Phật Thuyết Kinh Quảng Bác Nghiêm Tịnh Bất Thoái Chuyển Luân - Phần Mười Bốn
Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trí Nghiêm, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH
QUẢNG BÁC NGHIÊM TỊNH
BẤT THOÁI CHUYỂN LUÂN
Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trí Nghiêm, Đời Đường
PHẦN MƯỜI BỐN
Bấy giờ, A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật kỳ diệu thay, đã thành tựu được pháp ít có như vậy, lại dùng pháp ấy để làm lợi ích cho chúng sinh.
Phật bảo A Nan: Đúng thế, đúng thế, đúng như lời ông vừa nói! Ta vì làm lợi ích cho các chúng sinh, nên đã ở khắp các Cõi Phật cúng dường các Đức Phật không hề tiếc rẻ thân mạng mình, xả bỏ tất cả mọi vật không chút tiếc bỏn sẻn, siêng tu tinh tấn, chứa nhóm các pháp khó được và đạo bồ đề không chỗ nương tựa, đối với tất cả pháp không hề chấp đắm, để nhiếp phục chúng sinh.
Lúc bấy giờ, Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật là điều ít có, Ma Vương Ba Tuần nghe Thế Tôn nói pháp này mà không đến quấy phá.
Phật bảo A Nan: Vì bọn chúng không nghe nên không đến quấy nhiễu.
Vì sao?
Vì Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử đã dùng thần lực ẩn che khiến chúng không nghe được, cho nên không đến quấy nhiễu.
Lúc này, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử liền thu hồi thần lực.
Ác Ma Ba Tuần đang ngủ, chợt nghe pháp âm mới lạ nói về pháp không thoái chuyển, cũng nghe danh hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni nên hoảng hốt thức giấc, buồn bã lo sợ, khắp mình nổi ốc, liền từ trên giường xuống đất, nói: Các chúng sinh trước kia bị ta hàng phục thì bây giờ họ không còn chịu sự hàng phục của ta, lãnh thổ trước kia của ta nay không còn là của ta nữa!
Ác Ma Ba Tuần lo buồn khổ não, cất tiếng kêu khóc, do đó mà thân hình biến thành già ma ốm yếu một ông lão trăm tuổi. Bấy giờ, Ác Ma Ba Tuần tập hợp bốn thứ binh cùng các thiên ma trong khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, tất cả cùng kéo đến chỗ Đức Phật nói pháp, giống như hồi Đức Phật mới thành đạo, ngồi nơi gốc cây Bồ Đề chúng cũng đã rầm rộ kéo tới quấy phá như vậy.
Khi ấy, ác Ma Ba Tuần nặng nhọc lê tấm thân già nua ốm yếu, chống gậy lần bước đến chỗ Phật.
Cùng lúc ấy, đám ma binh và quyến thuộc dàn ra nơi hư không, nghe pháp âm không thoái chuyển và nghe danh hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni khiến cả bọn đều dừng lại không thể tiến lên phía trước, bèn nghĩ: Chúng ta không còn lệ thuộc Ma Vương Ba Tuần nữa.
Thế là Ma Ba Tuần chỉ còn đơn độc một thân gầy đến trước Phật bạch: Bạch Thế Tôn! Tôi hiện chỉ còn một mình, chẳng còn được một kẻ tay chân nào để hầu hạ giúp sức, các chúng sinh trước kia bị tôi hàng phục bây giờ họ không còn chịu sự hàng phục của tôi, lãnh thổ trước kia của tôi nay không còn là của tôi nữa, Thế Tôn thương xót tất cả chúng sinh, mà hiện tại tôi cũng nằm trong số chúng sinh đó, sao Thế Tôn không rủ lòng thương xót mà giúp cho tôi một người phục dịch nước nôi chẳng hạn.
Đức Phật bảo Ma Vương Ba Tuần: Thế Giới chúng sinh rất nhiều, là pháp vô tận, Ba Tuần nên biết, giả sử mỗi ngày có hằng hà sa số Đức Phật ra đời, mỗi Đức Phật trong mỗi ngày hóa độ cho hằng hà sa số chúng sinh, giúp họ đạt đến Niết Bàn cả thì cõi chúng sinh cũng không bao giờ hết.
Ma Vương Ba Tuần lại thưa: Thế Giới chúng sinh tuy nhiều như vậy nhưng hiện nay tôi đơn độc chỉ một thân một mình, lại già nua ốm yếu, giá như trên đường đi mà bị vấp té thì cũng không có một ai giúp đỡ. Cúi mong Đức Thế Tôn hãy an ủi, giúp đỡ để tôi được vui mừng mà trở về Cõi Trời.
Phật bảo Ma Ba Tuần: Ngươi cứ an tâm, nếu có chúng sinh nào không tin, không hiểu pháp không thoái chuyển này, thì những chúng sinh ấy đều thuộc về ngươi, đều là quyến thuộc của ngươi, ngươi được tự do sai khiến họ, họ đều là kẻ giúp đỡ ngươi.
Ma Vương Ba Tuần nghe Đức Phật nói như vậy vui mừng hớn hở nghĩ: Nay ta sẽ gây sự trở ngại cho chúng sinh, khiến đối với pháp này không tin, không hiểu, sinh tâm nghi ngờ, vì sinh ngờ nên họ sẽ thuộc về ta, ta tự do sai khiến họ.
Nghĩ đoạn, Ma Vương Ba Tuần bạch Phật: Cúi mong Thế Tôn an ủi bảo ban cho tôi một lần nữa, để tôi được vui mừng mà trở về Cõi Trời.
Phật đã dạy: Nếu có chúng sinh nào nghe danh hiệu ta thì đối với đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác không còn thoái chuyển. Vậy xin Thế Tôn từ nay trở đi đừng nên nói pháp ấy nữa.
Vì sao?
Vì nếu có chúng sinh nào nghe được lời này thì họ sẽ siêng năng thực hành tinh tấn cầu đạo giác ngộ của Phật.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Ma Vương Ba Tuần: Ngươi hãy an tâm, ta sẽ khiến cho các chúng sinh không còn an trụ trong đạo Bồ Đề, cũng không có người nào ra khỏi Thế Giới chúng sinh, không có chúng sinh nào lìa sắc ấm, lìa thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm, thức ấm.
Này Ma Vương Ba Tuần! Ngươi cứ an tâm, ta thường khiến cho các chúng sinh không có người nào lìa bỏ kiến chấp về thân, lìa giới thủ, kiến thủ, lìa bỏ sở đắc, lìa sáu mươi hai kiến chấp, lìa tưởng quá khứ, hiện tại, vị lai, lìa sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, thêu dệt, nói lời độc ác, hai lưỡi, tham lam, sân giận, tà kiến.
Này Ba Tuần! Ngươi cứ an tâm, ta sẽ không dạy chúng sinh thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ.
Cũng không dạy chúng sinh thực hành bốn Nhiếp pháp, cũng không khiến chúng sinh lìa bỏ các tưởng chấp: Về chúng sinh, về bỏn sẻn tham đắm, về cha mẹ, về anh em, chị em, nam nữ, về ngày đêm, về nửa tháng, một tháng, một năm, lìa bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, về phát tâm bồ đề, về lực, vô úy, về các phẩm căn, lực, giác, đạo, về Phật, Pháp, Tăng, về chướng ngại bồ đề, về nhất thiết chủng trí.
Này Ba Tuần! Ngươi hãy yên tâm ta sẽ khiến cho chúng sinh đối với tất cả các pháp đều không có ý tưởng xa lìa.
Lúc này, Ma Vương Ba Tuần vui mừng hớn hở, đã nhổ được mũi tên phiền não, liền hiện lại nguyên hình như trước, dùng các thứ hoa Trời tung rải lên chỗ Phật để cúng dường, lại đi nhiễu quanh Phật ba vòng rồi đứng trước Phật nói kệ rằng:
Hôm nay Bậc Lưỡng Túc
Nói âm thanh nhiệm mầu
Phật không nói hai lời
Khiến tôi rất vui mừng.
Ma Vương Ba Tuần nói kệ xong, vui mừng an tâm, lui dần khỏi chỗ Phật rồi trở về Cõi Trời, cùng với đám thân thuộc vui thích với năm thứ dục lạc, không còn dấy tâm quấy nhiễu nữa.
Lúc Phật vừa nói xong pháp hàng phục đuổi trừ các ma thì mặt đất rung chuyển sáu cách.
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà mặt đất rung chuyển như vậy?
Đức Phật dạy: Do ta nói xong pháp hàng phục đuổi trừ các ma, có đến sáu muôn bốn ngàn vị Bồ Tát đối với pháp ấy được pháp Nhẫn vô sinh.
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hiện giờ trong chúng hội này có vị nào nghi ngờ pháp này hay không?
Phật bảo A Nan: Hiện giờ trong chúng hội này có mười ức chúng sinh đều sinh tâm nghi ngờ, tâm ý các vị ấy mê mờ cho rằng: Những lời như thế e rằng chúng ta đã nghe lầm chăng?
Vì lý do ấy mà họ ngơ ngác không hiểu gì, cũng không tự biết mình từ nơi nào đến và định đi về đâu, vì nghi ngờ cho nên rốt cuộc họ không hiểu biết gì cả.
A Nan bạch Phật: Cúi mong Thế Tôn khởi tâm từ bi vì các chúng sinh ấy mà mau làm cho họ được sáng tỏ, đừng để cho họ vì nghi ngờ ấy mà bị đọa vào đường ác.
Kính mong Thế Tôn chỉ dạy, do nhân duyên nào mà Thế Tôn nói với Ma Vương Ba Tuần rằng: Ác Ma Ba Tuần, ngươi cứ an tâm, ta sẽ không khiến cho chúng sinh trụ trong bồ đề… cho đến ba tuần hãy yên tâm ta chẳng khiến cho chúng sinh đối với tất cả pháp lìa bỏ tưởng chấp.
Cúi mong Thế Tôn hãy vì các chúng sinh này mau làm cho họ sáng tỏ, cũng khiến cho chúng sinh đời sau này được sự sáng tỏ ấy mà thọ trì pháp đó, không để quên mất, xin Thế Tôn Giải thích rõ.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Bồ Đề không tướng trụ
Cũng không người trụ được
Cho nên nói chúng sinh
Không người trụ bồ đề
Bồ đề và chúng sinh
Không hai, không có khác
Do đó nói chúng sinh
Không người trụ bồ đề
Cũng không có chúng sinh
Lìa được cõi chúng sinh
Không thật có, bất sinh
Rốt ráo không thật có
Cõi chúng sinh khó lường
Tánh ấy vốn là không
Dù cho nhất thiết trí
Không thấy lìa tưởng ấy
Cac ấm mà ta nói
Không chúng sinh lìa được
Ấm ấy và chúng sinh
Không khác, thường vắng lặng
Đã biết ấm là không
Mà chẳng lìa tánh ấy
Nói thể ấy là một
Không đáng chấp nên lìa
Đã biết được các ấm
Không chấp không đáng lìa
Vô ngã, chẳng tự tánh
Rốt ráo, không chỗ nương
Các ấm như hư không
Chỗ ấm hành cũng vậy
Hành mà không chỗ hành
Nói ấm như hư không
Như nói cõi hư không
Không sở sinh, năng sinh
Tánh ấm cũng như thế
Không có người lìa được
Tánh tướng của thân kiến
Không pháp nào để được
Do không pháp để được
Ta nói chẳng thể lìa.
Nghi không có tự tánh
Rốt ráo không thật có
Vì nghi không thật có
Chúng sinh không thể lìa.
Không có các chúng sinh
Giữ được giới lựa chọn
Các chúng sinh chấp thủ
Cũng lại không thật có
Người chấp có được pháp
Chúng sinh không thật có
Có được pháp vô tâm
Chẳng xa lìa tự tánh
Như các chấp đã nói
Gồm có sáu mươi hai
Các kiến chấp như thế
Đều như bóng đáy nước.
Đã biết các chấp này
Đều như bóng đáy nước
Vô ngã, không thật có
Tự tánh chẳng thật có.
Tưởng quá khứ, vị lai
Cùng tưởng về hiện tại
Tưởng ấy không thật có
Cũng như bóng đáy nước
Tưởng ấy không có ngã
Chúng sinh không thật có
Vì chúng sinh không thật
Cho nên không đáng lìa.
Giết hại các chúng sinh
Sẽ đọa vào đường ác
An trụ trong Niết Bàn
Không có người động được.
Nếu chúng sinh thật có
Thì có tướng lìa động
Chúng sinh không có thật
Nên nói không đáng lìa.
Tên bồ đề không cho
Chưa từng có người cho
Tuy siêng làm phương tiện
Nhưng không người lìa động
Chúng sinh chẳng hành thí
Giáo hành hơn pháp thí
Tuy siêng làm phương tiện
Nhưng không người lìa động
Cũng không có chúng sinh
Kẻ tham đắm dâm dục
Trong dục không có tà
Có thể hợp phi tà.
Các chúng sinh nói dối
Người có duyên nên độ
Tuy siêng làm phương tiện
Nhưng không người lìa động
Hai lưỡi và nói ác
Và nói không đúng lúc
Những lời nói như vậy
Như vang làm người nghi
Pháp này không nơi chốn
Cũng chẳng đáng tham đắm
Các tiếng này như vang
Rõ chẳng chỗ nương tựa.
Vô minh vốn sẵn có
Chấp chặt sâu bản ngã
Vì biết ngã chân thực
Không người lìa động được
Cũng biết được giận tức
Rốt ráo chẳng có tướng
Bồ Đề là vô tướng
Không người lìa động được
Nếu biết được tà kiến
Đó gọi là chánh kiến
Vì lỗi đắm kiến chấp
Không người lìa động được
Không dạy các chúng sinh
Mà dùng nữ sắc thí
Bậc Thánh, Hiền ngăn cấm
Thí này có lỗi lầm
Giữ giới theo tà kiến
Thánh Đạo dạy dứt trừ
Người trí không nên dạy
Dùng đó cầu pháp Phật.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Bốn - Phẩm Ai Thán
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Như Lai đệ Nhất
Phật Thuyết Kinh đại Bi đại ái - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Bốn Vô úy
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Lục Phú
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Ba Mươi Tám