về mười giới thiện. Không có người tu tập từ lừa dối trộm cắp cho đến tà kiến. Hiền lành, trong sạch, ngay thẳng đúng thật, chánh kiến, xả, hỷ… là thể tánh của mười giới. Ngăn ngừa tám đảo, xa lìa tất cả tánh, một đạo thanh tịnh.

Này Phật Tử! Tâm nhẫn là thể tánh của trí tuệ hữu tướng, vô tướng, tất cả không không nhẫn, tất cả xứ nhẫn, gọi là vô sanh hành nhẫn, chứng đắc tất cả xứ gọi là như khổ nhẫn, vô lượng hạnh mỗi mỗi pháp đều gọi là nhẫn.

Không có thọ nhận, không có đánh đập, không có đao gậy, không có giận dữ, tâm đều như như, không mỗi một đế là một tướng, không có vô tướng mà có vô tướng, hữu tướng chẳng phải phi tâm tướng, duyên vô duyên tướng. Đi, đứng, nằm, ngồi, ngã, nhân, trói, mở tất cả đều là pháp như, tướng nhẫn không thể thủ đắc.

Này Phật Tử! Tâm tấn là trong mọi lúc thực hành bốn oai nghi đều điều phục là không, giả hợp thành pháp tánh. Ví như leo lên núi vô sanh, thấy được tất cả có, không, như có, như không.

Đại địa xanh, vàng, đỏ, trắng, tất cả nhập cho đến tánh trí Tam Bảo, tất cả tín, tấn, đạo, là không, vô sanh, vô tác, vô tuệ, khởi không, nhập vào pháp thế đế, cũng không có hai tướng, tương tục, tâm không, thông tỏ thêm phần thiện căn.

Này Phật Tử! Tâm định là vắng lặng, không tướng. Không tướng nơi người, bấy giờ đi vào nội không. Tâm hợp đạo nơi chúng sanh, không đạo duyên thì chẳng thấy vô tướng, vô lượng hành, vô lượng tâm tam muội.

Phàm phu, Thánh Nhân đều nhập vào tam muội, thể tánh tương ưng tất cả, nhờ vào năng lực của định nên ngã, nhân, tác giả, thọ giả, tất cả kiến tánh trói buộc là nhân duyên chướng ngại, gió phân tán làm tâm loạn động, không vắng lặng mà vắng lặng hoàn toàn, tám điên đảo không có duyên.

Nhờ trí tuệ tĩnh lặng quán soi mà tất cả niệm niệm giả hợp đều dứt trừ, thọ nhận tất cả tội tánh, quả báo trong ba cõi, đều do định vắng lặng, mà sanh tất cả thiện.

Này Phật Tử! Tâm tuệ là tuệ không, chẳng phải là không duyên. Biết rõ thể, danh tâm. Phân biệt các pháp giả gọi là chủ thể, cùng chung với đạo. Lấy quả hành nhân, nhập Thánh, bỏ phàm, diệt hết các tội, sanh khởi phước đức. Trói buộc, cỡi mở tất cả là công dụng của thể tánh.

Vì không thấy rõ tánh thường, lạc, ngã, tịnh, phiền não, trí tuệ nên dùng trí tuệ làm đầu, tu quán tuệ không thể kể, nhập vào nhất đế trung đạo, do vô minh làm chướng ngại trí tuệ.

Chẳng phải tướng, chẳng phải đến, chẳng phải duyên, chẳng phải tội, chẳng phải tám điên đảo, không sanh diệt, ánh sáng của ngọn đuốc trí tuệ chiếu đến nơi an lạc, phương tiện chuyển hóa thần thông nhờ thể tánh của trí mà làm công dụng của tuệ.

Này Phật Tử! Tâm nguyện là mong cầu lớn, mong cầu tất cả. Vì lấy quả hành nhân, nên tâm nguyện này liên tục tiếp nối hàng trăm kiếp được thành Phật, diệt các tội, nhất tâm mong cầu đạt đến không vô sanh.

Nguyện quán nhập vào định chiếu soi, vô lượng sự trói buộc nhờ tâm mong cầu mà được giải thoát. Vô lượng hành vi diệu nhờ tâm mong cầu mà thành tựu. Vô lượng công đức bồ đề lấy tâm mong cầu làm căn bản. Từ sự phát tâm cho đến khoảng giữa tu đạo, vì thực hành đầy đủ hạnh nguyện nên thành tựu quả Phật.

Quán một đế trung đạo chẳng phải chiếu soi, chẳng phải cảnh giới, chẳng phải chìm đắm mà sanh khởi các kiến trí tuệ chẳng phải giải thích. Đó là thể tánh của Nguyện là căn bản của các hành.

Này Phật Tử! Tâm Hộ là hộ trì Tam Bảo, giữ gìn công đức của tất cả hành khiến cho ngoại đạo, tám đảo, tà kiến ác không nhiễu loạn đến lòng tin chân chánh, diệt trừ trói buộc của ngã, trói buộc của kiến không sanh, thấu rõ hai đế quán tâm hiện tại.

Nhờ hộ trì căn bản là hộ trì vô tướng để giữ gìn không, vô tác, vô tướng, nhờ tâm tuệ liên tục đi vào vô sanh, không đạo, trí đạo, đều chiếu sáng rực rỡ, giữ gìn quán nhập vào không, đều giả huyễn mà sanh khởi, như không, thể của pháp là tụ tập, phân tán, không thể giữ gìn, quán pháp cũng như vậy.

Này Phật Tử! Tâm hỷ là thấy người khác được vui thì thường sanh vui mừng theo, cho đến tất cả vật đều giả hợp rỗng không chiếu soi, thường vắng lặng, không nhập vào pháp hữu vi mà không pháp nào không vắng lặng.

Nhiều an lạc không với có thọ mà hóa, có pháp mà thấy tánh pháp giả huyễn, bình đẳng nhất quán tâm tâm hành, nghe nhiều hạnh công đức của Chư Phật. Trí tùy hỷ nơi tâm vô tướng, tâm tâm sanh niệm mà thông tỏ. Tâm vui thích duyên với tất cả pháp.

Này Phật Tử! Tâm Đảnh là trí tuệ tối thượng của con người, diệt trừ vô ngã luân, kiến nghi thân, tất cả sân như đảnh, là thường quán liên tục như đỉnh, là nhân quả trong pháp giới, một đạo như như là tối thượng.

Như đỉnh đầu của người là chẳng phải phi thân kiến, sáu mươi hai kiến, diệt trừ năm thứ ngăn che của chúng sanh, thần ngã, chủ thể, hoạt động rộng hẹp của con người đều là vô tác, vô thọ, vô hành không thể nắm bắt.

Người này lúc ấy đi vào nơi không nên tâm ngay thẳng, nơi chúng sanh không thấy duyên, chẳng thấy phi duyên, an trú nơi đỉnh định tam muội vắng lặng, thực hành hướng đến đạo, thật tánh ngã, nhân, thường thấy, tám điên đảo sanh, duyên nơi pháp môn bất nhị không còn chịu tám nạn.

Quả hư huyễn hoàn toàn không thọ nhận, duy nhất chúng sanh đến lui, đứng, ngồi, diệt trừ mười tội ác, sanh khởi mười điều thiện, nhập vào đạo chân chánh, người chân chánh, trí tuệ chân chánh, thực hành hạnh Bồ Tát, chứng đắc hiện quán.

Không còn chịu quả báo trong sáu đường, hoàn toàn không thối lui ở trong chủng tánh của Phật, đời đời sanh vào dòng giống của Phật, không xa lìa lòng tin chân chánh. Trên đây trong phẩm Thập Thiên Quang đã nói.

Đức Phật Lô Xá Na đã giảng rõ cho một ngàn Đức Phật nghe: Như ông đã hỏi về mười tâm trưởng dưỡng.

Này Phật Tử! Tâm Từ là thường thực hành tâm từ, phát sanh nhân an lạc rồi trong trí vô ngã, vui thích tương ưng, quán pháp nhập, những pháp thọ, tưởng, hành, thức trong đại pháp không sanh, không trụ, không diệt, như huyễn hóa, như như không hai.

Cho nên tu tập tất cả thành tựu pháp luân, giáo hóa hoàn toàn, có khả năng phát sanh lòng tin chân chánh, không do sự dẫn dụ của quân ma, cũng có thể khiến cho chúng sanh được quả an lạc của tâm từ, chẳng phải thật, chẳng phải quả thiện ác, hiểu rõ tam muội thể tánh là không.

Này Phật Tử! Tâm bi là dùng bi không không, vô tướng, nhờ vào tâm bi thực hành đạo, diệt tất cả khổ, trong vô lượng khổ của chúng sanh phát sanh trí tuệ.

Không duyên sát sinh, không duyên sát pháp, không duyên với chấp ngã nên thường thực hành không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không làm não hại tất cả chúng sanh. Người phát tâm Bồ Đề, đối với kiến không là tướng như thật của tất cả pháp, trong chủng tánh hành sanh tâm đạo trí.

Đối với sáu thân, sáu oán ở trong ba phẩm thân oán cùng với chín phẩm trong duyên thượng ác và trí an lạc tối thượng đều được an lạc. Lúc quả không hiện, thì mình và tất cả mọi người đều bình đẳng, thường được an lạc, phát sanh đại bi.

Này Phật Tử! Tâm hỷ là khi tâm vô sanh vui vẻ thì chủng tánh, thể tướng, đạo trí không không. Tâm hỷ không chấp trước vào ngã sở, ra khỏi sự chìm đắm của nhân quả ba đời, không còn tích tập, tất cả hữu.

Nhập vào quán không, thực hành thành tựu được hỷ bình đẳng đối với tất cả chúng sanh, phát khởi tâm không nhập vào đạo lìa bỏ bạn ác, mong cầu bạn lành để chỉ dạy đạo mà ta yêu quý, làm cho chúng sanh sanh trong dòng họ Phật Pháp.

Trong giáo pháp thường phát khởi tâm vui vẻ vào trong các vị pháp, lại làm cho chúng sanh khởi lòng tin chân chánh, xả bỏ tà kiến, diệt trừ khổ não, quay lưng lại sáu đường, nên gọi là hỷ.

Này Phật Tử! Tâm xả là thường sanh khởi tâm xả, trong pháp vô tác, vô tướng, không, đều như hư không. Trong hai pháp đối đãi thiện ác, hữu kiến vô kiến, tội phước bình đẳng quán chiếu chỉ là một, chẳng phải người, chẳng phải ta mà ta và người thể tánh không nắm bắt được, gọi là đại xả.

Như thân thể da thịt, tay chân, nam nữ, làng xóm, đất nước của ta đều như huyễn, cho đến dòng nước, đèn đuốc đều nên xả bỏ, được tâm vô sanh, thường tu tập tâm xả.

Này Phật Tử! Tâm thí là ban đầy đủ cho chúng sanh bằng thân thí, miệng thí, ý thí, tài thí, pháp thí để giáo hóa chúng sanh. Trong thân, ngoài thân, làng xóm, đất nước, nam nữ, ruộng vườn, tướng đều như như, cho đến không nghĩ về tài vật, người nhận bố thí và người bố thí cũng bên trong, cũng bên ngoài, không hợp cũng không tan, do thực hành không tâm nên thấu đạt lý bố thí, tất cả tướng đều thể hiện ở việc làm.

Này Phật Tử! Tâm phát ra lời nói tốt là nhập vào tam muội, thể tánh ái ngữ đế nhất nghĩa pháp ngữ, nghĩa ngữ. Tất cả lời nói chân thật là thuận hướng, chỉ một lời điều hòa tất cả chúng sanh mà tâm không sân giận, không tranh chấp.

Tất cả pháp trí không, không duyên, thường sanh lòng yêu mến, tâm luôn thực hành thuận theo ý của Phật, cũng thuận hợp với tất cả người khác, dùng lời nói của Hiền Thánh để dạy dỗ chúng sanh, luôn thực hành tâm như như, làm phát khởi thiện căn.

Này Phật Tử! Tâm lợi ích là dùng thể tánh của trí chân thật để thực hành rộng lớn về đạo trí, tập họp tất cả pháp môn trí tuệ và tích lũy quán hành bảy Thánh Tài, người trước được lợi ích nên thọ được thân mạng, nhập vào tam muội lợi ích, thể hiện bằng tất cả thân, miệng, ý, làm chấn động toàn bộ Thế Giới, tất cả đều làm được.

Vì người khác nhập vào các pháp, các không, các đạo, đem lại lợi ích an lạc, hiện hình trong sáu đường, vô lượng khổ não không cho là hoạn nạn, chỉ làm lợi ích cho người.

Này Phật Tử! Tâm đồng là do trí đạo tánh giống như pháp không, vô sanh do trí vô ngã đồng sanh không hai, do không đồng với nguyên cảnh là tướng như của các pháp, thường sanh, thường trụ, thường diệt, pháp thế gian lưu chuyển liên tục không ngừng, có thể hiện ra vô lượng thân hình, sắc, tâm, các nghiệp ở trong sáu đường, tất cả mọi việc đều như nhau.

Không đồng với không sanh, ngã đồng với không vật, phân tán thân hình nhập vào tam muội đồng pháp.

Này Phật Tử! Tâm không là từ tâm định, nhờ tuệ quán, chứng tâm không và duyên tâm tĩnh, đối với ngã sở, pháp, thức giới, sắc giới không lay động, vượt ra khỏi thuận nghịch, thường nhập vào trăm tam muội, mười thiền chi, nhờ trí tuệ tư duy thấy được tất cả ngã, nhân và các chủng tử trú bên trong và ngoài, tất cả đều không có hợp tan, chỉ do tích tập mà sanh khởi, nên không nắm bắt được.

Này Phật Tử! Tâm tuệ là quán tuệ thấy tâm, quán sự trói buộc của các tà kiến, hoạn nạn là thể tánh không quyết định.

Vì thuận theo nhẫn đồng với không nên chẳng phải ấm, chẳng phải giới, chẳng phải nhập, chẳng phải chúng sanh, chẳng phải chỉ có ngã, chẳng phải nhân quả, chẳng phải pháp ba đời, nên tánh của tuệ phát sanh rực sáng, chiếu soi thấy rõ tất cả là rỗng lặng nên không thọ nhận.

Trí tuệ là phương tiện sanh khởi tâm trưởng dưỡng. Tâm này chứng nhập đạo không không, phát khởi tâm vô sanh. Trên đây là ở phẩm Thiên Hải Minh Vương đã nói về tâm trong Bách pháp minh môn.

Đức Phật Lô Xá Na dạy cho một ngàn Đức Phật nghe. Như các ông hỏi về chủng tử Kim Cang có mười tâm.

Này Phật Tử! Tâm tín là tất cả các hạnh lấy lòng tin làm đầu, nguồn gốc của các công đức, không sanh tâm tà kiến của ngoại đạo, các kiến danh chấp trước, oán kết có tạo nghiệp, chắc chắn không thọ nhận, nhập vào pháp không, vô vi.

Gồm ba tướng không: Không có vô sanh, không có sanh, không có trụ, trụ đã không có thì diệt diệt không có, tất cả các pháp không, thế đế, đệ nhất nghĩa đế trí, diệt trừ hết dị không, sắc không, tâm tế, tâm không.

Vì tâm tế, tâm tâm không nên lòng tin vắng lặng, không có thể tánh hòa hợp cũng không nương vào, nhưng chủ thể là xử dụng tên gọi của ngã nhân, ba cõi giả gọi là ngã ngã, không có đắc tập tướng, nên gọi là lòng tin vô tướng.

Này Phật Tử! Tâm niệm là khởi niệm, sáu niệm thường quán chiếu biết rõ, cho đến thường thi hành đệ nhất nghĩa đế, là không vướng mắc, không giải thoát, tướng sanh trụ diệt không lay chuyển, không đến, đi, mà đối với các nghiệp lãnh thọ, tướng một hợp đều hồi hướng vào trí tuệ pháp giới.

Mỗi tuệ nối tiếp nhau trong sự vắng lặng, tỏ rõ vô thường, sáng rực vô sanh, do không sanh nên không khởi, biến đổi thành đạo không, biến trước thành sau, mỗi mỗi đều chuyển hóa.

Chuyển hóa không ngừng, biến hóa cùng một lúc, cùng an trú trong một tướng sanh diệt tỏ rõ đã biến hóa, chưa biến hóa, đều biến hóa, được thọ nhận một lúc cũng như vậy.

Này Phật Tử! Tâm hồi hướng là đệ nhất nghĩa không, ở nơi pháp chân thật trí không chiếu soi thật đế nghiệp đạo tương tục, nhân duyên trung đạo gọi là thật đế, tạm gọi các pháp ngã, nhân, chủ thể gọi là thế đế. Trong hai đế này rất sâu xa, nhập vào không mà không đến đi, huyễn hóa thọ nhận quả mà không lãnh thọ nên tâm được giải thoát.

Này Phật Tử! Tâm đạt chiếu là nhẫn thuận với mọi thật tánh, các tánh không trói, không mở không chướng vô ngại, pháp nghĩa đều thông suốt, từ ngữ, giáo hóa đều thấu đạt, biết các hành.

Căn tánh của chúng sanh trong ba đời như không hợp, không tàn, không có thật dụng, không có dụng, không có danh dụng, mỗi dụng đều không, không không chiếu soi thấu đạt, không gọi là thông suốt tất cả pháp không. Tướng không không như như, không thể nắm bắt.

Này Phật Tử! Tâm trực là thẳng chiếu duyên theo thần ngã, nhập vào trí vô sanh. Vô minh, thần ngã, không không đều trong không, lý không không, tâm có hữu, có vô mà không hủy hoại hạt giống của đạo.

Một quán tưởng trung đạo, vô lậu mà giáo hóa chúng sanh khắp mười phương. Chuyển hóa tất cả chúng sanh đều nhập vào trí nhất thiết không, tâm tánh chân chánh, hạnh chân chánh đều ở trong không, ba cõi chúng để trói buộc mà không thọ nhận.

Này Phật Tử! Tâm bất thối là không nhập vào quả vị phàm phu, không sanh khởi tạp nhiễm, nuôi dưỡng các kiến chấp, cũng lại không phát sanh các nhân tập khí tương tợ ngã, nhân nhập vào nghiệp của ba cõi, cũng thực hành không mà không dừng lui, giải thoát ở đệ nhất nghĩa nơi trung đạo.

Vì một hợp thực hành nên không lui, vì bổn tế không hai mà không nhớ nghĩ về sau, không sanh quán trí, như như liên tục, nương theo tâm nhập vào không hai, thường không sanh tâm một đạo một thanh tịnh là không thối lui, một đạo một chiếu soi.

Này Phật Tử! Tâm riêng đại thừa là hiểu rõ không, tất cả tâm hành gọi là nhất thừa. Thừa là một trí không. Bậc hạnh bậc trí nương vào trí mà mỗi tâm trí gánh vác, cứu giúp tất cả chúng sanh, cứu thoát sông ba cõi, sông trói buộc, sông sanh tử.

Hành giả ở thừa này thực hành cứu giúp, tâm trí hướng đến nhập vào biển của Phật, nên chúng sanh chưa chứng đắc không trí dụng thì không gọi là đại thừa, chỉ gọi là thừa có thể vượt qua biển khổ.

Này Phật Tử! Tâm vô tướng là giải thoát vọng tưởng, trí bát nhã chiếu soi không hai. Tất cả nghiệp trói buộc trong ba đời chỉ là một đế như như, nhưng thực hành ở không, vô sanh, tự biết mình sẽ chứng thành Phật, tất cả Chư Phật là chúng ta, tất cả Bồ Tát là bạn học của chúng ta, đều đồng là không vô sanh, nên gọi là tâm vô tướng.

Này Phật Tử! Tâm tuệ như như là vô lượng pháp giới không tích tập, không thọ sanh, sanh sanh phiền não mà không bị trói buộc. Tất cả pháp môn chư Hiền đã hành đạo, chư Thánh đã quán pháp, hiện có cũng như vậy. Tất cả pháp phương tiện giáo hóa của Đức Phật đều tích tập trong tâm ta.

Tất cả công dụng, định tà của luận thuyết ngoại đạo đều là huyễn hóa ma thuật, đều khác với Phật giảng nói, nhập vào hai đế chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng phải có ấm, giới, nhập, chính là ánh sáng trí tuệ, tánh chiếu sáng thể nhập tất cả pháp.

Này Phật Tử! Tâm bất hoại là nhập vào quả vị Bậc Thánh, thân cận người trí được giải thoát, vào cửa đạo chân chánh. Tâm bồ đề sáng tỏ phục nhẫn thuận không, tám ma không thể phá hoại.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường