Phật Thuyết Kinh Pháp Luân Không Thoái Chuyển - Phẩm Sáu - Phẩm Hàng Phục Các Ma
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH
PHÁP LUÂN KHÔNG THOÁI CHUYỂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thi Hộ, Đời Tống
PHẨM SÁU
PHẨM HÀNG PHỤC CÁC MA
Bấy giờ, Tôn Giả A Nan bạch Phật: Thế Tôn Giảng nói pháp luân không thoái chuyển này làm cho ác ma không thể đến quấy nhiễu phá phách, vì sao vậy?
Đức Phật nói: Đó là do năng lực thần thông của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi khiến cho Ma Vương Ba Tuần không thể nghe được.
Lúc này, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi liền phát lời thệ chân thật, khiến cho ác ma nghe được âm thanh trong hư không Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang chuyển pháp luân không thoái chuyển.
Bấy giờ, Ma Vương Ba Tuần cảm thấy rợn người, tâm sinh kinh hãi, liền nói: Thấy Thế Giới này đều chẳng còn là Thế Giới.
Thế rồi buồn bã khóc lóc biến thành một lão già, như người trăm tuổi, tóc bạc, mặt nhăn nheo, thân thể tiều tụy lụ khụ. Lúc này, Ma Vương liền nhóm họp bốn thứ ma binh và các thứ ma ở Cõi Trời, đều đến chỗ Đức Phật, cũng như khi Đức Như Lai mới thành đạo, chúng sửa soạn các thứ binh khí hăm hở kéo đi, nhưng mỗi người thấy thân mình đều là những người già suy, như người trăm tuổi thân thể lom khom. Chúng cầm khí trượng đi đến trước Phật.
Bấy giờ, bốn thứ binh và các vị Trời trong hư không đều nghe Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chuyển Pháp luân không thoái chuyển, khiến chúng không thể tiến tới được, liền đứng qua một bên, lòng Kinh hãi nghi ngờ, thảy đều không còn theo sự sai khiến của Ma Vương nữa.
Khi ấy, Ma Vương một mình, đi đến chỗ Phật, không còn bè bạn, bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Hiện giờ tôi đã già suy quá đỗi, mong được Thế Tôn thương xót giúp cho kẻ tay chân. Những cõi nước trước kia vốn là của tôi thì nay đều chẳng còn là của tôi.
Như Lai là Đấng Đại Bi luôn thương xót tất cả chúng sinh, lẽ nào không giúp cho tôi một người để làm tay chân hay sao?
Đức Phật bảo Ma Vương Ba Tuần: Ta xem chúng sinh trong các coi rất nhiều, ví như cát Sông Hằng không thể lường tính được. Giá như ngày ngày đều có các Đức Phật xuất hiện và độ vô số chúng sinh đạt đến giải thoát thì dù trải qua một kiếp hay hơn một kiếp cũng không thể khiến cho số lượng chúng sinh ấy giảm bớt.
Ma Vương bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng sinh các loài tuy nhiều vô lượng, nhưng tôi hiện không có được một người để có kẻ hầu hạ giúp đỡ, nếu có bị vấp té thì lấy ai giúp đỡ?
Nên kính mong Đức Như Lai từ bi thương xót an ủi vỗ về khiến tôi được vui vẻ trở về Cõi Trời cùng các quyến thuộc.
Đức Phật bảo: Chúng sinh điên đảo chẳng tin chánh pháp đều là quyến thuộc của ngươi, đó chính là tay chân cua ngươi, là bạn bè của ngươi!
Ma Vương Ba Tuần nghe nói như vậy rất vui mừng, nói: Bây giờ tôi sẽ khiến cho tất cả chúng sinh không phát khởi lòng tin mà lại luôn sinh nghi ngờ. Đã rơi vào nghi ngờ thì đều là vây cánh của tôi cả.
Nghĩ vậy, Ma Vương liền bạch Phật: Kính mong Thế Tôn an ủi, chỉ dạy một lần nữa khiến tôi được vui mừng.
Như Phật đã dạy là: Nếu như có chúng sinh nào được nghe và xưng niệm danh hiệu Phật thì đều được không lui sụt trên đường tiến đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vây kính mong Như Lai nên yên lặng đừng nói về pháp không thoái chuyển ấy. Nếu có chúng sinh nào được nghe danh hiệu Phật thì các chúng sinh đó sẽ siêng năng tinh tấn tu đạo bồ đề. Kính mong Thế Tôn an ủi, chỉ dạy như thế!
Bấy giờ, Đức Phật bảo Ma Vương Ba Tuần: Ngươi chớ nên buồn khổ, nên vui mừng mà trở về Cõi Trời. Nay ta sẽ khiến cho không một chúng sinh nào phát tâm bồ đề.
Cũng khiến cho không một chúng sinh nào nhận thức hiểu biết về Thế Giới chúng sinh, cho đến không một chúng sinh về năm ấm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nhận thức hiểu biết về thân kiến, nghi, giới, thủ… cũng không có chúng sinh nào có ý tưởng nhận thức về quá khứ, hiện tại, vị lai. Cũng không một chúng sinh nào đối với các tội như sát sinh, trộm cắp, dâm dật, nói dối, nói lời hai lưỡi, nói lời ác độc, nói lời thêu dệt, tham dục, giận tức, tà kiến mà nhận thức tìm hiểu để trừ bỏ.
Cho đến không thấy chúng sinh nào đối với các thứ tà vạy sai lầm mà có thể nhận thức để xa lánh. Ta cũng không thấy chúng sinh tu tập sáu pháp là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.
Không thấy chúng sinh sẽ dứt hết mọi ý tưởng về chúng sinh, thọ mạng, cha mẹ, anh em, vợ con, nam nữ, ngày đêm, một tháng, nửa tháng, vài năm, một kiếp… các ý tưởng về bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, về lực vô úy, năm căn, bảy giác ý, tám chánh đạo, các ý tưởng về Phật, Pháp, Tăng, về bồ đề, vô ngại, tất cả các pháp bất động. Nói chung là không có một chúng sinh nào đối với các ý tưởng ấy mà có thể nhận thức tìm hiểu để học hỏi tu tập.
Này Ma Vương Ba Tuần! Ngươi chớ sinh lo buồn, hãy vui mừng mà trở về.
Lúc này, Ma Vương Ba Tuần nghe Phật nói thế tức thì không còn lo buồn, lòng đầy vui mừng, ngay lúc ấy liền trở lại thành một chàng trai, liền tung rải hoa Trời lên chỗ Phật, đi nhiễu quanh Phật ba vòng, lại đến trước Phật nói kệ:
Giờ tâm tôi vui mừng
Bậc Chánh Giác cứu đời
Lời Phật nói không khác
Chân thật chẳng luống dối.
Ma Vương Ba Tuần nói bài kệ ấy xong, vui mừng ra đi, trở về cung Trời, vui chơi năm thứ dục lạc, không còn dấy khởi tâm quấy phá, nhiễu loạn nưa.
Ma Vương vừa đi không bao lâu, tức thì mặt đất rung chuyển sáu cách.
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nay vì sao mặt đất này rung chuyển sáu cách như vậy.
Đâu phải là năng lực của ma?
Đức Phật nói: Đó là do năng lực thần thông của ta đã đuổi trừ được ma khiến cho mặt đất này rung chuyển sáu cách như thế. Lúc này, có đến sáu mươi bốn trăm ngàn chúng sinh được pháp nhẫn vô sinh, do đó mà mặt đất rung chuyển đủ sáu cách như thế.
A Nan bạch Phật: Có chúng sinh nào khởi tâm nghi ngờ không?
Phật bảo: Có tới mười ức người sinh tâm nghi ngờ, họ cho rằng, hôm nay chúng ta ở đây không có nghe lầm chăng?
Thế rồi tâm ý đều rối loạn mê mờ, không còn biết bốn phương, không biết mình từ đâu đến… đó là do si mê, tăm tối nên không thấy nhau.
A Nan bạch Phật: Cúi mong Thế Tôn hãy mau thương xót, giúp cho các chúng sinh ấy tâm ý được trở lại sáng suốt thông tỏ, lìa bỏ mọi nghi hoặc.
Đức Phật dạy: Pháp tướng giả danh do Như Lai nói. Nếu không biết được thì đều đọa vào địa ngục.
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao Như Lai khiến cho Ma Vương tâm hết lo buồn, vui mừng mà ra đi. Như Lai lại nói là không có một ai an trụ nơi đạo bồ đề, cũng không có một chúng sinh nào có thể nhận thức hiểu biết về Thế Giới chúng sinh, đối với năm ấm, về thân kiến, về sáu mươi hai thứ kiến chấp thường đoạn hữu vô, về quá khứ, hiện tại.
Vị lai các thứ tướng, cũng không có một chúng sinh nào đối với tội lỗi như sát sinh, trộm cắp, dâm dật, nói dối, nói lời ác độc, nói lời hai chiều, nói lời thêu dệt, tham lam, sân hận, si mê, ta kiến… mà biết nhận thức tìm hiểu để dứt trừ.
Vì sao Như Lai lại an ủi chỉ dẫn Ma Vương Ba Tuần như thế mà cho rằng: Không có chúng sinh tu tập hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ.
Cũng không có chúng sinh có ý tưởng về thọ mạng, về cha mẹ, vợ con, anh em, nam nữ, ngày đêm, một tháng, nửa tháng, nhiều năm, thời tiết, nhiều kiếp… vì sao Như Lai nói như thế là an ủi Ma Vương Ba Tuần khiến chúng hết lo buồn, vui mừng mà ra đi. Lại cũng không có chúng sinh nào nhận thức để tìm hiểu, tu tập về tâm bồ đề, về các căn, lực, vô úy, giác ý, Đạo, Phật, Pháp, Tăng…
Kính mong Thế Tôn vì chúng đệ tử hiện có nơi chúng hội này mà nêu rõ soi sáng, khiến cho tất cả chúng sinh ở đời vị lai cũng được hưởng công ân soi sáng chỉ dạy ấy.
Đã được thông tỏ thì đối với pháp này sẽ được lần lượt tiếp nối, phát huy không để cho bị gián đoạn, mai một. Nếu có chúng sinh nào phát tâm quyết chí tin tưởng lãnh hội thọ trì pháp này thì sẽ vì người ấy mà nói rõ nguyên do vì sao Như Lai nói như thế.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền vì vô số trăm ngàn chúng sinh nhằm dứt trừ mối nghi ngờ cho họ, nên nói lại bài kệ:
Bồ Đề không chỗ trụ
Cũng không người an trụ
Do bởi nhân duyên đó
Nói bồ đề vô trụ.
Bồ đề và chúng sinh
Chẳng một, cũng chẳng khác
Do bởi nhân duyên đó
Nói bồ đề vô trụ.
Chúng sinh vốn chẳng động
Cõi ấy cũng như thế
Pháp ấy không thành tựu
Rốt ráo không thật có,
Thể tướng chúng sinh không
Cõi ấy khó nghĩ bàn
Không người có thể hiểu
Trí tuệ nhận thức khắp.
Chỉ Nhất thiết trí hiểu
Như các ấm đã nói
Chúng sinh không tướng động
Ấm tức là chúng sinh
Tướng không hai, không trụ,
Thể của ấm là không
Tánh, tướng là bất động
Nếu không tướng giữ được
Thì làm sao có động?
Cho nên biết các ấm
Cũng không có tướng động
Dứt bặt mọi lời nói
Vô tướng cũng vô thể.
Thân chính là tướng ấm
Ấm chính là hành xứ
Không hành xứ mà hành,
Nói ấm gọi là không.
Cõi không như đã nói
Chẳng sinh cũng chẳng khởi
Như thế đồng với ấm
Gọi là chẳng thể động.
Thân thấy tướng vô thế
Cũng không pháp thật có
Không thật, nên vô động
Nay ta nói như thế.
Chẳng chấp tướng chúng sinh
Rốt ráo không chỗ trụ
Cũng không có tướng tâm
Thân, chỗ, không thật có.
Như nói các kiến chấp
Hiển bày sáu mươi hai
Các chúng sinh như thế
Cũng như bóng đáy nước.
Kiến chấp bóng đáy nước
Sáu hai cũng như thế
Vô ngã, không thật có
Tánh ấy chẳng thể động.
Quá khư và vị lai
Hiện tại cũng như thế
Vô tướng, không thật có
Đều như lửa, bóng nước
Đó gọi là vô ngã
Không có tướng chúng sinh
Chúng sinh chẳng thể động
Cũng không có người động
Ví như kẻ sát sinh
Ở đồng rộng sinh tử
Cũng trụ nơi vắng lặng
Đó gọi là bất động.
Nếu khiến chúng sinh động
Chúng sinh không thật có
Thật chẳng có chúng sinh
Cho nên nói bất động.
Bồ đề không đứt đoạn
Cũng không có người độ
Cho nên phải siêng tu
Không được đối người động
Pháp thí chẳng nghĩ bàn
Độ chúng sinh quá khứ
Phải nên siêng tu tập
Đó gọi không thể động.
Độ thoát mọi tà dục
Cũng không dấy tưởng tà
Phải nên siêng tu tập
Đó gọi không thể động.
Các chúng sinh nói dối
Vì khiến được giải thoát
Sẽ phát tâm tinh tấn
Như tướng chẳng động kia.
Ác khẩu và hai lưỡi
Thêu dệt cũng như thế
Tướng bình đẳng như vậy
Như ánh lửa không thật.
Các pháp đều như thế
Cũng không chỗ nương dựa
Như âm vang tiếng gọi
Khéo biết tướng vắng lặng
Các vô minh quá khứ
Đắm ngã nên sinh ái
Nếu chứng được vô ngã
Đó gọi là bất động.
Nếu rõ phiền não hại
Thể tánh vốn vô tướng
Vô tướng tức bồ đề
Đó gọi là bất động.
Hiểu rõ các tà kiến
Trí chân chánh tu đạt
Tu hành các chánh trí
Lìa rừng rậm tà kiến
Đó gọi là bất động.
Nếu tâm không còn dục
Hiện nhận bảo nữ dâng
Cho đến các đồng nữ
Kẻ trí thường xa lìa.
Dùng tướng tà giữ giới
Nhưng không bỏ chánh pháp
Người trí không tâm ý
Chỉ mong cầu đạo Thánh.
Đó là tu pháp nhẫn
Hiển bày các ngoại đạo
Vô tâm mà hành nhẫn
Cũng không gần Niết Bàn.
Ngoại đạo tự bày khác
Năm nhiệt là tinh tấn
Chẳng phải điều trí tu
Khổ hạnh chẳng bồ đề
Định mà ngoại đạo nói
Chấp tướng làm chỗ hành
Không được Phật khen ngợi
Không khiến kẻ khác học.
Bồ đề không sợ hãi
Che chở các chúng sinh
Do nhân duyên ấy nói
Chấp tướng không hề động.
Chẳng thuộc loại chấp đắm
Sinh ra tâm bồ đề
Bồ đề không chấp tướng
Do đó chẳng thể động.
Cha mẹ anh em thảy
Chị em và vợ con
Ví như vật huyễn hóa
Do đó chẳng thể động.
Tất cả chấp pháp tướng.
Thảy đều không thật có
Nếu trụ không thật có
Do đó chẳng thể động.
Nếu có tưởng ngày đêm
Một tháng và nửa tháng
Tất cả tưởng như thế
Như lửa, bóng đáy nước
Bố thí và trì giới
Tu nhẫn nhục, tinh tấn
Đều khởi lên chấp đắm
Tưởng ấy gọi là động.
Bồ Đề thế lực mạnh
Tu thiền định, trí tuệ
Nếu có tưởng vô úy
Tất cả tưởng chẳng tưởng
Giác ý và Chánh Đạo
Vốn có tưởng bồ đề
Ngu si sinh khởi lên
Người hiểu biết xa lìa
Phật và tưởng các pháp
Cho đến có tưởng tăng
Các thứ tưởng như thế
Đều gọi là tưởng động.
Bồ đề là vô tưởng
Chủng trí tức bồ đề
Xa lìa tưởng như vậy
Bồ đề khó nghĩ bàn.
Cho nên nói như thế
Kẻ cầu như bóng nước
Nếu động tưởng ấy rồi
Thì chẳng xa bồ đề
Bồ đề và chúng sinh
Tất cả pháp như như
Nên ta nói như thế
Không biết tâm ma ác.
Đức Phật lần lượt nói kệ đuổi trừ bọn ma xong, thì có mười ức chúng sinh dứt bỏ nghi ngờ, đạt được sự thông tỏ đối với các pháp, được pháp nhẫn vô sinh, thế rồi tất cả các vị ấy đều đến trước Phật nói kệ:
Phật Đạo khó nghĩ bàn
Là Tối thắng bậc nhất
Nên hiệu là Thế Tôn
Dứt nghi, được an định.
Tất cả đều sáng tỏ
An trụ trong Phật Đạo
Ánh sáng khắp mười phương
Thấy vô số ức Phật.
Thấy Phật, được nghe pháp
Tướng tốt, thân trang nghiêm
Trừ nhơ, được trí tịnh
Bậc Năng Độ cứu đời
Trong trăm ngàn ruộng phước
Ruộng phước Phật tốt nhất
Tùy nơi Phật an trụ
Bậc cứu đời vô thượng.
Lúc ấy, có mười ức chúng sinh nghe kệ ấy, rồi đều dâng y phục quý giá lên cúng dường Đức Phật và cúng dường pháp, đều nói: Xin khiến cho tất cả chúng sinh đều được nghe pháp này, đều cùng đến nhóm họp.
Bấy giờ, Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã chuyển pháp luân đuổi ma, các vị nam nữ trong dòng họ của Đức Như Lai đã được nghe, đều được giải thoát, tin nhận không nghi ngờ, thế thì được bao nhiêu phước đức?
Đức Phật dạy: Này Tôn Giả A Nan! Nếu như có các vị nam nữ trong dòng họ của Như Lai vào lúc mặt trời mới mọc gần gũi cúng dường cung kính tôn trọng khen ngợi một trăm vị Phật, vào giữa trưa gần gũi cúng dường một trăm vị Phật, cho đến buổi chiều cúng dường một trăm vị Phật, vào lúc đầu hôm cúng dường một trăm vị Phật.
Lúc nửa đêm cúng dường một trăm vị Phật, lúc gần sáng cúng dường một trăm vị Phật, dùng các thứ nhạc cụ hay, y phục quy giá cúng dường Phật trong hai vạn năm, sáu thời trong một ngày tôn trọng khen ngợi, đi đứng ngồi nằm tu hành cúng dường, vẫn như lúc đầu không hề tạm nghỉ.
Này A Nan! Vậy ý của ông nghĩ sao?
Phước đức ấy có nhiều hay không?
Tôn Giả A Nan thưa: Bạch Thế Tôn! Phước đức ấy rất nhiều, không thể dùng thí dụ mà biết được số lượng.
Đức Phật nói: Này A Nan! Nếu các vị nam nữ trong dòng họ của Như Lai, được nghe về đoạn Kinh đuổi trừ ma nay, lần lượt nghe về ý nghĩa của nó, lại tin hiểu không sinh nghi ngờ thì công đức của những người ấy còn hơn trường hợp cúng dường kể trên rất nhiều.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba