Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Năm Mươi Sáu - Phẩm Nhân Duyên Của La Hầu La
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẬT THUYẾT
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẨM NĂM MƯƠI SÁU
PHẨM NHÂN DUYÊN CỦA
LA HẦU LA
Vào một hôm, Vua Thâu Đầu Đàn bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, xin Đức Thế Tôn và đại chúng sáng mai nhận sự cúng dường trai phạn của tôi.
Đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Vua Thâu Đầu Đàn thấy Đức Phật im lặng chấp nhận, liền rời chỗ ngồi, đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi từ tạ ra về. Khi Nhà Vua về đến nội cung, ngay trong đêm đó ra lệnh sắm sửa các thức ăn uống cao lương mỹ vị.
Sau khi sắm sửa xong, qua đêm đó, Trời vừa sáng, Vua cho người rưới nước, quét dọn, trần thiết và Vua cho sứ giả đi thỉnh Thế Tôn: Bạch Đức Thế Tôn, đã đến giờ thọ trai, phẩm vật sắm sửa đầy đủ. Cúi xin Thế Tôn và đại chúng quang lâm.
Khi ấy mặt trời còn ở phương Đông, Đức Thế Tôn đắp y, mang bình bát, Ngài đi đầu với đại chúng Tỳ Kheo theo sau, đồng đến nội Cung Vua Thâu Đầu Đàn. Đến nơi, Thế Tôn ngồi vào tòa đã bày sẵn, còn các Tỳ Kheo đúng như pháp, thứ lớp mà an tọa.
Đại Vương Thâu Đầu Đàn thấy Đức Phật và đại chúng ngồi xong, Nhà Vua tự tay mang đủ thức ăn cao lương mỹ vị đến dâng cho Đức Phật và đại chúng, làm cho tất cả đều được no nê vừa ý.
Thấy Đức Phật và đại chúng ăn uống xong và đã rửa cất bình bát, Nhà Vua bắt một chiếc ghế nhỏ ngồi bên cạnh Phật, bạch: Cúi xin Thế Tôn chỉ dạy cho tôi. Nguyện Thế Tôn, bậc Thiện Thệ giáo hóa cho chúng tôi, để chúng tôi được nhiều lợi ích an lạc lâu dài.
Bấy giờ Đức Thế Tôn thưa với Đại Vương Thâu Đầu Đàn: Thưa Đại Vương, nếu ngày nay Ngài biết thời, không nên bỏ qua những việc nghe pháp, cũng nên thường hỏi thăm các vị Tỳ Kheo. Chẳng bao lâu Đại Vương sẽ chứng quả tối thắng.
Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng phương tiện giáo hóa thuyết giảng các pháp khiến Vua Thâu Đầu Đàn giải ngộ, tâm rất hoan hỷ, rồi đứng dậy từ giã trở về Hoàng Cung. Vào khi khác nhờ Xá Lợi Phất mà Đại Vương được pháp nhãn thanh tịnh và chứng quả Tu Đà Hoàn.
Khi Đại Vương Tịnh Phạn đã được các pháp, đã chứng các pháp, đã nhập các pháp, đã vượt các nghi, tâm không còn hoặc, không còn sợ sệt, không còn nghi vấn về các pháp hạnh khác, tất cả đều chứng biết, Vua liền đi đến chỗ Đức Phật và bạch: Lành thay! Bạch Thế Tôn, cúi xin Ngài độ cho tôi xả tục xuất gia, thọ giới cụ túc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn quán căn cơ Nhà Vua, ở trong giáo pháp của Ngài xả tục xuất gia có được thắng pháp tối thượng hay không?
Rồi Đức Thế Tôn tư duy tự biết: Đại Vương Thâu Đầu Đàn không thể xả tục xuất gia, cũng không thể chứng được thắng pháp tối thượng.
Đức Phật quán biết như vậy rồi, liền nói với Nhà Vua: Đại Vương, nếu ngày nay Đại Vương biết thời, chỉ nên ở tại gia làm người đàn việt bố thí, tạo các phước nghiệp mà thôi. Hôm sau, Đại Phu Nhân Ma Ha Ba Xà Ba Đề lại thỉnh Đức Phật và đại chúng cúng dường ngọ phạn, đều được đầy đủ.
Đến ngày thứ ba, các phi thuộc hàng quyến thuộc trong cung thứ nhất lại thỉnh Đức Phật và đại chúng cúng dường Sơn Hào hải vị, tất cả đều được đầy đủ.
Đến ngày thứ tư, quyến thuộc trong cung thứ hai thỉnh Đức Phật và đại chúng cúng dường trăm thứ thức ăn mỹ vị, đều được đầy đủ.
Nói về La Hầu La, sau khi Như Lai xuất gia được sáu năm, La Hầu La mới ra đời. Khi Như Lai trở về Hoàng Cung thì lúc ấy La Hầu La lên sáu tuổi.
Khi Như Lai về đến thành Ca Tỳ La Bà Tô Đô, mẹ của La Hầu La nghĩ thế này: Xưa vì La Hầu La mà ta bị hoàng tộc sỉ nhục, nay đến lúc ta phải làm sáng tỏ vấn đề để chứng tỏ bản thân ta trong sạch. Do vậy, ta phải quyết thỉnh Phật và đại chúng cúng dường ngọ phạn và cũng thỉnh hoàng tộc tham dự để việc này được sáng tỏ.
Da Du Đà La nghĩ như vậy rồi, sáng ngày hôm sau liền cho sứ giả đến thỉnh Đức Phật, bạch: Bạch Đức Thế Tôn, tất cả thực phẩm đều được sắm sửa đầy đủ. Xin Ngài biết cho. Và bà cũng sai sứ giả thỉnh tất cả quyến thuộc hoàng gia đến dự hội.
Sớm hôm ấy, khi mặt trời còn ở phương Đông, Đức Như Lai đắp y, mang bình bát cùng với chúng đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.
Ngài dẫn đầu, đại chúng đi theo hai bên, đồng đến Cung Vua. Đức Phật và đại chúng đúng như pháp theo thứ lớp ngồi vào những tòa đã trần thiết sẵn.
Bấy giờ nàng Da Du Đà La làm một viên tròn, đặt tên là viên đại hoan hỷ, rồi nàng gọi La Hầu La đến, đặt viên này trong tay La Hầu La và bảo: Này con La Hầu La, con hãy đến trong chúng Tỳ Kheo xem vị nào là cha của con, thì hãy cúng dường viên hoan hỷ này.
Nàng Da Du Đà La lại thưa với quyến thuộc: Hôm nay La Hầu La đi tìm cha nó.
Khi đó La Hầu La cầm viên hoan hỷ đi xem tất cả Tỳ Kheo rồi đi thẳng đến chỗ Đức Phật, bạch với Phật: Sung sướng thay dưới bóng mát của Sa Môn này! Sung sướng thay dưới bóng mát của Sa Môn này!
Bấy giờ Đại Vương Thâu Đầu Đàn bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, việc này như thế nào?
Đối với việc này Da Du Đà La có tội chăng?
Lúc ấy Thế Tôn thưa Đại Vương Thâu Đầu Đàn: Thưa Đại Vương, ngày nay Đại Vương chớ nghi như vậy. Đối với việc này, Da Du Đà La không có tội. La Hầu La thật là con Ta, chỉ vì do nghiệp duyên đời trước ngăn cản nên phải ở trong thai mẹ sáu năm.
Đại Vương Thâu Đầu Đàn và quyến thuộc nghe Đức Phật nói như vậy, tất cả đều vui mừng hớn hở khắp cả thân tâm. Mọi người tự tay bưng lấy thức ăn uống mỹ vị dâng cho Đức Phật và chúng Tỳ Kheo.
Khi Đức Phật và đại chúng ăn uống, rửa tay và bình bát xong, tất cả hoàng gia mỗi người trải một tòa nhỏ ngồi quanh, hướng về Đức Phật.
Bấy giờ Đại Vương Thâu Đầu Đàn do vì quá cung kính Đức Phật nên không thể thưa hỏi Phật về mọi việc, mà bạch chúng Tỳ Kheo.
Cúi xin quý thầy thưa hỏi Đức Phật về nhân duyên quá khứ của La Hầu La và Da Du Đà La đã tạo nghiệp nhân gì?
Các Tỳ Kheo bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, La Hầu La tạo nghiệp nhân gì?
Do nghiệp báo gì ở trong thai mẹ sáu năm?
Bạch Đức Thế Tôn, Da Du Đà La tạo nghiệp nhân gì mà mang thai đến sáu năm?
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ta nhớ về quá khứ cách đây vô lượng kiếp.
Thuở ấy có một Vua tên là Nhân Thiên, thuộc dòng Bà La Môn, sinh hạ hai Vương Tử: Người lớn tên là Nhật, người nhỏ tên là Nguyệt. Vương Tử lớn không thích việc thế gian, ý muốn xuất gia. Rồi trải qua thời gian chẳng bao lâu, Vua Nhân Thiên mãn tuổi thọ, qua đời.
Sau khi Nhà Vua băng hà rồi, hai Vương Tử Nhật, Nguyệt nhường ngôi cho nhau, người anh bảo người em: Em phải làm Vua, nắm lấy chính sự, cai trị quốc gia.
Người em lại nói với người anh: Anh phải làm Vua, nắm lấy chính trị, cai trị quốc gia.
Vương Tử Nhật nói với Vương Tử Nguyệt: Em nhất định phải làm Vua, còn anh sẽ xả tục xuất gia.
Vương Tử Nguyệt lại thưa với anh: Anh lớn hơn, ngôi Vua phải là của anh, còn em thì không phải đạo.
Vương Tử Nhật lại nói với Vương Tử Nguyệt: Phàm nhận lãnh ngôi Vua, trước phải làm pháp gì?
Vương Tử Nguyệt đáp: Trước phải ban hiệu lệnh.
Vương Tử Nhật lại hỏi: Nếu có người phạm hiệu lệnh sẽ thuộc tội gì?
Vương Tử Nguyệt lại đáp: Cần phải phạt trọng tội.
Vương Tử Nhật lại hỏi Vương Tử Nguyệt: Căn cứ vào đạo lý, ta phải làm Vua, nhưng nay ta đem ngôi Vua này trao cho em, em phải làm Vua, vì ta muốn xả tục xuất gia.
Khi ấy Vương Tử Nhật đem Vương vị trao cho Vương Tử Nguyệt, rồi xả tục xuất gia, tìm lối tu học. Bao nhiêu quyến thuộc của Vương Tử Nhật đều theo Vương Tử đi xuất gia.
Bấy giờ vị Tiên Nhân Nhật suy nghĩ: Ngày nay những người này đã theo ta xuất gia, ta làm thầy những người này nên ta phải siêng năng tu học, cầu đạo nghiệp hơn họ.
Nghĩ như vậy rồi, Tiên Nhân phát lời thệ nguyện: Ta nguyện thân này từ nay về sau nếu vật của người ta không cho thì không lấy, cho đến nước uống và cây chà răng. Vào hôm nọ, Tiên Nhân Nhật quên lời nguyện, tự lấy dùng rễ cây, dược thảo và các hoa quả mà người không cho.
Một hôm khác, vào ban đêm, Tiên Nhân khát nước, thấy bồn nước của người ta bên cạnh, tưởng là bồn nước của mình nên lấy uống.
Khi vị chủ thấy bồn mình khô nước mới hỏi: Ai đã lấy nước trong bồn của ta?
Đây là chỗ ở của kẻ cướp, không phải là chỗ ở của Tiên Nhân.
Bấy giờ Tiên Nhân Nhật đã uống nước thấy bồn của mình đầy nước ở bên cạnh, bồn kia liền thưa với người ấy: Tôi lầm nên đã uống nước của nhân giả, vì cho là bồn nước của tôi.
Tiên Nhân kia nói với Tiên Nhân Nhật: Nếu Tiên Nhân uống, điều đó thật tốt, tôi rất vui mừng.
Khi ấy Tiên Nhân Nhật chánh tâm tư duy: Ta đã trái lời thề thuở trước, là điều bất thiện. Hành động như vậy không phải là pháp của Tiên Nhân.
Tại sao ngày nay đối với những hoa quả, thảo dược, rễ cây, người ta không cho mà lại lấy dùng?
Tại sao lại lấy nước của người khác mà uống?
Vì những sự việc này nên Tiên Nhân buồn bã chẳng vui, ưu sầu khổ não, ngồi xổm trên đất chánh tâm suy nghĩ, âu sầu về việc này. Lúc ấy các Đồng Tử đệ tử của Tiên Nhân Nhật đi đến đảnh lễ dưới chân Tiên Nhân, phụng thờ đúng như pháp.
Tiên Nhân bảo các Đồng Tử đệ tử: Này các Đồng Tử, ngày nay trở đi không nên đảnh lễ ta.
Tại sao như vậy?
Vì ngày nay ta đã trở thành kẻ trộm.
Các Đồng Tử hỏi Tiên Nhân: Thưa Hòa Thượng, việc đó như thế nào?
Tiên Nhân Nhật lại bảo các Đồng Tử: Này các Đồng Tử, các người phải biết, ta đã lấy dùng hoa quả, dược thảo, rễ cây không cho của người khác, lại lấy nước của người ta mà uống.
Tiên Nhân nói lời như vậy rồi, các Đồng Tử vội bạch: Thầy không nên nói như vậy. Tất cả những thức ăn uống đó đều là của Hòa Thượng.
Tiên Nhân Nhật lại bảo các Đồng Tử: Các người phải biết, vật chẳng được người ta cho mà tự lấy dùng, việc ấy chẳng nên. Đối với dược thảo, hoa quả, rễ cây và nước trong bồn của người, không được cho mà ta tự lấy dùng, như vậy ta đã thành kẻ giặc. Do vậy, các ông phải phạt tội ta như trị giặc cướp.
Các Đồng Tử đều thưa Tiên Nhân: Chúng con không dám trị tội Hòa Thượng. Hiện giờ em Hòa Thượng làm Vua thống lãnh quốc gia này, như pháp trị hóa dân chúng, cho đến tận biên cương này, nhất định em Hòa Thượng có thể trị tội Hòa Thượng được.
Lúc ấy Tiên Nhân đi đến Cung Điện Nguyệt Vương. Lúc ấy Nguyệt Vương đã nghe việc này rồi, biết Tiên Nhân Nhật sắp đến nên cho bốn đạo binh ra ngoài thành sẵn sàng nghinh tiếp. Khi Tiên Nhân Nhật đến nơi, Nguyệt Vương đảnh lễ dưới chân.
Khi ấy Tiên Nhân Nhật nói với Nguyệt Vương: Thôi đi, đừng đảnh lễ dưới chân tôi.
Vì sao vậy?
Vì tôi nay là tên giặc. Xin Đại Vương trị phạt tội tôi như trị tội giặc.
Bấy giờ Nhà Vua hỏi Vương huynh Tiên Nhân Nhật: Ngày nay Thánh giả làm giặc gì vậy?
Tiên Nhân đáp: Đại Vương phải biết, khi ta tu hành nơi rừng cây yên tĩnh thanh vắng, đối với hoa quả, rễ cây, dược thảo và nước uống, không phải người khác cho mà tự lấy dùng.
Đại Vương Nguyệt nghe như vậy, buồn phiền áo não, khóc than ấm ức, nước mắt ràn rụa, suy nghĩ thế này: Công đức bổn hạnh của Tiên Nhân từ xưa đến nay thanh tịnh không có tội lỗi, tại sao ngày hôm nay lại có tội đáng trị phạt.
Suy nghĩ như vậy rồi, Vua bảo Tiên Nhân: Ta cho các Tiên Nhân được phép lấy hoa quả, rễ cây, dược thảo, kể cả nước uống tự do lấy dùng. Do vậy, những vật mà Tiên Nhân đã lấy dùng đều là vật của ta, nên Đại Tiên không phải giặc, nên không trị phạt.
Bấy giờ Vua tiên Nhật lại bảo Nguyệt Vương: Lệnh này mới ban hành ngày nay, không phải có từ trước.
Nhà Vua liền nói:
Khi em mới lên ngôi liền ban lệnh này: Ta bố thí cho Sa Môn, Bà La Môn cây cỏ và nước uống, tùy ý sử dụng. Do vậy, Đại Tiên không phải giặc, làm sao ngày nay em trị phạt được.
Vua tiên lại nói: Hay thay! Này Đại Vương, ngày nay ta đã tạo tội bất thiện, tự nghĩ tội này không thể tiêu được, ta đã uống nước của người khác. Như vậy Đại Vương phải trị tội ta như trị giặc không khác. Khi ấy Nguyệt Vương có một người cháu ngoại đang ở trong đại chúng.
Vị ấy thưa với Nguyệt Vương: Thưa Đại Vương, Tiên Nhân đã quyết định có tội, chớ để Tiên Nhân buồn phiền áo não.
Nguyệt Vương thưa với Tiên Nhân: Sự việc nếu như vậy, Tiên Nhân sẽ vào ở trong vườn của ta lo tu tập. Khi đã ra lệnh cho Tiên Nhân vào ở trong vườn rồi, Nhà Vua liền quên mất không nhớ.
Cho đến sáu ngày sau mới sực nhớ lại, Nguyệt Vương vội gọi các Quần Thần: Này các khanh, Tiên Nhân ở trong vườn đã ra chưa?
Quần Thần tâu: Thưa Đại Vương, vị Tiên Nhân ấy vẫn còn ở trong vườn. Khi ấy Nguyệt Vương ra lệnh phóng thích tất cả tù nhân trong nước, kể cả các loài chim bay thú chạy, nhưng đặc biệt Tiên Nhân được mời ở lại cúng dường các thức ăn cao lương mỹ vị.
Vua nói: Cúi xin Đại Tiên, Ngài tùy ý đi.
Sau khi thả Tiên Nhân rồi, Nhà Vua chẳng an tâm, nói: Ta có tội đối với Tiên Nhân này. Do Tiên Nhân này ta có tội.
Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Nếu ai phân vân Vua tiên Nhật thuở ấy nay là người nào, chớ nên nghĩ gì khác, là thân ta ngày nay vậy.
Này các Tỳ Kheo, nếu ai phân vân Nguyệt Vương thuở ấy nay là người nào, chớ nên nghĩ gì khác, tức là La Hầu La này vậy. Vì do nhân duyên nhốt Tiên Nhân trong vườn sáu ngày nên chịu nghiệp báo ở trong sinh tử phiền não chịu vô lượng khổ. Do dư báo ấy, lại phải ở trong thai mẹ sáu năm.
Này các Tỳ Kheo, ta nhớ thuở xưa trải qua vô lượng kiếp, chủ nông trại có một đàn bò. Vợ của người chủ đàn bò đem theo một người con gái đi đến chỗ đàn bò vắt sữa đựng vào hai chiếc bình. Người mẹ sai con gái mang bình lớn, còn bình nhỏ thì mình mang lấy.
Khi đi được nửa đường, người mẹ nói với con gái: Con đi mau lên, đoạn đường này đầy nguy hiểm, đáng sợ hãi.
Người con gái thưa với mẹ: Cái bình này quá nặng, làm sao con có thể đi nhanh được?!
Người mẹ cứ nói như vậy đến hai ba lần: Con đi mau lên, đoạn đường này có nhiều sự khủng bố!
Người con gái lúc ấy suy nghĩ: Tại sao bảo ta đội lấy bình quá nặng, lại thúc dục đi nhanh?
Do vậy, người con gái tức giận nên thưa với mẹ: Mẹ có thể mang hộ luôn bình sữa này, con đi đại tiểu tiện trong chốc lát. Người mẹ nhận cả bình sữa lớn mà vác đi, người con gái từ từ đi theo sau. Lúc đó người mẹ mang cả hai bình sữa nặng đi đến sáu Câu Lô Xá.
Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Nếu các thầy phân vân người con gái tức giận, sai mẹ mang bình sữa nặng đi trong sáu Câu Lô Xá, nay là người nào thì chớ nghĩ ai khác, chính là nàng họ Thích Da Du Đà La này vậy.
Thuở ấy nàng đã sai mẹ mình mang bình sữa nặng đi trên đoạn đường sáu Câu Lô Xá. Do nghiệp báo ấy, ở trong sinh tử phiền não chịu vô lượng khổ. Do dư nghiệp ấy, ngày nay mang thai sáu năm.
Này các Tỳ Kheo, tất cả nghiệp báo chẳng phải do tự nhiên nhận lấy, mà tùy theo tác nghiệp thiện ác, rồi trở lại thọ lấy. Do vậy, này các thầy Tỳ Kheo, phải từ bỏ các nghiệp ác bằng thân khẩu ý.
Vì sao?
Vì nhân duyên thiện ác nơi thân khẩu ý. Các thầy hiện đã thấy quả báo thiện ác như vậy, nên các thầy cần phải tu các thiện nghiệp.
Bấy giờ Đức Thế Tôn vì Vua Tịnh Phạn và hoàng gia, mà tuyên dương diệu pháp, khai thị giáo hóa khiến Nhà Vua được hoan hỷ. Rồi Thế Tôn rời khỏi tòa, trở về chỗ ở của mình. Lúc ấy Da Du Đà La bảo La Hầu La đi đến bên Thế Tôn, xin Thế Tôn phong tặng.
Lúc bấy giờ La Hầu La đi theo Phật, vừa đi vừa nói: Xin Sa Môn phong tặng cho con! Xin Sa Môn phong tặng cho con.
Khi ấy Đức Thế Tôn đưa ngón tay cho La Hầu La nắm, La Hầu La nắm ngón tay Phật đi theo một bên.
Khi Đức Thế Tôn đem La Hầu La về đến khu rừng yên tĩnh, vọng gọi Xá Lợi Phất: Này Xá Lợi Phất, thầy đem La Hầu La cho nó xuất gia.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Xin theo lời Phật dạy. Xá Lợi Phất vâng lời Đức Phật, độ cho La Hầu La xuất gia. Lúc Đức Thế Tôn vì các Tỳ Kheo chế cấm giới. La Hầu La rất vui mừng được thọ cấm giới, y theo pháp mà vâng giữ.
Lý do tại sao?
Vì giáo pháp Thích ứng với vị này. Xá Lợi Phất theo sự chỉ dạy của Đức Phật, vâng lệnh chỉ dạy La Hầu La. Đương thời, bao nhiêu thiện nam tử đều được chánh tín, chánh kiến.
Vì sao?
Vì họ muốn xuất gia tu phạm hạnh, cầu đạo vô thượng. Họ được lợi ích, được chứng biết các pháp.
Tự chứng biết rồi, họ tự xướng lên: Các lậu đã dứt, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, không còn thọ thân đời sau. La Hầu La cũng như vậy, chứng lấy tự tâm, được chánh giải thoát.
Thế Tôn liền ấn chứng: Này các Tỳ Kheo phải biết, trong hàng đệ tử Thanh Văn trì giới của ta, La Hầu La là hơn hết. Trên đây là thuyết của các sư thuộc bộ phái Ma Ha Tăng Kỳ.
Bộ phái Ca Diếp duy thì nói: Khi Vua Thâu Đầu Đàn sắm sửa thức ăn xong, liền gọi các quyến thuộc trong nội cung và ra lệnh cho họ: Này các khanh, nay không được một ai nói với La Hầu La biết Thế Tôn là cha của nó.
Vì sao?
Vì Vua sợ La Hầu La biết được sẽ theo cha xuất gia. Trong đêm ấy Vua Tịnh Phạn cho sắm sửa hoàn tất các món ăn uống cao lương mỹ vị.
Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa mới mọc, cho trần thiết các tòa ngồi, sai người đưa La Hầu La cùng các Đồng Tử nam nữ ra chơi ở rừng A Thâu Ca và đồng thời cho sứ giả đến bạch Phật: Giờ ngọ trai đã đến, thức ăn uống đã bày biện xong, xin Thế Tôn biết cho. Lúc mặt trời còn ở phương Đông, Thế Tôn đắp y, mang bình bát đi trước, cùng các Tỳ Kheo tùy tùng theo sau, cùng đi đến Cung Vua Thâu Đầu Đàn.
Đến nơi, ngồi theo thứ lớp đã bày sẵn. La Hầu La thấy các đồng nam, đồng nữ đi nói giỡn cười mất trật tự mà các nhũ mẫu cũng không ngăn cản được. Chúng cùng nhau cười giỡn, đi từ rừng A Thâu Ca dần dần vào Cung Vua.
Chúng thấy Thế Tôn và đại chúng Tỳ Kheo liền đảnh lễ. Đảnh lễ xong, chúng vội lên lầu thượng. Mẹ La Hầu La đã đứng sẵn nơi đây. Nàng thấy Thế Tôn cạo bỏ râu tóc, thân đắp Ca Sa, thì buồn bã, rơi lệ.
Có kệ:
Vợ mới Đại Vương dòng họ Thích
Tên nàng được gọi Du Đà La
Thấy chồng dưới tướng kẻ xuất gia
Buồn rầu khóc lóc tâm áo não.
Khi ấy La Hầu La hỏi mẹ: Thưa Thánh mẫu, vì sao mẹ buồn khóc như vậy?
Da Du Đà La nói với La Hầu La: Người có thân vàng ròng trong chúng Sa Môn là cha của con.
La Hầu La lại hỏi mẹ: Thánh giả ấy từ khi con sinh ra cho đến ngày nay, con chưa từng nghĩ đến, sao nay bỗng thấy an lạc. La Hầu La nói lời này rồi, từ trên lầu vội vã chạy xuống hướng đến Đức Phật, rồi chui trốn trong vạt y của Ngài. Khi ấy các Tỳ Kheo muốn ngăn cản lại.
Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Này các thầy, chớ nên ngăn cản, để nó đứng vào trong y của ta. Thấy Đức Phật và chúng Tăng theo thứ lớp ngồi xong, Vua Thâu Đầu Đàn tự tay mình bưng các thức ăn Sơn Hào hải vị, đến dâng cho Đức Phật và Chư Tăng.
Tất cả đều được thọ trai đầy đủ. Khi Đức Thế Tôn ăn rồi, rửa bát rửa tay xong. Nhà Vua đem một chiếc ghế nhỏ ngồi một bên Thế Tôn.
Thế Tôn vì Đại Vương liền nói lời chúc phúc:
Cúng tế, lửa hơn hết
Các kệ, tán hơn hết
Loài người, Vua hơn hết
Các sông, biển hơn hết
Các sao, trăng hơn hết
Sáng, mặt trời hơn hết.
Trên dưới và bốn phương
Chúng sinh bao nhiêu loại
Loài Trời hay nhân loại
Chư Phật là hơn hết.
Bấy giờ Đức Thế Tôn vì Vua Tịnh Phạn nói kệ xong, liền rời chỗ ngồi tự tại ra về. Sau đó, Vua Thâu Đầu Đàn đi khắp đó đây kiểm tra mọi việc.
Lúc ấy La Hầu La đã đi theo Thế Tốn, khi ra khỏi cung ý muốn trở vào. Thế Tôn đưa ngón tay cho La Hầu La nắm, khi ấy trên nửa thân La Hầu La cảm thấy an lạc, dễ chịu, giống như sợi dây buộc chân con chim, không thể rời được.
La Hầu La nương vào mình Thế Tôn như vậy, cùng nhau đi đến rừng Ni Câu Đà.
Bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi La Hầu La: Này La Hầu La, con có thể theo Thế Tôn xuất gia được không?
La Hầu La đáp: Bạch Đức Thế Tôn, con thật có thể xuất gia được.
Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ta nay muốn cho La Hầu La xả tục xuất gia, mời Xá Lợi Phất làm Hòa Thượng.
Bấy giờ các Tỳ Kheo suy nghĩ: Xưa Đức Thế Tôn thường dạy chúng ta, nếu ai tuổi chưa đủ hai mươi không được thọ giới cụ túc, mà nay La Hầu La tuổi mới mười lăm, chúng ta nên căn cứ lời Phật dạy thuở trước mà làm, hay sẽ làm khác đi. Vì có ý nghĩ như vậy, họ đem việc này bạch lên Phật.
Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Này các thầy, phải biết mười lăm tuổi mà được xuất gia, chỉ có thể làm Sa Di. Các Tỳ Kheo được Phật chỉ dạy rồi, liền cho La Hầu La xuất gia, cầu Xá Lợi Phất làm Hòa Thượng. Khi Đại Vương Thâu Đầu Đàn đưa Thế Tôn và các Tỳ Kheo cùng quyến thuộc ra về, rồi sau đó ngồi vào bàn ăn.
Nhà Vua lại bảo cận vệ: Các khanh hãy bảo La Hầu La đến cùng ăn với ta.
Khi ấy quan cận vệ tìm kiếm khắp nơi mà không thấy La hầu la, liền trở lại tâu đầy đủ với Vua: Thưa Đại Vương, hạ thần tìm La Hầu La, nay không biết Đồng Tử ở đâu?
Đại Vương Thâu Đầu Đàn lại bảo: Các khanh nên đến vườn A Thâu Ca và trong các cung. Nên tìm ở các nơi ấy.
Các quan cận vệ lập tức đi đến vườn A Thâu Ca và trong các cung, nhưng cũng không tìm thấy La Hầu La đâu cả nên về tâu Vua: Thưa Đại Vương, hạ thần đã tìm các nơi ấy mà không thấy.
Đại Vương Thâu Đầu Đàn liền bảo: Các khanh mau đến rừng Ni Câu Đà, có lẽ Thế Tôn đem theo, cho nó xuất gia nên nó đi như vậy chăng?
Khi các quan cận vệ nghe sắc lệnh của Vua như vậy, vội vã đi đến rừng Ni Câu Đà, tìm kiếm khắp nơi mới thấy La Hầu La được Thế Tôn cho xuất gia.
Thấy vậy, họ vội chạy về cung tâu lên Vua Thâu Đầu Đàn: Đại Vương phải biết, nay La Hầu La được Đức Thế Tôn cho xuất gia rồi. Đại Vương Tịnh Phạn nghe vậy, liền té nhào xuống đất chết giấc, giây lâu mới tỉnh, vội ra khỏi thành, đi đến rừng Ni Câu Đà.
Đến nơi, Nhà Vua đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi về một bên, bạch Phật: Thưa Thế Tôn, khi xưa Thế Tôn còn tại gia, các thầy toán số Bà La Môn đã từng dự đoán. Nếu Thế Tôn ở tại gia sẽ thành Chuyển luân Thánh Vương.
Ngày nay Thế Tôn đã xả tục xuất gia, sau khi Thế Tốn xuất gia rồi, tôi suy nghĩ: Sắp truyền ngôi cho Nan Đà. Sau đó Thế Tôn lại dạy Nan Đà xuất gia.
Sau khi Nan Đà xuất gia rồi, tôi lại suy tính: Sẽ ra lệnh A Nan Đà kế nghiệp Vương vị. Sau lại bị Thế Tôn dẫn đi xuất gia.
Sau khi A Nan Đà xuất gia rồi, tôi lại suy tính: Cần phải ra lệnh A Na Luật kế nghiệp ngôi Vua. Sau lại bị Thế Tôn dẫn đi xuất gia.
Sau khi A Na Luật xuất gia rồi, tôi lại suy tính: Ba đề lợi ca sẽ nối ngôi Vua. Sau lại bị Thế Tôn đem đi xuất gia. Đến nay, chỉ còn kỳ vọng nơi La Hầu La, sẽ trao ngôi Vua cho nó, lại bị Thế Tôn dẫn đi xuất gia.
Thế Tôn dẫn La Hầu La đi xuất gia như vậy, há chẳng phải là đoạn chủng tộc làm Vua của tôi hay sao?
Lại nữa, thưa Thế Tôn, chẳng những như vậy, mà còn quan hệ đến tình luyến ái con cái, thấu đến da thịt, gân cốt tủy xương.
Vì vậy, xin Thế Tôn từ nay về sau phải chế điều kiện thế này: Có ai muốn xuất gia làm Tỳ Kheo, phải dạy họ xin phép cha mẹ. Nếu cha mẹ đồng ý rồi sau mới cho phép xuất gia. Bấy giờ Đức Thế Tôn thưa Đại Vương Thâu Đầu Đàn. Ta không trái việc như vậy. Ta nhất định dạy họ làm việc này.
Nói lời như vậy rồi, Thế Tôn vì Vua Tịnh Phạn giảng giải nghĩa các pháp để cho Nhà Vua được hoan hỷ, tăng thêm oai lực, khiến Nhà Vua lại càng hoan hỷ.
Khi Vua Thâu Đầu Đàn hoan hỷ rồi, rời khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi từ tạ Thế Tôn trở về Hoàng Cung.
Bấy giờ Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp chúng Tỳ Kheo và nói: Này các Tỳ Kheo, các thầy phải biết, làm con báo ân cha mẹ rất khó.
Tại sao?
Cha mẹ làm những điều khó làm, giới thiệu cho cuộc đời, nuôi dưỡng các ấm để con ra đời, rồi cho bú mớm, dưỡng dục thành người. Vì vậy các thầy từ nay trở đi, nếu có thiện nam tín nữ nào cầu xin xuất gia, trước phải dạy họ xin phép cha mẹ, rồi sau đó mới cho xuất gia. Nếu cha mẹ họ không đồng ý, thầy nào độ họ xuất gia, thì đúng như pháp mà xử trị.
Từ nay về sau ta lập quy chế như thế này:
Hễ người đến cầu xin xuất gia, trước phải hỏi họ: Cha mẹ người còn hay mất?
Người ấy nếu đáp: Cha mẹ tôi nay còn sống.
Lại hỏi: Cha mẹ ông đã cho ông xuất gia hay chưa?
Về việc La Hầu La, có các thuyết khác nhau:
Hoặc có thuyết nói như thế này: La Hầu La sau khi sinh được hai tuổi, Bồ Tát mới xuất gia, tu khổ hạnh sáu năm, sau mới thành đạo.
Hoặc có thuyết nói: Bồ Tát sau khi thành đạo bảy năm rồi mới trở về thành Ca Tỳ La, tuần tự như trên. Thông thường các thuyết nói La Hầu La xuất gia năm mười lăm tuổi.
Hoặc có thuyết nói: Di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề thấy Bồ Tát xuất gia, nên ưu sầu khổ não, kêu khóc buồn rầu, mù hai con mắt. Nhưng khi Bồ Tát thành Phật Thế Tôn Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, sau đó mười hai năm, vì Phật muốn thể hiện lòng thương xót quyến thuộc nên mới trở về thành Ca Tỳ La.
Lúc bấy giờ Đại Vương Thâu Đầu Đàn đi đầu, với tất cả quyến thuộc trong các cung hộ vệ chung quanh. Như vậy, tất cả chủng tộc họ Thích gồm chín vạn chín ngàn người đồng đến yết kiến Phật.
Bấy giờ Ma Ha Ba Xà Ba Đề Kiều Đàm Di đồng ở trong hội này, đi đến chỗ Phật vì muốn gặp được La Hầu La. Lúc ấy Đức Như Lai cùng lúc hiện hai phép thần thông.
Bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề Kiều Đàm Di được nghe người khác nói lại:
Nay con bà thể hiện thần thông, những thần thông đó là: Nửa phần thân phía trên phóng ánh lửa, nửa phần thân phía dưới phun nước lạnh. Bà nghe như vậy, hết sức vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân không thể tự chế, nên đi đến chỗ Phật. Đến nơi, cung kính lễ Phật, lấy nước từ thân Phật phun ra, rưới trên mình và rửa mặt.
Bấy giờ Đức Thế Tôn vì thương mến Ma Ha Ba Xà Ba Đề, khiến toàn thân bà cảm giác khoái lạc, đôi mắt mù của bà lập tức sáng tỏ hơn lúc trước, nên đối với Phật càng thêm cung kính.
Khi ấy các Tỳ Kheo lại bạch Phật: Hy hữu thay! Bạch Thế Tôn, tại sao ngày nay Ma Ha Ba Xà Ba Đề Kiều Đàm Di, trước vì Thế Tôn ưu sầu khổ não, buồn khóc mù hai con mắt.
Nay cũng lại nhân Thế Tôn, cặp mắt bà được sáng tỏ?
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, Ma Ha Ba Xà Ba Đề Kiều Đàm Di chẳng phải chỉ một đời này vì ta buồn khóc mù hai con mắt. Lại cũng vì ta mà con mắt được sáng tỏ. Ở trong đời quá khứ cũng vì ta mà buồn khóc mù hai con mắt. Sau cũng nhân Ta, mắt được sáng lại.
Bấy giờ các Tỳ Kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn, việc này như thế nào?
Xin Thế Tôn thuật lại!
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Này các thầy, ta nhớ thuở xưa, cách đây rất lâu, gần làng nọ trong nước Ca Thi, có một đồi núi tên là uất trưng già. Phía Nam núi này có một khu rừng nhiều cây, số đến mười vạn loại, hoa quả sum suê, cành lá rậm rạp, từ xa trông thấy như đám mây xanh, ở trong rừng có rất nhiều hồ sen rải rác đó đây tô điểm khu rừng. Rừng này rộng lớn, hết sức yên tĩnh.
Có thuyết nói rừng uất trưng già ở thành Ba La Nại. Thuở ấy, khu rừng này có bầy voi, một con voi cái sinh chú voi con, hình dáng rất đẹp, nhìn không chán.
Chú voi con này làn da trắng nõn, đầy đủ sáu ngà, đầu thuần sắc đen, giống như chim Nhân Đà La Cù Ba, bảy chi sát đất. Voi con được nuôi dưỡng chẳng bao lâu trở thành một con voi to lớn.
Con voi lớn này sống đúng như pháp, hiếu thuận cha mẹ. Mỗi khi voi lớn có được những thức ăn như hoa quả, rễ lá thì trước hết cung kính cúng dường cho cha mẹ, cha mẹ ăn uống no nê rồi sau đó nó mới ăn. Một hôm, voi lớn dạo khắp nơi, kiếm thức ăn uống hoa quả.
Tình cờ đám thợ săn thấy được, họ suy nghĩ: Con voi lớn này không phải người thường có thể cỡi được. Chỉ có Đại Vương Phạm Đức mới có thể cỡi được mà thôi.
Toán thợ săn liền đi đến Hoàng Cung, nơi bệ rồng, tâu lên Vua Phạm Đức: Tâu Đại Vương, xin Ngài biết cho, tại một khu rừng ở xứ nọ có một con voi chúa hình dung đẹp đẽ, dễ thương, làn da trắng nõn, đầy đủ sáu ngà, đầu đen như đầu chim Nhân Đà La Cù Ba, bảy chi sát đất. Theo chỗ nhận thấy của hạ thần, con voi này chỉ có Đại Vương cỡi được mà thôi.
Nếu như ý của Đại Vương muốn thì nên cho người bắt voi đến đó, bắt con voi này dẫn về cho Đại Vương xem.
Khi ấy Vua Phạm Đức liền đòi người bắt voi đến, bảo: Trẫm nghe người ta mách bảo: Có một con voi chúa đầy đủ sáu ngà, thân hình đẹp đẽ dễ thương, người xem không biết chán bảy chi đều sát đất. Các khanh phải mau đến đó bắt con voi chúa này đem về cho ta, chớ nên chậm trễ khiến nó đi mất.
Những người bắt voi nghe sắc lệnh của Vua Phạm Đức như vậy, liền tâu: Y như lời Đại Vương dạy, hạ thần không dám trái lệnh. Họ liền sắm đủ các dây thừng bằng da rồi đi đến chỗ ở của voi chúa, dừng chú thuật khiến voi chúa đến bên họ.
Họ dùng dây da cột lấy voi chúa rồi dẫn về cho Vua Phạm Đức. Đức Vua Phạm Đức từ xa thấy các người bắt voi dẫn voi chúa sắp đến nơi, vì lòng vui mừng nên đứng dậy ra tiếp nhận.
Nhà Vua nói: Sung sướng thay được thớt voi to lớn tuyệt đẹp như vậy!
Sung sướng thay được thớt voi to lớn tuyệt đẹp như vậy!
Bấy giờ Nhà Vua đích thân nuôi voi. Tất cả những thức ăn gì voi có thể ăn được, Nhà Vua đều chăm sóc cho ăn. Tuy vậy mà voi chúa lại gầy ốm, thường gầm thét và rên rỉ, buồn khóc rơi lệ mãi.
Đại Vương Phạm Đức thấy voi gầy ốm tiều tụy, buồn khóc lệ trào như vậy, nên đi đến trước mặt voi, chắp tay nói: Ta đem tất cả món ăn ngon cung phụng cho ngươi, không bổ dưỡng da thịt thân thể, ngược lại ốm gầy, sắc lực giảm sút, thân bệnh gầy gò. Ta thấy ngươi như vậy, rất lo lắng chẳng vui.
Ta đã đem tâm thương ngươi, cung cấp thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng không chút nào rời, vì lý do gì ngươi không vui vẻ?
Nay ngươi muốn những gì, ta đều cho để ngươi được hoan hỷ.
Voi chúa thưa Vua Phạm Đức: Tôi xin trình bày một điều, để Đại Vương hoan hỷ.
Khi Nhà Vua nghe voi chúa nói như vậy, rất hoan hỷ, cho là việc ít có, nghĩ thế này: Việc này thật hy hữu.
Voi chúa này biết nói tiếng người!
Nghĩ vậy rồi, Nhà Vua bảo: Này voi chúa, điều mà ngươi cho là ta hoan hỷ, thì ngươi cứ nói ra.
Bấy giờ voi chúa tâu Vua Phạm Đức: Đại Vương phải biết, nơi rừng kia tôi còn có cha mẹ già sức yếu ở trong đó.
Tôi nghĩ: Trước khi chưa bị Đại Vương bắt về, tôi nhớ chưa từng có khi nào tôi ăn trước rồi cha mẹ ăn sau, nước uống cũng vậy. Tôi dâng cho cha mẹ tôi ăn trước, rồi sau đó tôi mới ăn.
Ngày nay tôi suy nghĩ: Tôi đang nhận sự nuôi dưỡng, cung cấp tất cả thức ăn không thiếu hụt, nhưng cha mẹ tôi ở trong rừng trở nên cô độc, chịu nhiều sự đau khổ. Vì không được ở gần cha mẹ nên tôi ưu sầu, khổ não chẳng vui.
Vua Phạm Đức nghe nói như vậy, cho là việc quá đặc biệt, chưa từng có Vua lại suy nghĩ: Việc này thật hy hữu, không thể nghĩ bàn!
Trong loài người còn khó có việc như vậy, tại sao voi chúa này lại được như vậy?
Suy nghĩ rồi, Nhà Vua bảo Tượng Vương: Này voi chúa, ta thà tự giam hãm trong lao ngục, chứ chẳng dám gây nhiễu loạn cho kẻ giữ gìn giới luật diệu hạnh, hiếu dưỡng phụ mẫu đúng theo pháp như vậy.
Vua nói với voi chúa: Này voi chúa, ta thả ngươi về với cha mẹ, tự đem đồ ăn nuôi dưỡng cha mẹ, tùy ý hưởng lạc.
Khi thả voi, Vua có nói kệ:
Voi chúa tự do nay trở về
Đem lòng hiếu thuận nuôi cha mẹ
Ta thà xả bỏ thân mạng này
Với ngươi, ta không gây nhiễu loạn.
Sau khi voi chúa được Vua Phạm Đức thả ra, lần lần về đến khu rừng cũ. Thuở ấy voi mẹ vì mất con, ưu sầu khổ não, buồn khóc kêu la thảm thiết, do vậy mù cả đôi mắt.
Vì mù đôi mắt, nên voi mẹ từ chỗ ỏ của mình lần hồi đi khắp đó đây, lạc đến phương khác. Đến khi voi chúa khi trở lại quê nhà, tìm kiếm mẹ mình nhưng không biết ở đâu. Do không thấy mẹ nên voi chúa rống tiếng kêu la. Voi mẹ nghe tiếng kêu như vậy liền biết đó là tiếng của con mình nên rống tiếng khóc buồn thảm.
Voi chúa nghe tiếng mẹ kêu, vội vã theo hướng tiếng kêu đi đến. Voi chúa thấy mẹ mình đang đứng nghỉ bên bờ ao. Để mẹ đứng yên trên bờ, voi chúa vào trong ao nước, dùng vòi hút đầy nước rồi lên khỏi ao thân tâm khoan khoái, vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân, không thể tự chế. Voi chúa đem nước đến, phun nước tắm rửa cho mẹ mình.
Khi voi mẹ được voi con đem nước tắm rửa thân thể, đôi mắt bỗng nhiên bừng sáng hơn xưa, voi mẹ trông thấy được con mình mới hỏi: Con đi đâu ngày nay mới trở về, để suốt thời gian đằng đẳng vừa qua mẹ không thấy con?
Bấy giờ voi chúa đem đủ mọi việc từ khi Vua Phạm Đức cho người bắt đem về Hoàng Cung, nhân duyên Nhà Vua chăm sóc, nuôi dưỡng, thả ra, trở về đây trình bày cho voi mẹ biết.
Khi voi mẹ nghe con trình bày như vậy, vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân không thể tự chế, nên nói lớn: Con ơi! Con ơi, mẹ con chúng ta ngày nay chung sống sung sướng thế này, ta nguyện rằng Đại Vương Phạm Đức cùng cha mẹ, vợ con, nam nữ quyến thuộc, cho đến tất cả thân bằng thiện hữu tri thức, trăm quan đại thần, phụ tá cùng sống hạnh phúc khoái lạc như chúng ta ngày nay.
Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Này các thầy, nếu các thầy có phân vân voi chúa thuở ấy nay là ai, thì chính là thân ta vậy. Nếu các thầy có phân vân voi mẹ thuở ấy nay là người nào, các thầy chớ nghĩ gì khác, tức là Ma Ha Ba Xà Ba Đề Kiều Đàm Di này vậy.
Các thầy cần phải biết, thuở ấy Ma Ha Ba Xà Ba Đề Kiều Đàm Di cũng vì ta ưu sầu khổ não, kêu khóc thảm thiết, nước mắt tuôn trào, mù đôi mắt. Lại cũng do ta mà đôi mắt bà sáng lại.
Ngày nay cũng vậy, Ma Ha Ba Xà Ba Đề cũng vì không thấy ta nên ưu sầu khổ não kêu khóc, hai mắt bị mù. Lại cũng do Ta, đôi mắt bà sáng lại.
Này các Tỳ Kheo, thuở xưa còn ở địa vị tu nhân, chưa thành Phật, mà Như Lai còn làm lợi ích cho chúng sinh như vậy, huống nữa là ngày hôm nay thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Do vậy, các thầy nếu là người có trí, đối với Phật phải luôn luôn có tâm hy hữu và kính trọng. Đối với pháp Bảo và Tăng Bảo cũng phải sinh tâm kính trọng. Các thầy phải nương tựa theo đây mà tu học.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Hai - Pháp Hội Vô úy đức Bồ Tát - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Chín - Phẩm Sa Môn - Phần Mười - Pankadhà
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Nhãn Sanh - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Vợ Trưởng Giả Pháp Chí
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Chín - Phẩm Sa Môn - Phần Một - Sa Môn