Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Tám Mươi Sáu - Phẩm Các Pháp Bình đẳng
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
PHẨM TÁM MƯƠI SÁU
PHẨM CÁC PHÁP BÌNH ĐẲNG
Tu Bồ Đề bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Người nhận xét đúng sự thật, thì không chấp trước, không từ bỏ. Người không nhận xét đúng sự thật, cũng không chấp trước, không từ bỏ. Pháp sở hữu không có sở hữu, cũng không chấp trước, không từ bỏ. Sự nhận xét đúng và không nhận xét đúng đều không chấp trước, không từ bỏ.
Việc này thế nào?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Vì các pháp bình đẳng cho nên ta nói có đoạn.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Việc đó nghĩa là gì?
Phật dạy: Pháp đó, dầu có Phật hay không có Phật thì pháp tánh chân như vẫn như vậy. Pháp đó không bao giờ biến đổi và thường trụ như vậy, cho nên gọi là đoạn. Chỉ do tục đế nên có danh hiệu, có ngôn ngữ, giáo pháp, đều không có sở hữu.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Giả sử các pháp như mộng, như tiếng vang, như bóng trong gương, như sóng nắng, như huyễn thuật, như biến hóa, thì làm sao Bồ Tát đối với pháp không này mà phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?
Nói rằng, ta phải đầy đủ sáu pháp Ba la mật, đầy đủ thần thông bát nhã Ba la mật, bốn thiền, bốn đẳng và bốn không định, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ba môn giải thoát, chín cấp độ thiền, mười lực của Như Lai, mười tám pháp bất cộng, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp và đầy đủ Đà La Ni môn.
Vì sao nói ta sẽ làm ánh sáng, chiếu khắp chỗ tối tâm và biết tâm ý của chúng sinh mà Thuyết Pháp?
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?
Như lời ông hỏi pháp đó là như huyễn như hóa đó chăng?
Tu Bồ Đề thưa: Giả sử các pháp như mộng, như huyễn thì Bồ Tát làm sao thực hành bát nhã Ba la mật?
Bạch Thế Tôn! Mộng là huyễn hóa, không phải là chân thật. Pháp không chân thật thì không thể thực hành sáu pháp Ba la mật, cho đến mười tám pháp bất cộng cũng không thể thực hành được.
Phật bảo: Này Tu Bồ Đề! Đúng vậy, đúng vậy! Như lời ông nói, pháp huyễn hóa thì không thể thực hành được sáu pháp Ba la mật. Không thể thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Pháp đó đều là pháp tướng hữu vi, nhưng pháp tướng hữu vi cũng không thể đạt được nhất thiết trí. Pháp đó là đạo, cũng lại là Niết Bàn, do pháp này không có hình tướng, không có chỗ sinh.
Vì vậy, Bồ Tát từ khi mới phát tâm đến nay, tu tập các thiện pháp, sáu pháp Ba la mật, cho đến mười tám pháp Bất cộng, biết pháp đó như mộng, như hóa nhưng không đầy đủ sáu pháp Ba la mật và mười tám pháp bất cộng thì không thể giáo hóa chúng sinh.
Bồ Tát tu tập các thiện pháp, quán các pháp như mộng, như huyễn. Quán pháp Ba la mật. Quán nhất thiết trí. Quán chúng sinh đều như mộng, như huyễn.
Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật không chấp nhận hình tướng trong pháp huyễn hóa đó mà nói sẽ đạt được đến nhất thiết trí. Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, nên đối với mười tám pháp Bất cộng cũng không có chỗ chấp thủ. Bồ Tát biết các pháp không có chấp thủ, nên được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Tại sao?
Vì các pháp không có hình tướng, không có chỗ giữ nên không thể nắm được. Pháp không có chỗ nắm mà lại nắm bắt thì không thể thấy pháp đó. Cho nên, Bồ Tát vì chúng sinh mà phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Từ khi phát tâm cho đến nay đều thực hành sáu pháp Ba la mật, chỉ vì tất cả chúng sinh chứ không phải vì bản thân mình. Bồ Tát phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác là vì chúng sinh, nhưng chúng sinh không thấy có. Vì chúng sinh có chúng sinh, không thấy mà tướng thấy, không biết mà tướng biết, cho nên Bồ Tát cứu chúng sinh ra khỏi điên đảo ấy để đoạn dứt các tạp tưởng đến chỗ Niết Bàn.
Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát dùng phương tiện quyền xảo, thực hành bát nhã Ba la mật. Đối với các pháp không có chỗ nhập, nhưng đối với không có chỗ nhập đó mà giáo hóa chúng sinh, đó chỉ là tục đế chẳng phải Đệ nhất nghĩa đế.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Pháp giác ngộ mà Như Lai đạt được dựa vào thế tục hay đệ nhất nghĩa đế.
Phật dạy: Dựa vào Tục Đế, Như Lai đã giác ngộ, nhưng không có pháp giác ngộ và người giác ngộ.
Tại sao?
Nếu nói ta là người giác ngộ, được giác ngộ, việc đó rất hổ thẹn. Nếu có hai thì không đạt được mà không giác ngộ.
Tu Bồ Đề lại hỏi: Thưa Thế Tôn! Giả sử có cả hai, không đạt được giác ngộ, vậy vì từ một được giác ngộ chăng?
Phật dạy: Cũng không từ hai, cũng không từ một, người đạt được giác ngộ, không một cũng không hai. Vì không một, không hai đó là đạt đến giác ngộ.
Vì sao?
Có người đạt đến giác ngộ là hý luận, là cống cao. Bậc Chánh Đẳng Giác không hý luận, không cống cao.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Sở hữu các pháp đều không có, vì sao gọi là Chánh Đẳng Giác.
Phật dạy: Cũng không cũng có. Cũng không, không không. Vì không có lời để nói, đó là Chánh Đẳng Giác. Vì pháp Đẳng Giác không có lời để nói và không có pháp nói về bậc Chánh Đẳng Giác. Bậc Đẳng Giác đã vượt qua các pháp. Phàm phu ngu muội còn cách xa Đẳng Giác.
Tu Bồ Đề lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Như Lai đã xa lìa Chánh Đẳng Giác chăng?
Phật dạy: Đẳng Giác không phải thuộc về cảnh giới của Thánh Hiền Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát và Phật.
Tu Bồ Đề lại hỏi: Thưa Thế Tôn! Đối với các pháp, Như Lai được tự tại không?
Phật đáp: Phàm phu, Thanh Văn, Bích Chi Phật và Phật cùng một Đẳng Giác. Tất cả Đẳng Giác đó không có hai, không có phàm phu, không có Chánh Đẳng, Chánh Giác, cho đến Như Lai cũng không có phân hạng gì cả.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Giả sử đối với Bậc Đẳng Giác không phân hạng thì phàm phu, Thanh Văn, Bích Chi Phật cũng không có khác nhau.
Phật dạy: Đúng vậy, đúng vậy! Phàm phu cho đến Bậc Chánh Đẳng, Chánh Giác cũng không có sai khác.
Tu Bồ Đề hỏi: Giả sử phàm phu cho đến Chánh Đẳng, Chánh Giác không có sai khác vì làm sao có Tam Bảo?
Phật dạy: Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?
Về Phật bảo, pháp bảo, Tăng bảo và pháp Đẳng Giác có khác nhau không?
Tu Bồ Đề thưa: Con được nghe Thế Tôn dạy Tam Bảo và Đẳng Giác không có khác. Tam Bảo và Đẳng Giác không hội hợp, không chia lìa, không có hình tướng, cũng không thể thấy. Một tướng là vô tướng vì pháp vô tướng nên tạo ra số lượng nơi chốn nên có sự thân cận, có nơi chốn.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Bậc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng, Chánh Giác khi đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, làm chỗ y cứ của các pháp, nên biết có ba đường ác, có biết nhân đạo, biết có Cõi Trời Ba Mươi Ba, biết ba mươi bảy phẩm trợ đạo cho đến nội ngoại không và sở hữu vô sở hữu không. Biết có mười tám pháp bất cộng.
Vậy cho nên, Tu Bồ Đề, đó là chỗ đặc biệt của Bậc Như Lai Đại Sĩ bất động đối với pháp Đẳng Giác nên thành lập nơi chốn của các pháp.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Như Ngài đối với Đẳng Giác mà bất động thì phàm phu, Thanh Văn, Bích Chi Phật đối với Đẳng, Chánh Giác cũng bất động chăng?
Pháp của Phật, phàm phu, Thanh Văn, Bích Chi Phật và Như Lai là một pháp chăng?
Cho đến pháp vô hình, pháp sắc, thọ, tưởng, hành, thức có khác biệt không?
Các pháp nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý có khác biệt không?
Pháp địa, thủy, hỏa, phong, không, thức có khác không?
Pháp dâm, nộ, si, có khác không.
Sáu mươi hai tà kiến, có khác không?
Bốn thiền, bốn đẳng và bốn không định, có khác không?
Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ba môn giải thoát, nội ngoại không, pháp không có sở hữu, vô sở hữu, tám bối xả, chín cấp độ thiền, bốn vô sở úy, bốn vô ngại tuệ, mười lực của Như Lai, mười tám pháp bất cộng, pháp hữu vi và vô vi, các pháp này đều chỉ có tên.
Thế nào là xứ không thể nắm bắt được?
Nếu Bồ Tát không trụ ở xứ này thì không phân biệt được các pháp và không thể thực hành bát nhã Ba la mật. Thực hành bát nhã Ba la mật thì Bồ Tát phải đi khắp mười xứ, mới có thể đạt đến địa vị Bồ Tát, liền vượt qua hai địa, khi qua hai địa rồi được đầy đủ thần thông, nhờ các thần thông đó nên đầy đủ năm pháp Ba la mật.
Bồ Tát đi khắp Cõi Phật để cúng dường Chư Phật, trồng các căn lành, giữ gìn công đức để giáo hóa chúng sinh làm thanh tịnh Cõi Phật.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Như lời ông hỏi pháp của Như Lai, phàm phu và hai địa tại sao ông hỏi như vậy.
Ý ông thế nào?
Pháp không của năm ấm và pháp Như Lai có khác chăng?
Tu Bồ Đề thưa: Đều không.
Phật dạy: Đối với pháp không, có thể thấy pháp vô tướng không?
Tướng năm ấm và tướng Phật có thể thấy không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không thể thấy.
Phật dạy: Vậy nên, Tu Bồ Đề phải biết, pháp của các pháp cũng không có phàm phu, không lìa phàm phu, không phải pháp Như Lai cũng không lìa pháp Như Lai.
Tu Bồ Đề lại hỏi: Thưa Thế Tôn! Pháp này là pháp hữu vi hay là pháp vô vi?
Phật đáp: Không lìa pháp vô vi mà được pháp hữu vi, không lìa pháp hữu vi mà được pháp vô vi.
Này Tu Bồ Đề! Pháp hữu vi và pháp vô vi là một pháp, không hai, cũng không hội hợp, không chia lìa, không có hình tướng, không thể thấy, là một tướng. Một tướng là vô tướng.
Do thế tục cho nên có chỗ tạo tác, không phải đệ nhất nghĩa đế. Đệ nhất nghĩa đế không phải hành động của thân, miệng, ý. Cũng không rời thân, miệng, ý. Đắc đệ nhất nghĩa đế do các pháp bình đẳng. Thế nên, đối với đệ nhất nghĩa, Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật cũng không thủ đắc nghĩa đệ nhất mà thực hành Bồ Tát hạnh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Chánh Tri Kiến - Phần Mười Năm - Hành
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bảy - Ngạ Quỷ Sự - Phẩm Một - Phẩm Con Rắn - Chuyện Con Rắn
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Chín - Phẩm Khen Ngợi Thanh Tịnh - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Khai Giác Tự Tánh Bát Nhã Ba La Mật đa - Phần Bốn