Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Hai Mươi Tám - Phẩm Hiện Nhũ Bộ Lực - Tập Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thích Bảo Vân, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH PHẬT BỔN HẠNH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thích Bảo Vân, Đời Tống
PHẨM HAI MƯƠI TÁM
PHẨM HIỆN NHŨ BỘ LỰC
TẬP MỘT
Phật nhập vào vô dư
Diệt đau đớn của thân
Cùng đệ tử La Hán
Rời thành Duy Da Ly
Đi qua các làng xóm
Khoan thai theo thứ lớp
Giác ngộ các chúng sinh
Khiến trồng gốc đức lành
Vì vô số chúng sinh
Hiển bày hạnh lành xưa
Độ thoát vô lượng số
Khiến uống vị cam lộ.
Lần đến thành Thành Hữu
Nơi Lực Sĩ sinh ra
Cùng với các đệ tử
Dừng nghỉ tại xứ ấy.
Cách nơi ấy không xa
Thành Câu Di Na Kiệt
Trong cửa thành có núi
Năm trăm Lực Sĩ nhóm
Cùng họp lại bàn luận:
Núi này chướng ra thành
Nên cùng họp sức dời
Tỏ chúng ta mạnh hơn
Để tiếng tăm đời sau
Trùm khắp cả bốn phương
Sức tinh tấn đầy đủ
Không lúc nào đứt đoạn.
Bàn rồi bèn ra thành
Đem voi, ngựa, trâu xanh
Mang dây thừng, cây gỗ
Cùng nhau đến dưới núi
Lập ra đủ mọi cách
Cột núi vào con vật
Tay thì nắm dây kéo
Dùng cây gỗ đẩy bồi
Cùng nhau lớn tiếng hô
Đồng thời xuất toàn lực
Tiếng lớn vang cả nước
Không thể lay động núi.
Phật dẫn các đệ tử
Thứ lớp đến chỗ này
Các Lực Sĩ thấy Phật
Tỏa ánh sáng màu vàng
Như ngàn Mặt Trời mọc
Ba mươi hai tướng mầu,
Thấy Phật họ mừng rỡ
Bỏ núi, đến chỗ Phật
Cung kính làm lễ Phật
Đi quanh phải ba vòng
Phật nhân đó hỏi họ:
Vì sao các tráng sĩ
Nhóm họp ở đây thế?
Họ cùng bạch Phật rằng:
Chúng con sống ở đây
Thuộc dòng họ Lực Sĩ
Núi này cản cửa thành
Chúng con cùng họp bàn
Muốn dời ngọn núi ấy
Khiến đường vào thành phẳng.
Hầu để tiếng mai hậu
Hiển bày sức Lực Sĩ
Nên dùng voi, gia súc
Và hết sức lực mình
Đã tận dụng phương tiện
Mà núi vẫn không lay.
Phật cùng với đại chúng
Đi đến chân núi này
Thu gọn lại y phục
Dùng tay trái nhấc núi
Để vào bàn tay phải
Rồi ném lên hư không
Lên mãi tận Trời Phạm.
Trong núi phát tiếng nói:
Thế gian đều vô thường
Các pháp đều vô ngã
Chỉ vô vi diệt khổ.
Núi từ trên hạ xuống
Trở về tay phải Phật
Phật dùng miệng thổi tan
Nát vụn ra thành bụi
Rồi lại gom nhóm lại
Trở lại ngọn núi cũ
Đem dời đến chỗ khác
Bấy giờ các Lực Sĩ
Thấy Thế Tôn Đại Sĩ
Lòng vô vàn mừng rỡ
Toàn thân đều nổi ốc
Lòng thêm cung kính Phật
Đến làm lễ chân Phật
Quỳ xuống, chắp tay bạch:
Thưa Đấng Trời trong Trời
Sức lực dùng vừa rồi
Là năng lực Nhũ bộ
Là năng lực thần thông
Hay định lực của đạo?
Phật bảo các tráng sĩ:
Lắng nghe lời ta nói
Tay trái ta nhấc núi
Đặt trong bàn tay phải
Ném lên hư không ấy
Là năng lực Nhũ bộ
Lên đến tận Trời Phạm
Trong núi phát tiếng nói
Thế gian đều vô thường
Tất cả đều vô ngã
Riêng vô vi diệt khổ.
Lại chắp tay bạch rằng:
Xin Đấng Trời trong Trời
Hoan hỷ giảng nói lại
Sức bú mớm cha mẹ
Thì có hạn lượng thôi.
Phật bảo các Lực Sĩ:
Các ngươi có muốn nghe
Sức Nhũ bộ Phật chăng?
Đáp rằng: Dạ muốn nghe!
Sức Nhũ bộ Thế Tôn.
Phật dạy: Hãy nghe đây!
Sức mười con trâu thường
Bằng một con trâu xanh,
Sức mười con trâu xanh
Bằng một con trâu mao,
Sức mười con trâu mao
Bằng một con độc giác,
Sức mười con độc giác
Bằng một con voi thường,
Sức mười con voi thường
Bằng một voi sổ sinh,
Sức mười voi sổ sinh
Bằng một con tả tượng,
Sức mười con tả tượng
Bằng một con hương tượng,
Sức mười con hương tượng
Bằng một đại đức tượng,
Sức mười đại đức tượng
Bằng một voi ngà chày,
Sức mười voi ngà chày
Bằng sức một long tượng,
Như sức mười long tượng
Bằng Lực Sĩ vai rộng,
Mười Lực Sĩ vai rộng
Bằng sức một Thiên tiết,
Mười Lực Sĩ Thiên tiết
Bằng một Trời Sĩ thừa,
Ba trăm hai mươi sĩ
Bằng một lóng tay Phật.
Sức bú mớm cha mẹ
Sức bú mớm của Phật
Trạng thái giống như vậy.
Các Đức Phật quá khứ
Và các Phật vị lai
Và hiện nay như Ta
Tất cả đều bình đẳng.
Bình đẳng âm thanh xưng
Bình đẳng lượng tướng tốt
Bình đẳng phước báo ứng
Bình Đẳng Giác trí tuệ
Bình đẳng giới định ý
Chỉ hai việc không bình
Hình tướng và tuổi thọ.
Bấy giờ các Lực Sĩ
Cúi đầu lễ chân Phật
Chắp tay bạch Phật rằng:
Nay thấy sức bú mớm
Cha mẹ của Thế Tôn
Nguyện rủ lòng xót thương
Giảng nói chúng con nghe
Phước lực công đức Phật.
Phật bảo các Lực Sĩ:
Người muốn nghe, lắng tai!
Thưa chúng con muốn nghe
Phật bảo các Lực Sĩ:
Khắp cả Diêm Phù Đề
Sức phước đức chúng sinh
Sánh với một phía thành,
Sức Chuyển Luân Thánh Vương
Sức phước đức gốc lành
Gấp thêm trăm và gấp ngàn
Không được so sánh nhau.
Vua Chuyển Luân hai phương
Vua Chuyển Luân ba phương
Vua Chuyển Luân bốn phương,
Thiết luân một phương hiện
Đồng luân hai phương hiện
Ngân luân ba phương hiện
Kim luân bốn phương hiện
Bánh xe có ngàn căm
Bảy báu xen lẫn nhau
Chiếu sáng như mặt trời.
Sức phước đức hai phương
Ví như trước đã bồi
Vua phước lực ba phương
Cũng dụ kiến hiểu vậy
Phước lực Vua bốn phương
Dụ để chúng sinh hiểu,
Sức phước đức chúng sinh
Trăm lần, ngàn muôn lần
Kể sức công đức ấy
Không bao giờ ví được.
Giả sử khiến bốn cõi
Tất cả loài chúng sinh
Đều là Vua Chuyển Luân
Hợp sức phước đức này
Tất cả sức công đức
Của bốn vị Vua Trời
Trăm ngàn, hàng ức muôn
Không bao giờ ví được.
Người khắp bốn Vua Trời
Đều làm bốn Vua Trời
So sánh sức phước đức
Của Vua Trời Đế Thích
Trăm ngàn, hàng ức muôn
Không thể ví dụ được.
Các vị Trời Đao Lợi
Đức như Trời Đế Thích
Không sánh Vua Trời Diệm
Tất cả sức công đức
Trăm ngàn muôn ức lần
Không thể ví dụ được.
Giả sử các Trời Diệm
Phước như Vua Trời Diệm
Không sánh sức phước đức
Của vị Vua Trời Gia.
Nếu có sức phước đức
Khiến các Trời Đâu Thuật
Đức như Vua Trời này
Không sánh sức công đức
Của Vua Trời Hóa Lạc.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phật Danh - Phần Bốn Mươi Hai
Phật Thuyết kinh đại Tập Hư Không Tạng Bồ Tát Sở Vấn - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Bốn Mươi Tám
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Năm - Kinh Tập - Chương Hai - Tiểu Phẩm - Kinh Pháp Bà La Môn
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Pháp Môn Căn Bản - Phần Sáu - Bậc A La Hán Iii