Phật Thuyết Kinh Pháp Thừa Nghĩa Quyết định - Tập Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Kim Tổng Trì, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH
PHÁP THỪA NGHĨA QUYẾT ĐỊNH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Kim Tổng Trì, Đời Tống
TẬP HAI
Này Tỳ Kheo! Đó gọi là nơi Tam ma địa tin hiểu, thọ trì, như pháp tu hành đạt trí hiểu biết sâu xa.
Thế nào là đạt diệu tuệ thanh tịnh?
Phật nói: Tỳ Kheo! Các ông hãy chánh niệm, an trụ, dù ở chỗ trống, chỗ vắng, bên gốc cây, thường ngồi không nằm, trừ bỏ hết những cảm thọ khổ, vui, mừng, lo, xả, luôn tu thắng định viên mãn thanh tịnh. Đó là an trụ trong bốn Tam ma địa, hiểu rõ bốn thứ, tin hiểu, thọ trì, thông đạt, làm bậc Đạo Sư. Người thọ trì thông đạt là người an trụ hoàn toàn trong bình đẳng, quán xét, so lường về trí nhất thiết trí như vậy, như vậy.
Tỳ Kheo! Khi ở chỗ trống, bề gốc cây hay chỗ vắng các thầy đã bỏ được khổ, vui, mừng, lo, xả đạt giải thoát thắng định, viên mãn thanh tịnh, an trụ như thật trong bốn Tam ma địa.
Này Tỳ Kheo! Đó gọi là nơi Tam ma địa tin hiểu, thọ trì, như pháp tu hành đạt diệu tuệ thanh tịnh.
Tỳ Kheo! Như thế gọi là bốn Tam ma địa.
Bấy giờ, Tỳ Kheo Thậm Thâm Dũng Mãnh bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là trụ trong bốn niệm xứ?
Phật nói: Tỳ Kheo! Đó là quán nội thân, ngoại thân, nội ngoại thân đều là sắc nhơ uế, chánh niệm biết rõ ưu bi khổ não của thế gian.
Quán thọ bên trong, bên ngoài, cả trong ngoài đều là các khổ, chánh niệm biết rõ ưu bi khổ não của thế gian. Quán tâm bên trong, bên ngoài, cả trong ngoài đều là hư giả, vô thường, chánh niệm biết rõ ưu bi khổ não của thế gian. Quán pháp bên trong, bên ngoài, cả trong ngoài đều là vô ngã, chánh niệm biết rõ ưu bi khổ não của thế gian.
Tỳ Kheo! Đó gọi là trụ bốn niệm xứ.
Tỳ Kheo lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bốn chánh đoạn là gì?
Phật nói: Đó là:
1. Dùng sức tinh tấn đoạn trừ, điều phục, không để sinh khởi pháp ác chưa sinh.
2. Dùng sức tinh tấn đoạn trừ, điều phục tất cả pháp ác đã sinh.
3. Dùng sức tinh tấn chánh niệm thọ trì sinh khởi những pháp lành chưa sinh.
4. Dùng sức tinh tấn, an trụ vững chắc, chánh niệm thọ trì, tăng trưởng những pháp lành đã sinh.
Đó gọi là bốn chánh đoạn.
Tỳ Kheo lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bốn thần túc là gì?
Phật nói: Đó là:
1. Dục định đoạn hành: Đạt được mong muốn dựa trên suy xét, lìa dục, tịch diệt, thọ trì điều phục, đoạn trừ tranh luận.
2. Cần định đoạn hành: Đạt được siêng năng dựa trên suy xét, lìa dục, tịch diệt, thọ trì điều phục, đoạn trừ tranh luận.
3. Tâm định đoạn hành: Đạt tâm dựa trên suy xét, lìa dục, tịch diệt, thọ trì điều phục, đoạn trừ tranh luận.
4. Quán định đoạn hành: Đạt quán dựa trên suy xét lìa dục, tịch diệt, thọ trì điều phục, đoạn trừ tranh luận.
Tỳ Kheo! Đó gọi là bốn thần túc.
Tỳ Kheo lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Năm căn là gì?
Phật nói: Đó là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.
Tín căn là gì?
Nghĩa là tin nhân quả, luân hồi ở thế gian, tín hạnh chánh kiến, nghiệp báo sai khác, người tạo nghiệp thiện ác thì chịu quả tương xứng. Dùng tín căn của mình hiểu biết như thật.
Tấn căn là gì?
Nghĩa là tin thích diệu pháp, siêng năng tu hành đúng pháp.
Niệm căn là gì?
Nghĩa là dùng sức tinh tấn, tịnh tu hạnh lành, luôn tu tập không thoái chuyển.
Định căn là gì?
Nghĩa là chuyển tâm vào một cảnh giới pháp, không tán loạn.
Tuệ căn là gì?
Nghĩa là ở trong định quán chiếu tất cả, thông đạt vô ngại.
Tỳ Kheo lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Năm lực là gì?
Phật nói: Đó là tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực.
Tín lực là gì?
Tín là nguồn gốc mà chúng sinh thọ trì pháp của Như Lai, an trụ hoàn toàn không thoái chuyển, tin hiểu, tùy thuận thọ trì tất cả pháp Sa Môn, Bà La Môn, Trời, Ma, Phạm thế gian.
Tấn lực là gì?
Nghĩa là dũng mãnh, siêng năng, vững chãi an trụ trong pháp lành không mỏi mệt, dù bị khổ đau vẫn chịu đựng được, không bỏ xe pháp, luôn cầu tiến.
Niệm lực là gì?
Nghĩa là luôn an trụ chánh niệm, nhớ nghĩ vững chắc, không tán loạn, không quên.
Định lực là gì?
Nghĩa là hàng phục được nghiệp quả dục nhiễm và các pháp bất thiện, cho đến an trụ trong bốn thiền tam muội.
Tuệ lực là gì?
Nghĩa là trụ trong thế gian có chánh tuệ, tu hành đầy đủ Thánh Đạo, bỏ pháp bất thiện, trừ gốc khổ.
Tỳ Kheo lại bạch Phật: Bạck Thế Tôn! Bảy giác chi là gì?
Phật nói: Đó là trạch pháp giác chi, niệm giác chi, định giác chi, tinh tấn giác chi, khinh an giác chi, xả giác chi, hỷ giác chi.
Trạch pháp giác chi là gì?
Nghĩa là phân biệt được các pháp bằng suy xét, lìa dục, tịch diệt, thâu phục tranh luận.
Niệm giác chi là gì?
Nghĩ là chánh niệm, tu tập các pháp bằng suy xét, lìa dục, tịch diệt, thâu phục, tranh luận.
Tinh tấn giác chi là gì?
Nghĩa là siêng năng tu tập hạnh lành bằng suy xét, lìa dục, tịch diệt, thâu phục, tranh luận.
Khinh an giác chi là gì?
Nghĩa là đối với các pháp bỏ sự thô nặng, thân tâm nhẹ nhàng dựa trên suy xét, lìa dục, tịch diệt, thâu phục, tranh luận.
Xả giác chi là gì?
Nghĩa là đối với các pháp, bỏ phóng dật, tâm tịch tĩnh, bằng suy xét, lìa dục, tịch diệt, thâu phục, tranh luận.
Hỷ giác chi là gì?
Nghĩa là vui vẻ thọ trì các pháp bằng suy xét lìa dục, tịch diệt, thâu phục, tranh luận.
Tỳ Kheo lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tám Thánh đạo là gì?
Phật nói: Đó là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Chánh kiến là gì?
Dùng chánh kiến thông đạt, hiểu rõ những cảnh giới thấy được có thủ, xả, nghiệp thiện ác, quả báo của nghiệp thiện ác, những nghiệp thế, xuất thế của chúng sinh, cho đến các quả báo Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, đời này đời sau, thiện hạnh vi diệu, tịnh tu phạm hạnh, đoạn trừ hẳn hoặc chướng, những gì cần làm, đã làm đạt bờ giải thoát.
Chánh tư duy là gì?
Dùng trí tuệ phân biệt, lựa chọn để ba nghiệp thân, ngữ, ý không bị lỗi lầm.
Chánh ngữ là gì?
Đoạn trừ hết những lời nói dối, nói thêu dệt, nói lời ác, nói hai lưỡi.
Chánh nghiệp là gì?
Chúng sinh đoạn trừ sát sinh, trộm cướp, dục nhiễm.
Chánh mạng là gì?
Nhận những y phục, ngọa cụ, thức ăn, thuốc uống để nuôi mạng sống không bằng tà mạng.
Chánh tinh tấn là gì?
Dũng mãnh phá dẹp ma phiền não, luôn siêng tu hạnh lành.
Chánh niệm là gì?
Nhớ những pháp thiện đã tu trong quá khứ, luôn thọ trì không nhầm lẫn.
Chánh định là gì?
Tâm an trụ trong chỉ, quán, tịch tĩnh không lay động.
Tỳ Kheo lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Mười sáu tâm niệm là gì?
Phật nói: Đó là:
1. Niệm tâm hòa hợp, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật. Niệm tâm tương ưng, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.
2. Niệm tự tánh của pháp, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật. Niệm tự tánh của pháp, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.
3. Niệm pháp tăng trưởng, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật. Niệm pháp tăng trưởng, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.
4. Niệm thân chánh tri, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật. Niệm thân chánh tri, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.
5. Niệm thân hành chánh tri, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật. Niệm thân hành chánh tri, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.
6. Niệm tất cả thân chánh tri, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật. Niệm tất cả thân chánh tri, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.
7. Niệm tất cả thân hành chánh tri, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật. Niệm tất cả thân hành chánh tri, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.
8. Niệm thân hành khinh an, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật. Niệm thân hành khinh an, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.
9. Niệm hỷ chánh tri, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật. Niệm hỷ chánh tri, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.
10. Niệm lạc chánh tri, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật. Niệm lạc chánh tri, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.
11. Niệm tâm chánh tri, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật. Niệm tâm chánh tri, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.
12. Niệm tâm hành chánh tri, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật. Niệm tâm hành chánh tri, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.
13. Niệm tâm hành khinh an, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật. Niệm tâm hành khinh an, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.
14. Niệm tâm hỷ lạc, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật. Niệm tâm hỷ lạc, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.
15. Niệm tâm thắng giải, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật. Niệm tâm thắng giải, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.
16. Niệm tâm đẳng dẫn, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật. Niệm tâm đẳng dẫn, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.
Như thế cho đến quán vô thường, quán ly dục, quán tịch diệt, quán xuất ly, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.
Tỳ Kheo! Đó gọi là mười sáu tâm niệm.
Tỳ Kheo lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bốn quả Thanh Văn là gì?
Phật nói: Đó là quả vị Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán. Những người chứng quả Thanh Văn này tin hiểu mười hiệu của Như Lai, công đức viên mãn, hiểu rõ chánh pháp thanh tịnh, giảng thuyết cho mọi loài không cùng tận.
Hiểu rõ Tăng già đầy đủ các việc thiện, công đức viên mãn, thấu tỏ lý vô ngã, tịnh tu phạm hạnh, đủ giới định tuệ, giải thoát vô ngại, giải thoát tri kiến, đủ công đức xuất thế, chuyển bánh xe chánh pháp, chứng quả Tu Đà Hoàn, công đức đầy đủ chứng quả Tư Đà Hàm, công đức đầy đủ chứng quả A Na Hàm.
Công đức đầy đủ chứng quả A La Hán, đủ công đức nơi giới tinh viên mãn, Thánh trí hiển hiện, tự tại an ổn, không còn phiền não, cho đến đời vị lai cũng không gián đoạn, không thoái chuyển, dùng trí phương tiện quán xét, thông đạt tất cả không ngại.
Tỳ Kheo! Như thế gọi là bốn quả Thanh Văn.
Tỳ Kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Mười lực của Như Lai là gì?
Phật nói: Đó là:
1. Xứ phi xứ trí lực: Hiểu đúng về nhân quả tương ưng, bất tương ưng.
2. Tự nghiệp trí lực: Hiểu đúng về ba nghiệp của ba đời.
3. Tĩnh lự giải thoát đẳng trì đẳng chí trí lực: Biết rõ tất cả.
4. Căn thắng liệt trí lực: Hiểu rõ về năm căn: Tín… hoặc tâm nhu hòa trung, thượng.
5. Chủng chủng thắng giải trí lực: Quán sát tất cả pháp, thông đạt, hiểu rõ.
6. Chủng chủng giới trí lực: Hiểu rõ giới tánh của vô số Thế Giới.
7. Biến thú hành trí lực: Hiểu rõ mọi sự sai biệt của các cõi.
8. Túc trụ tùy niệm trí lực: Hiểu rõ về đời sống trong quá khứ.
9. Sinh diệt trí lực: Hiểu rõ về nhân duyên sinh diệt của các loài hữu tình.
10. Lậu tận trí lực: Đoạn trừ hết các hoặc nghiệp.
Tỳ Kheo! Đó gọi là mười Lực của Như Lai.
Tỳ Kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bốn vô sở úy là gì?
Phật nói: Đó là:
1. Chánh Đẳng Giác vô úy: Phật ở quả vị Chánh Đẳng Giác biết hết các pháp, tâm không sợ sệt, Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn, Trời, Người, A Tu La… đều cung kính.
2. Lậu tận trí vô úy: Như Lai chấm dứt hết các lậu hoặc dục nhiễm, phiền não, trụ nơi an ổn không lo sợ, gầm tiếng gầm của Sư Tử trong Đại Chúng, Phạm Vương, Đế Thích, Chuyển Luân Thánh Vương… tôn trọng khen ngợi.
3. Xuất chướng đạo vô úy: Như Lai hiểu rõ Thánh Đạo của ba thừa, đối với các pháp không chướng ngại, tâm không lo sợ. Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn đều cung kính.
4. Xuất khổ đạo vô úy: Như Lai đã trải qua vô số kiếp tu tập pháp thiện, đủ năng lực quyết định, ra khỏi đường khổ. Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn đều cung kính.
Tỳ Kheo! Đó gọi là bốn Vô sở úy.
Tỳ Kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bốn vô ngại biện là gì?
Phật nói: Đó là pháp vô ngại biện, nghĩa vô ngại biện, từ vô ngại biện, biện tài vô ngại biện.
1. Pháp vô ngại biện: Trí không thoái chuyển về pháp vô lậu.
2. Nghĩa vô ngại biện: Trí không thoái chuyển về tuyên thuyết về thật nghĩa.
3. Từ vô ngại biện: Giải thích được tất cả những vấn nạn của chúng sinh, làm cho chúng sinh vui vẻ.
4. Biện tài vô ngại biện: Trí không thoái chuyển, thông đạt được tất cả pháp xuất thế gian.
Tỳ Kheo! Đó gọi là bốn vô ngại biện.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một