Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba - Pháp Hội Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ - Phần Tám
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ BA
PHÁP HỘI MẬT TÍCH KIM CANG LỰC SĨ
PHẦN TÁM
Tịch Ý Bồ Tát liền đứng dậy trịch vai áo phía hữu chắp tay lễ Phật, nói kệ ca ngợi để hỏi ý cười của Đức Phật:
Cao vọi như núi vàng
Diệu Quang sạch bụi trần
Tâm Phật vững vắng lặng
Như Mặt Trời trên không
Tia sáng ấy rất sáng
Tiêu trừ các tối tăm
Cớ chi hiện như vậy
Xin Thế Tôn giải bày
Sạch sẽ như hoa sen
Mọc ở trong bùn sình
Gốc cọng ở trong nước
Lớn lên không cấu nhơ
Công đức rất thơm tho
Ý niệm càng rộng xa
Chỉ nên an nhiên nói
Cớ chi lại vui cười
Tâm trí Phật an ổn
Vắng lặng và nhu hòa
Lòng từ càng thêm lớn
Tiêu trừ những cấu uế
Dùng ánh sáng trí huệ
Trừ bỏ các tối tăm
An trụ như hoa sen
Vứt bỏ các hồ nghi
Thêm thương tu Đạo Tràng
Phụng hành được tự tại
Miệng Phật phóng quang minh
Khô cạn các ái dục
Khai hóa các chúng sanh
Cho mắt họ sáng sạch
An trụ tiêu nghịch tặc
Trừ bỏ những tội lỗi
Khắp tất cả chúng hội
Chư Thiên và mọi người
Ngưỡng nhìn tướng mạo Phật.
Có chi Phật vui cười?
Đức Phật bảo Ngài Tịch Ý Bồ Tát: Ông có thấy Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ ấy chăng?
Ngài Tịch Ý Bồ Tát thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Tôi đã thấy ông ấy.
Đức Phật dạy: Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ sẽ cúng dường Chư Như Lai ở hiền kiếp, hộ trì chánh pháp, khai thị lợi ích vô lượng chúng sanh.
Từ thân ấy chết, ông ấy sẽ sanh về nước Diệu Lạc của Đức Phật A Súc. Từ đó về sau gặp vô số Chư Phật, tịnh tu phạm hạnh.
Qua khỏi số kiếp ấy, ông ấy chứa nhóm công đức sẽ thành Phật Hiệu Kim Cang Bộ Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Cõi nước tên Phổ Tịnh.
Kiếp hiệu Nghiêm Tịnh. Cõi nước Phổ Tịnh hiệp bảy báu làm thành, nhân dân giàu vui đông đảo như Cung Trời Đâu Suất.
Cõi nước ấy không có ba ác đạo và tám chỗ nạn, Trời và người chẳng riêng biệt, tất cả đều mộ Phật Đạo vi diệu. Cõi ấy không có hai thừa, không có tên Thanh Văn, Duyên Giác, thuần là Bồ Tát.
Đức Kim Cang Bộ Như Lai tuyên thuyết pháp đại thừa bất thối chuyển. Chúng Bồ Tát ở Cõi Phổ Tịnh đông chẳng thể tính đếm hạn lượng được. Cõi ấy không có người tánh ác ganh ghét phá giới tà kiến. Người cõi ấy mến thích Phật Pháp, tâm tánh hiền hòa, đều đủ hai mươi tám tướng tốt trang nghiêm thân thể.
Đức Kim Cang Bộ Như Lai tại thế thọ tám tiểu kiếp, thường vì chúng hội Trời người thuyết pháp, thân phóng quang minh chiếu khắp cõi nước.
Các hàng Trời người được quang minh Phật chiếu đến đều được giải quyết các điều nghi khen ngợi chánh pháp, về theo Đức Phật.
Mọi người nghĩ rằng tôi phải đến chỗ Phật để học hỏi Kinh Điển. Có người dùng thần thông của mình đi đến chỗ Phật. Có hàng hữu học nương oai thần của Phật mà đến.
Đức Phật Kim Cang Bộ ở trên hư không cách mặt đất trăm ngàn nhẫn tuyên cáo pháp âm khắp mười phương làm vui đẹp tất cả những người đến dự hội. Chỉ tuyên pháp đại thừa vô thượng đại đạo cho Chư Bồ Tát.
Cõi nước Phổ Tịnh ấy không một ai chống báng lời giáo huấn của Đức Phật.
Cõi nước ấy không có Vua chúa, chỉ có Đức Phật Thế Tôn là vị Pháp Vương.
Ở Cõi nước ấy, tất cả nhân dân đều có trí huệ, không chấp ngô ngã, không có ngã sở, chẳng làm chủ nhà ruộng riêng. Do lòng từ xót thương của Đức Phật, chiều tối người cõi nước ấy thấy đức Kim Cang Bộ Như Lai hiện thân tượng đắp y mang bát đứng trước nhà mình, liền tự nghĩ Đức Như Lai thương tôi muốn đến nhà tôi thọ trai. Đêm ấy họ sắm sửa thức ăn, trần thiết ghế bàn.
Sáng hôm sau đến giờ ngọ Trai, Đức Phật và Thánh chúng đến nhà họ thọ Trai xong, sau khi rửa tay, Đức Phật vì người nhà thí chủ mà thuyết Kinh Pháp.
Thí chủ ấy được pháp bất thối chuyển nơi đạo Vô Thượng Chánh Giác. Thuyết Kinh xong Đức Phật trở về Tinh Xá. Nếu Đức Phật ngồi yên nơi tịnh Thất, Chư Bồ Tát cõi ấy đều theo pháp tam muội của mình đã được mà tu tập.
Này Thiện Nam Tử! Cõi nước của Đức Phật Kim Cang Bộ có công đức trang nghiêm thanh tịnh thù đặc dường ấy. Lúc Đức Thế Tôn nói lời thọ ký cho Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ, trong chúng hội có hai vạn người phát tâm vô thượng bồ đề phát nguyện sanh về cõi nước ấy.
Đức Phật thọ ký rằng lúc Đức Phật Kim Cang Bộ thành đạo, trong đại chúng đây ai nguyện được thấy thì đều sẽ được sanh về cõi Phổ Tịnh ấy, và sẽ được Đức Phật ấy thọ ký vô thượng bồ đề.
Nghe Đức Phật thọ ký, Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ vui mừng hớn hở dồi chày Kim Cang đang cầm lên hư không. Liền đó khắp Cõi Đại Thiên chấn động sáu cách, ánh sáng chiếu mươi phương, hoa Trời tuôn xuống như tuyết rơi, các thứ âm nhạc tự nhiên trỗi lên.
Tay mặt của tất cả mọi người trong Pháp Hội tự nhiên có nhiều thứ hoa hương phan lọng xinh đẹp, đều cầm lấy mà đi.
Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ cầm hoa hương phan lọng đi vòng quanh Đức Phật nói kệ ca ngợi rằng:
Pháp rộng khắp tự tại
Pháp Tạng chẳng cùng tận
Thuyết Pháp rất rành rẽ
Lợi ích cho chúng sanh
Phật trao phó cho tôi
Thường thích dùng pháp khí
Phụng hành đúng chánh pháp
Nguyện tự quy Phật Đạo
Trí huệ hay thanh tịnh
Công hạnh đã sáng suốt
Danh hiệu thấu ba đời
Công đức trọn rốt ráo
Trí Phật suốt ba chỗ
Thánh đức không chấp trước
Tự tại độ chúng sanh
Giáo hóa khỏi khổ ách
Thanh tịnh như mặt nguyệt
Dung nhan rất sáng rỡ
Chiếu đến chỗ rất xa
Dường như mặt Trời sáng
Phật âm rất diệu hòa
Như tiếng Trời Phạm Thiên
Từ bi tuyên lời dạy
Kính lễ đấng chí tôn
Tự hiển hiện thân hình
Thị hiện có thọ mạng
Xin Phật tuyên pháp âm
Diễn nói các văn tự
Dầu diễn nói Kinh Pháp
Nhưng không niệm có pháp
Dầu độ khắp chung sanh
Nhưng không tưởng có nhân
Thế Tôn thương giáo hóa
Ai bảo được ơn Phật
Giả sử tất cả chúng
Chứa đức vô lượng kiếp
Chỉ thưa hỏi Phật Pháp
Chí chẳng ở nghiệp khác
Mình phụng hành Phật hạnh
Lại dạy bảo người khác.
Nhiễu Phật và chúng hội đủ bảy vòng, Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ cầm các thứ hoa và lọng báu tung lên cúng dường Đức Phật.
Vừa lúc tung hoa, khắp tứ thiên hạ tự nhiên hóa sanh bao nhiêu thứ hoa trang nghiêm tám lớp đường sá, những ao nước tám vị công đức, nương oai thần của Phật, không đâu là chẳng khắp.
Tịch Ý Bồ Tát hỏi Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ: Đức Như Lai đã thọ ký Phật Đạo cho Ngài?
Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ đáp: Ngài đã thấy Đức Phật thọ ký. Sự thọ ký ấy tự nhiên như chiêm bao.
Hỏi: Ngài được thọ ký là đến chỗ nào?
Đáp: Chỗ được thọ ký ấy là không chỗ đến.
Hỏi: Chẳng đến chỗ nào?
Đáp: Chẳng đến vô ngã, chẳng được nhân và thọ mạng, chẳng được năm ấm, sáu trần, bốn đại chủng, chẳng thấy công nghiệp độ đời hiện tại, chẳng đến các tội cùng chẳng tội, không có lậu và vô lậu, không có trần lao sân hận, không có hữu vi và vô vi, không có sanh tử và Niết Bàn, tất cả đều chẳng đến mới gọi là thọ ký.
Hỏi: Nếu không chỗ đến thì ai được thọ ký?
Đáp: Không chỗ đến ấy mới gọi là đến.
Hỏi: Nếu không ngô ngã thì ai được thọ ký?
Đáp: Người thọ ký và người được thọ ký đều bình đẳng, bổn tế không có hai, không có khác.
Hỏi: Nếu không bổn tế, thì ai được thọ ký ấy?
Đáp: Bổn tế không sanh, cũng không diệt, không có hai. Do bổn tế ấy mà ngày nay được thọ ký.
Hỏi: An trụ bổn tế nào mà được thọ ký?
Đáp: An trụ nơi tự nhiên, bổn tế không hai, bổn tế không ngã, không nhân, không thọ mạng, an trụ nơi tự nhiên mới gọi là được thọ ký.
Hỏi: Ngô ngã bổn tế an trụ chỗ nào?
Đáp: An trụ nơi Đức Như Lai an trụ.
Hỏi: Không chỗ hay biết là biết chỗ nào?
Đáp: Chỗ hay biết ấy, là không chỗ biết.
Hỏi: Nếu không chỗ bảo nói là không chỗ nói, giả sử không chỗ nói thì dạy những gì?
Đáp: Dạy không chỗ dạy.
Hỏi: Thế nào là dạy không chỗ dạy?
Đáp: Tất cả các pháp đều không chỗ dạy.
Hỏi: Giả sử không chỗ dạy thì làm sao biết đó?
Đáp: Giả sử không chỗ dạy thì chỗ biết dường ấy.
Hỏi: Thế nào là dạy chỗ biết?
Đáp: Chẳng hỏi chỗ biết.
Hỏi: Thế nào là chẳng hỏi chỗ biết?
Đáp: Tâm không phóng dật.
Hỏi: Thế nào là tâm không phóng dật?
Đáp: Tự về nơi yếu nghĩa.
Hỏi: Thế nào là tự về nơi yếu nghĩa?
Đáp: Chẳng thấy vô nghĩa.
Hỏi: Sao gọi là chẳng thấy vô nghĩa?
Đáp: Chẳng lấy nơi nghĩa cũng chẳng phải vô nghĩa mới gọi là nghĩa.
Hỏi: Sao gọi là chẳng lấy nơi nghĩa cũng chẳng phải vô nghĩa mới gọi là nghĩa?
Đáp: Chẳng lấy nơi nghĩa cũng chẳng phải vô nghĩa ấy là đạo nghĩa.
Hỏi: Nếu lấy vô nghĩa thì chẳng thành pháp nghĩa ư?
Đáp: pháp nghĩa ấy sao lại là nghĩa! Tại sao vậy?
Người xu hướng nơi nghĩa thì là phi pháp, chẳng thành là pháp.
Hỏi: Thế nào là pháp?
Đáp: Pháp không âm hưởng mới gọi là pháp.
Hỏi: Pháp không âm hưởng sao gọi là pháp?
Đáp: Nơi pháp ấy không có văn tự mới gọi là pháp. Pháp ấy không chỗ được. Pháp ấy không âm thanh, không ngôn từ.
Hỏi: Sao gọi là chỗ đến?
Đáp: Như chỗ đến được, đây mới gọi là tất cả không đến. Rời lìa nơi có được, nên gọi là tôi đến được Như Lai. Tu tập các pháp mới có thể đến được.
Có thể dứt bặt tâm vô ngã. Tất cả chỗ tuyên bày là ánh sáng của trí huệ. Nhân nơi văn tự ấy mà tuyên bày công nghiệp của Như Lai. Chẳng lấy không đến, chẳng lấy sẽ đến.
Hỏi: Chỗ đến ấy, chỗ nào chẳng được?
Đáp: Lời nói từ nơi miệng là chẳng được vậy. Lời nói từ nơi miệng, trong tâm dựa theo văn tự thì là chẳng được.
Hỏi: Thế nào gọi là được?
Đáp: Không chỗ đến ấy, không chỗ dạy ấy. Không chỗ dạy ấy, biết thì là chẳng tự chẳng biết tha. Chẳng biết tự chẳng biết tha mới gọi là được.
Hỏi: Chẳng được thì cái gì làm căn bổn nó.
Còn được thì cái gì làm căn bổn nó?
Đáp: Sở thọ là căn bổn.
Hỏi: Cái gì làm căn bổn của sở thọ?
Đáp: Chỗ dựa nhờ làm căn bổn.
Hỏi: Cái gì làm căn bổn của chỗ dựa?
Đáp: Hư ngụy vọng tưởng làm căn bổn.
Hỏi: Cái gì làm căn bổn của hư ngụy vọng tưởng?
Đáp: Trần lao làm căn bổn của hư ngụy vọng tưởng.
Hỏi: Chỗ nào làm căn bổn của hư ngụy vọng tưởng trần lao?
Đáp: Luyến trước làm căn bổn.
Hỏi: Những gì làm căn bổn của luyến trước?
Đáp: Sắc thanh hương vị xúc làm căn bổn.
Hỏi: Chỗ gì là cội gốc luyến trước?
Đáp: Ân ái kiết tập gọi là cội gốc luyến trước. Ở nơi những chỗ luyến trước ấy mà không luyến mộ thì gọi là không luyến trước.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Giải Thoát - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Khư đề La
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Bốn Mươi Tám
Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Một - Bố Thí độ Vô Cực - Kinh Số hai
Phật Thuyết Kinh ánh Sáng Hoàng Kim - Phẩm Mười - Phẩm Mãn Nguyện Vì Không
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Sáu - Phẩm Thiện Hiện - Phần Sáu