Phật Thuyết Kinh Phổ Diệu - Phẩm Hai Mươi Chín - Phẩm Khen Ngợi Phật
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH PHỔ DIỆU
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM HAI MƯƠI CHÍN
PHẨM KHEN NGỢI PHẬT
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo với nhóm tám vị Trời Thần Diệu, Đại Thần Diệu, Hoan Dự, Gia Hoan, Chiên Đàn, Đại Duyệt, Tịch Nhiên, Tịch Luật, Thiên Tử Cõi Trời Tịnh Cư: Phật lập đại hội chuyển pháp luân. Phật vì tất cả cho nên cứu giúp mười phương, không khiến cho bị dứt bỏ. Khai mở tâm ý chúng sinh, trải khắp thiên hạ mới đền đáp được ân Phật.
Đức Thế Tôn lại bảo Thiên Tử Thần Diệu: Nay Kinh này đặt tên là Phổ Diệu Đại Phương Đẳng, là điều đáng vui mừng của các Bồ Tát, khiến khắp các Cõi Phật đều được nghe.
Kinh này được truyền đến nơi nào, thì nơi ấy chói sáng. Đây chính là từ kim khẩu Phật nói ra nên phải mau thọ trì đọc tụng, là con mắt của Phật Pháp khiến cho lưu bố cùng khắp.
Nếu Bồ Tát khi học, nghe Kinh Pháp này, tâm người đó vững mạnh, tinh tấn phụng hành đạo Vô Thượng Chánh Chân, thì đó là cái học rất chân chánh.
Nếu có chúng sinh ưa thích sự vi diệu, trụ pháp Đại Thừa, không có tâm niệm nghi ngờ, hàng phục lưới ma, thì đọc tụng xong, chắc chắn đều đạt được quả vị Đại Thánh.
Các phái ngoại đạo dị học không hoành hành được. Khuyên giúp người học Kinh Điển mầu nhiệm này, thành tựu được đức lớn, đến với Đại Thừa.
Nếu có người hiền, nghe nói Kinh Phổ Diệu này, chắp tay tự quy y, thì liền bỏ được nguồn gốc của tám việc biếng nhác, thành tựu được tám công huân.
Những gì là tám?
1. Được dung mạo đoan nghiêm.
2. Được thế lực mạnh mẽ.
3. Được quyến thuộc đông nhiều.
4. Mau đạt được biện tài vô lượng.
5. Học nhanh được xuất gia.
6. Việc làm được thanh tịnh.
7. Được định tam muội.
8. Được trí tuệ sáng suốt, không điều nào là không rõ.
Đó là tám công đức.
Nếu có người nào vì Pháp Sư, trải tòa, đọc tụng Kinh này sẽ được tám chỗ ngồi.
Những gì là tám?
1. Được chỗ ngồi của Trưởng Giả.
2. Được chỗ ngồi của Chuyển Luân Vương.
3. Được chỗ ngồi của Thiên Đế Thích.
4. Được chỗ ngồi của Tự Tại Thiên.
5. Được chỗ ngồi của Đại Phạm Thiên.
6. Được chỗ ngồi của Bồ Tát.
7. Được chỗ ngồi của Như Lai.
8. Được chỗ ngồi của chuyển pháp luân, độ thoát tất cả.
Đó là tám chỗ ngồi.
Nếu có Pháp Sư giảng dạy pháp này, giả sử có người khen ngợi: Lành thay! Người đó sẽ được tám hạnh thanh tịnh.
Những gì là tám?
1. Lời nói và việc làm phù hợp, không mâu thuẫn.
2. Lời nói chí thành không luông dối.
3. Ở trong chúng hội chân thật, không dối lừa.
4. Nói ra điều gì mọi người tin theo không xa bỏ.
5. Lời nói dịu dàng không cộc cằn.
6. Tiếng nói êm ái giống như chim loan.
7. Thân tâm theo thời, âm thanh như Phạm Thiên. Người trong hội nghe, không ai là không lãnh thọ.
8. Âm vang như Phật, có thể làm vui lòng chúng sinh.
Đó là tám hạnh thanh tịnh.
Nếu có người ghi chép Kinh Phổ Diệu này trên thẻ trúc, lụa, không keo kiệt lẫn tiếc Kinh, không ôm lòng đố kỵ, mọi người khen ngợi, được ba mươi bốn hạnh, danh đức truyền khắp.
Nếu lại có người học Kinh Điển này sẽ được tám đại tàng.
Những gì là tám?
1. Được ý tàng, chưa từng quên bỏ.
2. Được tâm tàng, phân biệt Kinh Pháp, không chỗ nào là không hiểu.
3. Được vãng lai tàng, hiểu khắp tất cả các Kinh Pháp của Phật.
4. Được tổng trì tàng, đối với tất cả những điều đã nghe đều có thể phân biệt nhớ hết.
5. Được biện tài tàng, vì các chúng sinh tuyên dương Kinh Điển, tất cả đều vui mừng lãnh thọ.
6. Được pháp tàng, hộ trì chánh pháp.
7. Được tùy ý pháp tàng, chưa từng đoạn tuyệt giáo pháp Tam Bảo.
8. Được phụng hành pháp tàng, mau được pháp nhẫn vô sở tùng sinh.
Đó là tám đại pháp tàng.
Nếu có người nào thọ trì đọc tụng Kinh Phổ Diệu này thì được đầy đủ tám nghiệp.
Những gì là tám?
1. Thí nghiệp: Không có tâm keo kiệt, ganh ghét.
2. Giới nghiệp: Đầy đủ các nguyện.
3. Văn nghiệp: Tập hợp các trí tuệ đạt đến vị quán đảnh.
4. Tịch nghiệp: Siêng năng đối với tất cả định ý chánh thọ.
5. Kiến nghiệp: Có thể thấy đầy đủ được trí tam đạt.
6. Phước nghiệp: Tướng tốt đầy đủ, dạy bảo nước Phật.
7. Tuệ nghiệp: Vì mọi người thuyết pháp, theo bệnh cho thuốc.
8. Đại ai nghiệp: Vì mười phương trồng các gốc đức, không biếng nhác trong việc thọ trì pháp Phổ Diệu này.
Tâm tự nghĩ khiến cho tất cả chúng sinh đều mau đạt được pháp này. Do đức bổn ấy, lại được tám phước lớn.
Những gì là tám?
1. Thành phước đức lớn của Chuyển Luân Thánh Vương, thấy cảnh Niết Bàn kiến lập lòng tin thuần nhất.
2. Được làm Tứ Thiên Vương.
3. Được làm Đế Thích.
4. Được làm Viêm Thiên.
5. Được làm Thiên Tử Đâu Suất.
6. Được làm Vô Kiêu Lạc Thiên.
7. Được làm Hóa Tự Tại Thiên.
8. Được làm Như Lai, dứt các pháp bất thiện, đầy đủ các gốc thiện.
Đó là tám phước lớn.
Nếu có người thọ trì Kinh Phổ Diệu này, hoặc chí tâm nghe rõ suốt, ghi nhớ, thì được tám tâm thanh tịnh.
Những gì là tám?
1. Thường thực hành từ tâm, tiêu trừ sân giận.
2. Thường thực hành bi tâm, trừ các hoạn hại.
3. Thường thực hành hỷ tâm, tiêu trừ các sự không vui.
4. Thường thực hành xả tâm, trừ các sự kết trói dính mắc.
5. Tu hạnh Tứ Thiền, ở ngay nơi Cõi Dục mà được tự tại.
6. Hành Tứ Vô Sắc Định do mình mà được.
7. Được năm phép thần thông dạo chơi nơi các Cõi Phật, trừ các quái ngại, các nạn ngăn che.
8. Đạt được định ý mạnh mẽ, một mình dạo đi trong ba cõi.
Đó là tám tâm thanh tịnh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Bảy - Phẩm Trì Giới Ba La Mật đa - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Ma Câu
Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Quảng Tụ đà La Ni - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm đại đàn Công Năng
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Chín - Phẩm Hạnh - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Trì Tâm Phạm Thiên Sở Vấn - Phẩm Mười - Phẩm Chí Nguyện đại Thừa