Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Quán Hạnh

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH QUANG TÁN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM HAI MƯƠI BỐN

PHẨM QUÁN HẠNH  

Bấy giờ Ngài Tu Bồ Đề hỏi Ngài Xá Lợi Phất: Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật quán các pháp như thế nào?

Sao gọi là Bồ Tát hành đạo vì tất cả mọi người mà nói?

Bồ Tát mà hiểu rõ tất cả đạo pháp, đối với tất cả pháp không chấp trước, hiểu rõ các pháp thì hiểu rõ sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nhưng đối với việc của sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không chấp trước, hiểu rõ ba mươi bảy phẩm, mười lực, bốn vô úy, pháp của Chư Phật cũng không chấp trước, thì sao gọi là việc của tất cả các pháp?

Tu Bồ Đề trả lời Xá Lợi Phất: Bồ Tát quán hình dạng, hiện tượng, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp của các pháp, hình dạng, hiện tượng của các pháp trong, ngoài, hữu vi, vô vi, sở hữu, không sở hữu, hiểu rõ là không nhân duyên thì đó là quán pháp.

Lại nữa, thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất, Tôn Giả hỏi, sao gọi là bát nhã Ba la mật?

Rốt ráo không có gì ưa thích là bát nhã Ba la mật.

Sao gọi là rốt ráo không có gì ưa thích?

Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Chẳng ưa thích ấm, chủng, các nhập, chẳng ưa thích sáu pháp Ba la mật: Thí, giới, nhẫn, tinh tấn, thiền, bát nhã Ba la mật, chẳng ưa thích bảy không, chẳng ưa thích ba mươi bảy phẩm, mười lực, bốn vô úy, mười tám pháp bất cộng của Chư Phật, đó gọi là rốt ráo không có gì ưa thích, đó là bát nhã Ba la mật.

Đối với trí nhất thiết cũng không có gì ưa thích, đó là bát nhã Ba la mật, đó là rốt ráo không có gì ưa thích. Đó là bát nhã Ba la mật.

Sao gọi là quán?

Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật, chẳng quán sắc thường hay vô thường, chẳng quán sắc khổ hay vui, chẳng quán sắc có ngã hay không ngã, chẳng quán sắc có không hay không không, có tướng hay không tướng, có nguyện hay không nguyện, chẳng quán sắc tịch tĩnh hay chẳng tịch tĩnh, chẳng quán sắc không thật hay chẳng phải không thật. Thọ, tưởng, hành, thức và bảy không cùng ba môn giải thoát cũng lại như vậy.

Chẳng quán ba mươi bảy phẩm, ý chỉ, ý đoạn, thần túc, căn, lực, bảy giác ý, tám Thánh Đạo, pháp của Chư Phật là khổ vui, thiện ác, hữu ngã vô ngã, hữu thường vô thường, các môn tam muội, môn Đà La Ni. Trí nhất thiết là hữu thường vô thường, khổ vui, thiện ác, hữu ngã vô ngã, có không không không và ba môn giải thoát.

Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Đó là Đại Bồ Tát quán hành bát nhã Ba la mật.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi Ngài Tu Bồ Đề: Vì sao nói sắc, thọ, tưởng, hành, thức không có chỗ khởi là không có sắc thọ, tưởng, hành, thức?

Căn, lực, giác ý, ba mươi bảy phẩm, bảy không, bốn pháp phi thường, trí nhất thiết đều không có chỗ khởi?

Trí nhất thiết thì không sở hữu?

Ngài Tu Bồ Đề trả lời Ngài Xá Lợi Phất: Sắc, bảy không, đã là không thì không có hình, vì vậy sắc không có chỗ khởi, thì không có sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế. Sáu pháp Ba la mật là không, đã là không thì chẳng phải là bát nhã Ba la mật. Trí tuệ không chỗ khởi.

Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Vì vậy, bát nhã Ba la mật không chỗ khởi thì chẳng phải bát nhã Ba la mật. Bảy không, ba mươi bảy phẩm, mười lực, vô úy, pháp của Chư Phật, các môn tam muội, môn Đà La Ni, trí nhất thiết cũng lại như vậy. Sắc không chỗ khởi tức là không có sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cho đến trí nhất thiết cũng lại như thế, không chỗ khởi tức là không có trí tuệ.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi Ngài Tu Bồ Đề: Vì sao nói sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến trí nhất thiết là không có hai?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Đúng vậy, đúng vậy! Nó không hai, sắc thì không có hai. Thọ, tưởng, hành, thức, tất cả pháp không có hai. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức không hợp không tan, không sắc, không thấy, không có thủ, xả. Tướng như thế tức là không tướng. Bảy không, ba mươi bảy phẩm, bốn pháp phi thường, trí nhất thiết cũng lại như thế. Năm ấm, sáu suy cho đến trí nhất thiết đều không có hai.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi Ngài Tu Bồ Đề: Vì sao nói sắc không có hai, thanh tịnh không chỗ đến?

Thọ, tưởng, hành, thức cho đến trí nhất thiết cũng như vậy?

Ngài Tu Bồ Đề trả lời Ngài Xá Lợi Phất: Đúng vậy, đúng vậy! Sắc chẳng khác cái không chỗ khởi, cũng lại không khác sắc không chỗ khởi. Thọ, tưởng, hành, thức cho đến trí nhất thiết cũng lại như thế.

Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Như thế, sắc không có hai, năm ấm, sáu suy cho đến trí nhất thiết cũng không có hai, tất cả đều thanh tịnh không từ đâu đến.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật quán tất cả các pháp, thấy tất cả sắc cũng không chỗ khởi, xưa nay thanh tịnh. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế. Tôi ta, tri kiến đều không chỗ khởi, xưa nay thanh tịnh.

Thí, giới, nhẫn, tinh tấn, thiền, bát nhã Ba la mật cũng lại như thế, đều không chỗ khởi, xưa nay thanh tịnh. Bảy không, ba mươi bảy phẩm, căn, lực, giác ý, mười lực, vô úy, pháp của Chư Phật, chẳng thấy chỗ khởi, xưa nay thanh tịnh.

Quán các môn tam muội, môn Đà La Ni, trí nhất thiết, chẳng thấy chỗ khởi, xưa nay thanh tịnh. Quán pháp phàm phu, thấy pháp phàm phu đều không chỗ khởi, xưa nay thanh tịnh. Quán Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Thanh Văn, Bích Chi Phật và Bồ Tát, thấy các pháp này đều không chỗ khởi, xưa nay thanh tịnh. Quán tất cả Phật Pháp, chẳng thấy chỗ khởi, xưa nay thanh tịnh.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi Ngài Tu Bồ Đề: Những điều nói đó nên hiểu như thế nào?

Năm ấm, sáu suy, pháp Ba Thừa và trí nhất thiết đều không chỗ khởi, cũng không có năm đạo, cũng không có Đại Bồ Tát, cũng không đắc thần thông.

Thưa Tôn Giả Tu Bồ Đề, nếu tất cả các pháp đều không chỗ khởi thì vì sao để thành tựu Tu Đà Hoàn phải đoạn trừ ba kiết tu hành đạo?

Tư Đà Hàm cũng đoạn trừ ba kiết, dâm, nộ, si mỏng, tu hành đạo?

Ana hàm vứt bỏ gánh nặng, đoạn trừ các kiết, tu hành đạo?

A La Hán đoạn trừ các kiết và năm căn, không còn sinh tử mà tu hành đạo?

Bích Chi Phật vì nhân Duyên Giác ngộ mà tu hành đạo?

Vì sao Bồ Tát siêng tu đạo khổ hạnh vì vô số chúng sinh mà chịu khổ?

Vì sao khi thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác rồi chuyển pháp luân?

Ngài Tu Bồ Đề trả lời: Tôi không muốn khiến cho pháp không chỗ khởi mà có chỗ chứng đắc, cũng không muốn khiến cho pháp không chỗ khởi mà đạt đến Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, cũng lại như thế, tôi cũng chẳng khiến cho Đại Bồ Tát siêng tu khổ hạnh, chẳng khiến cho Bồ Tát tinh cần khổ hạnh.

Vì sao?

Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Vì chẳng riêng nghĩ việc khổ cực nên độ vô số người chẳng thể tính đếm.

Lại nữa, thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Người hành đạo Bồ Tát nên độ vô số người chẳng thể tính đếm, nghĩ họ như cha, nghĩ họ như mẹ, nghĩ họ như con, nghĩ họ như bản thân mình, việc làm cũng không chỗ khởi.

Bồ Tát nên nghĩ: Tìm cầu tôi ta đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Quán pháp trong ngoài nên hiểu như thế. Nếu khởi tưởng thì chẳng nghĩ khổ cực, cũng không khởi tưởng.

Vì sao?

Tất cả các pháp đều không chỗ khởi, cũng chẳng thể nắm bắt được.

Lại nữa, thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Tôi cũng chẳng muốn khiến cho Như Lai không có chỗ khởi, Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác cũng chẳng muốn khiến chuyển pháp luân, cũng chẳng muốn khiến đắc pháp không chỗ khởi.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi Tôn Giả Tu Bồ Đề: Nói là muốn khiến có khởi mà đạt được pháp và nói là không khởi thì chẳng đạt các pháp là thế nào?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Chẳng vì không khởi mà chứng đắc các pháp, cũng chẳng vì khởi mà chứng đắc các pháp.

Ngài Xá Lợi Phất lại hỏi Ngài Tu Bồ Đề: Thế nào là pháp không chỗ khởi, cũng chẳng không khởi mà chứng đắc pháp?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Tôi chẳng muốn khiến cho không chỗ khởi sinh mà chứng đắc các pháp, cũng chẳng muốn khiến cho không không chứng đắc.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi: Thưa Tôn Giả Tu Bồ Đề! Theo ý Tôn Giả thì sao?

Không có chứng đắc không thành đạo chăng?

Ngài Tu Bồ Đề trả lời: Có chứng đắc, có thành đạo, thật không có hai. Lại nữa, thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất, chứng đắc, thành đạo là đứng về mặt thế tục mà nói. Cái gọi là Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật đều là do giáo hóa thế tục mà có những danh hiệu này. Suy tìm gốc ngọn thì không có chứng đắc, không có thành đạo, không có Ba thừa.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi Tôn Giả Tu Bồ Đề: Phải chăng sự chứng đắc thành đạo là dựa vào mặt thế tục?

Như vậy, năm đạo đứng về mặt thế tục mà nói thì hễ có, tất cả phải hoại, chẳng phải là chân đế?

Đáp: Đúng như vậy! Do thế tục mà nói có chứng đắc thành đạo. Năm đạo cũng vậy, đứng về mặt thế tục thì hoại hết, chẳng phải chân đế.

Vì sao?

Vì muốn thành chân đế thì không có thiện ác, chẳng khởi chẳng diệt, không có các trần lao, cũng không sân hận mới là chân đế.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi Ngài Tu Bồ Đề: Pháp vô sinh ấy sinh khởi chăng?

Hay là pháp sinh sinh khởi?

Ngài Tu Bồ Đề trả lời: Pháp vô sinh cũng không sinh, mà pháp sinh cũng lại không sinh.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi: Thế nào là muốn khiến cho pháp không sinh có chỗ sinh?

Ngài Tu Bồ Đề trả lời: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không chỗ sinh, tự nhiên rỗng không chẳng muốn khiến sinh. Thanh Văn, Bích Chi Phật trên cho đến Phật đạo đều không sinh, tự nhiên rỗng không, chẳng muốn khiến sinh.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi: Pháp sinh ấy lại có sinh chăng?

Pháp không sinh khởi sinh chăng?

Ngài Tu Bồ Đề trả lời: Pháp sinh ấy cũng không sinh, pháp không sinh ấy cũng không sinh.

Vì sao?

Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Vì sinh, không sinh, hai pháp này không hợp, không tan, không sắc, không thấy, không chỗ nắm bắt tức là nhất tướng, không có tướng sở hữu.

Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất, vì vậy, sinh là không sinh. Pháp không sinh ấy lại cũng không sinh.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi: Pháp nào có thể tương ưng pháp không sinh?

Thưa Tôn Giả Tu Bồ Đề, pháp không sinh ấy không chỗ sinh.

Pháp không chỗ sinh cũng không sinh?

Ngài Tu Bồ Đề trả lời: Pháp không sinh ấy là pháp không sinh, vì không sinh có thể tương ưng pháp không sinh, không chỗ sinh.

Vì sao?

Vì pháp không sinh, không chỗ sinh ấy và biện tài đều không sinh. Tất cả các pháp này không hợp, không tan, không sắc, không thấy, chẳng thể nắm bắt, tức là nhất tướng, không có tướng sở hữu.

Ngài Xá Lợi Phất nói: Không chỗ sinh, không biện luận về chỗ sinh, pháp không chỗ sinh cũng không sinh, vì vậy có thể tương ưng.

Ngài Tu Bồ Đề nói: Đúng vậy, đúng vậy! Vì không sinh nên không biện luận về chỗ sinh, pháp không sinh cũng không chỗ sinh mới là tương ưng.

Vì sao?

Vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không chỗ sinh. Sáu tình là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng không chỗ sinh. Thanh Văn, Bích Chi Phật cho đến Phật cũng không chỗ sinh. Vì vậy, thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất, không biện luận về chỗ sinh, không không chỗ sinh, pháp không chỗ sinh, cho nên hành trạng của nó là không chỗ sinh. Như thế mới có thể tương ưng pháp không sinh.

Ngài Xá Lợi Phất nói với Tu Bồ Đề: Hiền Giả Tu Bồ Đề là bậc thuyết pháp đệ nhất.

Vì sao?

Vì nếu có ai hỏi thì tùy theo câu hỏi mà giải đáp, nhưng đối với tất cả các pháp không vướng mắc.

Ngài Xá Lợi Phất nói tiếp: Thế nào là đối với tất cả pháp không vướng mắc?

Ngài Tu Bồ Đề trả lời: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh, rỗng không, cũng không vướng mắc, cũng không trong ngoài, cũng không trung gian. Sự tiếp xúc của sáu tình, mười tám chủng cũng rỗng không, thanh tịnh, chẳng vướng mắc trong ngoài, cũng không trung gian.

Sáu pháp Ba la mật và bảy không, ba mươi bảy phẩm, mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng của Chư Phật cũng thanh tịnh, rỗng không, chẳng vướng mắc trong ngoài, trung gian.

Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Đối với tất cả các pháp ấy không vướng mắc, Đại Bồ Tát hành sáu pháp Ba la mật, thì đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh, cho đến trí nhất thiết đều thanh tịnh.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi: Sao gọi là Đại Bồ Tát thuần hành sáu pháp Ba la mật mà làm thanh tịnh đạo Bồ Tát?

Ngài Tu Bồ Đề trả lời: thí Ba la mật ấy, có thí thế gian, chẳng vượt thế gian. Giới Ba la mật, nhẫn Ba la mật, tinh tấn Ba la mật, thiền Ba la mật, bát nhã Ba la mật cũng có trí thế tục và trí vượt thế tục.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi: Sao gọi là thí Ba la mật thế tục?

Thí Ba la mật vượt thế tục?

Ngài Tu Bồ Đề trả lời: Đại Bồ Tát bố thí nhiều cho Sa Môn, Bà La Môn, người nghèo cùng, kẻ ăn xin. Đối với người đói cho ăn, người khát cho uống, hương hoa, âm nhạc, nhà cửa, bảy báu, nghề nghiệp sinh sống, thuốc thang trị bệnh, tất cả đều thỏa mãn theo ý muốn, kể cả vợ con nam nữ, đầu mắt, da thịt, thân thể, những cái mà con người ham muốn, nhưng Bồ Tát chẳng thương tiếc, mở lòng ban cho, theo nhu cầu mà trao tặng, không có bỏn sẻn.

Tự nghĩ: Ta là thí chủ buông bỏ tất cả, theo lời Phật dạy, hành thí Ba la mật. Thí như thế rồi, nhưng nếu có vông tưởng, đối với các chúng sinh, tâm chí còn điên đảo cho là chắc thật, đem sự bố thí này, khuyến trợ Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Dùng sự bố thí này khiến cho quần sinh hiện thế an ổn cho đến đạt cảnh giới Vô dư Niết Bàn. Bồ Tát ấy có ba việc mà thấy có bố thí.

Những gì là ba?

Tưởng về mình, tưởng tôi ta, tưởng có quả báo khi bố thí cho người khác. Đó là thí Ba la mật thế gian, chẳng phải vượt thế gian.

Thế nào là thí Ba la mật thế gian, chẳng phải vượt thế gian?

Ở tại thế gian chẳng dời đổi, chẳng được độ thoát đạt đến vô chướng ngại, đó là thí Ba la mật thế gian. Có thể làm thanh tịnh ba phẩm.

Những gì là ba?

Đại Bồ Tát có bố thí nhưng chẳng thủ đắc tôi ta, chẳng thấy người nhận, có sự nhận lấy cũng chẳng tưởng nghĩ báo đáp. Đó là Đại Bồ Tát làm thanh tịnh ba phẩm.

Lại nữa, thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát bố thí cho chúng sinh nhưng cũng không thấy có người, vì để khuyến trợ Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác nên không có các tưởng, đều không thấy có, đó là thí Ba la mật vượt thế gian. Cho nên gọi là thí Ba la mật vì vượt thế gian nên chẳng vướng mắc thế gian.

Giới, nhẫn, tinh tấn, thiền, bát nhã Ba la mật cũng lại như thế, nếu có vọng tưởng thì là trí thế gian, không có vông tưởng là trí vượt thế gian.

Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Đó là Đại Bồ Tát thuần hành sáu pháp Ba la mật thành đạo Bồ Tát.

Ngài Xá Lợi Phất lại hỏi Ngài Tu Bồ Đề: Sao gọi là Đại Bồ Tát thành tựu đạo Bồ Tát?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Ý chỉ, ý đoạn, thần túc, căn, lực, bảy giác ý, tám thánh đạo, mười lực, bốn vô úy, mười tám pháp bất cộng, ba môn giải thoát: không, vô tướng, vô nguyện, bảy không, tất cả các môn tam muội, môn Đà La Ni, bốn phân biệt biện, đại từ, đại bi, đó là đạo của Đại Bồ Tát.

Ngài Xá Lợi Phất khen: Hay thay, hay thay! Thưa Tôn Giả Tu Bồ Đề! Cái gì làm cho Ba la mật thành dũng mãnh, là đệ nhất trong việc độ thoát?

Ngài Tu Bồ Đề trả lời: Nhờ ân của bát nhã Ba la mật dũng mãnh mà được độ thoát.

Vì sao?

Vì bát nhã Ba la mật là mẹ của tất cả các pháp, hộ trì, độ thoát cho Thanh Văn, Bích Chi Phật, vì khiến thành tựu được Bồ Tát nên gọi là bát nhã Ba la mật. Bát nhã Ba la mật đều nhập trong Tam Thừa. Chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác quá khứ, vị lai, hiện tại, trong mười phương Thế Giới đều nhờ bát nhã Ba la mật mà đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thành bậc không thoái chuyển.

Nếu có Đại Bồ Tát nghe nói bát nhã Ba la mật mà không hồ nghi, chẳng do dự thì nên biết Đại Bồ Tát ấy tùy thuận tất cả chúng sinh, vì tất cả, không có gì tiếc nuối, bố thí hết, không điên đảo. Như thế là chẳng lìa hạnh Đại Bồ Tát. Như vậy điều tưởng niệm là tư duy về đại bi rộng lớn.

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói với Tôn Giả Tu Bồ Đề: Đại Bồ Tát ưa tư duy về đại từ, đại bi tức là xả ly tất cả chúng sinh.

Vì sao?

Vì tất cả chúng sinh chẳng lìa niệm.

Ngài Tu Bồ Đề nói: Hay thay, hay thay! Hiền Giả Xá Lợi Phất! Nay tôi khen ngợi lời nói của Hiền Giả là chân là thật. Con người không sở hữu, điều nghĩ tưởng ấy cũng không sở hữu, con người không tự nhiên, điều nghĩ tưởng ấy cũng không tự nhiên.

Con người cũng rỗng không, niệm cũng rỗng không, con người không thật, niệm cũng không thật, thân người rỗng không, vô niệm cũng rỗng không, không có con người, không có sự giác ngộ, niệm cũng không giác ngộ.

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không sở hữu, niệm cũng không sở hữu, bảy không cũng không sở hữu, sắc không sở hữu, rỗng không, không thật. Sắc không giác, niệm cũng không giác. Mười tám chủng, địa, thủy, hỏa, phong, thức, giới.

Thí, giới, nhẫn, tinh tấn, thiền, bát nhã Ba la mật, ba mươi bảy phẩm, mười lực, vô úy, pháp của Chư Phật, tất cả các môn tam muội, môn Đà La Ni, trí nhất thiết, hiểu rõ những pháp đó đều là không sở hữu thì đó là đạo.

Sở niệm không sở hữu, con người không giác, sở niệm cũng không giác, hiểu rõ điều đó rồi mới thành Chánh Giác. Đại Bồ Tát nên hành như thế. Đại Bồ Tát chẳng lìa niệm ấy mới thành Chánh Giác.

Bấy giờ Đức Phật khen ngợi Tu Bồ Đề: Hay thay, hay thay! Đại Bồ Tát nên nói như thế. Bát nhã Ba la mật đa như ông đã nói là đều nương vào oai thần của Như Lai. Đại Bồ Tát nên hành bát nhã Ba la mật như thế.

Khi Hiền Giả Tu Bồ Đề nói bát nhã Ba la mật thì trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, sáu thứ chấn động, các phương Đông, Tây, Nam, Bắc trên dưới đều chấn động. Khi ấy Đức Phật mỉm cười.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Vì sao hôm nay Ngài cười?

Chắc là có lý do?

Đức Phật bảo Tu Bồ Đề: Đúng! Hôm nay ta ở cõi nhẫn này, nói bát nhã Ba la mật, thì các Đấng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiện tại trong mười phương cũng đều nói bát nhã Ba la mật.

Khi Phật nói lời ấy có mười hai triệu Chư Thiên, con người đều đắc pháp nhẫn không từ đâu sinh, ngay khi ấy thấy hết Chư Phật mười phương đều nói bát nhã Ba la mật. Và Đức Phật khi nói lời ấy, vô số vô số người đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần