Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Sáu Mươi Ba - Phẩm Thích đề Hoàn Nhân

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Vô La Xoa, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Vô La Xoa, Đời Tây Tấn  

PHẨM SÁU MƯƠI BA

PHẨM THÍCH ĐỀ HOÀN NHÂN  

Lúc bấy giờ, Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật rất sâu xa vi diệu, khó hiểu, khó biết không thể suy nghĩ được. Do bản tính thanh tịnh nên nghe bát nhã Ba la mật thâm sâu này liền ghi chép, thọ trì, tu tập, được như vậy là do chúng sinh ấy đã tạo nhiều công đức, ý tưởng đắm trước không phát sinh trở lại, cho đến không tưởng đến Chánh Đẳng Giác.

Phật bảo Thích Đề Hoàn Nhân: Đúng như vậy! Này Thích Đề Hoàn Nhân, người có thực hành bát nhã Ba la mật chẳng phải từ nơi công đức nhỏ mà được như vậy.

Chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề đều thực hành mười điều thiện, bốn tâm vô lượng, bốn Thiền, bốn không định. Chẳng bằng thiện nam, thiện nữ này ghi chép thọ trì bát nhã Ba la mật, đọc tụng đúng như giáo pháp, đạt đến Chánh Đẳng Giác mà không nghĩ đến việc khác. Phước đức ấy gấp trăm ngàn vạn lần, không thể dùng ví dụ để so sánh.

Lúc bấy giờ, có vị Tỳ Kheo khác nói với Thích Đề Hoàn Nhân rằng: Thưa Đế Thích! Người thiện nam, thiện nữ này thực hành vâng giữ bát nhã Ba la mật, rồi chỉ dạy cho người khác thì công đức của người đó vượt lên trên tất cả chúng sinh trong Diêm Phù Đề.

Thích Đề Hoàn Nhân nói: Người nam, người nữ nào chỉ một lần phát tâm thực hành bát nhã Ba la mật thì hơn chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề thực hành mười điều thiện, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, năm thần thông. Huống chi vâng giữ, ghi chép, thọ trì, đọc tụng đúng như giáo pháp bát nhã. Người đó vượt hơn Chư Thiên, A Tu La, loài người ở thế gian.

Bồ Tát này không chỉ hơn Chư Thiên, loài người thế gian mà còn hơn các bậc Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật. Chẳng phải chỉ hơn các bậc này mà còn hơn Bồ Tát, Bồ Tát thực hành năm pháp Ba la mật, bát nhã Ba la mật mà không có phương tiện quyền xảo, thực hành đúng như bát nhã Ba la mật dạy, thì vượt lên trên tất cả Chư Thiên, loài người. Chư Thiên, loài người đều không sánh kịp.

Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật đúng như giáo pháp thì không mất chủng tánh trí nhất thiết, hoàn toàn không xa lìa danh hiệu Như Lai, hạnh Bồ Tát không mất Đạo Tràng. Thực hành như vậy là Đại Bồ Tát muốn cứu vớt chúng sinh ra khỏi biển sinh tử. Người nào học như vậy là học những điều của Bồ Tát, không học những điều của Thanh Văn, Bích Chi Phật.

Bồ Tát học như vậy, bốn vị Thiên vương sẽ đến chỗ Bồ Tát nói rằng: Người thiện nam, thiện nữ này siêng năng tinh tấn tu học thành tựu quả vô thượng bồ đề. Khi ngồi Đạo Tràng này, chư Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác đời quá khứ đã nhận bốn cái bát thì không bao lâu chúng tôi cũng sẽ dâng cho Ngài. Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật như vậy, các vị Thích Đề Hoàn Nhân sẽ đến hỗ trợ.

Người nam, người nữ đó sẽ được Tu Diễm Thiên Tử dẫn các Diễm Thiên Tử đến, Đâu suất Thiên Tử sẽ dẫn Đâu suất Thiên Tử đến, các Ni Ma La Thiên cũng đều đến, các Ba La Ni Mật Thiên cho đến Chư Thiên Thủ Đà Hội đều đến.

Chư Thiên đến chỗ các Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật này. Chư Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác mười phương trong hiện tại đều nghĩ đến thiện nam, thiện nữ này. Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật thâm sâu thì các việc khốn khổ, ách nạn trong thế gian đều không còn nữa.

Này Tu Bồ Đề! Đây là công đức, phước báo hiện đời của việc thực hành bát nhã Ba la mật.

Tất cả thế gian đều có bốn loại bệnh, một là sự động các căn trong thân đều bị đau đớn, do đó tâm cũng khổ não. Vì thực hành bát nhã Ba la mật, Bồ Tát không còn mắc các bệnh khổ này. Đó là phước báu công đức hiện đời.

Bấy giờ, A Nan nghĩ rằng: Thiên Đế Thích tự mình nói như vậy hay là do thần lực của Phật?

Biết tâm niệm của A Nan, Thích Đề Hoàn Nhân nói: Lời tôi nói đều do thần lực của Phật cả.

Phật bảo A Nan: Những điề u Thích Đề Hoàn Nhân nói đều là oai thần của Phật. Lúc Bồ Tát học bát nhã Ba la mật, bọn ma trong ba ngàn Thế Giới đều nghi ngờ. Bồ Tát này sẽ chứng được rốt ráo, hay chứng quả Thanh Văn, Bích Chi Phật. Hay là sẽ thành tựu Chánh Đẳng Giác, Phật trí.

Này A Nan! Khi nào Bồ Tát không xa lìa bát nhã Ba la mật thì ma rất sầu khổ, khi ấy bọn ma phóng ra gió lớn muốn làm cho Bồ Tát khiếp sợ, biếng nhác, bị rối loạn đối với trí nhất thiết.

A Nan hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Tất cả các Bồ Tát đều bị ma quấy nhiễu phải không?

Phật bảo: Có người bị ma quấy nhiễu, có người không bị ma quấy nhiễu.

A Nan thưa: Bạch Thế Tôn! Người nào bị ma quấy nhiễu, người nào không bị ma quấy nhiễu?

Phật dạy: Lúc Bồ Tát mới nghe bát nhã Ba la mật, trong tâm không vui không hiểu nên Ma Ba Tuần liền đến quấy nhiễu. Hoặc khi nghe chỗ thâm sâu của bát nhã Ba la mật, trong tâm nghi ngờ không biết có thật hay không thật. Do đó nên Ma Ba Tuần đến quấy nhiễu.

Lại nữa, A Nan! Nếu có Bồ Tát xa lìa bạn tốt chân thật nên không nghe không biết bát nhã Ba la mật, không hiểu rõ việc đó nên ý không vui, do đó Ma Ba Tuần liền đến quấy nhiễu.

Lại nữa, A Nan! Bồ Tát xa lìa bát nhã Ba la mật trở nên tán thán phi pháp, ma vui mừng nghĩ rằng: Nếu có Bồ Tát nào nói việc phi pháp thì ta sẽ có nhiều bè đảng và thỏa mãn nguyện vọng của ta, lại làm cho người khác đi vào hai thừA La Hán, Bích Chi Phật.

Lại nữa, A Nan! Nếu có Bồ Tát nào lúc nghe nói bát nhã Ba la mật thâm sâu, liền nghĩ rằng: Thâm sâu đó không phải là thâm sâu hay sao?

Biết điều suy nghĩ của Bồ Tát, ma nghĩ rằng: Nay ta được chỗ sơ hở của người rồi.

Lại nữa, A Nan! Nếu có Bồ Tát nào hướng đến người khác mà cống cao nói rằng: Ta có thể thực hành sáu pháp Ba la mật, còn ông thì không thực hành được. Bồ Tát bị ma tìm được chỗ sơ hở, lúc dó Ma Ba Tuần vui mừng hớn hở.

Lại nữa, A Nan! Bồ Tát nào tự ỷ vào trí tuệ, dòng họ, điều thiện, hiểu biết của mình, liền sinh cống cao, khinh rẻ người khác.

Bồ Tát này cũng không có hình tướng, hành động không thoái chuyển mà nói với vị khác rằng: Ông hiện không ở trong dòng họ Bồ Tát, cũng không ở trong đại thừa.

Lúc bấy giờ, Ma Ba Tuần vui mừng nghĩ rằng: Nay cung điện của ta không trống không nữa, tăng thêm ba đường ác, dòng họ ta không giảm bớt. Ma thường xem xét Bồ Tát có nói việc phi pháp không và muốn làm cho mọi người nghe pháp đó, làm cho tà kiến nhơ bẩn tăng thêm, gây ra hành động điên đảo đối với pháp nên thân, khẩu, ý tham đắm vào tà phước, do đó càng tăng thêm ba đường ác, quyến thuộc của ma càng nhiều. Bấy giờ, Ma Ba Tuần càng vui mừng hớn hở vui chơi.

Lại nữa, A Nan! Nếu Bồ Tát thực hành Bồ Tát đạo, tranh đấu với người cầu quả Thanh Văn thì ma nghĩ rằng: Người này đã xa lìa trí nhất thiết, đại Trí.

Vì sao?

Vì đấu tranh, oán hận chẳng phải là đạo trí nhất thiết. Đó là nghiệp của ba đường ác.

Lại nữa, A Nan! Bồ Tát lại đấu tranh với Bồ Tát thì Ma Ba Tuần nghĩ rằng: Cả hai đều xa lìa Phật, trí nhất thiết, đều không thành Chánh Đẳng Giác.

Vì sao?

Vì Thiện Nam đó tạo ra ba nghiệp ác, chẳng phải là trí nhất thiết.

Này A Nan! Bồ Tát chưa được thọ ký có ác tâm tranh tụng với Bồ Tát đã được thọ ký, tùy theo ý đó trải qua nhiều số kiếp, tuy có ác tâm như vậy nhưng nhờ không xả bỏ trí nhất thiết nên phải trải qua nhiều kiếp số trong các cõi, sau đó mới thành Chánh Đẳng Giác.

A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ngay trong những kiếp số trải qua đó có thể giảm bớt giữa chừng không?

Phật dạy: A Nan! Ta nói pháp cho cả ba thừa tùy theo ý của họ mà có số kiếp ít hay nhiều, phải làm hết các việc không thể nào giảm bớt ở giữa chừng.

Phật dạy tiếp: Nếu Bồ Tát cùng nhau tranh tụng, sân hận, mắng chửi, giận hờn mà không ăn năn, ta nói họ không trừ được tranh tụng. Bồ Tát phải trải qua nhiều kiếp siêng năng thực hành đại thệ nguyện, sau đó mới thành Chánh Đẳng Giác.

Nếu có Bồ Tát nào khi tranh tụng sân hận rồi, tự mình hối hận nghĩ rằng: Lợi này rất khó được, nay ta sẽ hạ mình dưới tất cả mọi người, đời nay và đời sau, ta sẽ làm cho chúng sinh đều được hòa giải. Tại sao ta lại nói điều xấu và nghĩ điều xấu cho người, trọn đời ta sẽ không dám làm như vậy nữa.

Ta như con dê điếc, tự tiêu trừ tội lỗi để thành tựu Chánh Đẳng Giác, độ thoát chúng sinh. Tại sao ta lại sân hận mà tự chôn vùi mình, ta không nên sân hận và tự chôn vùi mình như vậy nữa. Khi Bồ Tát vừa nghĩ như vậy, Ma Ba Tuần không tìm được khuyết điểm của Bồ Tát.

Lại nữa, A Nan! Người thực hành Bồ Tát không nên ở chung với hàng Thanh Văn, nếu ở chung thì không nên đấu tranh với nhau, nên tự nghĩ rằng: Ta không nên sân giận, tranh cãi cùng với hạng người này. Ta sẽ thành tựu Chánh Đẳng Giác vượt qua các khổ ách.

A Nan thưa: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát cùng ở chung với nhau phải như thế nào?

Phật bảo: Pháp Bồ Tát ở chung với nhau phải xem nhau như ở chung với Thế Tôn.

Nên nghĩ rằng: Bồ Tát này là bạn cùng ngồi chung một thuyền với ta, cùng học với ta, cùng thực hành bố thí Ba la mật đến trí nhất thiết. Nếu Bồ Tát đó không hiểu không thuận theo nhất thiết rí thì ta không nên theo, còn Bồ Tát đó quyết định không xa lìa trí nhất thiết thì ta sẽ học theo. Như vậy, Đại Bồ Tát học như vậy gọi là cùng học.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần