Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Bảy - Phẩm Bảy Bài Kệ - Chuyện Hoa Cỏ Kusa Biệt Hiệu Của Chó Rừng Tiền Thân Dabbhapuppha

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG BẢY  

PHẨM BẢY BÀI KỆ  

CHUYỆN HOA CỎ KUSA

BIỆT HIỆU CỦA CHÓ RỪNG

TIỀN THÂN DABBHAPUPPHA  

Này bạn A Nu, chạy tới ngay. Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về Upananda, một người của bộ tộc Thích Ca Sakya.

Vị ấy xuất gia theo giáo pháp, nhưng lại từ bỏ các hạnh tri túc và những đức hạnh khác nên trở thành tham lam. Ðầu mùa mưa, ông đến ở thử hai ba Tinh Xá, để lại một cái dù hay chiếc hài ở một Tinh Xá, và một chiếc gậy hay bình nước ở một Tinh Xá khác, rồi chính ông đến an cư ở một Tinh Xá khác nữa.

Ông bắt đầu trú mưa tại một Tinh Xá ở thôn quê và bảo: Chư Tỳ Kheo phải sống tri túc. Rồi cố ra vẻ như đang làm cho mặt trăng xuất hiện trên Trời, ông giải thích pháp môn đưa đến hạnh tri túc, tán thán đời sống tri túc với các nhu cầu tối thiểu.

Nghe lời ông, Tăng Chúng ném bỏ mọi y bát tốt đẹp, mang bát đất phấn tảo y y bằng giẻ rách, ông liền đem các thứ kia về tư thất của mình. Khi mùa mưa và lễ Tự Tứ Pavàranà đã xong, ông chất đầy một xe chở đến Kỳ Viên.

Trên đường đi, dừng lại phía sau một Tinh Xá trong rừng, ông lấy dây leo quấn hai chân và nói: Chắc chắn có thể kiếm được vài thứ ở đây. Rồi ông đi vào Tinh Xá.

Có hai Tỳ Kheo già đã an cư mùa mưa ở đó, họ kiếm được hai tấm y vải thô và một chiếc mền lông mịn, rồi chẳng biết phải chia chúng ra sao, họ hoan hỷ khi thấy ông đến, nghĩ thầm: Trưởng Lão này sẽ chia các vật dụng cho hai ta, liền nói: Này Hiền Giả, chúng tôi không thể chia các y phục dùng cho mùa mưa này được, chúng tôi có bàn cãi về việc này, xin Hiền Giả chia dùm chúng tôi.

Vị ấy bằng lòng, chia hai tấm y vải thô cho họ, còn ông lấy cái mền, và bảo họ: Vật này dành cho tôi là người biết giới luật. Rồi ông bỏ đi.

Hai Trưởng Lão này thích chiếc mền, liền cùng đi với ông đến Kỳ Viên và kể câu chuyện với Chư Tăng hiểu biết luật, rồi hỏi: Có đúng là những vị biết giới luật lại cướp bóc tài sản như vậy chăng?

Tăng Chúng thấy đống y bát do Tỳ Kheo Upananda đem đến, liền hỏi: Này Hiền Giả, Hiền Giả thật có đại phước đức, Hiền Giả đã tạo được nhiều thực phẩm và y phục thế kia!

Ông đáp: Này các Hiền Giả, tôi có phước đức gì đâu?

Tôi chỉ lấy được các thứ này theo cách như vậy như vậy. Rồi ông đem mọi chuyện kể ra hết cho mọi người nghe.

Tại Chánh Pháp Đường, Tăng Chúng nêu vấn đề thảo luận, bảo nhau: Này các Hiền Giả, Tỳ Kheo Upananda thuộc bộ tộc Thích Ca, rất tham lam tài vật.

Bậc Ðạo Sư thấy đề tài của các vị, liền bảo: Này các Tỳ Kheo, hành vi của Upannanda không phù hợp để tinh tấn. Khi một Tỳ Kheo giảng giải hạnh tinh tấn cho người khác thì trước tiên thì tự mình phải cho phù hợp rồi mới giáo giới người khác.

Giữ mình đúng mực trước tiên,

Rồi sau thuyết giảng, Bậc Hiền vị tha.

Bằng cách ngâm vần kệ Pháp cú này, Ngài giải bày giáo pháp và nói: Này các Tỳ Kheo, không phải Upananda chỉ tham lam lần đầu, mà xưa kia kẻ ấy cũng đã cướp bóc tài vật của loài khác nữa. Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa. Ngày xưa. Khi Vua Brahamdatta trị vì tại Ba La Nại, Bồ Tát làm một Thần cây bên bờ sông. Một con chó rừng tên Màyàvì, đã có vợ và sống một nơi gần bờ sông.

Một ngày kia, vợ nó bảo chồng: Này chàng, thiếp có một niềm ao ước, thiếp muốn ăn cá hồng rohita tươi.

Chó rừng đáp: Cứ yên lòng, ta sẽ đem cá tươi về cho nàng. Rồi nó ra phía con sông, quấn chân bằng dây leo đi dọc theo bờ. Lúc ấy có hai con rái cá tên Gambhìracàri và Anutìracàri đang đứng trên bờ rình bắt cá. Gambhìracàri chợt thấy một con cá hồng rohita lớn, liền nhảy xuống nước chụp lấy đuôi cá. Con cá quá mạnh vùng ra được lôi theo rái cá.

Nó liền gọi bạn: Con cá này to lắm, vừa đủ cho hai ta.

Rồi nó ngâm vần kệ đầu:

Này bạn A Nu, chạy tới ngay,

Ta cầu khẩn bạn giúp ta đây,

Ta vừa bắt cá này to lớn,

Song nó kéo ta mạnh thế này!

Nghe vậy, con kia ngâm vần kệ thứ hai:

Gambhi, bạn tốt số dường nào!

Móng vuốt bạn cầm vững mạnh sao!

Chẳng khác đại bàng câu rắn nước,

Ta câu cá nọ nhấc lên cao!

Sau đó cả hai rái cá kéo con cá hồng rohita đặt xuống đất và cắn nó chết xong, lại bảo nhau: Bạn chia cá ra nào. Rồi chúng cãi nhau nhưng không chia cá được phải ngồi xuống, và để cá nằm đó. Lúc ấy chó rừng vừa bước tới chỗ ấy.

Thấy chó, cả hai đều chào rất lễ phép và nói: Thưa Tôn ông có lông màu cỏ xám, con cá này do hai chúng tôi bắt được, rồi sinh chuyện cãi nhau vì chúng tôi không biết cách chia cá. Xin Tôn ông chia cá đều hai phần dùm cho.

Rồi chúng ngâm vần kệ thứ ba:

Một cuộc tranh giành giữa chúng tôi

Tôn ông mang áo xám kia ôi!

Xin ông ổn định dùm tranh chấp

Cho thật công bằng giữa cả đôi.

chó rừng nghe vậy, liền tự xưng anh hùng qua vần kệ:

Ta đã giải phân lắm cạnh tranh

Làm xong sứ mạng thật hòa bình,

Chư Tôn hãy để điều tranh chấp

Tại hạ công bình ổn định nhanh.

Ngâm vần kệ xong, chó chia cá và ngâm thêm vần kệ này:

A nu, hãy lãnh phần đuôi,

Còn chú Gam bhì, thủ cấp rồi,

Phần giữa dành cho ta xử kiện,

Trả công xứng đáng thế này thôi!

Như vậy, sau khi chia cá xong, chó rừng bảo: Các ông ăn đầu đuôi cá chứ đừng cãi nhau nữa. Rồi ngậm khúc giữa vào mồm, nó chạy bay trước mắt cặp rái cá.

Chúng ngồi ủ rũ, như thể vừa mất cả ngàn đồng tiền, rồi ngâm vần kệ thứ sáu:

Nếu không tranh cãi chuyện vừa rồi,

Chắc chắn là vừa đủ cá thôi,

Nay bị chó rừng mang hết thịt,

Chỉ còn để lại khúc đầu đuôi!

chó rừng rất hài lòng, nghĩ thầm: Nay ta đem cá hồng rohita về cho vợ ta, rồi nó đi tìm vợ.

Chó cái thấy nó đến, liền đon đả chào mừng và ngâm vần kệ:

Như Vua mãn nguyện được cầm quyền

Thâu gọn giang sơn trị nước yên,

Mãn nguyện ta nhìn chàng trở lại,

Ngậm đầy trong mỏ cá tươi nguyên!

Rồi nó hỏi chó rừng cách nào kiếm được mồi ngon qua vần kệ:

Chàng vốn sinh ra ở đất bằng,

Làm sao bắt cá giữa dòng sông?

Phu quân, chàng lập kỳ công ấy,

Cho biết vì sao, thiếp ước mong.

chó rừng ngâm vần kệ giải thích phương cách ấy cho vợ nghe:

Vì cạnh tranh nên chúng yếu dần,

Cạnh tranh làm chúng phải suy tàn,

Cạnh tranh, rái cá mất phần hưởng,

Vì vậy Màyà được miếng ngon.

Và một vần kệ khác nữa xuất phát từ trí tuệ tối thắng của Đức Phật:

Cũng vậy, tranh giành giữa thế nhân,

Tìm người xử kiện: Nó chia phần,

Gia tài của chúng suy tàn hết,

Công khố Nhà Vua được thịnh hưng.

Khi pháp thoại chấm dứt, Bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các sự thật và nhận diện tiền thân: Thời ấy, chó rừng là Upananda, hai con rái cá là hai người kia, và Thần cây chứng kiến câu chuyện chính là ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần