Phật Thuyết Kinh Tát La Quốc

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Ma Già Đà Da Xá

PHẬT THUYẾT KINH TÁT LA QUỐC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Ma Già Đà Da Xá  

Thuở xưa, có nước lớn tên là Tát La, lãnh thổ rộng, là một vùng đất thiên nhiên tươi đẹp, dân chúng đông đúc, giàu có, an vui, phát triển mạnh. Thành quách, lầu gác, đường lớn, hẻm nhỏ, nhà cửa đều được trang trí bằng các châu báu năm màu trong Trời đất, lẫn lộn vàng bạc vuông tròn rất tinh xảo, cùng với những đường nét hoa văn rất đẹp.

Trong ao tắm quanh thành có hoa sen mọc, lại có vịt trời, chim nhạn, uyên ương, tu hú, chim di la, khổng tước, anh võ, chim cốc cất cánh bay theo nhau đều ở trong ao, ngày đêm đậu nghỉ cùng nhau hót rất hay. Nam, nữ vui chơi, ca hát, trổi các nhạc cụ không biết chán.

Niềm vui không thể nói hết được. Dân chúng ở đó tự kiêu, tự mạn, không biết pháp Phật, người người đều tự thỏa mãn cho thiên hạ không ai bằng mình.

Bấy giờ, Phật ở tại vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ. Phật thấy nước này hưng thịnh, dân chúng vui chơi như vậy, không nghĩ tới khổ, sinh tử, vô thường, chỉ ham muốn vào sắc và các việc xấu ác, không hiểu biết gì. Phật nghĩ đến nước ấy, thấy sự sinh tử càng thêm nhiều, nếu không thực hành bằng phương tiện khéo léo của trí tuệ, làm sao có thể độ được.

Phật liền dùng phương tiện mở bày rõ tâm cho họ, các pháp có hình sắc đều tương ưng với không, tất cả những sướng vui đều tương ưng với khổ, dùng phương tiện khéo léo, tùy vào tâm họ, làm cho họ lìa xa những cái biết không đúng.

Phật hiện thần thông tam muội như ý, phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp soi tất cả, chấn động tám phương. Người, phi nhân, các Trời, Rồng, Quỷ Thần theo hầu ở sau. Đế Thích, Phạm thiên tay cầm lọng bảy báu hầu Phật.

Các đệ tử, Bồ Tát Di Lặc, Văn Thù, Mục Liên, La Vân, A Nan, Ly Việt, Xá Lợi Phất và vô số ngàn người cùng đi theo đến nước đó. Trăm loài chim chóc, cầm thú cùng hót, kêu vang. Các nhạc khí không đánh mà tự hòa tấu.

Các cây khô đều tự sống lại. Các loài sống dưới nước, nơi kênh, ngòi, sông, biển như rùa, ba ba, giãi, cá nhỏ đều vui mừng. Tam thiên Thế Giới đều chấn động mạnh, mặt đất mọc hoa sen lớn như bánh xe bằng ngọc báu lưu ly xen kẽ nhau, màu sắc rất đẹp, chói sáng mắt người.

Phật phóng ra ánh sáng chiếu khắp mọi nơi, các chỗ tối tăm, cực khổ đều được thông suốt, không có chướng ngại.

Khi ấy, Quốc Vương, Đại Thần, Trưởng Giả, Cư Sĩ, Thái Tử, cung phi, mỹ nữ nơi hậu cung cùng dân chúng lớn nhỏ trong nước đều kinh sợ, nghĩ: Hôm nay cớ sao lại có hiện tượng như vậy. Lâu nay sống tự tại trong cung hưởng thú vui năm dục, được những kỹ nữ vỗ về, sung sướng không ai bằng. Những điều trông thấy hôm nay thật là hiếm có ở đời.

Khi ấy, thần giữ đất từ dưới đất vọt lên, hiện ra trước cung điện Nhà Vua, khen ngợi công đức Phật: Đức Thế Tôn biến hóa ra ánh sáng, vượt quá ánh sáng của mặt trời, mặt trăng. Các Trời đều kính ngưỡng, Thích, Phạm đều tôn trọng.

Ngài đã đoạn trừ mọi cấu uế xấu xa ở đời, giải thoát cho người khỏi sinh tử. Người nào thấy Phật tội lỗi sẽ được tiêu trừ, người nào cúng dường Phật sẽ được phước vô lượng, gieo trồng căn lành, về sau sinh lên Cõi Trời, một khi đã phát tâm trí tuệ liền được vô lượng, có thể được gặp Phật, lãnh thọ được lời Phật dạy.

Nghe vậy, Nhà Vua chuyển đổi tâm ý, vui mừng, tự nghĩ: Như Lai đã hiện thần thông ở cõi nước của ta, chúng sinh sẽ được cứu độ, chẳng phải riêng mình ta.

Tất cả quần thần và những người khác, lúc này đều ra khỏi thành, lòng vui mừng hớn hở. Oai thần Phật đã làm cho cõi nước này bỗng nhiên có ánh sáng lớn, thông suốt vô biên. Vua và dân chúng đều đến gặp Phật.

Lành thay! Đúng là phước báo, tâm thiện đã sinh. Được thấy tôn nhan Phật, ánh sáng vàng rực làm rõ sức oai thần dũng mãnh, điềm lành, trang nghiêm, tướng tốt trong suốt, vắng lặng.

Vua và dân chúng đứng trước Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi đến trước Phật, thưa trình đầy đủ: Lâu nay, chúng con chìm đắm trong những ham muon xấu ác, bị tiếng hay sắc đẹp làm cho mê hoặc, không gặp được Như Lai để cúng dường, hầu hạ, thưa hỏi giáo pháp.

Phật bảo: Lành thay! Vua và thần dân, Thái Tử trong cung đều bình an không?

Vua thưa: Nhờ ơn Phật, tất cả đều bình an.

Phật nói: Vua tham mê sắc dục, buông thả không chán, thu thuế bằng những vật quý báu, tham mê những món ăn cao sang, mải mê vui chơi nơi vườn đẹp, ao tắm, không nghĩ gì đến vô thường thì chẳng có chút ích lợi nào cả.

Người bị dục trói buộc, không nghĩ đến đời sau, sẽ bị đọa vào cảnh giới địa ngục, súc sanh, mắc tội không cùng, bị lửa thiêu nướng, cho đến lúc thân hình tan rã, đói không được một bữa ăn, khát không có nước uống. Những nỗi sợ hãi, lo buồn, căm giận, xâm lấn nhau đều là do tâm trái nghịch, phạm vào điều ác.

Ở đời, tuy giàu sang ở ngôi vị cao quý, nhưng đều là vô thường như mộng mà thôi. Nghĩ đến thân mạng của mình là do nghiệp mình tạo ra, không lệ thuộc vào một người nào khác.

Nghe vậy, Nhà Vua đến trước Phật quỳ gối, thưa: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào để xa lìa tội này. Phật là Đấng Pháp Vương, là nơi quay về nương tựa của tất cả mọi người, Phật là Đấng Chí Tôn chân chánh, cho chúng sinh kính ngưỡng. Con nguyện vâng theo lời Phật dạy, để thoát khỏi khổ này.

Phật nói: Lành thay! Nhà Vua hãy có lòng tin sâu xa, lập thệ nguyện, thực hành bốn việc, mới có thể xa lìa được tội này.

1. Ban cho những gì mình có cho người mà không luyến tiếc.

2. Đối với sự ham muốn, sự tức giận, việc làm tổn hại, sự tham lam ăn uống… phải nên ít lại.

3. Nghe Phật Thuyết kinh, giới thì tin tưởng lãnh nhận thi hành, không phạm.

4. Tôn kính và tùy thuận vào Pháp Sư và bậc Thiện tri thức. Đó là bốn việc làm được có thể đem lại sự trong sáng cho mình.

Nhà Vua phát tâm, muốn lập đàn bố thí lớn, liền đến trước Phật, chắp tay đảnh lễ, thưa: Nguyện xin Thế Tôn thương xót đến cung của con thọ bữa cơm đơn sơ.

Phật im lặng nhận lời mời.

Nhà Vua trở về cung, nói lại cho các quan, hoàng thân, quyến thuộc: Phật là bậc khó gặp, còn hơn hoa Ưu Đàm Bát, nay đã được gặp nên phải thành tâm cúng dường. Đem các thứ hoa hương, cờ phướn, nhạc cụ, trang hoàng cung điện, quét dọn sạch sẽ, những con đường trong thành đều phải treo cờ phướn, lọng báu.

Nhà Vua còn ra lệnh cho Phu Nhân trong cung và dân chúng khắp nước đều phải sửa sang lại giường, tòa, lại bảo quan đầu bếp làm trăm món ăn thơm ngon, xong xuôi đâu đó, liền đi thỉnh Phật.

Đến nơi, Vua thưa: Bạch Thế Tôn! Mọi việc đã chuẩn bị xong, nguyện xin Thế Tôn biết cho.

Phật biết đã tới giờ, ngay tại tòa ngồi hiện bày oai thần, làm cho đại chúng trong hội đều biết mà chuẩn bị. Bốn bộ đệ tử, trăm ngàn Trời, người và các Rồng Thần, Càn Thát Bà cùng quyến thuộc vây quanh và tất cả cùng theo Phật. Trời Tứ Thiên Vương đi đầu, Trời Thích, Phạm cầm lọng và Bồ Tát Đại Sĩ theo hầu Phật đi vào thành.

Phật vừa bước đến cổng thành, cả cảnh giới đó đều chấn động, những người mù, điếc, câm, ngọng, trúng độc, tật bệnh đều được trở lại đầy đủ, bình thường như cũ, đàn không hầu và các thứ nhạc khí không đánh mà tự tấu vang.

Phật phóng ra ánh sáng chiếu soi khắp cung điện, thành quách, nhà cửa, khiến cho tất cả đều trở thành lưu ly, trong ngoài thông suốt đều được thấy Phật.

Phật lên cung điện chính, ngồi trên Tòa Sư Tử. Vua và Thái Tử, thần dân trong nước tự tay bưng dọn và san sớt thức ăn cúng dường Phật và đại chúng. Dùng cơm xong, lau dọn và tẩy rửa cũng xong, tất cả mọi người đều ngồi im lặng, Nhà Vua lấy ghế nhỏ đến ngồi ở trước để nghe Phật thuyết giảng kinh.

Phật chuyển bánh xe pháp, thuyết pháp không thoái chuyển.

Nhà Vua vui mừng, đem áo trị giá ngàn vạn, hiếm có ở đời, cúng dường Phật: Chiếc áo tung lên, lơ lửng giữa hư không và biến thành lọng hoa che ngay trên Đức Phật, bảy loại châu báu giao nhau rũ xuống, từ châu báu này tỏa ra ánh sáng chiếu khắp vô số Cõi Phật trong mười phương.

Vua và thần dân, hậu cung, Thái Tử, Phu Nhân, mỹ nữ cùng vạn người khác, thấy sự biến hóa này đều rất vui mừng, phát tâm với đạo Chánh Đẳng Chánh Chân Vô Thượng.

Tám trăm Thiên thần đạt được pháp nhẫn vô sinh, năm ngàn vị Bồ Tát được quả vị bất thoái chuyển, vô số ngàn người căn lành và phước đức phát triển lên thêm, sau khi qua đời được sinh lên Cõi Trời.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Nhà Vua này đã hầu hạ, cúng dường của cải, châu báu cho năm trăm vị Phật, thực hành hạnh từ bi, tôn trọng pháp không mệt mỏi, vào đời vị lai sẽ được làm Phật, hiệu là Như Lai Tuệ Quang, Bậc Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác.

Dân chúng và các Phu Nhân trong nước, nương nhờ phước đức này cũng sẽ được thành Phật.

Nghe Phật thọ ký, Nhà Vua vọt lên hư không, hiện thân cách mặt đất một trăm bốn mươi trượng, rồi từ trên không, hạ xuống, khen ngợi công Đức Phật: Phật là Bậc Chí Tôn, làm bóng cây cho chúng sinh, phước đức ấy các Cõi Trời cũng đều được che phủ. Tám ngàn người trong nước nghe Phật thọ ký cho Vua, đều phát tâm trong sạch, nguyện làm Bồ Tát.

Phật giảng nói Kinh xong, tất cả chúng hội, người và phi nhân ai nấy cũng đều vui mừng. Thế Tôn đã khéo dùng phương tiện giáo hóa như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần