Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Mười Tám - Phẩm Thuật Thiên - Thí Dụ Ba Mươi Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Cự, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH PHÁP CÚ THÍ DỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Cự, Đời Tây Tấn  

PHẨM MƯỜI TÁM

PHẨM THUẬT THIÊN  

THÍ DỤ BA MƯƠI SÁU  

Thuở xưa, Đức Phật trú tại Tinh Xá nước Xá Vệ, vì hàng Trời người thuyết pháp. Lúc ấy, trong nước có một vị trưởng giả Bà La Môn tên là Lam Đạt, giàu sang tột đỉnh, của cải trong nhà không biết bao nhiêu mà tính.

Ông thường theo pháp Bà La Môn làm một cái đàn cao cúng tế, để tỏ rõ danh tiếng của mình. Trút sạch gia tài mở hội đại bố thí, cúng dường cho hơn năm trăm ngàn vị Bà La Môn.

Trong vòng năm năm ông cung cấp các thứ y phục, giường chõng, thuốc men, cơm nước, của cải, báu vật và đồ đạt dành riêng cho miếu thờ theo ý thích đòi hỏi của các Bà La Môn.

Các vị ấy cũng vì trưởng giả mà tế tự Chư Thiên, các vị Thần núi, Thần sông, tinh tú, nước lửa không thiếu nơi nào trong vòng năm năm. Kỳ hạn năm năm cho trưởng giả mãi mãi hưởng phước sắp xong. Đến ngày cuối cùng có một cuộc bố thí lớn nhất đúng như pháp tắc của trưởng giả.

Bát vàng đựng thóc bạc, bát bạc đựng thóc vàng, voi ngựa xe cộ, nô tỳ, của cải, đồ phục sức bằng thất bảo, giày dép, lọng dù, áo da hươu, tích trượng, sàng ngồi, thau chậu rửa tay chân, giường chiếu… tất cả những thứ cần dùng có hơn tám muôn bốn ngàn món đều đem bố thí hết.

Ngày ấy, tất cả Bà La Môn đều đến đại hội. Quỷ Thần, Quốc Vương, Đại Thần, quý tộc Bà La Môn hàng hàng lớp lớp không ai là không hân hoan.

Đức Phật thấy việc đó than: Ông quý tộc Bà La Môn này sao lại quá ngu si.

Bố thí quá nhiều mà phước báo chẳng bao nhiêu, như gieo hạt giống vào lửa thì làm sao có được hoa trái?

Nếu Ta không giáo hóa, ông ấy sẽ mãi mãi rời xa chánh đạo. Đức Phật bèn chấn chỉnh pháp phục đến đó, phóng ra hào quang tỏa chiếu khắp chúng hội. Ai thấy cũng cho là việc chưa từng có, kinh sợ không biết là vị thần nào. Trưởng Giả Lam Đạt và đại chúng vội đảnh lễ Phật sát đất.

Đức Phật thấy mọi người đều có tâm cung kính nên nói kệ:

Tháng bỏ ngàn vàng

Suốt đời tế tự

Không bằng khoảnh khắc

Nhất tâm niệm pháp.

Phước báo một niệm

Hơn cúng suốt đời.

Dầu suốt cả trăm năm

Phụng thờ Thần lửa

Không bằng phút giây

Cúng dường Tam Bảo.

Phước một lần cúng

Hơn thờ trăm năm.

Bấy giờ Đức Phật nói với trưởng giả Lam Đạt:

Bố thí có bốn việc.

Thế nào là bốn?

1. Cúng thí nhiều được phước báo ít.

2. Cúng thí ít được phước báo nhiều.

3. Cúng thí nhiều được phước báo nhiều.

4. Cúng thí ít được phước báo cũng ít.

Sao là cúng thí nhiều được phước báo ít?

Đây là chỉ người ngu si sát sinh để tế tự, uống rượu ca vũ tốn hao của cải, không có phước tuệ.

Sao cúng thí ít được phước báo cũng ít?

Đây là người vì keo kiệt ác ý mà cúng thí các Đạo Sĩ phàm tục, cả hai bên đều ngu si nên không có phước.

Sao gọi là cúng thí ít mà được phước báo nhiều?

Đây là do lòng từ mà cúng thí cho bậc Tu Sĩ đạo đức, thọ thực xong các vị ấy tinh tấn tu học. Cúng thí như vậy tuy ít mà phước báo to lớn.

Sao gọi là cúng thí nhiều được phước báo nhiều?

Nếu có Bậc Hiền giả giác ngộ cuộc đời vô thường, hảo tâm đem tiền của xây dựng Chùa Tháp, Tinh Xá, vườn cây, cúng dường Tam Tôn đầy đủ tứ sự, phước báo này như nước năm sông chảy vào biển cả.

Phước đức dồi dào đời đời không cùng tận. Đây chính là cúng thí nhiều phước báo càng nhiều. Thí như nhà nông làm ruộng, tùy ruộng đất màu mỡ hay cằn cỗi mà thu hoạch khác nhau.

Lúc ấy trưởng giả Lam Đạt và chúng hội thấy sức thần biến hóa của Phật nghe giảng pháp đều vô cùng hoan hỷ. Chư Thiên, quỷ thần đều đắc đạo Tu Đà Hoàn. Năm ngàn vị Bà La Môn xin xuất gia làm Sa Môn, sau đó đắc quả A La Hán.

Trưởng Giả Lam Đạt và gia đình lớn nhỏ đều thọ năm giới, thấy được dấu đạo. Quốc Vương, Đại Thần đều thọ Tam Quy Y, làm Ưu Bà Tắc, đắc được pháp nhãn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần