Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Ba Mươi - Phẩm đạo Hạnh - Thí Dụ Năm Mươi Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Cự, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH PHÁP CÚ THÍ DỤ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Pháp Cự, Đời Tây Tấn
PHẨM BA MƯƠI
PHẨM ĐẠO HẠNH
THÍ DỤ NĂM MƯƠI BỐN
Thuở xưa, có một vị Bà La Môn xuất gia học đạo từ nhỏ, đến năm sáu mươi tuổi vẫn chưa đắc đạo. Theo pháp Bà La Môn, đến tuổi này chưa đắc đạo thì trở về lấy vợ làm ăn.
Ông này cũng như vậy, trở về lập gia đình, sinh được một đứa con trai khôi ngô dễ mến. Lớn lên cậu ta tỏ ra thông minh hơn người, học hành giỏi giang, biện luận lưu loát.
Đến năm bảy tuổi, vào một đêm cậu ta bỗng lâm bệnh nặng, đột ngột qua đời. Ông Bà La Môn đau buồn khôn xiết, cứ phủ phục ôm xác con than khóc đến ngất đi tỉnh lại. Thân tộc thấy thế tìm lời khuyên ngăn, giành lấy xác đứa bé tẩm liệm rồi đem chôn ngoài thành.
Ông Bà La Môn tự nghĩ: Ta nay kêu khóc nào có ích gì?
Chi bằng hãy đến chỗ Vua Diêm La đòi mạng con mình lại. Nghĩ xong, ông tắm gội trai giới, chuẩn bị hành lý mang hương hoa rời nhà ra đi.
Đến đâu ông cũng hỏi chỗ ở của Vua Diêm La, như thế cứ đi mãi suốt mấy ngàn dặm. Một hôm, ông đến một vùng núi sâu, gặp các Bà La Môn đắc đạo hỏi thăm.
Các Bà La Môn hỏi: Ông hỏi thăm chỗ Vua Diêm La là muốn cầu điều gì?
Đáp: Tôi có một con trai thông minh, biện bác hơn người. Thế mà gần đây nó bỗng chết mất, tôi đau thương buồn khổ, không sao quên được, nên muốn tìm đến chỗ Vua Diêm La xin lại mạng sống cho con để nhờ cậy lúc tuổi già.
Các Bà La Môn thương ông lão ngu si, liền bảo: Chỗ Vua Diêm La người sống đâu thể đến được. Chúng tôi sẽ chỉ cách cho ông. Từ đây đi về hướng Tây hơn bốn trăm dặm có một con sông lớn. Trong đó có tòa thành là nơi dừng nghỉ của các Thiên Thần khi đi tuần sát thế gian.
Vua Diêm La vào ngày mùng tám hàng tháng đi tuần sát sẽ ghé lại thành này. Ông trì trai giới đến đó vào ngày ấy sẽ gặp.
Vị Bà La Môn vui mừng vâng theo lời dạy ra đi. Đến con sông lớn, ông thấy chính giữa có một tòa thành tráng lệ, cung điện nhà cửa trang nghiêm như Cõi Trời Đao Lợi.
Ông đến trước cổng đốt hương, cầu nguyện được ra mắt Vua Diêm La và tha thiết trông chờ. Vua Diêm La cho người đưa ông lão vào rồi hỏi ông có điều gì cầu thỉnh.
Bà La Môn thưa: Tôi đã già mới sinh được một đứa con trai, mong sau này sẽ nhờ cậy. Nuôi được bảy tuổi, không ngờ một hôm nó bỗng lâm bệnh chết mất. Xin Đại Vương ban ân trả lại mạng sống cho con tôi.
Vua Diêm La nói: Tốt lắm, con ông hiện đang chơi ở khu vườn phía Đông. Ông hãy đến dẫn nó về.
Vị Bà La Môn liền đến nơi đó, trông thấy con mình đang chơi đùa cùng các đứa bé khác.
Ông chạy lại ôm con khóc lóc nói: Cha ngày đêm thương nhớ con, ăn ngủ không yên.
Con có nhớ nghĩ đến cha mẹ đang đau khổ không?
Đứa trẻ giật mình la lớn, trở lại quở ông: Ông già si mê này không hiểu đạo lý.
Tôi chỉ ở nhờ nhà ông chẳng bao lâu đã gọi là con!
Đừng nói nhiều lời càn rỡ nữa, hãy sớm đi là hơn. Tôi ở chỗ này cũng có cha mẹ. Chúng ta chỉ tình cờ gặp gỡ, quyến luyến ôm ấp làm chi. Vị Bà La Môn nghe vậy, buồn bã khóc lóc bỏ đi.
Ông vừa đi vừa suy nghĩ: Ta nghe Sa Môn Cù Đàm biết được đạo lý dời đổi của thần thức, vậy thử đến hỏi xem.
Nghĩ xong, ông liền tìm đến chỗ Đức Phật.
Bấy giờ Đức Thế Tôn đang trú tại Tinh Xá Kỳ Hoàn nước Xá Vệ vì đại chúng thuyết pháp. Ông Bà La Môn đến gặp Đức Phật liền cúi đầu đảnh lễ, trình bày đầu đuôi câu chuyện.
Ông nói: Con tôi thật không chịu nhìn nhận tôi, trở lại bảo tôi là ông già si mê, ở tạm không bao lâu lại nhận làm con.
Không một chút tình phụ tử như vậy, không biết là do duyên gì?
Đức Phật bảo: Ông quả thật ngu si! Khi người ta chết thần thức đi khỏi lại thọ thân mới. Cha mẹ vợ con chỉ là nhân duyên gặp gỡ, như khách trọ qua đêm, sáng thức dậy là chia tay. Thế mà chúng sinh lại ngu mê, chấp cho là thật.
Sở dĩ có ưu bi khổ não là do không hiểu được cội gốc này, chìm đắm mãi trong sinh tử không ngày ra khỏi. Chỉ có bậc trí tuệ không tham ân ái, giác ngộ Khổ Đế, dứt bỏ Tập Đế, siêng tu Kinh Giới, diệt trừ vọng tưởng chấm dứt sinh tử.
Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Người đời lo vợ con
Chẳng xét lẽ mất còn
Cái chết bỗng chợt đến
Như nước lũ cạnh bên.
Cha con cứu không nổi
Ai khác giúp được nào
Mạng hết cậy người thân
Như mù canh giữ bạc.
Tuệ tri được ý này
Nên tu trì Kinh Giới
Siêng tu vượt thế gian
Dứt trừ tất cả khổ.
Xa lìa các sa đọa
Như gió thổi mây tan
Vọng tưởng đã lặng yên
Tri kiến liền hiện tiền.
Trí Tuệ quý nhất đời
Vui nơi đạo vô vi
Nếu chánh pháp thọ trì
Sinh tử chẳng còn chi.
Vị Bà La Môn nghe kệ xong, hoát nhiên khai ngộ, biết rõ ràng mạng sống vô thường, vợ con là khách, bèn phủ phục đảnh lễ xin làm Sa Môn.
Đức Phật bảo: Lành thay! Râu tóc ông liền tự rụng, pháp y đầy đủ, thành tướng Sa Môn. Ông tư duy ý nghĩa bài kệ, chấm dứt ân ái, không còn vọng tưởng, liền chứng quả A La Hán ngay tại chỗ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Thanh Tịnh
Phật Thuyết Kinh Vô Cấu Xưng - Phẩm Pháp Môn Bất Nhị
Phật Thuyết Kinh Chứng Khế đại Thừa - Phần Tám
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Trí ấn - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Tứ ý đoạn - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bất Không Quyến Sách Thần Biến Chân Ngôn - Phẩm Tám - Phẩm Quán đỉnh Bí Mật
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Ba - Pháp Hội Phật Thuyết Nhân Xử Thai