Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Hai Mươi Bảy - Phẩm Mưa Pháp Bảo

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH QUANG TÁN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM HAI MƯƠI BẢY

PHẨM MƯA PHÁP BẢO  

Bấy giờ Thích Đề Hoàn Nhân tự nghĩ: Những điều Tôn Giả Tu Bồ Đề đã nói hôm nay là mưa pháp báu cho cả tam thiên đại thiên Thế Giới, từ Cõi Trời Tứ Thiên Vương lên đến Trời A Ca Nị Sất. Pháp mà Tu Bồ Đề đã nói hôm nay là mưa pháp báu. Ta nên biến hóa ra hoa để rải lên Đức Phật, Bồ Tát và Thánh Chúng cùng Ngài Tu Bồ Đề.

Thích Đề Hoàn Nhân và chúng Chư Thiên cả tam thiên đại thiên Thế Giới đều biến hóa ra hoa rải lên Đức Thế Tôn, các Đại Bồ Tát, Thánh Chúng Tỳ Kheo và Ngài Tu Bồ Đề để cúng dường, tự quy về bát nhã Ba la mật. Vừa rải hoa xong, hoa này biến khắp ba ngàn Cõi Phật, ở trên hư không hóa làm lầu gác vời vợi cao ngất, nhanh không thể tưởng.

Tôn Giả Tu Bồ Đề tự nghĩ: Xưa kia ta từng dạo khắp các cung Trời nhưng chưa được thấy các loại hoa này. Hoa vừa rải cúng đó là hoa biến hóa, chẳng phải từ cây sinh. Loại hoa mà các Thiên Tử vừa rải cúng là từ cây tâm sinh ra chứ chẳng phải từ cây thường sinh.

Thích Đề Hoàn Nhân nói với Tu Bồ Đề: Hoa này không từ đâu sinh, chẳng từ cây tâm sinh.

Ngài Tu Bồ Đề nói: Như Câu Dực nói thì hoa này không từ đâu sinh, chẳng từ cây tâm sinh, nếu như lời Câu Dực nói không từ đâu sinh thì chẳng phải là hoa.

Thích Đề Hoàn Nhân trả lời Ngài Tu Bồ Đề: Quả thật hoa không từ đâu sinh thì sắc không từ đâu sinh. Thọ, tưởng, hành, thức không từ đâu sinh.

Ngài Tu Bồ Đề nói: Này Câu Dực! Hoa này chẳng phải không từ đâu sinh. Sắc không chỗ sinh, mà không chỗ sinh thì không có sắc. Thọ, tưởng, hành, thức không chỗ sinh, mà không chỗ sinh thì không có thọ, tưởng, hành, thức. Nhãn không chỗ sinh, mà không chỗ sinh thì không có nhãn. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng lại như thế. Thí Ba la mật cũng không chỗ sinh, mà không chỗ sinh thì không có thí Ba la mật.

Giới, Nhẫn, Tinh tấn, Thiền, bát nhã Ba la mật cũng không chỗ sinh, mà không chỗ sinh thì không có giới, nhẫn, tinh tấn, thiền, bát nhã Ba la mật. Bảy không, ba mươi bảy phẩm cũng không chỗ sinh, mà không chỗ sinh thì không có bảy không, ba mươi bảy phẩm.

Mười Lực, Vô úy, pháp của Chư Phật cũng không chỗ sinh, mà không chỗ sinh thì không có mười Lực, Vô úy, pháp của Chư Phật. Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, trí nhất thiết cũng không chỗ sinh, mà không chỗ sinh thì không có Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, trí nhất thiết.

Thích Đề Hoàn Nhân tự nghĩ: Tôn Giả Tu Bồ Đề đã nhập trí tuệ sâu xa nên pháp đã nói ra đều không có chỗ tranh biện, cũng không lầm lẫn.

Khi ấy Đức Phật bảo Thích Đề Hoàn Nhân: Này Câu Dực! Đúng vậy. Tu Bồ Đề đã nhập trí tuệ sâu xa. Do đã thâm nhập tuệ nên Kinh Pháp đã nói ra đều không có chỗ tranh biện, cũng không lầm lẫn.

Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Tôn Giả Tu Bồ Đề thâm nhập trí tuệ thế nào mà do sự thâm nhập trí tuệ ấy, Kinh Pháp Tôn Giả nói ra đều không chỗ tranh biện, cũng không lầm lẫn?

Đức Phật bảo Thích Đề Hoàn Nhân: Chỗ thâm nhập đó là sắc, nhập pháp này rồi thì pháp được nói ra, đều không có chỗ tranh biện, cũng chẳng lầm lẫn. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế.

Vì sao?

Vì đúng như pháp, không hòa không tranh. Pháp Tu Bồ Đề đã nói cũng lại như thế, chẳng động, chẳng loạn. Sáu pháp Ba la mật cũng lại như thế. Và bảy không, ba mươi bảy phẩm, mười lực, vô úy, pháp của Chư Phật, chẳng đồng, chẳng loạn. Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, trí nhất thiết cũng lại như thế, chẳng đồng, chẳng loạn.

Vì sao?

Vì pháp mà Tu Bồ Đề nói chẳng hòa, chẳng tranh mà không có hòa, tranh thì không có chỗ tranh.

Này Câu Dực! Như thế, Tu Bồ Đề do thâm nhập trí tuệ nên pháp nói ra vi diệu sáng chói như thế.

Ngài Tu Bồ Đề nói với Thích Đề Hoàn Nhân: Như Thế Tôn đã dạy tất cả pháp, Đại Bồ Tát hiểu rõ như thế, lý giải tất cả các pháp, học bát nhã Ba la mật cũng nên như vậy. Đại Bồ Tát học như thế là chẳng học sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Vì sao?

Vì chẳng thấy sắc, chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức. Đại Bồ Tát học như thế là chẳng học thí, giới, nhẫn, tinh tấn, thiền, bát nhã Ba la mật.

Vì sao?

Vì chẳng thấy học bát nhã Ba la mật. Chẳng học bảy không, ba mươi bảy phẩm.

Vì sao?

Vì chẳng thấy Bảy không, ba mươi bảy phẩm. Chẳng học mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng của Chư Phật. Chẳng học Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, trí nhất thiết.

Vì sao?

Vì chẳng thấy học trí nhất thiết.

Thích Đề Hoàn Nhân hỏi Tôn Giả Tu Bồ Đề: Thưa Tôn Giả Tu Bồ Đề! Vì sao chẳng thấy sắc thọ, tưởng, hành, thức, bảy không, ba mươi bảy phẩm, Thanh Văn, Bích Chi Phật, Trí nhất thiết?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Vì sắc rỗng không. Thọ, tưởng, hành, thức rỗng không, cho đến trí nhất thiết cũng rỗng không.

Này Câu Dực! Vì sắc rỗng không nên chẳng học sắc không. Vì thọ, tưởng, hành, thức rỗng không cho nên chẳng học thọ, tưởng, hành, thức không. Cho đến trí nhất thiết cũng lại rỗng không cho nên chẳng học tuệ không.

Này Câu Dực! Đó là vì không, vì cái không ấy cho nên chẳng học không. Nếu học không thì chẳng phải một pháp mà là hai pháp. Nếu học sắc không lên đến trí nhất thiết thì chẳng phải một. Nếu học tuệ thì chẳng phải một.

Này Câu Dực! Vì vậy sắc, thọ, tưởng, hành, thức là không, tức là không có hai, lên đến trí nhất thiết cũng đều là không, cho nên không có hai. Sáu pháp Ba la mật cũng lại như thế, đều không có hai. Bảy không, ba mươi bảy phẩm, mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng của Chư Phật, Thanh Văn, Bích Chi Phật lên đến Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác cũng không có hai.

Trí nhất thiết cũng không có hai. Ai có thể học trí nhất thiết của Phật tức là học được vô số pháp chẳng thể tính đếm. Đã có thể học vô số Phật Pháp thì chẳng học sắc có tăng có giảm. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy, lên đến trí nhất thiết chẳng tăng chẳng giảm. Học năm ấm chẳng tăng chẳng giảm rồi thì có thể học trí nhất thiết.

Đã có thể học trí nhất thiết chẳng tăng chẳng giảm rồi thì chẳng thọ học sắc, cũng không để mất, chẳng thọ học thọ, tưởng, hành, thức, cũng không để mất, chẳng thọ học Thanh Văn, Bích Chi Phật lên đến trí nhất thiết cũng không để mất.

Ngài Xá Lợi Phất nói với Ngài Tu Bồ Đề: Đại Bồ Tát học như thế thì chẳng vì thọ học, cũng không để mất.

Ngài Tu Bồ Đề nói: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất, đúng vậy! Đại Bồ Tát học như thế là chẳng vì thọ học sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng không để mất, chẳng thọ học trí nhất thiết, cũng không để mất.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi Ngài Tu Bồ Đề: Sao gọi là Đại Bồ Tát chẳng thọ học năm ấm, cũng không để mất, chẳng thọ học trí nhất thiết, cũng không để mất?

Ngài Tu Bồ Đề trả lời: Sắc không sở hữu, chẳng thể thọ trì nên không thọ sắc. Thọ, tưởng, hành, thức, trí nhất thiết đều không sở hữu, chẳng thể thọ trì nên không thọ thọ, tưởng, hành, thức, trí nhất thiết. Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất, đó là Đại Bồ Tát đối với tất cả pháp đều không thọ, thành tựu trí nhất thiết.

Xá Lợi Phất hỏi Ngài Tu Bồ Đề: Đại Bồ Tát học như thế là học bát nhã Ba la mật, làm phát sinh trí nhất thiết chăng?

Ngài Tu Bồ Đề trả lời: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất, đúng vậy! Đại Bồ Tát học như thế là học bát nhã Ba la mật làm phát sinh trí nhất thiết, đối với tất cả pháp không thọ.

Ngài Xá Lợi Phất nói với Ngài Tu Bồ Đề: Đại Bồ Tát học như thế, đối với tất cả các pháp không thọ học, cũng không để mất. Đại Bồ Tát học như thế là làm phát sinh trí nhất thiết.

Ngài Tu Bồ Đề nói: Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, chẳng thấy sắc có sinh, cũng không có diệt, chẳng thọ, chẳng xả, không trì, không tranh, chẳng tăng, chẳng giảm.

Vì sao?

Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Vì sắc tự nhiên cho nên không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chẳng thấy sinh, cũng không diệt, chẳng thọ, chẳng xả, không trần lao, không sân hận, không buông thả, cũng chẳng phải không buông thả, không tăng, không giảm.

Vì sao?

Vì trí nhất thiết tức là tự nhiên, không sở hữu.

Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Vì vậy, Đại Bồ Tát đối với tất cả pháp, không sinh, cũng không diệt, không thọ, không xả, không trần lao, không sân hận, không buông thả, cũng chẳng phải không buông thả, không tăng, không giảm, học bát nhã Ba la mật rồi, phát sinh trí nhất thiết, tức là dùng vô học nên không sinh.

Thích Đề Hoàn Nhân hỏi Tôn Giả Xá Lợi Phất: Đại Bồ Tát nên cầu bát nhã Ba la mật ở đâu?

Ngài Xá Lợi Phất đáp: Này Câu Dực! Nên cầu ở Tôn Giả Tu Bồ Đề.

Thích Đề Hoàn Nhân hỏi Ngài Tu Bồ Đề: Do oai thần của Tôn Giả, do sự kiến lập của Tôn Giả nên khiến cho Tôn Giả Xá Lợi Phất nói thế này: Tôn Giả Tu Bồ Đề nói bát nhã Ba la mật thì nên theo Tôn Giả mà cầu.

Tu Bồ Đề nói với Thích Đề Hoàn Nhân: Chẳng phải do oai thần của tôi kiến lập đâu.

Lại hỏi: Vậy do oai thần của ai mà tạo lập?

Đáp: Này Câu Dực! Nhờ ân oai thần của Như Lai mà tạo lập.

Thích Đề Hoàn Nhân hỏi Tu Bồ Đề: Tất cả các pháp đều không chỗ lập, như vậy tại sao gọi là do oai thần của Như Lai kiến lập?

Cũng không do chỗ khác kiến lập?

Chấp vào các pháp thì chẳng đắc Như Lai!

Tôn Giả Tu Bồ Đề trả lời Thích Đề Hoàn Nhân: Này Câu Dực! Đúng vậy.

Như Lai thì không chỗ trụ, cũng không chỗ khác. Cái có thể trụ thì không khác Như Lai, hễ có sở đắc thì chẳng lìa trụ. Như Lai cũng không chỗ trụ, nhưng đối với tất cả các pháp chẳng lìa chỗ trụ, chẳng cho sắc là Như Lai, chẳng cho không cội gốc là Như Lai, chẳng cho sắc không cội gốc là Như Lai, chẳng cho Như Lai là không cội gốc, sắc là không cội gốc, sắc pháp là Như Lai, chẳng cho Như Lai là không cội gốc.

Vì pháp không cội gốc cho nên các sắc không cội gốc, vì thọ, tưởng, hành, thức không cội gốc nên Như Lai không cội gốc, chẳng cho Như Lai là không cội gốc, chẳng cho thọ, tưởng, hành, thức là không cội gốc, chẳng cho thọ, tưởng, hành, thức không cội gốc là pháp của Như Lai.

Chẳng cho pháp của Như Lai là pháp của thức, chẳng cho Thanh Văn, Bích Chi Phật lên đến trí nhất thiết, Như Lai là không cội gốc, chẳng cho Như Lai là không cội gốc, trí nhất thiết là không cội gốc, chẳng cho pháp trí nhất thiết là pháp của Như Lai, chẳng cho pháp của Như Lai là pháp của trí nhất thiết.

Lại nữa, này Câu Dực! Như Lai đối với pháp không hợp không tan, đối với pháp thọ, tưởng, hành, thức không hợp không tan, đối với cái khác năm ấm chẳng có hợp có tan, đối với Như Lai chẳng có hợp có tan, đối với pháp trí nhất thiết chẳng có hợp có tan, đối với trí nhất thiết của Như Lai không hợp, không tan, đối với pháp trí nhất thiết chẳng có hợp có tan, đối với cái khác trí nhất thiết, Như Lai chẳng có hợp có tan.

Lại nữa, này Câu Dực! Đối với các pháp này chẳng hợp chẳng tan. Dùng oai thần này kiến lập mà có chỗ trụ.

Vừa rồi Câu Dực hỏi rằng: Đại Bồ Tát sẽ cầu bát nhã Ba la mật ở đâu?

Chẳng cầu ở sắc, chẳng cầu khác sắc, chẳng cầu ở thọ, tưởng, hành, thức, chẳng cầu khác thọ, tưởng, hành, thức. Bát nhã Ba la mật đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức, tất cả các pháp không hợp, không tan, không sắc, không thấy, chẳng thể thọ trì, chỉ có một tướng, tức là tướng không sở hữu.

Lại nữa, này Câu Dực! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật lên đến trí nhất thiết đều không có sự mong cầu, chẳng đối với nơi khác mà cầu trí nhất thiết.

Vì sao?

Vì cầu trí nhất thiết của bát nhã Ba la mật, đối với tất cả các pháp không hợp, không tan, không sắc, không thấy, chẳng thể thọ trì, tức là chỉ có một tướng, là tướng không sở hữu.

Vì sao?

Này Câu Dực! Vì bát nhã Ba la mật không có sắc, cũng không có cái khác sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức, cũng không có cái khác thọ, tưởng, hành, thức. Thức chẳng khác bát nhã Ba la mật, cũng không có khác trí nhất thiết, chẳng phải bát nhã Ba la mật không khác trí nhất thiết.

Bát Nhã Ba la mật của Như Lai không sắc, cũng không khác sắc, cũng không khác thọ tưởng, hành thức. Bát nhã Ba la mật cũng không khác thức. Trí nhất thiết chẳng phải bát nhã Ba la mật, bát nhã Ba la mật không khác trí nhất thiết.

Bát Nhã Ba la mật của Như Lai không sắc, cũng không khác sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế, không khác thọ, tưởng, hành, thức, cũng chẳng phải không cội gốc. Bát nhã Ba la mật không có pháp sắc, cũng không có pháp khác sắc.

Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế. bát nhã Ba la mật không sắc, không có cội gốc, cũng không khác sắc, không không cội gốc. Bát nhã Ba la mật không có pháp sắc, cũng không có khác pháp sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế.

Thanh Văn, Bích Chi Phật, lên đến trí nhất thiết cũng lại như thế, không có pháp sắc trí nhất thiết cũng không khác pháp sắc trí nhất thiết. Bát nhã Ba la mật không có trí nhất thiết, không có cội gốc, cũng không khác trí nhất thiết, chẳng phải không cội gốc.

Ngài Thích Đề Hoàn Nhân nói với Tu Bồ Đề: Đó là bát nhã Ba la mật của Đại Bồ Tát không khác Ba la mật vô hạn. Pháp mà Đại Bồ Tát có thể học là Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, Phật theo đó mà học. Nếu Đại Bồ Tát học pháp này dùng để khai hóa chúng sinh, làm nghiêm tịnh Cõi Phật thì sẽ chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Ngài Tu Bồ Đề nói với Thích Đề Hoàn Nhân: Này Câu Dực! Đúng vậy. Đó là bát nhã Ba la mật của Đại Bồ Tát không khác Ba la mật vô hạn. Nên học như thế. Vì ba thừa đều do đó sinh Đại Bồ Tát tự đạt đến Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thành bậc Đẳng Chánh Giác.

Sắc không có biên giới, đó là Ba la mật vô cực của Đại Bồ Tát.

Vì sao?

Vì chẳng thể nắm bắt sắc quá khứ, cũng chẳng thể nắm bắt sắc hiện tại, cũng chẳng thể nắm bắt sắc vị lai. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế. Thọ, tưởng, hành, thức không có biên giới, Ba la mật vô cực.

Vì sao?

Vì chẳng thể nắm bắt thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, cũng chẳng thể nắm bắt thọ, tưởng, hành, thức vị lai, cũng chẳng thể nắm bắt thọ, tưởng, hành, thức hiện tại. Thanh Văn, Bích Chi Phật cho đến Phật không cùng cực, không biên giới, cũng lại như vậy.

Này Câu Dực! Đó là Ba la mật vô cực của Đại Bồ Tát. Sắc không có hạn lượng, bát nhã Ba la mật cũng không có hạn lượng.

Vì sao?

Vì sắc chẳng thể nắm bắt được hạn lượng.

Này Câu Dực! Thí như Hư Không chẳng thể nắm bắt được giới hạn, sắc không có hạn lượng, cũng lại như thế. Hư Không không có hạn lượng cho nên sắc không có hạn lượng. Sắc không có hạn lượng cho nên bát nhã Ba la mật không có hạn lượng, lên đến trí nhất thiết cũng không có hạn lượng, cho nên bát nhã Ba la mật không có hạn lượng. Đó là hạnh của các Đại Bồ Tát.

Vì sao?

Này Câu Dực! Vì trí nhất thiết, chẳng thể nắm bắt được biên giới. Thí như hư không chẳng thể nắm bắt được biên giới, trí nhất thiết cũng lại như vậy. hư không không có giới hạn nên trí nhất thiết cũng không có giới hạn. Trí nhất thiết không có giới hạn nên bát nhã Ba la mật cũng không có giới hạn.

Này Câu Dực! Vì vậy bát nhã Ba la mật không có giới hạn. Đó là các Đại Bồ Tát như hư không vô biên. Sắc không cùng tận, Ba la mật không cùng tận.

Vì sao?

Này Câu Dực! Vì sắc không biên giới, cũng không trung gian. Thọ, tưởng, hành, thức cũng không biên giới, cũng không trung gian. Vì vậy Ba la mật của các Đại Bồ Tát không có biên giới, không cùng tận.

Vì sao?

Vì Thần túc, chẳng thể nắm bắt được cái cùng tận, không có trung gian, lên đến trí nhất thiết cũng không cùng tận, Ba la mật cũng không cùng tận. Đó là hạnh của các Đại Bồ Tát.

Vì sao?

Này Câu Dực! Vì trí nhất thiết, chẳng thể nắm bắt được biên giới, cũng không có trung gian. Ba la mật không cùng tận. Đó là sắc của Đại Bồ Tát không cùng tận cho nên trí nhất thiết cũng không cùng tận.

Lại nữa, này Câu Dực! Sự việc không cùng tận, Ba la mật không cùng tận. Có thể hiểu như thế tức là Đại Bồ Tát.

Thích Đề Hoàn Nhân hỏi Tu Bồ Đề: Vì sao sự việc không cùng tận, Ba la mật không cùng tận?

Ngài Tu Bồ Đề trả lời: Này Câu Dực! Vì sự việc của trí nhất thiết không cùng tận, cho nên Ba la mật của các Đại Bồ Tát cũng không cùng tận. Lại nữa, Câu Dực, pháp không cùng tận, cho nên Ba la mật của các Đại Bồ Tát cũng không cùng tận.

Thích Đề Hoàn Nhân lại hỏi Tôn Giả Tu Bồ Đề: Vì sao pháp không cùng tận, Ba la mật của các Đại Bồ Tát cũng không cùng tận?

Ngài Tu Bồ Đề trả lời: Vì pháp giới không cùng tận cho nên Ba la mật của các Đại Bồ Tát cũng không cùng tận.

Lại nữa, này Câu Dực! Vì sự việc không cội gốc đều không cùng tận nên Ba la mật của các Đại Bồ Tát cũng không cùng tận.

Thích Đề Hoàn Nhân hỏi Ngài Tu Bồ Đề: Vì sao việc không cội gốc đều không cùng tận nên Ba la mật của các Đại Bồ Tát cũng không cùng tận?

Này Câu Dực! Vì không cội gốc, không cùng tận nên không cùng tận. Vì sự việc không đầu mối, không cội gốc, không cùng tận, nên không cội gốc, không cùng tận. Vì sự việc không cùng tận, vì không cùng tận cho nên Ba la mật của các Đại Bồ Tát cũng không cùng tận. Lại nữa, vì con người không cùng tận cho nên Ba la mật của các Đại Bồ Tát cũng không cùng tận.

Thích Đề Hoàn Nhân hỏi Ngài Tu Bồ Đề: Vì sao con người không cùng tận nên Ba la mật của các Đại Bồ Tát cũng không cùng tận?

Ngài Tu Bồ Đề trả lời: Này Câu Dực! Theo ý ông thì sao?

Trong pháp nào có dạy cái gọi là Đại Bồ Tát chăng?

Thích Đề Hoàn Nhân trả lời Ngài Tu Bồ Đề: Thưa Ngài Tu Bồ Đề! Không có trong giáo pháp cũng chẳng phải không có trong giáo pháp. Đây là danh tự, từ duyên ngoài đến, đều không sở hữu, không cội gốc, hình tượng, chỉ là tương tự giả danh. Cái gọi là con người, thật ra không có nhân duyên chính mà chỉ là danh tự giả lập.

Này Câu Dực! Ông hiểu về bát nhã Ba la mật như thế nào?

Có phải là thuyết minh về con người chăng?

Trả lời: Thưa không phải!

Ngài Tu Bồ Đề nói: Này Câu Dực! Nếu chẳng nói về con người thì đâu không cùng tận.

Này Câu Dực! Vậy tại sao Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác sống lâu số kiếp nhiều như số cát sông Hằng mà ai ai cũng nói?

Có phải Ngài là người có sinh có diệt chăng?

Thưa Tôn Giả Tu Bồ Đề, không phải! Vì sao?

Vì con người vốn thanh tịnh.

Này Câu Dực! Vì vậy con người không cùng tận, bát nhã Ba la mật không cùng tận. Bồ Tát học, phải biết như vậy, hành pháp bát nhã Ba la mật như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần