Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Bốn Mươi Tám - Phẩm không Hòa Hợp
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
PHẨM BỐN MƯƠI TÁM
PHẨM KHÔNG HÒA HỢP
Đức Phật bảo Tôn Giả Tu Bồ Đề: Có người thích nghe và thọ trì bát nhã Ba la mật, nhưng vì Pháp Sư thân thể mệt nhọc không thể nói, nên biết đây là việc ma.
Hoặc vị Pháp Sư thân thể khỏe mạnh muốn thuyết pháp nhưng người nghe pháp lại bị lệ thuộc vào duyên sự khác, mỗi bên đều tự phân tán, nên biết đây là việc ma.
Tu Bồ Đề! Người nghe Kinh muốn ghi chép bát nhã Ba la mật, nhưng Pháp Sư muốn đến chỗ khác, đây là do việc ma. Pháp Sư muốn được cúng dường chỗ nằm ngồi, ẩm thực, thuốc men, y phục, nhưng người thọ Kinh lại thiểu dục tri túc, tâm tịch tĩnh không biết cúng dường. Hai bên không hòa hợp, đây là việc ma.
Tu Bồ Đề! Vị Pháp Sư thiểu dục tri túc, giữ giới không tham, tâm trí thường tinh tấn, thích thiền định nhưng người thọ trì Kinh không biết đủ, tham cầu cúng dường, nên hai bên không hòa hợp, đây là do việc ma.
Tu Bồ Đề! Vị Pháp Sư thích ở chốn thanh tịnh, tu tập mười hai hạnh Đầu Đà, nhưng người thọ trì không thể ngồi yên, lại không phụng hành được mười hai hạnh Đầu Đà.
Hoặc người thọ trì Kinh có thể một mình ở chốn thanh tịnh, hành trì mười hai hạnh Đầu Đà, nhưng Pháp Sư vĩnh viễn không có ý nghĩ này. Cả hai không hòa hợp, nên không ghi chép học tập được, đây là do việc ma.
Tu Bồ Đề! Người thọ trì Kinh tinh tấn có tín tâm, phụng hành giới luật đúng pháp, thích ứng với bát nhã Ba la mật, nhưng Pháp Sư đa dục không thể giữ giới.
Hoặc vị Pháp Sư tinh tấn có tín tâm, thích hành trì luật, giữ gìn cấm giới, thực hành bát nhã Ba la mật, nhưng người thọ trì Kinh phần nhiều hủy hoại giới luật nên cả hai không hòa hợp, đó là do việc ma.
Tu Bồ Đề! Vị Pháp Sư không mong cầu, thích bố thí cùng với chí nguyện rộng khắp. Nhưng người thọ Kinh đa cầu, tham muốn luyến tiếc, ý chí hạn hẹp, cho nên cả hai không hòa hợp.
Hoặc người thọ Kinh không tham muốn, thích bố thí, không luyến tiếc chí nguyện vô ngại, nhưng Pháp Sư lại tham cầu không dừng, tâm ý hẹp hòi, nên cả hai không hòa hợp, đây là do việc ma.
Tu Bồ Đề! Người thọ Kinh muốn cúng dường tất cả vật cần dùng cho vị Pháp Sư, nhưng Pháp Sư không chịu nhận cho nên không được học tập thọ trì bát nhã Ba la mật.
Hoặc vị Pháp Sư hy vọng cúng dường y phục cần dùng, nhưng người thọ Kinh lại liêm khiết, giữ tiết độ, không chú trọng lợi dưỡng, nên không hòa hợp, đây là do việc ma.
Tu Bồ Đề! Vị Pháp Sư hiểu rõ Kinh Điển, trí tuệ biện tài dõng mãnh, nhưng người thọ trì Kinh thì căn cơ ám độn, trì trệ không hiểu được nghĩa lý.
Hoặc người thọ Kinh lại thông minh thấu đạt, trí tuệ biện tài, tỏ ngộ nghĩa lý sâu xa, nhưng Pháp Sư lại ám độn không thấu đạt nghĩa lý Kinh, nên cả hai không hòa hợp, đây là việc ma.
Tu Bồ Đề! Vị Pháp Sư thông suốt mười hai Bộ Kinh, giải nói theo thứ lớp, không có chỗ sai sót. Nhưng người thọ trì Kinh không biết thứ lớp, chưa hiểu sự thuận nghịch.
Hoặc người thọ Kinh thông suốt, giải nói thứ lớp mười hai Bộ Kinh, biết sự thuận nghịch, nhưng Pháp Sư lại không hiểu được, tâm chí cả hai không hòa hợp, nên biết đây là do việc ma.
Tu Bồ Đề! Vị Pháp Sư đầy đủ sáu pháp Ba la mật nhưng người thọ Kinh không đầy đủ. Hoặc người thọ Kinh đầy đủ sáu pháp Ba la mật nhưng Pháp Sư không đầy đủ, nên cả hai không hòa hợp, đây là do việc ma.
Tu Bồ Đề! Vị Pháp Sư đầy đủ sáu pháp Ba la mật, gồm cả phương tiện quyền xảo, nhưng người thọ Kinh không có sáu pháp Ba la mật, lại không có phương tiện quyền xảo, cả hai không hòa hợp, đây là do việc ma.
Tu Bồ Đề! Vị Pháp Sư đắc pháp Đà La Ni, người thọ trì Kinh không đắc. Hoặc người thọ Kinh đắc pháp Đà La Ni, nhưng Pháp Sư không đắc, cả hai không hòa hợp, đây là do sự ma.
Tu Bồ Đề! Người thọ Kinh muốn ghi chép bát nhã Ba la mật để thành quyển Kinh, nhưng Pháp Sư không bằng lòng. Vị Pháp Sư thích chép Kinh, người thọ Kinh lại không muốn chép, cả hai không hòa hợp đây là do việc ma.
Tu Bồ Đề! Vị Pháp Sư trói buộc bởi tà kiến của năm ấm cái, nhưng người thọ Kinh thấy sự che đậy đó nên tâm ý cả hai không hòa hợp. Hoặc người thọ Kinh bị mê hoặc nơi năm ấm thì vị Pháp Sư đã diệt tận ấm cái rồi. Cả hai không hòa hợp, đây là việc ma.
Tu Bồ Đề! Khi viết bát nhã Ba la mật có người đến nói về sự khổ nạn dữ dội của ba đường ác.
Người đó nói rằng: Tôi có thể làm cho người ta lìa sự cần khổ đó, đâu cần phải dụng tâm học bát nhã Ba la mật. Đây là do việc ma.
Tu Bồ Đề! Nếu khi muốn viết bát nhã Ba la mật lại có người đến ca ngợi sự khoái lạc trên Cõi Dục, sự thọ hưởng năm dục, tự do ăn uống, y phục, âm nhạc tự nhiên.
Ở Cõi Sắc chỉ lấy thiền định làm vui làm thức ăn. Ở Cõi Vô Sắc lấy sự tịch tĩnh làm vui làm thức ăn. Từ cõi Tứ Thiền cho đến Cõi Trời Vô Hữu Tư Tưởng, Trời Vô Hữu Tư Tưởng Tuệ. Ba cõi tuy vui nhưng đều chi phối bởi khổ, không, vô ngã, vô thường, tất cả bị diệt tận không được lâu dài, chi bằng thọ pháp La Hán, Bích Chi Phật, chớ thích ba cõi mà chịu sinh tử, đây là do việc ma.
Vị Pháp Sư muốn ở một mình ở chỗ vắng vẻ yên tĩnh, người thọ Kinh ưa chốn ồn ào đông người. Hoặc vị Pháp Sư ưa chốn đông người, nhưng người thọ Kinh lại thích một mình tịch tĩnh, cả hai không hòa hợp nên biết đây là do việc ma.
Vị Pháp Sư thích nuôi nhiều đệ tử, ngược lại người thọ Kinh chỉ thích một mình. Hoặc người thọ Kinh thích đông người, Pháp Sư lại thích tịch tĩnh cả hai không hòa hợp, đây là do việc ma.
Vị Pháp Sư tự tôn trọng, muốn được tôn kính. Người thọ Kinh tâm kiêu mạn, không cung kính. Hoặc Pháp Sư không thích sống trong sự hiếu thuận, cung kính, nhưng người thọ Kinh lại thích thực hành sự cung kính, nên cũng không hòa hợp, đây là việc của ma.
Vị Pháp Sư khi viết bát nhã Ba la mật trong lòng ghi nhớ thọ trì, người thọ trì Kinh không bao giờ để tâm trí tới, nên không hòa hợp, đây là việc ma. Người thọ Kinh khi viết bát nhã Ba la mật lại sinh ý niệm muốn chuyển đổi bát nhã Ba la mật để được tài lợi, đây là do việc ma.
Vị Pháp Sư muốn đến chỗ nguy hiểm tánh mạng, thức ăn quý hiếm, người thọ Kinh không thích đi theo, cũng không hòa hợp, đây là do việc ma.
Vị Pháp Sư muốn đến chỗ phồn thịnh, thức ăn đầy đủ, người thọ Kinh thích đi theo, giữa đường vị Pháp Sư cản lại: Ngươi chỉ vì tham sự cúng dường nên theo ta. Ta biết trước sẽ không cho ngươi đi cùng. Người thọ Kinh thấy hiện tướng đó nên từ từ rút lui, đây là do sự ma.
Hoặc vị Pháp Sư nói những người thọ Kinh: Tôi muốn đến chỗ hoang vắng nơi đó có giặc cướp, thợ săn, hổ, sói, rắn, rít, trùng độc.
Ngươi có chịu theo ta đến chỗ khổ nạn ấy không?
Người thọ kinh nghe như vậy trong lòng lo sợ không vui, nghĩ rằng: Vì không muốn cho mình đi theo cho nên nói những điều quái lạ cản trở để mình không được học tập thành người thọ Kinh. Nên biết là do việc ma. Pháp Sư thường đến chỗ dạy bảo họp bàn, người thọ Kinh muốn đi đến chỗ đó.
Giữa đường Pháp Sư nói với người thọ Kinh: Tạm thời ta có việc qua chỗ khác, ngươi hãy về đi. Người thọ Kinh buồn rầu vì không được theo để nghe và thọ trì bát nhã Ba la mật, đây là do việc ma.
Lại nữa, Ma Ba Tuần có nhiều mưu kế, muốn mặc pháp phục Sa Môn để phá hoại, nhiễu loạn, không muốn cho người học tập, thọ trì bát nhã Ba la mật.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao Ma Ba Tuần thường mặc pháp phục Sa Môn để phá hoại nhiễu loạn, không muốn có người học tập bát nhã Ba la mật?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Ma Ba Tuần mặc pháp phục Sa Môn, muốn phá hoại ly gián người học bát nhã Ba la mật, nói với người đó rằng: Hãy nghiên cứu suy xét giáo pháp của ta, chớ trong Kinh của ngươi chẳng phải bát nhã Ba la mật.
Tu Bồ Đề, người chưa thọ ký nghe điều đó liền hồ nghi, nên không thọ trì bát nhã Ba la mật, đây là do việc ma.
Tu Bồ Đề! Ma Ba Tuần lại giả làm hình tướng Tỳ Kheo nói với người học bát nhã Ba la mật: thiện nam, thiện nữ, người học tập, thọ trì, đọc tụng bát nhã Ba la mật sẽ giải thoát, đắc Tu Đà Hoàn, La Hán, Bích Chi Phật. Làm được việc này rất khó, đừng học tập, thọ trì, ghi chép bát nhã Ba la mật nữa. Đó là việc ma.
Tu Bồ Đề! Khi thuyết bát nhã Ba la mật sâu xa này thường gặp ma sự khởi lên để cho đoạn tuyệt, vì vậy nên biết rõ những việc ma này.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm sao Bồ Tát biết ma sự khởi lên để xa lìa?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Giống như sáu pháp Ba la mật, người hiểu biết phải ủng hộ người kia xa lìa việc ma đó. Bồ Tát thường nên xa lìA La Hán, Bích Chi Phật và những điều nên thực hành trong Kinh Pháp đó.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Ma Ba Tuần ở các nơi Bồ Tát thuyết về nội không, ngoại không, hữu vô không, ba mười bảy phẩm trợ đạo, cho đến ba môn giải thoát. Điều đó chỉ là sở đắc của La Hán, đây là việc ma.
Ma Ba Tuần lại hóa làm Như Lai thân vàng ánh sáng chói khắp đến chỗ các Bồ Tát làm cho các Bồ Tát vọng tưởng, khi vọng tưởng thì đối với trí nhất thiết sẽ tổn giảm, nên biết đây là việc ma.
Tu Bồ Đề! Ma Ba Tuần lại giả làm Phật có chúng Tỳ Kheo tùy tùng, đến chỗ thiện nam, thiện nữ làm cho thiện nam, thiện nữ vọng tưởng: Đời sau ta cũng được thân như vậy, ở giữa các đệ tử Thuyết Pháp như ngày nay. Khi vọng tưởng thì trí nhất thiết sẽ tổn giảm.
Ma Ba Tuần lại hóa làm vô số trăm ngàn Bồ Tát thực hành sáu pháp Ba la mật, xuất hiện trước thiện nam, thiện nữ làm cho họ thấy để vọng tưởng. Ai vọng tưởng thì trí nhất thiết sẽ tổn giảm, đây là việc ma.
Vì sao?
Tu Bồ Đề! Vì trong bát nhã Ba la mật không có năm ấm, cho đến với đạo quả cũng không thật có. Không có năm ấm cũng không có đạo quả, không có Phật Pháp và chúng đệ tử, vì các pháp đã đoạn tận không thật có.
Tu Bồ Đề! thiện nam, thiện nữ khi ghi chép hoặc đọc tụng bát nhã Ba la mật, có nhiều sự cố khởi lên. Ví như nhà đại trưởng giả ở Diêm Phù Đề có nhiều vàng bạc, ngọc quý, lưu ly, trân bảo rất đẹp thì bị nhiều người ganh ghét. Thiện nam, thiện nữ thọ trì, đọc tụng Ba la mật cũng bị nhiều người ganh ghét một muốn phá hoại.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đúng như vậy. Gặp nhiều ma sự và nhiều người ganh ghét, vì những người đó ngu si ít trí tuệ, bị ma sai sử chuyên làm việc phá hoại người thọ trì học tập bát nhã Ba la mật. Đó là bọn phá hoại Phật Pháp, tâm họ trọn đời không muốn ở trong diệu pháp này.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Đúng như lời ông nói, bọn ngu si đó bị ma sai sử chuyên làm việc phá hoại. Đó là hạng người ngu si phá hoại chánh pháp. Vì là hạng tân học mới nghe không thấu đạt được, không tạo công đức lành vì không làm được nhiều công đức, không thân cận với các vị thiện tri thức, không cúng dường chư Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác thời quá khứ.
Tu Bồ Đề! Khi ghi chép, thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết, thực hành bát nhã Ba la mật không có trở ngại, ma sự không phát sinh, không có những tai nạn này thì đầy đủ sáu pháp Ba la mật, cho đến trí nhất thiết cũng không bị trở ngại.
Nếu thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng bát nhã Ba la mật thì đầy đủ năm pháp Ba la mật và trí nhất thiết, nên biết đây là Phật sự.
Hoặc đầy đủ nội ngoại không và hữu vô không, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng, mười Lực, đầy đủ trí nhất thiết, nên biết đây cũng là Phật sự. Chư Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác hiện tại trong mười phương đã làm Phật sự, giống như các thiện nam, thiện nữ hành trì bát nhã Ba la mật.
Bậc không thoái chuyển và các Đại Bồ Tát đang ở khắp mười phương đều ủng hộ trợ giúp thiện nam, thiện nữ hành trì bát nhã Ba la mật.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba