Phật Thuyết Kinh Pháp Luân Không Thoái Chuyển - Phẩm Ba - Phẩm Thanh Văn, Bích Chi Phật - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH

PHÁP LUÂN KHÔNG THOÁI CHUYỂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống  

PHẨM BA

PHẨM THANH VĂN, BÍCH CHI PHẬT  

TẬP BỐN  

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo A Nan: Nay ông nên biết! Đó là Như Lai Đẳng Chánh Giác vì các vị Đại Bồ Tát dùng phương tiện nói về A La Hán.

Tôn Giả A Nan thưa: Vì sao Như Lai Đẳng Chánh Giác lại vì các Đại Bồ Tát nói về Thanh Văn?

Đức Phật dạy: Này A Nan! Bồ Tát có khả năng làm cho vô lượng A tăng kỳ chúng sinh, dùng pháp âm của Phật khiến tất cả đều được nghe, do đó gọi là Thanh Văn.

Cũng khiến cho họ được nghe âm thanh chẳng thể nghĩ bàn ấy, nghe những âm thanh không thể nghĩ bàn rồi thì đối với đạo bồ đề dứt mọi đùa bỡn, chỉ dùng âm thanh thanh tịnh để họ được nghe, cũng gọi là Thanh Văn.

Lại khiến cho họ được nghe về niềm an vui của Niết Bàn chư không phải là những niềm an vui khác. Nghe được những âm thanh như vậy cũng gọi là Thanh Văn.

Cũng khiến cho họ được nghe các đạo phẩm như căn, lực, giác, đạo, thiền định giải thoát, các pháp Tam Muội, niệm xứ, chánh cần, chứng đắc vô dư. Các pháp này đều khiến cho vô số chúng sinh đều được nghe, cũng gọi là Thanh Văn.

Lại thân này là khổ, không, vô ngã, nhưng tướng các ấm đều không thật có. Kẻ phàm phu ngu si phân biệt thân ấy vọng khởi chấp đắm nghe những âm thanh như vậy cũng gọi là Thanh Văn.

Lại do nhãn giới là hư ngụy không thật, cho đến mắt Phật đều đồng với nhãn giới chẳng thể nghĩ bàn, có công năng giúp cho chúng sinh thấy biết như thật. Đối với tất cả pháp không có tướng thành tựu, gọi là thành tựu nhãn, tướng các pháp như vậy khiến chúng sinh nghe nên gọi là Thanh Văn.

Như âm vang của tiếng gọi, khiến chúng sinh nghe nên gọi là Thanh Văn.

Không ứng hợp với âm thanh mà vọng chấp đắm, vì không có tướng âm thanh, cũng không thật có, âm thanh như vậy nên gọi là Thanh Văn.

Không ứng hợp với hương mà chấp lấy tướng hương, tướng của hương cũng không thật có. Ví như có người nằm mộng ngửi được mùi hương, nhưng thật ra không có mùi hương, ở trong cái không có hương mà vọng khởi tưởng là có hương, chỉ là điên đảo tự sinh ra phân biệt, chấp lấy tướng hương, kẻ phàm phu tin nhận, nghe tiếng như thế gọi là Thanh Văn.

Lưỡi tiếp xúc với tướng không giống như cục thịt không thể nhận biết được vị, cũng như chùm bọt nước không thể làm ví dụ. Vì vượt khỏi ví dụ nên chẳng phải vị, chẳng phải thấy, mọi phân biệt về tướng của vị thật sự không thật có. Cảnh giới của vị như vậy và cảnh giới không thể nghĩ bàn là bình đẳng không hai. Lìa tâm, vô niệm cũng không nhớ nghĩ, thật không có tướng của tâm. Nghe âm thanh như vậy gọi là Thanh Văn.

Pháp đã biết, lại khiến cho người khác nghe gọi là Thanh Văn. Nếu nghe về thân, thấu rõ tướng thân, thể tánh vốn không, chẳng phải sinh chẳng phải không sinh, đó gọi là bồ đề. Khiến cho vô lượng chúng sinh được nghe âm thanh ấy gọi là Thanh Văn.

Thể tánh của tâm là không, không thật có, đều như huyễn hóa, chẳng sinh chẳng diệt, có thể khiến cho tất cả chúng sinh đều được nghe nên gọi là Thanh Văn… Phật bảo A Nan: Pháp thí của Thanh Văn chẳng thể nghĩ bàn, chứng được đạo này gọi là chẳng thể nghĩ bàn, vì pháp thí chẳng thể nghĩ bàn này có công năng sinh ra bồ đề.

Vì sao?

Vì hạt giống tương tự sinh nên không quả là quả, tài thí không đạt được, từ nghe mà tin, hiểu nên gọi là Thanh Văn. Tài thí nhỏ ít, pháp thí mới là quan trọng. Pháp thí như vậy không hề ganh ghét kẻ khác, cũng không tướng thí, không đắm vào sự bố thí ấy. Ví như huyễn hóa không phan biệt, không sinh nguyện cầu, không chấp ý tưởng bố thí vì không nguyện cầu.

A Nan nên biết! Pháp thí như vậy thành tựu bồ đề, từ nghe được tin hiểu nên gọi là Thanh Văn. Dứt tất cả tướng, lìa các kết sử, vượt qua tất cả tăng thượng của Thanh Văn, phát ra âm thanh lớn để giảng nói Phật Pháp.

Vì sao?

Vì đầy đủ âm thanh vượt qua tất cả các âm thanh, ra khỏi âm thanh này rồi, khiến nghe được Phật Pháp. Biết tướng các âm thanh chẳng phải một, chẳng phải khác, chánh tín thành tựu, nói pháp không hai cũng chẳng phải không hai. Nghe được pháp ấy gọi là Thanh Văn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Vô lượng chúng sinh nghe

Phật Pháp chẳng nghĩ bàn

Bồ Tát giang rộng khắp

Đó gọi là Thanh Văn.

Nghe rồi tin bồ đề

Không nhơ, không đùa bỡn

Khiến tất cả đều nghe

Đó gọi là Thanh Văn.

Nghe Niết Bàn an vui

Là an vui bậc nhất

Đều khiến nghe vắng lặng

Đó gọi là Thanh Văn.

Các lực là giác đạo

Bốn niệm xứ, các căn

Mau đạt tới rốt ráo

Đó gọi là Thanh Văn.

Nghe thân này khổ, không

Không vững chắc, chân thật

Bị tham, sân, si lấp

Cho nên chấp lấy thân,

Cũng nghe nơi nhãn nhập

Chẳng that mà thấy thật

Chúng sinh nhiều ngu si

Phàm phu mù chẳng trí

Nếu đạt được mắt Phật

Chánh kiến chẳng nghĩ bàn

Nếu được mắt như thế

Không còn các ngu si

Các pháp không thành tựu

Tất cả chúng sinh nghe

Do nhân duyên như thế

Cũng gọi là Thanh Văn,

Tất cả tướng các pháp

Đều giống như tiếng vang

Nơi ấy không người nghe

Cũng không có người nói

Giúp vô số người nghe

Đó gọi là Thanh Văn.

Trong ấy không nghe gì

Không có người đắm nhiễm

Ví như người nằm mộng

Tuy ngửi nhiều mùi hương

Nhưng đều không thật có

Biết thể hương như vậy

Lìa bỏ tất cả cấu

Cũng không người ngửi hương

Bồ Tát thì giải thoát

Chúng sinh nhiều điên đảo

Nghe lưỡi như cục thịt

Chẳng thể biết được vị

Nếu cục thịt biết vị

Cũng nên biết bình đẳng

Phân biệt tướng như thế

Tham vị là ác nhất

Cõi này khó nghĩ bàn

Đó gọi là biết vị,

Quyết định biết vị rồi

Bồ Tát không đắm nhiễm

Khiến chúng sinh quyết định

Đó gọi là Thanh Văn.

Quán thân, nhận rõ tướng

Bản tánh không, vô chủ

Nếu biết được chân thật

Không sinh, không năng sinh

Tướng bồ đề như vậy

Không sinh, không năng sinh

Khiến mọi chúng sinh tỏ

Đó gọi là Thanh Văn.

Ý cũng biết như thế

Thể tánh không thật có

Vì không có thể tánh

Nên khiến tất cả nghe

Như Phật Pháp vô sinh

Vô diệt, cũng không hai

Không tướng, không chỗ thấy

Đó gọi là Thanh Văn.

Đều khiến nghe thí ấy

Pháp thí chẳng nghĩ bàn

Tu hành đến Đạo Tràng

Thành tựu được bồ đề.

Ví như gieo hạt giống

Được quả như hạt giống

Tu thí chẳng nghĩ bàn

Chứng đắc đạo cũng vậy.

Bố thí các tài vật

Pháp thí là hơn hết

Xả tâm, không tham ganh

Đó gọi đạo bồ đề.

Tâm thường không chấp đắm

Tuy thí, không nương tựa

Nếu thí được như vậy

Mau chứng đạo bồ đề.

Xa lìa tất cả tướng

Dứt hết các kết sử

Không còn các đắm nhiễm

Đó gọi là Thanh Văn.

Âm thanh ấy nhiệm mầu

Hơn các âm thanh khác

Thanh đó giúp nghe xa

Phật Pháp chẳng nghĩ bàn,

Khiến mọi người đều rõ

Các thanh không nương tựa

Chẳng một cũng chẳng khác

Đó gọi là Thanh Văn.

Muốn cho tất cả nghe

Lời các Phật giảng nói

Tùy pháp âm được nghe

Đều phát tâm bồ đề,

Nghe trong các ruộng phước

Ruộng phước Phật trên hết

Tùy theo chỗ Phật ở

Gần gũi Đấng cứu đời,

Khiến ba ngàn cõi nghe

An trụ trong hư không

Chúng sinh cũng như thế

Đều đồng tướng Niết Bàn,

Giảng nói thân bốn đại

Phân biệt là chúng sinh

Giống như tướng hư không

Đều chẳng thể nghĩ bàn.

Tướng như thị các cõi

Cũng không thể biết được

Trong ấy chẳng sinh tử

Không phiền não, Niết Bàn,

Các pháp không chân thật

Chúng sinh cũng như vậy

Đó là cõi tịch diệt

Làm sao thấy kẻ sinh

Vì vô lượng chúng sinh

Ngày đêm thường nghe biết

Chẳng đắm danh lợi mình

Chỉ vì chúng sinh nói

Nên biết là Thanh Văn.

Muốn khiến tất cả nghe

Thật không pháp Thanh Văn

Chỉ hiện làm Thanh Văn

Phật chỉ giả danh nói

Trên hết trong các pháp

Cho nên biết chúng sinh

Tất cả đều tướng như

Đó gọi là Thanh Văn.

Vô lậu dứt trói buộc

Giải thoát tất cả kết

Mà nói chúng sinh nghe

Hiển bày lìa trói buộc

Thanh tịnh không đùa bỡn

Thấy rồi nói người nghe

Phật Pháp đều cũng thế

Không lâu sẽ được thấy

Đúng như pháp Phật nói

Vị Bồ Tát tu hành

Đối pháp không đắm nhiễm

Đó gọi là Thanh Văn.

Không trói buộc, thanh tịnh

Cũng khiến tất cả nghe

Tu hành như đã nghe.

A Nan ông nên biết,

Ta dùng phương tiện nói

Biết Thanh Văn như vậy

Bồ Tát không nương tựa.

A Nan nên biết! Đó gọi là Như Lai Đẳng Chánh Giác vì các Đại Bồ Tát phương tiện nói về Thanh Văn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần