Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Kinh Thần Chú Kiết Tường
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH SINH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
ĐỨC PHẬT THUYẾT GIẢNG
KINH THẦN CHÚ KIẾT TƯỜNG
Tôi nghe như vậy!
Một thời Đức Phật du hóa ở thành Xá Vệ, nơi ấy có tên là chuyển pháp luân, không gì có thể vượt hơn được. Đất ấy rộng lớn, bao quát, nếu có kẻ đến quấy nhiễu, Đức Phật đều thuyết phục. Nay đang lúc thuyết giảng, các bậc Đại Nhân, Thánh Hiền đều quy tụ về đó.
Lúc ấy, Đức Phật bảo Hiền Giả A Nan: Ta vì ông mà nói Thần Chú là Vua của các thứ Thần Chú, ông phải hết lòng thọ trì vì đây là Chú của các Đức Phật đã nói. Khi thực hành phải chí thành, thực hành theo đúng nẻo đạo pháp, thực hành theo mười hai nhân duyên, thực hành theo hàng tháng, hàng ngày, các vị Hiền Giả đều thực hành, ngày tháng luôn thực hành. Vậy ông hãy lắng nghe và khéo ghi nhớ.
Hiền Giả A Nan thưa: Con xin vâng theo lời dạy và lắng nghe.
Thần Chú như vậy:
Hưu lâu Ni lâu A ca la Bài la Mạc ca đát la bạt đề Ba la linh ba sô a ni tha Da đề a ni Da đề a đề tà đề át đế mạt đế lô.
Lô la la bạt đề ma na la la ba di trá.
Đây là Pháp Tổng trì vô lượng, Vua của các ấn Chú mà Chư Phật đã nói. Phải chí thành mà thực hành, phải đúng theo đường tu tập mà thực hành, theo dấu bình đẳng mà thực hành, phải ngày thực hành, tháng thực hành, ngày tháng đều thực hành, không hề gián đoạn.
Đức Phật nói với Hiền Giả A Nan: Câu Tổng trì này là câu Chú của Phật, là câu Chú tôn quý hơn hết, là câu Chú phải học, là câu Chú của Thánh Hiền, là câu Chú đem lại diệu nghĩa lợi lạc, là câu Chú luôn mang theo bên mình, là câu Chú không hề bị trở ngại. Như các vị Tộc Tánh Tử, Tộc Tánh Tử, nếu hội nhập được câu Chú này là vào được trăm, ngàn cánh cửa giải thoát, có thể phân biệt để thuyết giảng.
Đức Phật bảo Hiền Giả A Nan: Ở mé Nam núi Tuyết, có vị Nữ Thần lớn tên là Thiết Đà Lân Ca Ê Nhiếp Thanh, có năm trăm người con và đám quyến thuộc, nghe được Kinh này, liền cùng đứng lên kêu oán: Than ôi, đau đớn lắm thay! Hỡi ôi! Sao mà dữ dội đến thế!
Thân ta vốn lấy cái tinh chất của hàng trăm hàng ngàn người để ăn uống, hại mạng người để phục vụ mình, đến nay thì không làm gì được, không thể xâm phạm nữa. Sa Môn Cù Đàm vì bốn bộ chúng mà nêu bày, hộ trì.
Vì sao?
Là vì nếu các hàng thiện nam, tín nữ nhận được Thần Chú này thì những đồng nam, đồng nữ khi vào các quận, huyện, thôn, xóm trong nước, dốc trì tụng chú kiết tường này thì không có gì có thể nhiễu hại được.
Vì sao như vậy?
Là vì nay ông Sa Môn Cù Đàm nói Thần Chú ấy đã xua đuổi bọn phi nhân, diệt trừ các thứ hoạn nạn.
Đại Nữ Thần ở đây mà thường xuất hiện ở cung ma, bọn ma xấu nói: Thiên Vương nên biết, Sa Môn Cù Đàm, đã lấy sạch cảnh giới của ông rồi.
Nay các Thiên Vương đều phải mặc áo giáp đồng, dẫn theo cả đám đông cùng binh lính giống như hồi Bồ Tát mới bắt đầu tham thiền bên gốc cây Bồ Đề. Bọn ma liền mặc áo giáp đồng, cùng đám binh lính đến thẳng chỗ Phật.
Khi đó, Đức Thế Tôn nói với Hiền Giả A Nan: Đó là đại Nữ Thần Thiết Đà Lân Ca Ê ở tại phía Nam núi Tuyết, cùng với năm trăm người con đông đủ, từ xa nghe Đức Như Lai nói Thần Chú Tổng Trì ấn Chú này mà sợ hãi cuống lên, lông tóc dựng đứng, nên đã huy động tất cả đám quân ma lớn nhỏ cùng các thứ ma khác.
Bấy giờ, bọn ma mặc áo giáp có lông cánh cùng đám quyến thuộc đến thẳng chỗ Đức Thế Tôn, mang theo tâm ý ác độc đến chỗ Sa Môn Cù Đàm.
Khi ấy, vị Bồ Tát tên là Hàng Khí Ma đã hàng phục được Ma Vương, Ma Quan và đám quyến thuộc, đến thẳng chỗ Đức Phật cung kính đảnh lễ bậc Đại Thánh, chắp tay hướng về Đức Phật, bạch Đức Thế Tôn: Con đã nhiếp phục, chế ngự được bọn ma và đám quyến thuộc của chúng, gom bọn Đại Thần Nữ Thiết Đà Lân Ca Ê lại để chế ngự, như thế là chúng chẳng còn dám làm điều sai trái, hoặc nhiễu hại các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thanh Tín Sĩ, Thanh Tín Nữ, chẳng những không dám hại mà chúng không còn có chỗ để hại nữa.
Lành thay! Thưa Đức Thế Tôn, nguyện xin Ngài nói pháp âm tổng trì cho bốn bộ chúng để họ đều được sự hộ trì khiến luôn được yên ổn. Xin Đức Phật tăng thêm từ bi làm cho Thần Chú này phổ cập đến dân chúng khiến cho họ cũng được muôn phần yên ổn.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn vì nhằm nói ra Thần Chú ấy, bỗng mỉm cười.
Hiền Giả A Nan hỏi Đức Phật: Thưa Thế Tôn, vì cớ gì Ngài cười?
Chắc phải có ý gì đấy thì Ngài mới cười?
Đức Phật bảo Hiền Giả A Nan: Ông hãy xem kìa, Bồ Tát Hàng Khí Ma Đạo Hạnh hết sức thù thắng đặc biệt, đã hàng phục được ma quân, Ma Vương và đám quyến thuộc, trừ diệt hết tà thuật của Đại Thần Nữ Thiết Đà Lân Ca Ê, khiến bọn chúng luôn lo sợ nên bỗng nhiên biến mất, không hiện ra nữa.
Đã đến lúc nói về Ẩn Tổng Trì, bấy giờ Đức Thế Tôn nghĩ về Ấn Tổng Trì này là Vua trong các pháp tổng trì, có thể nhiếp phục tất cả các loại quỷ thần xấu ác cùng các thứ yêu mị, trừ dứt được tất cả mọi sự nhiễu hại.
Câu Chú Tổng Trì ấn Vương như sau:
Phục cưu, phục cưu, hưu phù hưu lâu a kì đề.
Đối với các nơi chốn có Quỷ Thần, Thần Nữ, Cưu Hoàn Long, Kim Sí Điểu và các loài thú hung dữ, các thứ yêu mị có ý tìm đến nơi đường đi để giết người, ăn tươi nuốt sống, thì với câu Chú ấy có thể khiến chúng phải đi theo con đường sáng suốt, dốc cả tâm ý làm điều thiện, huống chi việc nhỏ nhặt thì không thể ẩn giấu được.
Các đức lớn của phép Tổng Trì ấy là không hề lựa chọn, phân biệt, không tối tăm mà cũng không có chỗ dứt bỏ. Trong lòng đọc tụng mười sự việc kia dẫn đến cái cười của ta hôm nay. Đấy là việc phải làm, không hề có chọn lựa.
Đức Phật bảo Hiền Giả A Nan: Thần Chú này là câu Chú không chọn lựa, câu Chú Tổng Trì, câu Chú không có chỗ tuyển lựa, câu Chú yên ổn, câu Chú Hộ Trì, câu Chú giúp mọi người không bị quấy nhiễu, câu Chú không bị hại, câu Chú cấm ngăn chế ngự.
Câu Chú cho mọi người đọc tụng, câu Chú làm cho bốn bộ chúng luôn được hộ trì giúp đỡ, nhân và phi nhân không thể xâm phạm được, cả những khi ra vào, ngủ nghỉ cũng không ai dám quấy nhiễu.
Huống chi Đức Phật đã nói: Ai được nghe chú này cũng đều được an ổn. Đức Phật đã thuyết giảng như vậy, mọi người đều hoan hỷ lãnh hội và lui ra.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tuệ Căn - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Ba - Phẩm Xá Lê Tử Tương ưng - Kinh đại Câu Hi La
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chủng Thọ
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Tám - Phẩm Từ Nhân - Thí Dụ Mười Chín
Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Kinh Thần Chú Kiết Tường
Phật Thuyết Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế âm Bồ Tát Mẫu đà La Ni Thân - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Mười Sáu