Phật Thuyết Kinh Phật A Tỳ đàm Xuất Gia Tướng - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chân Đế, Đời Trần

PHẬT THUYẾT KINH

PHẬT A TỲ ĐÀM XUẤT GIA TƯỚNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

 Pháp Sư Chân Đế, Đời Trần  

PHẦN BA  

Thưa Cù Đàm! Giống như Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc lại có Ưu Bà Di tu hành phạm hạnh, vượt khỏi sự mong cầu, vượt khỏi lưới nghi chăng?

Này Độc Tử! Chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng phải ba, chẳng phải năm cho đến một trăm, mà là vô số Ưu Bà Di, ở trong giáo pháp này, đối với năm loại ràng buộc khác nhau, đều được giải thoát, hóa sanh, liền ở trong Niết Bàn, không còn thối lui, theo đúng lẽ sẽ không trở lại cõi này.

Thưa Cù Đàm! Ngoài Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc phạm hạnh, Ưu Bà Di phạm hạnh, có một Ưu Bà Tắc nào thọ năm dục lạc, ở trong giáo pháp này vượt thoát sự mong cầu, vượt thoát lưới nghi chăng?

Này Độc Tử! Chẳng phải một Ưu Bà Tắc, chẳng phải hai, chẳng phải ba, chẳng phải năm cho đến một trăm, mà có vô lượng, ở trong giáo pháp này.

Có nhiều vợ con ở nhà, tham đắm hương hoa, chuỗi ngọc, mặc quần áo đẹp, có dầu xoa thân, trang sức nhiều châu báu, sai khiến các nô tỳ, đều được thoát khỏi ba loại ràng buộc, làm giảm dâm dục, sân hận, ngu si, đạt được quả Tư Đà Hàm, chỉ còn một lần trở lại Thế Giới này, dứt hết các khổ đau.

Thưa Cù Đàm! Ngoài Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc phạm hạnh, Ưu Bà Di phạm hạnh, Ưu Bà Tắc thọ năm thứ dục lạc, có Ưu bàdi nào thọ hưởng năm thứ dục lạc, ở trong giáo pháp này, vượt thoát sự mong cầu, vượt thoát lưới nghi chăng?

Này Độc Tử! Chẳng phải một Ưu Bà Di, chẳng phải hai, chẳng phải ba, chẳng phải năm cho đến một trăm, mà có vô lượng, ở trong giáo pháp này, nuôi dưỡng con cái, sai khiến nô tỳ như trước.

Đều được giải thoát ba loại trói buộc, ngược dòng sanh tử, đạt tâm không thối lui, chắc chắn chứng thành Chánh Giác, bảy lần thọ thân ở cõi này, bảy lần sanh lên cõi Trời, lại làm thân người dứt hết các khổ.

Pháp của Sa Môn Cù Đàm thành tựu Chánh Giác như vậy, nếu các Tỳ Kheo đều được chứng đắc, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di tu phạm hạnh, Ưu Bà Tắc thọ dục lạc, Ưu Bà Di thọ dục lạc cũng đều được như vậy.

Thưa Thế Tôn! Giáo pháp như thế thì không thành tựu đầy đủ, vì pháp của Cù Đàm đã thành tựu Chánh Giác thì Tỳ Kheo đều chứng đắc, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc tu phạm hạnh, Ưu Bà Di tu phạm hạnh, Ưu Bà Tắc thọ dục lạc, Ưu Bà Di thọ dục lạc cũng được như vậy, nhờ đó giáo pháp của Cù Đàm mới được đầy đủ.

Thưa Cù Đàm! Hôm nay tôi muốn nói ví dụ: Này Độc Tử! Hôm nay chính là đúng lúc.

Đúng vậy, thưa Cù Đàm! Như Trời mưa nước chảy thành dòng.

Cũng vậy, Thế Tôn! Cù Đàm chỉ dạy tất cả nam, nữ, đồng nam, đồng nữ, hoặc già, hoặc trẻ, thuận theo Niết Bàn, trôi chảy theo dòng Niết Bàn, chảy đến tận nguồn Niết Bàn, tùy thuận nói Niết Bàn.

Kỳ lạ thay đấng khéo hiểu biết! Lạ thay bậc khéo nói pháp!

Thưa Cù Đàm! Nếu có Đạo Sĩ ngoại đạo xuất gia, hoặc đến, hoặc mong cầu, ở trong pháp tự nhiên được xuất gia, thọ giới Cụ Túc làm Tỳ Kheo, trong bao lâu thì được nương ở cùng chúng Tỳ Kheo?

Này Độc Tử! Nếu Đạo Sĩ ngoại đạo xuất gia, hoặc đến, hoặc mong cầu, ở trong pháp tự nhiên được xuất gia, thọ giới Cụ Túc làm Tỳ Kheo, thì nên nương vào Tỳ Kheo Hòa Thượng, trong bốn tháng mỗi ngày đều khoác Ca Sa để thử, rồi theo hai điều để suy xét Ta đã nói như vậy.

Thưa Cù Đàm! Nếu Đạo Sĩ ngoại đạo xuất gia, hoặc đến, hoặc mong cầu, ở trong pháp tự nhiên được xuất gia, thọ giới Cụ Túc làm Tỳ Kheo thì nên nương vào Tỳ Kheo Hòa Thượng, trong bốn tháng mỗi ngày đều khoác Ca Sa để thử.

Hôm nay con muốn không những nương theo bốn tháng, mà còn nương theo bốn năm, hôm nay con nguyện ưa thích ở trong pháp tự nhiên được xuất gia, thọ giới Cụ Túc làm Tỳ Kheo, con nương theo Thế Tôn để tu phạm hạnh.

Này Độc Tử! Nhưng trước đây Ta đã từng nói hai điều cứu xét.

Thưa Cù Đàm! Ngài đã nói điều đó.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo! Hãy độ Đạo Sĩ Độc Tử xuất gia, cho thọ giới Cụ Túc.

Đạo Sĩ Độc Tử đã ở trong giáo pháp, tự nhiên được xuất gia thọ giới Cụ Túc. Trưởng Lão Độc Tử sau khi thọ giới Cụ Túc được nửa tháng, mới đến học tuệ, nên học, nên quán sát, nên chí tâm, nên thấu hiểu. Các tuệ như vậy đã thấy, đã biết, đã hiểu và chứng đắc chánh pháp của Thế Tôn.

Lúc ấy, Trưởng Lão Độc Tử suy nghĩ: Ta đã học tuệ, nên học, nên quán sát, nên chí tâm, nên thấu hiểu, tất cả các tuệ này, đã thấy, đã biết, đã học, đã chứng đắc chánh pháp của Đức Thế Tôn. Hôm nay chính là đúng lúc ta nên đi đến chỗ Thế Tôn.

Trưởng Lão Độc Tử bèn đi đến chỗ Thế Tôn, đến nơi đảnh lễ chân Phật, lui ra đứng một bên, sau đó Trưởng Lão Độc Tử thưa Thế Tôn: Kính bạch Đức Thế Tôn! Con đã học tuệ, nên học, nên quán sát, nên chí tâm, nên thấu hiểu, tất cả các tuệ này, đã thấy, đã biết, đã học, đã chứng đắc chánh pháp của Đức Thế Tôn.

Lành thay! Xin Thế Tôn Giảng nói chánh pháp cho con, để con được gần gũi, không còn buông lung, cho đến chuyện cũ cũng không tái diễn.

Như vậy, này Độc Tử! Nên gần gũi hai pháp quán sát, tu tập hai pháp như vậy, nếu gần gũi, quán sát, tu tập, thì được tánh tuệ, biết rõ các tánh, biết vô số tánh, biết vô lượng tánh, hiểu vô lượng tánh.

Này Độc Tử! Nếu Tỳ Kheo sắp suy nghĩ: Vui thay! Ta lìa các dục, ta xa lìa các pháp ác bất thiện, có mong cầu, có lường tính, tịch tĩnh an lạc trụ vào Thiền thứ nhất là diệt trừ mong cầu, không còn lường tính, khiến đạt hỷ nên nhất tâm không còn mong cầu, không còn lường tính.

An trụ vào thiền thứ hai, xa lìa hỷ nên trụ trong xả, an trụ trong niệm thì biết rõ chứng được chánh đế, xả niệm an lạc. An trụ vào thiền thứ ba, lìa lạc, lìa khổ, diệt ưu, hỷ, không khổ không lạc, đều xả niệm thanh tịnh.

An trụ vào thiền thứ tư, từ, bi, hỷ, xả, Không vô biên xứ, thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Vui thay! Ta đã xa lìa ba loại trói buộc, đạt được quả Tu Đà Hoàn, xa lìa ba loại trói buộc rồi thì làm mỏng dâm dục, sân hận, ngu si.

Đắc quả Tư Đà Hàm, thành tựu các thần lực, nhãn căn thanh tịnh, ý căn thanh tịnh, ở nơi Bổn xứ, thoát khỏi sanh tử, dứt sạch các lậu, thành tựu như vậy, đầy đủ vô số năng lực thần thông, dùng một thân có thể làm thành vô lượng thân.

Dùng vô lượng thân làm thành một thân, có thể làm sáng, có thể làm tối, quán sát đầy đủ về các tuệ, đi qua đá, đi qua tường vách, đi qua bờ rào thân không bị chướng ngại, đi vào trong đất, giống như đi trong hư không, có thể xuất ra.

Có thể đi vào trong đất giống như vào ra ở trong nước, ngồi kiết già giữa hư không, bước đi giống như chim bay, Mặt Trời, Mặt Trăng có ánh sáng, nhưng tay có thể sờ nắm, cho đến thân bay lên cõi Phạm Thiên, dùng như ý thông thần túc thông, luôn được tự tại ở trong pháp môn có sự mong cầu.

Vui thay! Ta là Tỳ Kheo, nhờ tai thanh tịnh vượt hơn tai của người thường, nghe được hai thứ tiếng, hoặc Trời hoặc người, hoặc gần hoặc xa, tùy theo suy nghĩ liền được hiện tiền.

Đối với pháp môn nếu có mong cầu: Vui thay! Ta là Tỳ Kheo được biết mong cầu của chúng sanh khác, biết được người khác đã có tâm lường tính, tâm nhớ nghĩ, đều biết đúng như thật.

Có tâm mong muốn như vậy đều biết đúng như thật, tâm xa lìa tham dục, tưởng lìa dục như vậy đều biết đúng như thật, có dục lìa dục, có sân lìa sân, có si lìa si, tâm chánh niệm, tâm buông lung, tâm cao thượng, tâm thấp kém, tâm tịch tĩnh.

Tâm rất tịch tĩnh, tâm tạo tác, tâm không tạo tác, tâm giải thoát, tâm không giải thoát, như vậy đều biết đúng như thật, tùy tâm hướng đến điều gì đều có thể được như ý, đối với pháp môn có sự mong cầu.

Vui thay! Ta là Tỳ Kheo, có vô lượng phân biệt, nhớ nghĩ biết việc đời trước, như vậy một đời, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười. Hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi. Trăm đời, ngàn đời, trăm ngàn đời,vô lượng số kiếp quá khứ, hiện tại, vị lai như thế đều nhớ biết.

Như đã từng có chúng sanh tên đó…, lúc ấy ta ở chỗ đó… tên đó…, giòng họ như vậy, ăn uống như vậy, biết khổ vui như vậy, tuổi thọ như vậy, sống lâu như vậy, mong sống, chấm dứt như vậy, đã chết ở chỗ đó lại sanh ở chỗ kia, hoặc chết ở chỗ kia lại sanh ở chỗ này, như tướng mạo, như xứ sở, vô số phân biệt, nhớ biết việc đời trước tùy theo tâm đã hướng đến điều gì đều được như ý.

Đối với pháp môn đã có sự mong cầu: Vui thay! Ta là Tỳ Kheo, dùng mắt thanh tịnh vượt hơn mắt của người thường, thấy các chúng sanh khi chết khi sống, sắc đẹp sắc xấu, hoặc tăng hoặc giảm, hoặc hướng đến cõi thiện, hướng đến cõi ác, tùy theo việc, tùy theo nghiệp của chúng sanh, đều biết đúng như thật.

Những chúng sanh này thân đầy đủ nghiệp ác, miệng đầy đủ nghiệp ác, chê bai Thánh Hiền, tà kiến, đầy đủ nghiệp tà kiến. Do nhân duyên này, nên thân hoại mạng chung bị đọa vào đường ác, sanh trong Địa Ngục.

Lại nữa, các chúng sanh này thân đầy đủ nghiệp thiện, ý đầy đủ nghiệp thiện, không chê bai Thánh Hiền, có chánh kiến, đầy đủ nghiệp chánh kiến, pháp theo nhân duyên. Nhờ nhân duyên này, nên thân hoại mạng chung được hướng đến cõi thiện, sanh lên cõi Trời, tùy tâm hướng đến điều gì đều được như ý.

Đối với pháp đã có sự mong cầu: Vui thay! Ta là Tỳ Kheo, đã dứt sạch các lậu, tâm được vô lậu giải thoát, đạt được tuệ giải thoát, hoàn toàn chứng đắc pháp tự nhiên. Sự sanh của Ta đã hết, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong không còn trở lại đời sau nữa. Tùy tâm hướng đến điều gì đều được như ý.

Đối với pháp môn có sự mong cầu, đã giác ngộ pháp, hỷ lạc là bằng chứng tùy tâm hướng đến điều gì đều được như ý. Các Tỳ Kheo này đối với các pháp môn nên gần gũi hai pháp như vậy, nên quán sát, nên tu tập. Đã tu tập hai pháp này rồi, nên gần gũi quán sát, tu tập thì thành tựu tánh tuệ, tánh giác, đầy đủ vô số tánh tuệ, vô lượng tánh tuệ, vô lượng tánh giác.

Trưởng Lão Độc Tử nghe Đức Phật giảng nói xong, hết sức vui mừng liền đảnh lễ nơi chân Thế Tôn, từ tạ Đức Phật rồi lui ra.

Khi đó, Trưởng Lão Độc Tử đã chứng đắc pháp tối thắng bậc nhất, không còn buông lung, không còn phiền não, tâm được tự tại an trụ.

Nếu Thiện Nam đã muốn làm người cạo bỏ râu tóc, mặc áo hoại sắc, có niềm tin chân chánh, xa lìa hữu vi, hướng đến pháp vô vi để xuất gia, thì đây là pháp phạm hạnh thanh tịnh vô thượng, tự biết mình đã chứng được pháp,Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong không còn trở lại đời sau nữa, đều đã biết rõ.

Lúc này Trưởng Lão chứng đắc A La Hán, tâm được giải thoát.

Bấy giờ, chúng Tỳ Kheo ân cần mong muốn gặp Đức Thế Tôn, cúng dường Đức Thế Tôn.

Khi Trưởng Lão Độc Tử thấy chúng Tỳ Kheo, lại nói: Các Trưởng Lão muốn đi đến chỗ nào?

Tôi muốn đến chỗ Đức Thế Tôn, muốn gặp Đức Thế Tôn, muốn cúng dường Thế Tôn, mong các Trưởng Lão thưa cho tôi được kính lời đảnh lễ nơi chân Thế Tôn, thăm hỏi Ngài ít bệnh, ít não, đứng ngồi khinh an, đi đứng an vui.

Trưởng Lão Độc Tử nói tiếp: Tôi đã an lập nơi Đức Thế Tôn, tôi đã được an lạc lâu dài, lúc nào cũng an lạc, đệ tử của Thế Tôn nên làm như vậy, để cúng dường Thế Tôn. Tôi hoan hỷ làm, luôn hoan hỷ làm.

Các Tỳ Kheo cùng đi đến chỗ Phật, đến nơi, đảnh lễ nơi chân Phật, lui ra ngồi một bên.

Sau đó, các Tỳ Kheo thưa Phật: Kính bạch Đức Thế Tôn! Trưởng Lão Độc Tử đảnh lễ nơi chân Thế Tôn, thăm hỏi Ngài ít bệnh, ít não đứng ngồi khinh an, đi lại khí lực an ổn, không bị chướng ngại, luôn an lạc.

Trưởng Lão Độc Tử đã nói như vậy: Ở chỗ Đức Thế Tôn tôi đã được an lập. Từ lâu tôi đã tu tập theo Thế Tôn, tôi được an lạc, luôn luôn an lạc. Như vậy, những việc đệ tử của Thế Tôn nên làm là cúng dường Thế Tôn tôi hoan hỷ làm, luôn luôn hoan hỷ làm.

Này các Tỳ Kheo! Chư thiên đã nói việc này với ta trước rồi, các ông nói sau theo hành tri kiến nơi tuệ vô thượng của Như Lai, như vậy Tỳ Kheo ấy cũng là bậc đại thần lực, đại oai đức.

Khi đó, Đức Thế Tôn khen ngợi Trưởng Lão Độc Tử rồi nói: Nếu các Tỳ Kheo không đúng luật mà thi hành thì phạm Sa Để Sa La.

Nếu Đạo Sĩ ngoại đạo đến cầu xuất gia, Tỳ Kheo không cho ở chung, nhưng độ cho họ xuất gia, liền phạm Sa Để Sa La.

Thế nào là cho ngoại đạo ở chung?

Nếu có ngoại đạo đến cầu xin xuất gia, liền đến chỗ Tăng cầu xin ở bốn tháng, cúi đầu đảnh lễ đại chúng, con là ngoại đạo tên… dốc cầu giáo pháp của Như Lai đã giác ngộ, nên xin được xuất gia thọ giới Cụ Túc, làm Tỳ Kheo.

Con là ngoại đạo tên… xin được ở trong Chúng Tăng bốn tháng, nguyện xin đại đức Tăng thương xót cho con được ở bốn tháng. Thưa như vậy đến lần thứ hai, lần thứ ba.

Vị Thầy Yết Ma nên bạch chúng: Đại đức Tăng lắng nghe! Ngoại đạo tên là… dốc cầu giáo pháp của Như Lai đã giác ngộ, nên xin được xuất gia thọ giới Cụ Túc, làm Tỳ Kheo.

Ngoại đạo này tên là… xin Tăng cho ở bốn tháng, nếu Tăng thấy đúng thời, Tăng chấp nhận, nếu Tăng cho ngoại đạo tên là… được ở bốn tháng, bạch như vậy, nên làm Yết Ma: Đại đức Tăng lắng nghe! Ngoại đạo này tên là… dốc cầu giáo pháp của Như Lai đã giác ngộ nên xin được xuất gia, thọ giới Cụ Túc, làm Tỳ Kheo.

Ngoại đạo này tên là… xin Tăng cho ở bốn tháng, nếu Tăng cho ngoại đạo tên là… ở bốn tháng, các Trưởng Lão ai chấp nhận thì im lặng, ai không chấp nhận thì nói ra. Yết Ma lần thứ nhất, Yết Ma lần thứ hai, Yết Ma lần thứ ba đều như vậy. Tăng cho ngoại đạo tên là… ở bốn tháng, Tăng đã chấp nhận vì im lăng, việc này nên biết như vậy.

Người đó ăn uống hoặc làm việc Tăng, được Tăng phân cho thức ăn, nếu không làm việc của Tăng thì nên nói với người đó ông tự tìm thức ăn! Ngoại đạo này nên tự tìm thức ăn.

Các Tỳ Kheo mỗi ngày phải ba lần trước ngoại đạo chê trách như vậy: Ngoại đạo không có niềm tin cung kính, ngoại đạo phạm giới, ngoại đạo không biết hổ thẹn, ngoại đạo đọa lạc, ngoại đạo tà kiến. Trưởng Lão nên nói như vậy. Lúc đó nên tán thán năm loại công đức của các quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán.

Ngoại đạo nên nói: Đúng vậy! Thưa Trưởng Lão, ngoại đạo thật không có niềm tin cung kính, cho đến ngoại đạo thật tà kiến, kính xin Trưởng Lão cứu giúp cho con, kính xin Trưởng Lão cứu giúp con, thương xót con ở bốn tháng.

Được các Tỳ Kheo đồng ý rồi thì được xuất gia thọ giới Cụ Túc. Nếu ngoại đạo đến với hình tướng một Cư Sĩ cũng nên cho ở thử như vậy rồi mới cho xuất gia, thọ giới Cụ Túc.

Nếu ngoại đạo tuy có hiểu giáo pháp, cũng nên cho ở chung thử rồi mới cho xuất gia thọ giới Cụ Túc. Nếu ngoại đạo không trải qua sự ở chung thử như trên, thì không được độ cho họ xuất gia thọ giới Cụ Túc, nếu độ thì phạm Sa Để Sa La.

Đức Phật Thế Tôn được các chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, cung kính, tôn trọng cúng dường Đức Thế Tôn đã được lợi ích và viên mãn tâm nguyện, xa lìa tất cả các pháp ác.

Đầy đủ tất cả các pháp thiện, không ái nhiễm, không chấp thủ, xa lìa ngã, ngã sở, đối với tất cả các trí tuệ đều được tự tại, đoạn dứt các cõi, đoạn trừ không còn các phiền não, đã giải thoát với các khả năng giải thoát, chuyển đổi nẻo luân hồi sanh tử.

Các điều thiện làm tăng trưởng, các điều thiện trước hiện tiền nơi căn lành, khiến đạt được giải thoát, giáo hóa tự tại. Đức Phật thị hiện ở đời làm lợi ích cho chúng sanh. Đức Thế Tôn là con mắt là trí tuệ, là nghĩa, là pháp, là pháp tụ lớn, đối với ba loại chúng sanh.

Đức Phật là bậc Thầy dẫn dắt giáo hóa, khiến cho người khác cũng dẫn dắt, khiến cho người khác cũng làm Thầy, làm vị thương chủ lớn có thể nhận biết rõ đường lớn, đường nhỏ, có thể chỉ bày con đường lành, là Bậc Đại Y Vương, là vị đại hùng tối thắng trong loài người.

Là đấng Chuyển luân vô thượng, thọ thân sau cùng, là Sa Môn, đạt đến quả Sa Môn không cấu, không uế, sáng suốt thanh tịnh, thấu rõ khắp nơi, có thể dùng mắt sáng diệt trừ tối tăm, làm ánh sáng diệt trừ tối tăm, làm ánh sáng độ thoát biển sanh tử, người chưa an khiến cho được an, đầy đủ không ai sánh bằng.

Luôn ân cần với trí tuệ đầy đủ Vô thượng, đại dũng mãnh, đại thâu tóm, đại oai đức, đại hùng, đại thần, đại lực, đại dẫn dắt, Thế Tôn là bậc nhất, Thế Tôn là tối thượng, Thế Tôn thổi loa pháp, đánh trống pháp, dựng cờ pháp, treo phướn pháp, thắp đèn pháp, ngăn chặn đường ác.

Chỉ bày đường lành, trừ ác cho thế gian, ngăn che đường ác, khai mở đường chư thiên, chỉ bày con đường giải thoát, dùng oai lực của thần thông và oai lực của trí tuệ diệt trừ tất cả các tâm mê hoặc của hết thảy chúng sanh.

Tuôn mưa pháp hiển bày bốn vô úy, như mặt trời mới mọc, ánh sáng chiếu khắp thế gian, thu phục các ngoại đạo, đưa chúng sanh được sanh lên Cõi Trời và đạt quả giải thoát, tự độ và độ người, giải thoát cho mình và giải thoát cho người khác, làm an ổn cho mình và làm an ổn cho người khác, tự nhập Niết Bàn và làm cho người được nhập Niết Bàn.

Đức Phật Thế Tôn ở tại khu vườn rừng Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ.

Lúc ấy, có các Tỳ Kheo độ người xuất gia bằng cách nói Thiện lai, hoặc người đã xuất gia mà mặc y phục không chỉnh tề Đức Phật dạy: Tỳ Kheo không được độ người xuất gia bằng cách nói Thiện lai, nếu độ thì phạm Sa Để Sa La. Mười duyên khởi, hai mươi nhân duyên như trước đã giảng nói.

Đức Phật Thế Tôn… được cung kính cúng dường, cho đến… diệt các pháp ác. Đức Thế Tôn đang ở tại khu vườn rừng Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ. Lúc ấy, Tỳ Kheo truyền giới Cụ Túc cho người bằng cách nói Tam Quy Y.

Người đã thọ giới, oai nghi, y phục đều không tề chỉnh, khi đó có một Tỳ Kheo thiểu dục quở trách việc này: Vì sao những Tỳ Kheo này truyền giới Cụ Túc bằng cách nói Tam Quy Y, oai nghi y phục đều không tề chỉnh. Tỳ Kheo ấy, liền đem việc này bạch Đức Phật.

Đức Phật dạy: Tỳ Kheo không được truyền giới Cụ Túc bằng cách nói Tam Quy Y, như vậy là phạm Sa Để Sa La.

Đức Phật Thế Tôn… được cung kính cúng dường cho đến… diệt các pháp ác. Đức Thế Tôn ở tại khu vườn rừng Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ. Bấy giờ, có Tỳ Kheo truyền giới Cụ Túc cho người mặc y phục Cư Sĩ.

Lúc đó có một Tỳ Kheo thiểu dục quở trách việc này: Vì sao những Tỳ Kheo ấy lại truyền giới Cụ Túc cho người mặc y phục Cư Sĩ. Tỳ Kheo này, liền đem việc ấy bạch Đức Phật.

Đức Phật dạy: Tỳ Kheo không được cho người mặc y phục Cư Sĩ thọ giới Cụ Túc, như vậy là phạm Sa Để Sa La.

Đức Phật Thế Tôn… được cung kính cúng dường cho đến… diệt các pháp ác. Đức Thế Tôn ở tại khu vườn rừng Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ. Lúc đó, có Tỳ Kheo cho người đeo chuỗi anh lạc thọ giới Cụ Túc.

Lúc ấy, có một Tỳ Kheo thiểu dục quở trách việc này: Vì sao những Tỳ Kheo lại cho người đeo chuỗi anh lạc thọ giới Cụ Túc?

Tỳ Kheo ấy, liền đem việc này bạch Đức Phật.

Đức Phật dạy: Tỳ Kheo không được cho người đeo chuỗi anh lạc thọ giới Cụ Túc nếu cho người thọ giới Cụ Túc như vậy, thì phạm Sa Để Sa La.

Đức Phật Thế Tôn… được cung kính cúng dường cho đến… diệt các pháp ác. Đức Thế Tôn ở tại khu vườn rừng Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ. Lúc ấy, có Tỳ Kheo cho người không có nam căn giống người nữ thọ giới Cụ Túc.

Lúc đó, có một Tỳ Kheo thiểu dục quở trách việc này: Vì sao những Tỳ Kheo kia lại cho người không nam căn giống người nữ thọ giới Cụ Túc?

Tỳ Kheo ấy, liền đem việc này bạch Đức Phật.

Đức Phật dạy: Tỳ Kheo không được cho người không có nam căn thọ giới Cụ Túc, như vậy là phạm Sa Để Sa La.

Đức Phật Thế Tôn… được cung kính cúng dường cho đến… diệt các pháp ác. Đức Thế Tôn ở tại khu vườn rừng Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ. Bấy giờ, Tỳ Kheo cho người mật xuất gia thọ giới Cụ Túc. Người mật là người nam, tiếng nói như người nữ.

Lúc đó, có một Tỳ Kheo thiểu dục quở trách việc này: Vì sao những Tỳ Kheo lại độ cho người mật xuất gia, thọ giới Cụ Túc?

Tỳ Kheo ấy, liền đem việc này bạch Đức Phật.

Đức Phật dạy: Không được độ cho người mật xuất gia, thọ giới Cụ Túc nếu cho người mật xuất gia, thọ giới Cụ Túc như vậy là phạm Sa Để Sa La.

Đức Phật Thế Tôn… được cung kính cúng dường cho đến… diệt các pháp ác. Đức Thế Tôn ở tại khu vườn rừng Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ. Bấy giờ, Tỳ Kheo độ người mật xuất gia thọ giới Cụ Túc. Người mật là người có nam căn vô dụng.

Lúc đó, có một Tỳ Kheo thiểu dục quở trách việc này: Vì sao những Tỳ Kheo lại độ cho người mật xuất gia, thọ giới Cụ Túc?

Tỳ Kheo ấy, liền đem việc này bạch Đức Phật.

Đức Phật dạy: Không được độ cho người mật xuất gia, thọ giới Cụ Túc, nếu cho người mật xuất gia, thọ giới Cụ Túc như vậy là phạm Sa Để Sa La.

Đức Phật Thế Tôn… được cung kính cúng dường cho đến… diệt các pháp ác. Đức Thế Tôn ở tại khu vườn rừng Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ. Bấy giờ, Tỳ Kheo độ người không qua thời gian ở chung xuất gia thọ giới Cụ Túc.

Lúc đó có một Tỳ Kheo thiểu dục quở trách việc này: Vì sao những Tỳ Kheo lại độ người không qua thời gian ở chung xuất gia, thọ giới Cụ Túc?

Tỳ Kheo ấy, liền đem việc này bạch Đức Phật.

Đức Phật dạy: Không được độ người không qua thời gian ở chung xuất gia, thọ giới Cụ Túc, nếu độ người không qua thời gian ở chung xuất gia, thọ giới Cụ Túc như vậy là phạm Sa Để Sa La.

Đức Phật Thế Tôn… được cung kính cúng dường cho đến… diệt các pháp ác. Đức Thế Tôn ở trong vườn rừng Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ. Bấy giờ, có Tỳ Kheo độ người đã bị hoạn xuất gia thọ giới Cụ Túc.

Lúc đó, có một Tỳ Kheo thiểu dục quở trách việc này: Vì sao những Tỳ Kheo lại độ người bị hoạn xuất gia, thọ giới Cụ Túc?

Tỳ Kheo ấy liền đem việc này bạch Đức Phật.

Đức Phật dạy: Tỳ Kheo không được độ người đã bị hoạn xuất gia, thọ giới Cụ Túc, nếu độ người đã bị hoạn xuất gia, thọ giới Cụ Túc như vậy là phạm Sa Để Sa La.

Đức Phật Thế Tôn… được cung kính cúng dường cho đến… diệt các pháp ác. Đức Thế Tôn ở tại khu vườn rừng Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ. Bấy giờ, Tỳ Kheo độ người huỳnh môn xuất gia thọ giới Cụ Túc.

Người huỳnh môn có sáu loại:

Một là sanh.

Hai là đoạn.

Ba là noa.

Bốn là bất xúc.

Năm là tật.

Sáu là bán nguyệt.

Huỳnh môn sanh là gì?

Là người sanh ra không có nam căn.

Huỳnh môn đoạn là gì?

Là người bị cắt mất chủng tử.

Huỳnh môn noa là gì?

Là người bị bóp nát mất chủng tử.

Huỳnh môn bất xúc là gì?

Là người nếu không được người xúc chạm đến thì không có khả năng, được người xúc chạm thì mới có khả năng.

Huỳnh môn tật là gì?

Là người thấy người khác làm việc đó mới có khả năng.

Huỳnh môn bán nguyệt là gì?

Là người nửa tháng thành nam căn, nửa tháng không thành nam căn.

Lúc đó có một Tỳ Kheo thiểu dục quở trách việc này: Vì sao những Tỳ Kheo lại độ người huỳnh môn xuất gia, thọ giới Cụ Túc?

Tỳ Kheo ấy, liền đem việc này bạch Đức Phật.

Đức Phật dạy: Tỳ Kheo không được độ người huỳnh môn xuất gia, thọ giới Cụ Túc, nếu độ người huỳnh môn xuất gia, thọ giới Cụ Túc như vậy là phạm Sa Để Sa La.

Đức Phật Thế Tôn… được cung kính cúng dường cho đến… diệt các pháp ác. Đức Thế Tôn ở tại khu vườn rừng Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ. Bấy giờ, có Tỳ Kheo không thưa chúng mà độ người cho thọ giới Cụ Túc.

Lúc đó, có một Tỳ Kheo thiểu dục quở trách việc này: Vì sao những Tỳ Kheo không thưa chúng mà cho người thọ giới Cụ Túc?

Tỳ Kheo ấy, liền đem việc này bạch Đức Phật.

Đức Phật dạy: Tỳ Kheo không được không thưa chúng mà cho người thọ giới Cụ Túc, nếu không bạch chúng mà cho người thọ giới Cụ Túc như vậy là phạm Sa Để Sa La.

Đức Phật Thế Tôn… được cung kính cúng dường cho đến… diệt các pháp ác. Đức Thế Tôn ở tại khu vườn rừng Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ. Bấy giờ, có Tỳ Kheo không có Hòa Thượng mà cho người thọ giới Cụ Túc.

Lúc đó, có một Tỳ Kheo thiểu dục quở trách việc này: Vì sao những Tỳ Kheo không có Hòa Thượng mà cho người thọ giới Cụ Túc?

Tỳ Kheo ấy, liền đem việc này bạch Đức Phật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần