Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Mười Ba - Phẩm Hỏi Về Huyễn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Vô La Xoa, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Vô La Xoa, Đời Tây Tấn  

PHẨM MƯỜI BA

PHẨM HỎI VỀ HUYỄN  

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có người hỏi: Người huyễn bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ, học ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười tám pháp bất cộng và học trí nhất thiết thì sẽ được thành tựu trí nhất thiết không?

Chúng con sẽ trả lời cho họ như thế nào?

Đức Phật bảo Tu Bồ Đề: Ta hỏi lại ông, hãy theo ý mình mà trả lời.

Ông hiểu thế nào, năm ấm với huyễn có khác nhau không?

Sáu căn, sáu trần và mười tám giới với huyễn có khác nhau không?

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không khác.

Đức Phật nói: Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười tám pháp bất cộng, không, vô tướng, vô nguyện, đạo với huyễn có khác nhau không?

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không có gì khác cả, năm ấm tức là huyễn, huyễn tức là năm ấm. Mười hai xứ, mười tám giới, ba mươi bảy phẩm trợ đạo và mười tám pháp bất cộng đều là huyễn.

Phật bảo Tu Bồ Đề: Người huyễn còn bị trở ngại, còn bị trói buộc, còn sinh tử không?

Tu Bồ Đề đáp: Thưa không.

Phật hỏi: Tu Bồ Đề! Ông hiểu thế nào?

Người huyễn không sinh không tử, học bát nhã Ba la mật có thành trí nhất thiết không?

Tu Bồ Đề bạch Phật: Thưa không thể được.

Phật hỏi: Tu Bồ Đề! Ông hiểu thế nào?

Lấy danh tự hợp với pháp năm ấm, nên gọi là Bồ Tát phải không?

Tu Bồ Đề đáp: Thưa thật đúng như vậy.

Phật hỏi: Dựa vào tên gọi có thấy năm ấm sinh diệt được không?

Tu Bồ Đề đáp:Thưa, không thể thấy được.

Phật hỏi: Lại nữa, nếu không sinh không diệt, không tên gọi, không có hành nghiệp về thân ý, không bị lệ thuộc, không bị ràng buộc thì học bát nhã Ba la mật có thành trí nhất thiết không?

Tu Bồ Đề đáp: Thưa, không thể thành được.

Phật nói: Bồ Tát học bát nhã Ba la mật phải không có sự thủ đắc.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bồ Tát học bát nhã Ba la mật, học Chánh Đẳng Giác cũng như người huyễn. Vì năm ấm như người huyễn.

Phật nói: Vậy, ông hiểu thế nào?

Năm ấm học bát nhã Ba la mật có thành trí nhất thiết không?

Tu Bồ Đề thưa: Thưa không.

Vì sao?

Cái có của năm ấm cũng không thật có. Không thật có thì không thể thấy được.

Phật hỏi: Tu Bồ Đề! Theo ý ông thì thế nào?

Năm ấm như mộng, như tiếng vang, như sóng nắng, như huyễn hóa sẽ học bát nhã Ba la mật ư?

Tu Bồ Đề đáp: Bạch Thế Tôn! Theo ý con, không phải như vậy.

Vì sao?

Vì năm ấm, sáu căn như mộng, như huyễn, không thật có, không thể thấy được.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Người mới phát tâm Bồ Tát đại thừa nghe nói như vậy, họ sẽ không khiếp sợ bát nhã Ba la mật hay sao?

Phật nói: Bồ Tát mới phát tâm đại thừa chưa đạt phương tiện quyền xảo của bát nhã Ba la mật, nghe nói như vậy thì không thể thân cận bên thiện tri thức vì khiếp sợ.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bồ Tát phải hành những phương tiện quyền xảo nào để khỏi bị khiếp sợ?

Phật dạy: Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật nên dùng trí nhất thiết quán chiếu năm ấm vô thường, cũng không chấp vào năm ấm, đó là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật có phương tiện quyền xảo.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát dùng trí nhất thiết quán chiếu năm ấm là vô thường, khổ, không, vô ngã. Không, vô tướng, vô nguyện và tịch tĩnh, không rơi vào sự đắc với chấp trước đó là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật có phương tiện quyền xảo.

Bồ Tát sẽ nghĩ: Vì tất cả chúng sinh, ta sẽ thuyết giảng pháp vô thường, khổ, không, vô ngã. Không, vô tướng, vô nguyện và tịch tĩnh không có sự đắc, không nương cậy vào nó. Đó là bố thí Ba la mật của Bồ Tát.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát không dùng tâm La Hán, Bích Chi Phật để quán chiếu năm ấm là vô thường, khổ, không, vô ngã. Không, vô tướng, vô nguyện và tịch tĩnh, đó là trì giới Ba la mật của Bồ Tát. Vì vậy nên Bồ Tát không khiếp không sợ. Bồ Tát quyết tâm tu hạnh nhẫn nhục, đó là Bồ Tát nhẫn nhục Ba la mật.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát dùng trí nhất thiết quán chiếu năm ấm là vô thường…, nên không có sự thấy và sự chấp trước mà an trụ trí nhất thiết, đó là Bồ Tát hành tinh tấn Ba la mật, không dùng tâm La Hán hay Bích Chi Phật. Bồ Tát hành pháp này có người khác tạo điều kiện ác cũng không động tâm, đó là Bồ Tát hành thiền định Ba la mật, nên không khiếp sợ.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật nên quán như vậy: Không những năm ấm là không, không chính là năm ấm. Sáu căn, mười tám giới, ba mươi bảy phẩm trợ đạo cũng vậy. Vì thế nên Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, không khiếp, không sợ.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật phải nhờ những bậc thiện tri thức nào để được nghe giảng về hành bát nhã Ba la mật mà không khiếp sợ?

Phật bảo: Bồ Tát quán năm ấm là vô thường, khổ, không, vô ngã. Không, vô tướng, vô nguyện và tịch tĩnh nhưng không có niệm mong cầu thực hiện phước. Vị ấy không cầu ở quả vị La Hán, Bích Chi Phật, chỉ cầu trí nhất thiết, đó là Thiện trí thức của Bồ Tát. Vị ấy thuyết giảng sự tịch tĩnh của sáu căn, mười tám giới không có niệm mong cầu. Thực hiện công đức không mong cầu, vị ấy không dừng ở quả vị Thanh Văn hay Bích Chi Phật mà chỉ cầu trí nhất thiết, đó là thiện tri thức của Bồ Tát.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát niệm ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười tám pháp bất cộng, trí nhất thiết và Đạo, không có niệm mong cầu thực hiện phước. Vị ấy không mong cầu quả vị Thanh Văn hay Bích Chi Phật mà chỉ cầu trí nhất thiết, đó là thiện tri thức của Bồ Tát.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bồ Tát học bát nhã Ba la mật không có phương tiện quyền xảo bị ác tri thức nào khi nghe thuyết giảng bát nhã Ba la mật nên bị sợ hãi?

Phật nói: Bồ Tát không có trí nhất thiết nương bát nhã Ba la mật nên tự cao, vị ấy tu thiền định, tinh tấn, nhẫn nhục, trì giới và bố thí rồi chấp vào bố thí Ba la mật mà tự cao.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát không có trí nhất thiết quán trong ngoài của năm ấm, sáu căn, mười tám giới đến ba mươi bảy phẩm trợ đạo và mười tám pháp bất cộng đều không, rồi nương vào những pháp không ấy mà tự cao, đó là Bồ Tát không hành bát nhã Ba la mật với phương tiện quyền xảo nên nghe thuyết giảng bát nhã Ba la mật thì bị khiếp sợ.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Những hạng người nào là ác tri thức của Bồ Tát?

Phật nói: Đó là hạng người khuyên bảo Bồ Tát xa lìa sáu pháp Ba la mật, khuyên đừng nên học pháp này vì chẳng phải lời Phật dạy. Ở đây họ chỉ tu tập làm như vậy chứ không nghe thuyết giảng, không thọ trì đọc tụng, cũng không dạy cho người khác, đó là ác tri thức của Bồ Tát.

Bồ Tát còn có ác tri thức, cùng bàn về việc vui của ma.

Ma Ba Tuần giả dung nghi của Phật đến chỗ Bồ Tát khuyên vị ấy xa lìa sáu pháp Ba la mật, nói rằng: Thiện nam tử, người dùng sáu pháp Ba la mật này để làm gì. Nên biết đó là ác tri thức của Bồ Tát. Ma lại giả dung nghi của Phật đến bên Bồ Tát phân biệt, tuyên dương pháp lành căn bản của Thanh Văn, nhưng trong ấy chỉ nói việc của ma, nên biết đó là ác tri thức của Bồ Tát.

Ma lại giả dung nghi của Phật đến chỗ Bồ Tát nói: Thiện nam tử, ông có tâm Bồ Tát, cũng chẳng phải là hàng không thoái chuyển và cũng không thành Chánh Đẳng Giác. Nếu ai không dạy cho Bồ Tát biết việc của ma, đó là ác tri thức của Bồ Tát.

Ma Ba Tuần giả dung nghi của Phật đến chỗ Bồ Tát nói: Sáu căn, sáu trần, mười tám giới cho đến sáu pháp Ba la mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười tám pháp bất cộng đều là không, vậy học pháp Chánh Đẳng Giác này để làm gì?

Ai dạy như vậy là ác tri thức của Bồ Tát.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Ma lại giả dung nghi của Bích Chi Phật đến chỗ Bồ Tát nói: Thiện nam tử, mười phương đều không, không có Phật cũng không có Bồ Tát, không có Thanh Văn và lại nói cho Bồ Tát về sự việc của ma, đó là ác tri thức của Bồ Tát.

Ma lại giả dung mạo, trang phục của Thanh Văn đến phá trừ trí nhất thiết của Bồ Tát, rồi giảng về hạnh Thanh Văn, Bích Chi Phật cho vị ấy. Ai giảng điều này là ác tri thức của Bồ Tát.

Ma lại đội lốt giả làm Thầy Bổn sư của Bồ Tát đến khuyên vị ấy bỏ hạnh Bồ Tát và trí nhất thiết cho đến ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười tám pháp bất cộng, rồi đem không, vô tướng, vô nguyện truyền dạy lại vị ấy rằng: Ông nên tư duy pháp này thì chóng được quả vị của Thanh Văn, cần gì học pháp Chánh Đẳng Giác. Nhưng thật ra những điều ấy chỉ là việc của ma thôi.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Ma còn giả dạng mẹ của Bồ Tát đến chỗ vị ấy nói: Này con, con nên nhận lấy quả vị Tu Đà Hoàn để chứng quả A La Hán, cần gì quả Chánh Đẳng Giác, để phải chịu sinh tử trong vô số kiếp và sẽ chịu nỗi thống khổ chặt tay, chặt chân. Người đem việc của ma nói với người ấy như vậy chính là việc của ma bày ra.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Ma lại giả dạng Tỳ Kheo đến nói với Bồ Tát về nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Vô thường, khổ, không, vô ngã. Không, vô tướng, vô nguyện và tịch tĩnh cho đến ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười tám pháp bất cộng. Và đều nói để chấp trước vào các pháp trên. Nên biết, đó là ác trí thức của Bồ Tát. Đã biết rồi thì các người phải nhanh chóng lánh xa những hạng ấy đi.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần