Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Bảy Mươi Hai - Phẩm Bồ Tát hạnh
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
PHẨM BẢY MƯƠI HAI
PHẨM BỒ TÁT HẠNH
Khi ấy Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát thực hành hạnh của Bồ Tát là làm những gì?
Phật dạy: Hạnh Bồ Tát là hành đạo nên gọi là Bồ Tát hạnh.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Thực hành Bồ Tát hạnh là thực hành chỗ nào?
Phật dạy: Bồ Tát đối với năm ấm là không, đối với nội ngoại pháp mà hành sáu pháp Ba la mật. Nội ngoại không, hữu vô không và hành bốn thiền, bốn vô hình thiền, bốn đẳng, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ba tam muội, mười lực của Phật, bốn vô sở úy, bốn vô ngại tuệ, mười tám pháp bất cộng, làm thanh tịnh Cõi Phật và giáo hóa chúng sinh, thể nhập văn tự, không thể nhập văn tự, các môn Đà La Ni.
Tánh hữu vi, vô vi. Làm các hạnh như trên mà không làm đạo có hai. Đó gọi là hành pháp không.
Tu Bồ Đề thưa: Vì sao gọi là Phật?
Phật dạy: Vì giác ngộ đạo nên gọi là Phật. Này Tu Bồ Đề, hiểu các pháp một cách đúng đắn và giác ngộ về các pháp nên gọi là Phật.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Vì sao gọi là giác?
Phật dạy:Vì hiểu rõ các pháp kh ông, pháp như và pháp tánh là chỉ dùng danh tự để gọi tên. Tu Bồ Đề, nghĩa của giác không thể đoạn trừ, an trụ một chỗ như vậy, không có biến đổi nên gọi là giác.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Chỉ dùng danh tướng nên gọi là Phật, đạo của Chư Phật nên gọi là giác, Chư Phật Thế Tôn đều cùng giác ngộ nên gọi là giác.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát hành đạo là thực hành sáu pháp Ba la mật và trí nhất thiết phải không?
Và thành tựu thiện pháp gì?
Tăng trưởng các công đức gì mà có sinh, có diệt, có chấp trước và xả bỏ?
Phật dạy: Bồ Tát hành đạo là thực hành sáu pháp Ba la mật cho đến trí nhất thiết. Đối với các pháp không thành, không hoại, không tăng, không giảm, không có chỗ chấp trước và xả bỏ.
Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật đối với các pháp không bị thoái đọa, đối với các pháp không có sự thành bại hay tăng giảm, cũng không sinh diệt, cũng không chấp thường hay đoạn.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu đối với các pháp, Bồ Tát không bị thoái đọa, không có chỗ quán sát thì làm sao thọ sáu pháp Ba la mật?
Với hành tướng không thì làm sao thực hành bốn thiền, bốn đẳng, bốn không định, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ba giải thoát môn, mười lực của Phật, mười tám pháp bất cộng, đại từ, đại bi, thập trụ Bồ Tát, vượt qua hai địa và vượt qua địa vị Bồ Tát?
Phật dạy: Bồ Tát không dùng hai việc thực hành sáu pháp Ba la mật, cũng không dùng hai việc thực hành trí nhất thiết.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát không lấy hai việc để thực hành sáu pháp Ba la mật và không lấy hai việc để thực hành trí nhất thiết thì làm sao từ khi mới phát tâm cho đến sau khi phát tâm được tăng trưởng công đức?
Phật dạy: Những người dùng hai việc trên thực hành thì công đức không được phát triển.
Vì sao?
Vì thực hành hai việc ấy nên kẻ phàm phu ngu si mới không được phát triển công đức. Bồ Tát từ khi phát tâm cho đến cuối cùng không lấy hai việc ấy nên phát triển công đức. Do đó, Chư Thiên và loài người không thể phá hoại Bồ Tát, làm cho Bồ Tát rơi vào hai địa và các điều ác khác, cũng không thể làm chướng ngại sự thực hành sáu pháp Ba la mật và trí nhất thiết của Bồ Tát.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Có phải vì công đức nên Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật không?
Phật dạy: Không vì công đức mà thực hành cũng không phải không có công đức mà thực hành bát nhã Ba la mật. Nhưng vì Bồ Tát phải cúng dường Chư Phật, phải thành tựu công đức của các thiện pháp, phải thân cận bạn lành thì mới thành tựu Chánh Đẳng Giác.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát làm thế nào cúng dường Chư Phật?
Thành tựu các công đức và thân cận bạn lành để đạt được trí nhất thiết?
Phật dạy: Bồ Tát từ lúc mới phát tâm thường phải cúng dường Chư Phật, thường phải thọ trì mười hai Bộ Kinh của Chư Phật đã thuyết, quyết chí giữ gìn niệm thì được pháp Đà La Ni, phát sinh vô ngại trí rồi thì sinh ra ở chỗ nào cũng được trí nhất thiết.
Không quên mất điều đã biết, điều đã giữ được về các công đức cúng dường Chư Phật, vĩnh viễn không sinh vào đường ác, tám nạn, tâm được thanh tịnh rồi làm thanh tịnh Cõi Phật và giáo hóa chúng sinh. Do công đức ấy mà hoàn toàn không xa lìa bạn lành, Chư Phật, các vị Bồ Tát, các bậc Chân Nhân và khen ngợi Chư Phật.
Như vậy, này Tu Bồ Đề! Nếu Đại Bồ Tát muốn thực hành bát nhã Ba la mật thì phải cúng dường Chư Phật, phải thành tựu công đức của các thiện pháp và phải thân cận bạn lành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phổ Diệu - Phẩm Năm - Phẩm Khi Sắp Sinh ứng Hiện Ba Mươi Hai điềm Lành
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh đại Duyên Phương Tiện
Phật Thuyết Kinh Vô Hy Vọng - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Chín Mươi Hai - Kinh Trẻ được Viên Thuốc
Phật Thuyết Kinh Pháp Thiền Bí Yếu - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Năm Mươi Ba - Phẩm Bổn Sinh Của Phật Thi Khí - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thiện Giới - Phẩm Bảy - Phẩm điều Phục