Phật Thuyết Kinh Phật Bát Nê Hoàn - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bạch Pháp Tổ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH PHẬT BÁT NÊ HOÀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bạch Pháp Tổ, Đời Tây Tấn  

PHẦN HAI  

Đức Phật hỏi: Các vị từ đâu đến đây?

Các Lý gia thưa: Chúng con nghe Đức Phật ở chỗ này cho nên đến đây để lễ bái. Trong đoàn có một người tên là Tân Tự, đứng dậy đi đến trước Đức Phật, nhìn Ngài thật kỹ.

Đức Phật hỏi: Ông nhìn những gì ở nơi ta?

Tân Tự thưa: Khắp trên Trời dưới đất đều rung động hướng về Ngài, cho nên con nhìn Đức Phật không hề biết chán.

Đức Phật nói: Này Tân Tự, ông hãy nhìn Phật thật kỹ. Về lâu xa lại có Phật ra đời nữa. Lúc có Phật nên theo lời Phật dạy.

Trong nhóm có bốn năm trăm Lý gia nói: Tân Tự có phước đức lớn, cùng được hầu chuyện Đức Phật.

Tân Tự nói: Từ xa tôi được nghe nói tới Kinh Phật. Tôi nghĩ Kinh ấy từ lâu rồi, cho đến hôm nay tôi mới được gặp. Tôi có tâm từ hiếu đối với Đức Phật.

Đức Phật nói: Người trong thiên hạ ít có ai như Tân Tự, từ hiếu đối với thầy.

Đức Phật bảo Tân Tự: Phật xuất hiện trong thiên hạ, biết rõ con đường sanh tử của muôn người, thuyết giảng Kinh để mở bày, giáo hóa. Trên Trời dưới Trời và các loài quỷ, rồng v.v… không ai là không nghiêng mình. Đó là oai thần thứ nhất của Phật.

Nếu ai đọc tụng Kinh Phật, tự mình giữ tâm ngay thẳng, thì đạt được đạo. Đó là oai thần thứ hai của Phật.

Phật thuyết giảng Kinh cho muôn người. Những người hiền trí thảy đều hoan hỷ. Những người đến nghe không ai là không vui mừng. Những người tu học cùng chỉ dạy lẫn nhau, cùng nhau dẫn dắt, cùng nhau giúp cho tâm được ngay thẳng. Đó là oai thần thứ ba của Phật.

Ai học Kinh Phật cũng đều hoan hỷ, như người ngu được vàng. Kẻ thượng trí được đạo Ứng Chân. Hạng thứ hai có thể được quả Bất Hoàn, hạng thứ ba có thể được quả Tần lai, hạng thứ tư có thể được Câu Cảng, hạng thứ năm là giữ năm giới của Ưu Bà Tắc, có thể được sanh lên Cõi Trời, giữ ba giới thì có thể được làm người.

Đức Phật xuất hiện ở thế gian, nhân đó mới xuất hiện đạo này. Đó là oai thần thứ tư của Đức Phật.

Đức Phật bảo Tân Tự: Ông đến nhìn Phật thật kỹ. Ông nói rằng đã từng nghe danh hiệu của Phật nhưng ít thấy Phật. Lúc bấy giờ, trong số hàng chục vạn người đang ngồi ở đó, đều không hỏi Phật, mà chỉ riêng ông hỏi Phật. Đó là oai thần thứ năm của Phật.

Đức Phật bảo Tân Tự: Người có trí huệ trong thiên hạ rất ít, người không hiểu đạo thì nhiều. Thọ trì Kinh Giáo của Phật, thọ trì những lời hay của thầy, giữ giới pháp của thầy, thì các loài Quỷ, Thần, Rồng không ai là không hộ vệ, chăm sóc, khiến không ai dám phỉnh phờ, dối gạt.

Hãy từ hiếu đối với thầy. Làm thầy không nên theo những yêu sách của đệ tử. Trước mặt thầy phải nên cung kính, sau lưng thì nên khen ngợi thầy. Thầy chết thì luôn luôn tưởng nhớ. Hiện nay Tân Tự là người tài giỏi trong loài người, khéo ưa thích pháp, giới thanh tịnh.

Các vị Thệ tâm Lý gia ở Duy Da Lê mời Đức Phật sáng mai cùng các Tỳ Kheo vào thành để cúng dường.

Đức Phật nói: Sáng mai Nại Nữ đã thỉnh Phật và Tỳ Kheo Tăng rồi. Các Thệ tâm Lý gia đều trở về.

Sáng sớm, Nại Nữ đi đến chỗ Đức Phật, thưa: Con đã đặt tòa ngồi, đồ ăn uống cũng đã dọn xong, mong đức Thiên Tôn thể hiện oai thần hạ cố.

Đức Phật nói: Hãy về đi, ta sẽ đến! Đức Phật đứng dậy, mặc y ôm bát cùng đông đủ Tỳ Kheo đi vào thành.

Ở trong thành có mấy mươi vạn người đến xem, trong đó có các Ưu Bà Tắc hiền thiện, họ đều khen: Đức Phật như trăng sáng, các đệ tử Ngài như sao sáng vây quanh mặt trăng. Đức Phật đến nhà Nại Nữ, ngồi xuống, dùng nước rửa tay chân. Đức Phật và các Tỳ Kheo Tăng thọ trai, rửa tay xong xuôi, Nại Nữ lấy một chiếc ghế nhỏ ngồi trước Đức Phật.

Đức Phật bảo Nại Nữ: Các bậc Thánh Nhân và những người giàu có, phú quý được tôn kính trong thiên hạ chỉ thích tịnh giới, rõ biết các Kinh của Phật. Những điều họ nói ra trong chúng hội, ai cũng ưa nghe.

Những việc họ làm, ai cũng kính yêu. Nay được làm người trong thiên hạ, đừng tham tiền, sắc, vâng theo sự giáo hóa của Phật, lúc chết tất được sanh lên Cõi Trời.

Đức Phật bảo Nại Nữ: Hãy khéo giữ mình, thọ trì năm giới.

Đức Phật và chúng Tỳ Kheo ra đi.

Đức Phật ra khỏi nước Duy Da Lê, bảo A Nan: Tất cả hãy đến xóm Trúc phương.

Tôn Giả A Nan thưa: Dạ vâng!

Lại nghe ở xóm Trúc phương bấy giờ lúa thóc khan hiếm, các Tỳ Kheo đi khất thực khó khăn, Đức Phật ngồi suy nghĩ: Nước Duy Da Lê đang hồi đói kém, lúa thóc ít ỏi, đắt đỏ, còn ở xóm làng này thì nhỏ hẹp, không đủ để các Tỳ Kheo đi khất thực. Đức Phật nghĩ, muốn bảo các Tỳ Kheo hãy phân bố ra nước khác, nơi lúa thóc dồi dào hơn để khất thực.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo Tăng: Ở xóm Trúc phương này lúa thóc không nhiều, việc khất thực khó khăn, còn bên nước Sa La Đề thì khá giả, sung túc hơn. Chung quanh nước Duy Da Lê này thì lúa thóc rất đắt đỏ. Riêng ta cùng A Nan thì ở lại xóm Trúc phương.

Các Tỳ Kheo nghe lời Phật dạy, đều đi đến nước Sa La Đề, còn Đức Phật và A Nan thì đến xóm Trúc phương. Lúc này, Đức Phật bị bệnh nặng, muốn nhập Niết Bàn.

Đức Phật tự nghĩ: Các Tỳ Kheo đều đi khỏi cả, riêng ta nhập Niết Bàn, không có lời dạy dỗ nào sao?

A Nan ở bên một gốc cây, đi đến chỗ Đức Phật hỏi thăm: Thánh thể không điều hòa, nay có bớt không?

Phật nói: Chưa bớt. Bệnh rất nặng. Ta muốn nhập Nê Hoàn.

A Nan thưa: Xin Phật hãy khoan nhập Niết Bàn. Hãy chờ các Tỳ Kheo tụ tập đông đủ đã.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ta có Kinh Điển và giới luật.

Các ngươi hãy vâng theo Kinh, giới mà tu hành thì cũng như ta hiện có trong chúng Tỳ Kheo Tăng. Các Tỳ Kheo Tăng đều đã biết sự chỉ dạy của Phật. Ta đã dạy cho đệ tử phép thờ thầy. Các đệ tử hãy nên thọ trì, dốc tâm tu học.

Nay toàn thân ta đau đớn. Ta đã vận dụng oai thần của Phật, trị bệnh không cho tái phát. Trụ tâm nhiếp phục bệnh, như có phần thuyên giảm.

Đức Phật bảo A Nan: Nay ta đã già rồi, tuổi đã tám mươi. Ví như chiếc xe cũ kỹ không còn cứng cáp. Thân thể ta cũng như vậy, không còn cứng cáp nữa.

Ta há chẳng từng nói với các ngươi: Không có cái gì trên mặt đất này mà không chết. Có một Cõi Trời thật cao tên là Bất Tưởng Nhập, thọ đến tám mươi ức bốn ngàn vạn kiếp, cuối cùng cũng phải chết.

Do đó nên ta mới giảng Kinh chỉ dạy cho mọi người để đoạn trừ cội gốc của sanh tử. Sau khi ta đã Bát Nê Hoàn, các ngươi không được lìa bỏ Kinh Giới này. Hãy cung kính, tôn trọng nhau.

Hãy tự quán sát nội thân. Giữ tâm chánh niệm, thực hành chân chánh. Hãy giữ giới pháp, khiến cho trong và ngoài vẫn như thường. Trong bốn chúng đệ tử, ai thọ trì giới pháp, thảy đều là đệ tử Phật.

Nếu ai học Kinh Giáo của Phật cũng đều là đệ tử của Phật. Đức Phật đã bỏ ngôi vị Chuyển Luân Vương lo cho mọi người trong thiên hạ. Cũng tự lo bệnh tật của chính mình. Luôn xả bỏ mọi trạng thái dâm, nộ, si.

Đức Phật từ xóm Trúc Phương, bảo A Nan: Chúng ta hãy trở lại nước Duy Da Lê. A Nan vâng theo lời dạy. Đức Phật trở lại nước Duy Da Lê, ôm bát vào thành khất thực, tìm đến ngồi ở khoảng đất trống dưới một gốc cây Cấp tật thần ở khoảng đất trống suy tư về việc sanh tử. A Nan thì ngồi dưới một gốc cây khác cách xa đó mà suy nghĩ về những điều ám ảnh. Rồi đứng dậy đi đến chỗ Đức Phật.

Đảnh lễ Phật xong, đứng bạch Phật: Sao Ngài chưa nhập Niết Bàn?

Đức Phật bảo A Nan: An vui thay nước Duy Da Lê. An vui thay nước Việt Da. An vui thay đất của thần Cấp Tật. An vui thay cửa thành Sa Đạt tránh.

An vui thay những con đường trong thành. An vui thay đền thờ Danh Phù Phất. An vui thay thiên hạ Diêm Phù Lợi. An vui thay nước Việt Kỳ.

An vui thay nước Giá Ba. An vui thay cửa Tát Thành. An vui thay nước Ma Kiệt. An vui thay Mãn Phất. An vui thay Uất Đề.

An vui thay suối Tây Liên. An vui thay núi Xuất Kim. Năm sắc sanh ra trong nội Địa Diêm Phù Lợi như bức họa. An vui thay những ai sanh trong đó.

Đức Phật bảo A Nan: Nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni nào, thọ trì bốn pháp, tư duy cho thuần thục, chánh tâm, không lệ thuộc vào vọng tâm, bên ngoài cũng nghĩ tốt, bên trong cũng nghĩ tốt, tâm không còn tham đắm dục lạc, không kinh sợ, cũng không còn dong ruổi nữa, thì Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni đó đã giữ vững ý chí mình.

Tu tập bốn pháp như vậy gọi là bốn thần túc. Nếu muốn sống đến một kiếp cũng có thể được. Bấy giờ, Ma đã nhập vào bụng của A Nan.

Đức Phật lại bảo A Nan: Như vậy hãy còn có thể được.

A Nan lại nói: Vì sao Phật chưa nhập Niết Bàn?

Bây giờ là đúng lúc Niết Bàn!

Đức Phật lại nói: An vui thay Diêm Phù Lợi. Nếu ai biết bốn thần túc này thì có thể sống trong Trời Đất này một kiếp, hoặc hơn thế nữa. Ngài lại bảo A Nan như vậy cho đến lần thứ ba mà A Nan vẫn không trả lời về việc bốn thần túc.

Đức Phật bảo A Nan: Hãy nên ngồi bên gốc cây mà tự suy tư. Đức Phật đứng dậy đi đến bên dòng suối Hê Liên, ngồi cạnh gốc cây.

Ma đi đến chỗ Phật nói: Tại sao Ngài không nhập Niết Bàn?

Đức Phật bảo: Này Tệ Ma, ta chưa thể nhập Niết Bàn, vì còn chờ bốn chúng đệ tử của ta có trí tuệ sáng suốt, đắc đạo. Còn chờ Chư Thiên trên Trời, dân chúng nơi thế gian và các hàng quỷ thần đạt được trí tuệ, đắc đạo.

Chờ cho Kinh Pháp của ta được truyền bá khắp mọi nơi chốn, cho nên ta chưa thể nhập Niết Bàn. Ma biết Phật sẽ nhập Niết Bàn nên vui mừng ra đi.

Đức Phật ngồi tự suy tư: Ta nay có thể xả bỏ tuổi thọ. Khi Ngài muốn xả bỏ tuổi thọ, bấy giờ Trời Đất chấn động mạnh, hàng quỷ thần thảy đều kinh hãi.

Lúc đó, A Nan đang ngồi bên gốc cây lo sợ vội đứng dậy đi đến chỗ Phật ngự, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng qua một bên, thưa: Con đang ngồi bên gốc cây, bỗng nhiên Trời Đất chấn động mạnh. Con kinh hãi đến nỗi lông tóc trong người đều dựng đứng.

Con không biết vì lý do gì mà đại địa chấn động như thế?

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Phàm đại địa rung động có tám nhân duyên.

Những gì là tám?

Vì đất ở trên nước, nước ở trên gió, gió duy trì nước. Như từ mặt đất mà nhìn lên Trời, hoặc có lúc gió làm rung động nước, nước làm rung động đại địa, đại địa nhân đó bị chấn động. Đó là nguyên nhân thứ nhất.

Hoặc có bậc A La Hán tôn quý, muốn thử oai thần của mình, ý muốn khiến cho đại địa chấn động, nên lấy hai ngón tay ấn trên mặt đất làm cho đất Trời bị chấn động mạnh. Đó là nguyên nhân thứ hai.

Trong khoảng không có vị Trời oai thần lớn lao ý muốn làm cho đại địa rung động, tức thì đại địa liền bị chấn động mạnh. Đó là nguyên nhân thứ ba.

Khi Đức Phật còn làm Bồ Tát từ Cõi Trời Đâu thuật nhập mẫu thai, lúc đó đất Trời bị chấn động mạnh. Khi Bồ Tát từ hông bên hữu của mẹ hạ sanh thì đất Trời bị chấn động mạnh. Khi Bồ Tát đắc đạo thành Phật, đất Trời bị chấn động mạnh. Lúc Phật bắt đầu thuyết giảng Kinh Giáo hóa chúng sinh thì đất Trời bị chấn động mạnh.

Đức Phật bảo A Nan: Sau ba tháng nữa thì Phật sẽ Bát Nê Hoàn, Trời Đất sẽ lại chấn động. Đó là nguyên nhân thứ tám khiến cho đại địa chấn động.

A Nan nghe Đức Phật nói thời hạn là ba tháng nữa sẽ nhập Niết Bàn liền khóc lóc, hỏi: Phải chăng Ngài đã xả bỏ thọ mạng?

Đức Phật bảo A Nan: Ta đã xả bỏ thọ mạng rồi.

A Nan bạch Phật:

Con từng nghe từ kim khẩu của Phật nói: Nếu Tỳ Kheo nào có bốn pháp này, gọi là bốn thần túc, nếu muốn kéo dài mạng sống trong một kiếp cũng có thể được.

Uy đức của Đức Phật còn cao hơn bốn thần túc nữa, tại sao không kéo dài mạng sống hơn một kiếp?

Đức Phật bảo A Nan: Đó là do lỗi của ngươi, là điều người đã làm.

Vì ta đã ba lần nói với ngươi An vui thay trong Cõi Diêm Phù Lợi! Nhưng ngươi vẫn im lặng không trả lời.

Ta thấy ngươi tài năng, tại sao lại để cho Tệ Ma nhập vào trong người mình?

Ta không thể dừng lại được, sau ba tháng ta sẽ nhập Niết Bàn.

A Nan liền đứng dậy nói với các Tỳ Kheo Tăng: Sau ba tháng nữa Đức Phật sẽ nhập Niết Bàn.

Đức Phật bảo A Nan: Hãy tập hợp tất cả các Tỳ Kheo lại trong đại hội đường.

A Nan bạch: Tất cả các Tỳ Kheo Tăng đã ở trong đại hội đường rồi. Đức Phật liền đứng dậy đi vào đại hội đường. Các Tỳ Kheo đều đứng dậy, cung kính đảnh lễ.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Mọi vật trong Trời Đất đều vô thường, không có gì vững chắc. Con người vẫn ham muốn sanh tử, không mong tìm con đường giải thoát khỏi thế gian, thảy đều do si mê cả. Cha mẹ rồi cũng phải biệt ly, tưởng nhớ đến mà buồn thương. Người càng ân ái, tham luyến nhau càng nhiều bi ai. Trong thiên hạ, không có cái gì có sanh mà không có chết.

Ta từng giảng nói nơi Kinh: Hễ có sanh thì phải có chết. Chết rồi lại sanh, sầu khóc lẫn nhau chẳng lúc nào thôi. Núi Tu Di rồi cũng sụp đổ. Chư Thiên trên Trời cũng phải chết. Làm Vua cũng chết. Nghèo, giàu, sang, hèn, cho đến loài súc sanh cũng vậy. Không có gì sanh mà không chết. Đừng kinh ngạc khi biết Đức Phật sau ba tháng nữa sẽ nhập Niết Bàn.

Dù Phật không còn, hãy thọ trì giới Kinh. Phật còn tại thế cũng phải thọ trì giới luật Kinh Pháp, mong cầu thoát khỏi cuộc đời không còn trở lại nẻo sanh tử nữa, cũng không còn ưu sầu khổ nữa.

Để cho Kinh Phật được trường tồn, sau khi Phật diệt độ, các Bậc Hiền Giả trong khắp mọi nơi hãy cùng nhau thọ trì giới, Kinh.

Người trong thế gian mà tự làm cho tâm mình được ngay thẳng chính đáng thì Chư Thiên trên Trời thảy đều hoan hỷ hỗ trợ, khiến người đó được phước.

Đối với Kinh của Phật phải đọc phải tụng, phải học, phải thọ trì, phải tư duy, phải khiến cho tâm ý luôn chân chánh, hãy cùng truyền dạy cho nhau.

Có bốn việc: Đoan nghiêm thân, đoan nghiêm tâm, đoan nghiêm chí, đoan nghiêm miệng.

Lại có bốn việc: Lúc muốn sân hận thì nhẫn, niệm ác khởi lên thì diệt trừ, có tham dục thì diệt bỏ, phải nên luôn luôn lo nghĩ về sự chết.

Lại có bốn việc: Tâm muốn tà vạy thì đừng nghe theo, tâm muốn dâm dục thì đừng nghe theo, tâm muốn làm điều ác thì đừng nghe theo, tâm muốn sự giàu sang, phú quý cũng đừng nghe theo.

Lại có bốn việc: Tâm phải nên lo nghĩ về sự chết, tâm muốn làm điều ác thì đừng nghe theo, phải kiềm chế tâm.

 Tâm phải tùy thuộc người, người đừng tùy tâm.

Tâm làm mê hoặc người.

Tâm giết thân, tâm làm bậc La Hán, tâm lên Trời, tâm làm người, tâm làm súc sanh, trùng kiến chim thú, tâm vào địa ngục, tâm làm ngạ quỷ. Tất cả hình dạng tướng mạo đều do tâm làm ra cả.

Tâm, thọ và mạng, ba thứ theo nhau.

Tâm là vị thầy dẫn đầu. Mạng tùy tâm, thọ tùy mạng. Đó là ba thứ theo nhau. Nay ta làm Phật, được trên Trời dưới Trời tôn kính, cũng đều do tâm mà ra. Hãy nên nghĩ đến sự thống khổ của sanh tử, lìa bỏ mọi sự ràng buộc của gia đình.

Nên nhớ nghĩ đến tám việc để suy tư về Kinh Phật: Một, hãy lìa bỏ vợ con mà tìm con đường vượt khỏi thế gian.

Không tranh cãi với người đời.

Không có tâm tham.

Không được nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói dối, thêu dệt, ngâm vịnh ca hát.

Không được sát sanh, trộm cắp tài vật người khác và nhớ nghĩ đến sự dâm dục.

Không được ôm lòng sân hận, ngu si và tham lam.

Không được ganh ghét, khinh mạn người khác.

Không được nghĩ tưởng làm ác, làm cho người khác thêm đau khổ.

Không nên có thái độ buông lung.

Không được biếng trễ, nằm dài, nghĩ tới chuyện ăn uống.

Hãy nên lo lắng, thân sanh rồi sẽ già, bệnh và chết. Thọ trì tám việc này, tự đoan nghiêm tâm, không tranh cãi cùng mọi người, được giải thoát khỏi thế gian.

Này các Tỳ Kheo! Hãy nên suy tư về tám việc này và bốn nguồn gốc thống khổ thì Kinh Phật được tồn tại lâu dài. Đức Phật từ nước Duy Da Lê, bảo A Nan, hãy đi đến xóm Câu Lân.

A Nan bạch: Dạ vâng! Đức Phật từ nước Duy Da Lê ra đi, ngoái nhìn lại thành.

A Nan liền đến trước thưa: Đức Phật đâu có vô cớ xoay người để nhìn lại thành này?

Đức Phật bảo A Nan: Ta không hề vô cớ xoay người lại để ngắm. Phàm làm Phật thì không vô cớ quay lại để ngắm.

A Nan thưa: Vậy Đức Phật quay nhìn như vậy là ý gì?

Đức Phật nói: Hôm nay tuổi thọ của ta đã dứt, không còn trở lại để vào thành này nữa, cho nên ta quay lại nhìn.

Có một vị Tỳ Kheo tiến đến trước, gần chỗ Phật hỏi: Từ hôm nay Thế Tôn không còn đi vào trong thành này nữa sao?

Đức Phật nói: Ta sắp nhập Niết Bàn, không còn thấy lại nước Duy Da Lê nữa. Ta sẽ đi đến quê hương Hoa Thị. Đức Phật đến xóm Câu Lân, trong đó có khu vườn tên là Thi Xá Hoàn.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Hãy giữ tâm tinh khiết, an tọa luôn tự tư duy, biết trong cuộc sống người có trí tuệ khiến cho tâm đoan chánh, do tâm chánh trực mà ba thứ độc là dâm, nộ, si được trừ sạch.

Tỳ Kheo ấy tự nói rằng đã đoạn trừ cội gốc của sanh tử, đắc quả A La Hán, nhất tâm không còn gì để lo lắng, lại không còn lo sợ về sanh tử. Tuy còn khổ nhưng vẫn đạt được con đường không sanh tử. Đức Phật từ xóm Câu Lân bảo Tôn Giả A Nan đi đến xóm Kiền Lê.

Tôn Giả A Nan thưa: Dạ vâng.

Đức Phật cùng Tỳ Kheo Tăng đi đến xóm Kiền Lê. Từ xóm Kiền Lê Đức Phật bảo A Nan đồng đi đến Kim Tụ, cùng với đông đủ Tỳ Kheo Tăng.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Nếu có Tỳ Kheo nào tâm thanh tịnh, tâm tư duy, tâm có trí tuệ, tâm tự tư duy, thì người đó có trí biết Kinh, đó là gốc của tâm trí tuệ. Và tâm dâm, tâm hận, tâm si đều được trừ diệt.

Ba tâm đã thanh tịnh, nếu muốn thoát khỏi cuộc đời thì không phải là chuyện khó. Khi đắc quả A La Hán thì các thứ dâm, nộ, si đều được tiêu trừ.

Nên tự nói:  Đã trừ diệt ba thứ này thì không còn tạo pháp sanh tử nữa. Đức Phật từ Kim tụ bảo A Nan lại đến xóm Thọ thủ.

A Nan thưa: Dạ vâng!

Liền cùng đông đủ các Tỳ Kheo đi đến xóm Thọ Thủ.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Hãy để tâm thanh tịnh, tâm tư duy, tâm trí tuệ. Nếu ai tâm ý được thanh tịnh thì tâm liền ngay thẳng, tâm trí tuệ liền sanh, trí tâm liền hiểu rõ, khai mở, không nghĩ về dâm, không nghĩ đến hận, không còn si mê nữa, tâm đã được khai mở.

Các Tỳ Kheo tự nói: Những điều mong ước của ta đã đạt được, nhân đó thấy được đạo A La Hán.

Đức Phật từ xóm Thọ thủ bảo A Nan đi đến xóm Yêm mãn, A Nan thưa: Dạ vâng.

Tôn Giả liền cùng đông đủ các Tỳ Kheo đi đến xóm Yêm Mãn.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo Tăng: Phương pháp của tâm thanh tịnh, tâm tư duy, tâm trí huệ dẫn tới việc dứt hết các thứ dâm, nộ. Đạt được con đường của tâm thanh tịnh, cùng với tâm tư duy, tâm trí huệ liền sanh ra con đường để tâm tư duy.

Nếu có tâm thanh tịnh, tâm trí huệ liền khai mở được con đường của tâm trí huệ. Có tâm thanh tịnh, tâm tư duy liền được sáng suốt. Người đời dùng vải dạ để nhuộm màu, nếu vải dạ sạch sẽ thì màu nhuộm đẹp, đó là do dạ sạch.

Tỳ Kheo có ba tâm: Tâm thanh tịnh, tâm tư duy, tâm trí huệ. Tâm thanh tịnh là thi đại, tâm tư duy là tam ma đề, tâm trí huệ là băng mạn nhã. Tâm thi đại là không dâm, không giận dữ, không tham.

Tam ma đề là tâm được thu nhiếp khiến không còn dong ruổi. Băng mạn nhã là tâm không còn ái dục. Người thọ trì Kinh Giới của Phật ví như người có tấm vải dạ. Tấm vải ấy nếu bị bẩn, muốn nhuộm lấy để có màu sắc thì màu sắc không được tươi tốt.

Tỳ Kheo nếu chẳng an định đối với tâm thanh tịnh, tâm tư duy, tâm trí huệ mà muốn đạt đạo thì thật là khó. Vì tâm của vị ấy không được cởi mở. Tỳ Kheo tâm tự cởi mở, bằng tâm tư của mình vị ấy liền thấy cả việc trên Trời, biết rõ ý niệm của tâm người, cũng thấy họ sẽ sanh vào các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thiện, ác.

Giống như dưới nước trong có cát, đá màu xanh, vàng, trắng, đen … tất cả đều hiện rõ do nhờ nước trong. Cầu con đường giải thoát khỏi thế gian, phải để tâm thanh tịnh như vậy. Thí như khe nước đục ngầu thì cát, đá ở dưới không thể thấy được, cũng không thể biết là nước cạn hay sâu.

Tâm Tỳ Kheo mà không thanh tịnh thì không thể đạt được con đường giải thoát, vì tâm của Tỳ Kheo ấy luôn bị ô trược. Đức Phật từ xóm Yêm mãn bảo Tôn Giả A Nan cùng đi đến xóm Hỷ Dự.

A Nan thưa: Dạ vâng! Rồi cùng đông đủ các Tỳ Kheo đi đến xóm Hỷ Dự.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Nếu có tâm thanh tịnh, tâm tư duy, tâm trí huệ thì đối với những điều thầy truyền dạy, đệ tử phải nên học. Nếu không những điều suy nghĩ của thầy không thể đi vào trong tâm của đệ tử, làm cho tâm của đệ tử được đoan nghiêm. Tỳ Kheo hãy tự làm thanh tịnh lấy mình, tâm đoan nghiêm mới là tâm. Tâm đoan nghiêm thì được giải thoát khỏi thế gian.

Hãy tự nói: Ta đã được giải thoát khỏi thế gian, đoạn trừ cội gốc của sanh tử.

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Hãy đi đến xóm Hoa Thị.

A Nan thưa: Dạ vâng!

Liền cùng đông đủ các Tỳ Kheo đi đến xóm Hoa Thị.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Tâm có ba thứ cấu uế, đó là cấu uế về tham dâm, cấu uế về giận dữ và cấu uế về si mê. Giữ tâm thanh tịnh thì trừ được cấu uế về tham dâm, giữ tâm tư duy thì trừ được cấu uế về giận dữ, giữ tâm trí tuệ thì trừ được cấu uế về si mê.

Bấy giờ Tỳ Kheo tự tuyên bố: Đã thoát khỏi thế gian, đoạn trừ được cội gốc của bao thứ khổ não nơi sanh tử. Đức Phật lại từ xóm Hoa Thị bảo A Nan cùng đi đến thành Phu Diên.

A Nan thưa: Dạ vâng!

Rồi cùng đông đủ các Tỳ Kheo đi đến phía Bắc thành Phù diên, ngồi dưới một gốc cây. A Nan ngồi kế bên gốc cây, dốc tư duy quán tưởng nội tâm, thì đại địa rung động mạnh.

A Nan liền đứng dậy đi đến chỗ Đức Phật, thưa: Đại Địa vì sao lại chấn động mạnh?

Đức Phật đáp: Đại Địa chấn động có bốn nguyên nhân: Đất ở trên nước, nước ở trên gió, gió động làm nước chuyển động, nước chuyển động làm cho đất chấn động. Nhân đó đại địa rung động. Đó là nguyên nhân thứ nhất.

Nếu có bậc A La Hán muốn tự thử đạo lực của mình, dùng hai ngón tay ấn xuống mặt đất, khiến đại địa rung động. Đó là nguyên nhân thứ hai.

Ở trong khoảng không có một vị Trời với oai thần lớn lao muốn khiến cho đại địa rung động, tức thì đại địa liền rung động. Đó là nguyên nhân thứ ba.

Đức Phật không bao lâu nữa sẽ nhập Niết Bàn, đại địa lại chấn động mạnh. Đó là bốn nguyên nhân làm đại địa rung động.

A Nan thưa: Do oai thần của Phật, Đức Phật nhập Niết Bàn nên đại địa mới chấn động mạnh như vậy?

Đức Phật bảo A Nan: Oai thần của Phật vòi vọi, rất tôn quý, hóa độ soi sáng cho vô lượng chúng sanh.

Vậy ngươi có muốn biết oai thần của Phật chăng?

A Nan thưa: Con mong muốn được nghe biết điều ấy.

Đức Phật nói: Ta đi khắp mọi nơi chốn. Dân chúng trong quận huyện mà ta đến, ai biết thì đi đến chỗ Đức Phật. Thân Phật tự biến hóa theo ngôn ngữ, y phục của dân nước ấy. Ta xem thấy dân chúng ở nước ấy thực hành những pháp gì, biết những Kinh, giới gì. Phật liền thuyết giảng Kinh Giới để đem lại lợi ích cho họ.

Nhưng những dân chúng ấy đều chẳng biết ta là ai, cũng chẳng biết ta từ trên Trời hay dưới đất đến. Dân chúng đều hết sức cung kính ta.

Ta lại biến hóa đến chỗ các Quốc Vương, Quốc Vương hỏi ta: Khanh là ai?

Ta đáp: Tôi là Đạo Nhân ở trong nước này.

Quốc Vương lại hỏi: Ngài nói Kinh gì?

Ta nói: Ngài muốn hỏi Kinh gì, xin cứ hỏi, tôi đều trả lời tất cả. Quốc Vương rất hoan hỷ. Ta vì nhà Vua thuyết giảng rộng khắp xong, ta liền biến mất, không thấy. Quốc Vương sau đó đều chẳng biết ta là ai. Ta đến các nước Thệ Tâm, ta cũng biến hóa thành người Thệ Tâm với y phục, ngôn ngữ của như họ.

Ta hỏi: Các người nói những giới Kinh gì?

Ta biết tâm của họ, biết tiếng nói của họ, ta đem Kinh và giới ra giáo hóa họ rồi biến mất.

Những người ấy sau đó suy nghĩ về lời nói và hình tướng của ta, họ hỏi: Đó là người gì?

Là Trời, là quỷ hay là thần?

Họ đều chẳng biết ta là ai. Ta cũng không nói với họ ta là Phật.

Ta đã du hành khắp thiên hạ, truyền trao Kinh, đạo mọi nơi rồi lên Cõi Trời thứ nhất chỗ ở của Tứ Thiên Vương, ta cũng mặc y phục như Trời và nói tiếng của Trời.

Ta hỏi Trời: Ngài thọ trì Kinh gì?

Trời thưa: Tôi chẳng biết Kinh. Ta liền thuyết giảng Kinh cho họ nghe xong rồi biến mất, Trời cũng chẳng biết ta là ai. Ta lại lên Cõi Trời thứ hai là Đao Lợi Thiên, hóa ra như y phục và tiếng nói của Cõi Trời Đao Lợi.

Ta hỏi Trời Đao Lợi: Ngài đã nói những Kinh gì?

Trời Đao Lợi thưa: Tôi không biết Kinh. Ta liền thuyết giảng Kinh cho họ nghe xong rồi biến mất. Trời cũng chẳng biết ta là ai. Ta lại lên Cõi Trời thứ ba là Diêm, hóa ra y phục và tiếng nói của Cõi Trời Diêm.

Ta hỏi Trời Diêm: Ngài thọ trì Kinh gì?

Trời thưa: Tôi không biết Kinh. Ta thuyết giảng Kinh cho họ nghe. Ta lại lên Cõi Trời thứ tư là Đâu Thuật, hóa ra y phục và tiếng nói của Trời ấy.

Ta hỏi: Ngài thọ trì những Kinh gì?

Vị Trời ấy thưa: Ngài Di Lặc nói Kinh cho tôi nghe. Ta cũng lại nói Kinh cho họ nghe. Ta lên Cõi Trời thứ năm là Bất Kiêu Lạc, cũng mặc y phục và nói tiếng của Cõi Trời ấy.

Ta hỏi Trời ấy: Ngài có biết Kinh không?

Vị Trời ấy thưa: Tôi không biết Kinh. Ta liền giảng nói Kinh cho vị ấy nghe rồi biến mất, vị Trời ấy cũng chẳng biết ta là ai. Ta lại lên Cõi Trời thứ sáu là ứng hóa thanh, cũng mặc y phục và nói tiếng của Cõi Trời ấy.

Ta hỏi Trời: Ngài thọ trì những Kinh gì?

Trời thưa: Tôi không biết Kinh.  Ta bèn giảng nói Kinh cho họ nghe rồi lại biến mất. Sau đó, những vị ở Cõi Trời thứ sáu đều chẳng biết ta là ai và ta cũng không nói với họ ta là Phật.

Ta lại lên các cõi Phạm Thiên, Phạm Chúng Thiên, Phạm Phụ Thiên, Đại Phạm Thiên, Thủy Hành Thiên, Thủy Vi Thiên, Vô Lượng Thủy Thiên, Thủy Âm Thiên, Ước Tịnh Thiên, Biến Tịnh Thiên, Tịnh Minh Thiên, Thủ Diệu Thiên, Cận Tế Thiên, Khoái Kiến Thiên, Vô Kết Ái Thiên. Các vị Trời ấy đều đến gặp Ta.

Ta hỏi: Các vị có ai biết Kinh không?

Trong số đó có người biết Kinh, có người không biết Kinh. Ta đều thuyết giảng về con đường sanh tử cho họ nghe, lại thuyết giảng về con đường đoạn trừ cội gốc của sanh tử.

Ai thích nghe Kinh, ta đều giảng nói cho họ nghe. Ta cũng mặc y phục và nói tiếng giống như các Cõi Trời ấy. Ngoài ra còn có bốn Cõi Trời không thể dùng ngôn ngữ. Ta muốn lên các cõi ấy nhưng họ không thể trả lời những điều ta hỏi.

Đó là Cõi Trời thứ hai mươi lăm là Không Huệ Thiên, Cõi Trời thứ hai mươi sáu là thức huệ nhập, Cõi Trời thứ hai mươi bảy là vô sở niệm huệ nhập và Cõi Trời thứ hai mươi tám là bất tưởng nhập.

Đức Phật dạy: Chẳng có nơi nào mà ta không thấy biết, nhưng chỉ có Niết Bàn là an lạc tột bậc.

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Oai thần của Phật không chỉ làm cho đại địa chấn động, mà còn khiến cho cả hai mươi tám từng Trời kia cũng rúng động mạnh. Đức Phật nhờ chánh tâm mà được như vậy.

Đức Phật bảo A Nan: Sau khi Ta nhập Niết Bàn rồi, những Kinh Giới Pháp, Sư Pháp, mà A Nan đã nghe từ miệng Phật, A Nan nên nói rằng: Tôi nghe pháp này từ miệng của Đức Phật. Hãy nói lại cho các Tỳ Kheo Tăng Đời sau như vậy. Này A Nan, không được cất giấu Kinh Phật, phải dốc sức nêu bày phổ biến, trong Kinh không có gì phải nghi ngờ.

Sau khi ta nhập Niết Bàn, các Tỳ Kheo hãy nên cùng nhau giữ gìn chánh pháp. Nếu có những Tỳ Kheo khác, dối muốn làm pháp Sư. Trong Kinh những kẻ đó không có giới cấm, nên bỏ chẳng nên giữ, vì nó hủy hoại Phật Pháp. Hoặc có các Tỳ Kheo khác tùy tiện thêm bớt Kinh Giới của Phật.

A Nan ngươi nên nói như vậy: Tôi từng theo Phật nhưng không nghe Đức Phật giảng nói Kinh Pháp này.

Tại sao lại tùy tiện thêm bớt Kinh Pháp của Phật?

Nếu có Tỳ Kheo không hiểu Kinh Phật thì nên hỏi Tỳ Kheo tôn lão là A Nan. Vì đã nhận biết đầy đủ về Kinh Giới của Phật, đã nghe chính từ miệng Đức Phật nói ra và nói cho các Tỳ Kheo Tăng nghe, chớ có thêm bớt. Nếu ai muốn thêm bớt Kinh Giới thì ngươi hãy sửa lại cho đúng. Điều là phi pháp thì hãy bỏ đi chớ dùng.

Này A Nan, nếu có người nói: Đức Phật không nói lời này, thì hãy nói với kẻ ấy: Tại sao ông muốn hủy hoại giới Kinh của Phật?

Hoặc có các Tỳ Kheo ngu si không hiểu giới Kinh thì nên hỏi các Tỳ Kheo tôn lão, Tỳ Kheo không được tức giận. Nếu có Tỳ Kheo không hiểu Kinh ấy, trong số đó có Tỳ Kheo biết Kinh Giới, biết những điều Phật dạy thì hãy nên tới đó mà học hỏi.

Nếu có Tỳ Kheo nghi ngờ đối với Kinh Giới đến hỏi Tỳ Kheo Tăng, thì nên nói với vị ấy: Ông theo thầy nào mà nghe như vậy?

Vị ấy tự nói tên của thầy mình.

Tỳ Kheo nói giới Kinh không được nghi: Đó không phải do Phật chỉ dạy ngăn cấm. Tỳ Kheo Tăng đều có mặt trong lúc kiết tập Kinh. Những Kinh nào ở trong cuộc kiết tập thì dùng, còn những gì ở ngoài sự kiết tập thì bỏ đi đừng dùng.

Ai không hiểu Kinh Giới, nên hỏi nơi nào có Trưởng Lão Tỳ Kheo thông suốt về Kinh Giới, sẽ đến đó để hỏi nghĩa Kinh. Khi hỏi Kinh không được nói đúng, sai.

Nếu ai có nghi ngờ, A Nan hãy giải thích: Chính tôi được nghe Đức Phật dạy.

Kinh không thuộc trong cuộc kiết tập, các Trưởng Lão Tỳ Kheo đã không nói thì bỏ đi chớ dùng. Các Tỳ Kheo nên nói cho đúng giới Kinh. Các Tỳ Kheo sau khi đã nói giới Kinh nên cùng nhau thọ trì.

Nếu có Tỳ Kheo nghi, nói rằng: Đó chẳng phải là Kinh Phật chân thật, và người ấy không thích Kinh thì các Tỳ Kheo nên trục xuất kẻ ấy ra ngoài. Khắp thiên hạ, từ trong lúa sanh ra cỏ, cỏ là thứ hủy hoại, lúa là chân thật, người ta phải nhổ sạch cỏ đi thì lúa mới chắc hạt.

Tỳ Kheo xấu ác không thích Kinh, không giữ giới, làm hư hoại các Tỳ Kheo tốt, thì Chư Tỳ Kheo nên nhóm họp lại để trục xuất kẻ ấy ra. Trường hợp có những vị Tỳ Kheo hiền thiện, thông hiểu Kinh Giới, thì các Tỳ Kheo nên đi đến chỗ Tỳ Kheo ấy để học hỏi, tu tập.

Đức Phật nói: Các Tỳ Kheo đã thọ trì, đã biết, đã học, khi truyền trao giới Kinh cho Tỳ Kheo nên nói: Lúc Đức Phật còn tại thế, đối với chốn kia, làng xóm kia, huyện kia, nước kia, bấy giờ có Tỳ Kheo kia cùng đi theo, Ngài đã giảng nói Kinh Giới này, vậy thọ trì Kinh Giới này không được lớn tiếng giận dữ cho rằng, không phải do Phật nói.

Những điều được nói ra nên dạy dỗ lẫn nhau, tôn trọng và cúng dường nhau, kẻ lớn người nhỏ hãy cùng nhau kiềm chế, không để Phật Bát Nê Hoàn rồi mà không tôn kính cúng dường nhau.

Nếu cùng tôn kính cúng dường nhau thì Chư Thiên và dân chúng hỗ trợ, hoan hỷ, tất cả đều được phước, có thể làm cho Kinh Phật được trụ thế lâu dài.

Sau khi ta nhập Niết Bàn A Nan nên nói: Ở chỗ kia có Tỳ Kheo thông hiểu Kinh, trì giới. Tỳ Kheo mới tu học này nên đến chỗ vị Tỳ Kheo Trưởng Lão hiểu Kinh kia để theo vị ấy thọ học Kinh Giới.

Các Tỳ Kheo mới tu học đến nghe Kinh Giới, không được nói rằng: Đây không phải là vị trì Kinh Giới của Phật mà hãy tôn kính cúng dường nhau. Nếu các Tỳ Kheo hòa hợp cùng nhau giữ đúng Giới Pháp thì bên ngoài có các hàng Thanh Tín Sĩ, các hàng Thanh Tín Nữ nghe các vị Tỳ Kheo Tăng hòa hợp giữ giới của Phật thì đều vui mừng lo cúng dường đồ ăn, y phục và thuốc men trị bệnh cho các Tỳ Kheo Tăng. Như vậy là Kinh Phật có thể được trụ thế lâu dài.

Tỳ Kheo Tăng nên hòa hợp, tôn kính và thừa sự nhau, trên dưới cùng nhau theo đúng giới pháp. Khắp nơi trong cõi người, các nẻo địa ngục, cầm thú, ngạ quỷ, do vì bất hòa cho nên rơi vào ba đường ác.

Các Tỳ Kheo thọ trì Kinh Giới nên hòa hợp, không được cùng nhau tranh chấp, cười nói cho rằng: Ta nhiều trí, ông ít trí. Dù trí nhiều, trí ít, tất cả đều phải tu hành.

Nếu Tỳ Kheo hòa hợp dốc thọ trì Kinh Phật, khiến cho chánh pháp được tồn tại lâu dài, làm cho người trong thiên hạ được phước, Chư Thiên nơi các Cõi Trời đều hoan hỷ. Không nên ở trong Kinh Giới mà lìa bỏ lời Phật dạy. Đối với lời Phật dạy, Tỳ Kheo đã thọ trì thì nên phụng hành.

Đức Phật bảo A Nan nên trở lại nước Ba Tuần.

A Nan thưa: Dạ vâng.

Đức Phật cùng Tỳ Kheo Tăng từ nước Phù diên đi đến nước Ba Tuần, dừng chân trong vườn Thiền đầu. Dân chúng của nước ba tuần gọi là Chư Hoa.

Dân chúng Chư Hoa nghe Phật đi tới đây, dừng chân trong vườn Thiền đầu, họ đều đến phía trước đảnh lễ Phật, rồi tất cả đều ngồi xuống.

Đức Phật thuyết giảng Kinh cho họ nghe. Bấy giờ có một người tên là Thuần. Cha của Thuần tên là Hoa Thị. Con của Hoa Thị lúc này vẫn còn ngồi lại, trong khi mọi người đã đi hết.

Một mình Thuần ở lại trong giây lát thì đứng dậy, đi nhiễu quanh Đức Phật ba lần, chấp tay thưa: Sáng mai mong Ngài cùng các Tỳ Kheo Tăng đến nhà con để thọ trai. Đức Phật yên lặng không trả lời. Thuần liền đến trước Đức Phật đảnh lễ, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi trở về nhà, trải tòa, thắp đèn để mời Phật và chư Tỳ Kheo.

Sáng mai, Thuần đi đến bạch với Đức Phật là đã chuẩn bị xong xuôi. Đức Phật đứng dậy ôm bát cùng với đông đủ các Tỳ Kheo đi đến nhà Thuần để thọ trai. Trong số các Tỳ Kheo đi theo, có một Tỳ Kheo có ý xấu, lấy nước uống trong bình bát đổ đi. Đức Phật liền biết và Thuần cũng thấy như vậy.

Đức Phật ăn xong, Thuần lấy một cái ghế nhỏ ngồi trước Đức Phật và bạch Phật: Con muốn hỏi một việc là khắp trên Trời dưới Trời, không ai có trí tuệ hơn Phật, vậy trong thiên hạ có mấy hạng Tỳ Kheo?

Đức Phật dạy: Có bốn hạng Tỳ Kheo:

Một, hành đạo thù thắng.

Hai, hiểu đạo, có thể giảng nói được.

Ba, nương nơi đạo để sống.

Bốn, làm ô uế đạo.

Sao gọi là Tỳ Kheo hành đạo thù thắng?

Đó là ý về đạo nghĩa của vị ấy thuyết giảng không thể nào kể xiết. Vị ấy thực hành đạo lớn, tối thắng không thể so sánh, đã hàng phục được tâm lo sợ, chế ngự các pháp, dẫn dắt thế gian. Đó là hạng Sa Môn hành đạo thù thắng.

Sao gọi là hạng Sa Môn hiểu đạo, có thể giảng nói được?

Đó là vị ấy nêu bày được điều cao quý thứ nhất của Đức Phật, lại còn phụng hành không có nghi ngờ, lại cũng có thể diễn nói đạo pháp cho người khác nghe. Hạng Sa Môn như vậy gọi là hiểu đạo có thể giảng nói được.

Sao gọi là hạng nương nơi đạo để sinh sống?

Đó là hạng luôn nhớ đến việc tự giữ gìn cho riêng mình, siêng năng học tập một mạch không lùi, chăm chăm không mỏi, nhưng bị người, pháp tự che lấp. Đó là hạng Sa Môn nương nơi đạo để sinh sống.

Sao gọi là hạng làm ô uế đạo?

Đó là hạng chỉ làm những điều mình ưa thích, ỷ lại vào tộc họ của mình, chuyên tạo hành vi ô trược làm khiến người khác bàn tán, chẳng nhớ lời Phật dạy, cũng không sợ tội lỗi.

Hạng Sa Môn như vậy là làm ô uế đạo. Kẻ phàm nhân nghe hạng người này cho là hàng đệ tử có trí huệ thanh tịnh. Vậy Sa Môn có người thiện, có người ác, không phải là cùng một hạng giống nhau. Người bất thiện thì bị người thiện chê bai. Thí như trong lúa có cỏ. Cỏ là xấu, lúa là tốt.

Những nhà trong thế gian có con xấu ác, một đứa con làm ảnh hưởng cả gia đình. Một Tỳ Kheo xấu ác làm bại hoại các Tỳ Kheo khác, khiến nhiều người cho các Tỳ Kheo đều là xấu ác.

Đức Phật dạy: Con người không nên cho nhan sắc, y phục là đẹp. Ý đoan nghiêm, thanh tịnh mới là đẹp. Con người không nên để cho hình tướng lừa dối.

Đức Phật dạy Thuần: Nếu ai cúng cơm cho Phật và Chư Tỳ Kheo Tăng, lúc chết được sanh lên Cõi Trời. Người hiểu biết Kinh thì trừ bỏ tâm dâm, tâm nóng giận và tâm si mê. Không nên vì một người mà chê trách tất cả mọi người.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần