Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Hai Mươi Tám - Phẩm Hiện Nhũ Bộ Lực - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thích Bảo Vân, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH PHẬT BỔN HẠNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thích Bảo Vân, Đời Tống  

PHẨM HAI MƯƠI TÁM

PHẨM HIỆN NHŨ BỘ LỰC  

TẬP HAI  

Đức của Vua Hóa Lạc

Không sánh sức phước đức

Vua Trời ứng hóa thanh.

Các Trời ứng hóa thanh

Phước lực như Vua Trời

Không sánh sức công đức

Của Phạm Thiên bậc nhất.

Giả sử các Trời Phạm

Như Phạm lực bậc nhất

Sức công đức không bằng

Với vị Trời Đại Phạm.

Vô số không thể kể

Không bằng sức công đức

Của một vị Duyên Giác

Trăm ngàn muôn vạn ức

Không thể nào ví dụ.

Tam Thiên Đại Thiên Giới

Tất cả loài chúng sinh

Đức lực như Duyên Giác

Không bằng một Bồ Tát.

Tất cả sức phước đức

Loài chúng sinh mười phương

Đều khiến thành Bồ Tát

Sức phước đức đầy đủ

Không được sức công đức

Của một tướng Đức Phật

Trăm ngàn muôn ức ức

Không thể nào ví dụ.

Chư Phật ở quá khứ

Cùng Chư Phật vị lai

Và ta trong hiện tại

Đức lực đều bình đẳng

Âm bằng, xưng lượng bằng

Tướng bằng, phước đức bằng

Các pháp báo ứng bằng

Chỉ tuổi thọ không đồng.

Bấy giờ các Lực Sĩ

Cúi đầu lễ chân Phật

Quỳ thẳng, chắp tay bạch:

Bạch Đấng Trời trong Trời

Đã thấy sức bú mớm

Nghe đủ sức phước đức

Cúi xin được nghe lại

Sức trí tuệ của Phật.

Phật bảo các Lực Sĩ:

Người thích nghe, lắng tâm

Nay ta sẽ nói đủ

Sức trí tuệ của Phật.

Cõi Diêm Phù Đề này

Rộng bảy ngàn do diên

Hình đất có ba góc:

Phương Tây Cù Da Ni

Rộng tám ngàn do diên

Hình đất là vuông vức.

Phương Đông Phất vu đãi

Rộng chín ngàn do diên

Hình đất như trăng khuyết.

Phương Bắc Uất Đơn Việt

Rộng một muôn do tuần

Địa hình như trăng tròn.

Địa vực bốn phương ấy

Các cỏ cây, tre trúc

Đều dùng để làm bút,

Nước tất cả biển lớn

Sâu rộng dài ba trăm

Ba mươi sáu muôn dặm

Dùng nước hòa làm mực.

Núi Tu Di vào đất

Dưới đến mé Kim Cang

Cũng lại có ba trăm

Ba mươi sáu muôn dặm

Ngang mặt nước trở lên

Cũng lại có ba trăm.

Ba mươi sáu muôn dặm

Bốn phương bốn báu thành

Phương Bắc bằng vàng ròng

Phương Đông bằng bạc trắng

Phương Nam lưu ly xanh

Phương Tây bằng thủy tinh

Giống như núi Tu Di

Đều khiến thành lụa trắng

Viết hết bút cây cối

Cạn hết nước các biển

Ghi hết lụa trắng này

Không tả hết trí tuệ

Đệ tử Xá Lợi Phất

Nhật nguyệt sáng soi chiếu.

Ngàn cõi nước như thế

Ngàn mặt trời, mặt trăng

Bốn ngàn các địa vực

Ngàn Đông, Tây, Nam, Bắc

Ngàn núi chúa Tu Di

Và bốn ngàn Vua Trời

Ngàn Đế Thích Đao Lợi

Ngàn Vua Trời Đâu Thuật

Ngàn Vua Trời Cõi Diệm

Ngàn Vua Trời Hóa Lạc

Ngàn Trời Hóa Tự Tại

Và ngàn các Vua Trời

Gọi là ngàn Thế Giới

Ngàn Thế Giới như vậy

Đó gọi là tiểu thiên,

Ngàn ngàn tiểu thiên giới

Gọi đệ nhị trung thiên,

Đệ nhị trung thiên ấy

Đủ số một ngàn ngàn

Thì đó gọi tên là

Cõi tam thiên đại thiên.

Giả sử cõi tam thiên

Đại thiên Thế Giới ấy

Tất cả loài chúng sinh

Tuệ như Xá Lợi Phất

Đem sánh trí tuệ Phật

Gấp trăm và gấp ngàn

Muôn muôn ức ức lần

Không thể tính, thí dụ

Sức tuệ Phật như thế.

Các Phật thời quá khứ

Và các Phật vị lai

Như Ta là hiện tại

Tất cả đều bình đẳng

Bằng âm, bằng danh xưng

Bằng đức, bằng tướng hảo

Bình đẳng các báo ứng.

Bấy giờ các Lực Sĩ

Cúi đầu lễ chân Phật

Chắp tay, bạch Phật rằng:

Bạch Đấng Trời trong Trời

Đã thấy sức bú mớm

Nghe sức tuệ công đức.

Cúi xin Ngài giải thích

Sức thần túc của Phật.

Phật bảo các Lực Sĩ:

Người thích nghe, lắng lòng.

Thưa vâng, xin muốn nghe.

Phật bảo các tráng sĩ:

Xưa lương thực thiếu thốn

Người dân đều nghèo đói

Các đệ tử khất thực

Không thể tự nuôi thân

Ngồi thiền ý không định

Không thể tu pháp lành,

Thời đệ tử Mục Liên

Bèn tìm đến chỗ ta

Cúi đầu lễ chân Phật

Rồi lui sang một bên

Chắp tay bạch Phật rằng:

Nhớ xưa nghe Phật dạy

Đất này đều ăn được

Vì chúng sinh bạc phước

Đất màu mỡ chìm xuống

Sỏi, đá, cát nổi lên

Như con nay biết rõ

Đất màu mỡ ở dưới

Chúng sinh đáng thương xót!

Nay muốn lấy đất này

Đảo trên đem xuống dưới

Đảo dưới đem lên trên.

Ta liền quở Mục Liên:

Chớ nhọc làm việc ấy

Chúng sinh này đời trước

Không tu các gốc lành

Không có công đức kia

Xứng ăn đất màu mỡ.

Đệ tử Mục Kiền Liên

Dùng tay trái nâng lên

Đất tam thiên Thế Giới

Đặt trong bàn tay phải

Mang để ở cõi khác

Tất cả loài chúng sinh

Không loài nào hay biết

Cũng không tâm sợ hãi.

Cõi tam thiên Đại Thiên

Thế Giới như thế ấy

Tam thiên Thế Giới này

Đầy các loại chúng sinh

Thần lực như Mục Liên

So thần lực Phật thân

Thì trăm ngàn muôn ức

Không thể ví dụ được.

Dù chúng sinh mười phương

Thần lực như Duyên Giác

Thần lực các đệ tử

Và thần lực Phật thân

So sánh ý lực Phật

Trăm, ngàn muôn ức lần

Vô lượng không tính kể

Không thể ví dụ được.

Bấy giờ, các Lực Sĩ

Cúi đầu lễ chân Phật

Chắp tay bạch Phật rằng:

Bạch Đấng Trời trong Trời

Đã thấy sức bú mớm

Sức thần túc phước tuệ

Xin nói sức định ý

Giải thích cảnh giới ấy

Phật bảo các Lực Sĩ:

Người thích nghe, lắng tâm.

Thưa, chúng con xin nghe!

Phật bảo các Lực Sĩ:

Bốn phía núi Tu Di

Các rồng bay lên không

Đồng thời tuôn mưa lớn.

Khắp cùng bốn thiên hạ

Nước ở bốn phương ấy

Đều chảy vào biển cả

Phật đều phân biệt biết

Các giọt nước mưa này:

Trước rơi xuống nơi nào

Vùng nào, làng xóm nào

Nhà nào, vườn ruộng nào

Cây nào, cành nhánh nào

Hoa nào và trái nào?

Vì chảy vào biển cả

Của bốn phương vực này

Tất cả nước đã có

Sức định ý của Phật

Đều phân biệt biết được

Nguồn gốc các giọt nước

Từ nơi nó đã sa.

Đó là định ý Phật

Sức thần rất nhiệm mầu.

Các Phật đời quá khứ

Các Phật đời vị lai

Như nay ta nói pháp

Tất cả đều bình đẳng

Bằng âm, bằng xưng lượng

Bằng đức, bằng tướng tốt

Bình đẳng pháp báo ứng

Chỉ hai việc không bằng

Hình thể và tuổi thọ.

Tại sao lại không bằng?

Lúc người đời sống lâu

Vì thân người cao lớn

Phật cũng tùy thế tục

Sống lâu, thân cao lớn.

Người đời mạt chết yểu

Thân hình xấu, nhỏ con

Nên các Phật ra đời

Có hai điều không bằng.

Phật bảo các Lực Sĩ:

Ta đã vì các ông

Giảng nói giải thích đủ

Sức bú mớm của Phật

Sức phước đức, trí tuệ

Sức thần thông định ý

Các năng lực đã nói

Vào chiều tối hôm nay

Bị sức mạnh vô thường

Sẽ kích phá hoại diệt.

Những người như vậy thảy

Thế gian là vô thường

Tất cả loại có hình

Đều là pháp chia lìa

Diệt vong và tan hoại

Có thành ắt có hoại

Có sinh phải có chết

Có nhóm phải có tan

Có đứng phải có rơi.

Phật vì các Lực Sĩ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần