Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Về Chuyện Con Thỏ Chúa

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

ĐỨC PHẬT THUYẾT GIẢNG

VỀ CHUYỆN CON THỎ CHÚA  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Bấy giờ, Đức Phật nói với các Tỳ Kheo: Ngày xưa, có con thỏ chúa sống cùng với đàn ở trong núi, đói thì ăn trái cây, khát thì uống nước suối, luôn thực hành bốn tâm vô lượng: Từ, bi, hỷ, hộ, dạy dỗ đám quyến thuộc phải nên nhân ái hòa thuận, chớ làm điều xấu ác, thì khi thoát khỏi thân này sẽ được làm thân người, có thể thọ nhận được đạo pháp. Các quyến thuộc đều vui mừng nghe theo lời chỉ giáo, chẳng dám trái mạng.

Khi ấy, có một vị Tiên Nhân sống trong rừng cây, ăn hoa quả, uống nước suối trong núi, một mình tu tập theo đạo pháp, chưa từng buông thả tâm ý, dốc tạo theo bốn phạm hạnh: Từ, bi, hỷ, hộ, tụng Kinh, luôn nhớ nghĩ đến pháp, âm thanh vang tỏa khắp nghe rất hòa nhã khiến ai cũng vui thích. 

Khi thỏ chúa đến gần nơi đó, được nghe tụng Kinh, lòng vô cùng hớn hở, nên nghe không biết chán, bèn cùng với đám quyến thuộc mang trái cây đến cúng dường cho vị đạo nhân.

Cứ như thế, ngày qua tháng lại suốt năm, khi mùa đông lạnh lẽo đến, vị Tiên Nhân muôn trở về nơi xã hội thế tục, thỏ chúa thấy ông mặc áo, mang bát và cái túi da hươu đựng y phục, nên buồn rầu chẳng vui, lòng đầy lưu luyến, chẳng muốn ông bỏ đi.

Thỏ chúa liền đến trước ông, rơi nước mắt, hỏi: Ngài đi về đâu vậy?

Ở đây ngày ngày được trông thấy Ngài, tôi lấy làm vui vẻ, quên cả đói khát, y như đổi với cha mẹ, nguyện xin Ngài ở lại nơi đây, chớ nên bỏ đi.

Vị Tiên Nhân đáp: Ta có thân tứ đại, phải giữ gìn nó, nay mùa đông rét mướt đã đến, trái cây đều hết, nước suối trong núi này sẽ đóng băng, lại không có hang kín để có thể ở được, nên mới tính bỏ đi dựa vào xã hội đông đảo dưới kia làm kẻ Khất Sĩ xin ăn, nghỉ tạm ở Tinh Xá chờ qua mùa đông lạnh lẽo thì ta sẽ tới đây gặp lại nhau, vậy chớ nên lo lắng ưu sầu.

Thỏ chúa nói: Đám quyến thuộc của chúng con sẽ đi khắp nơi, lục lọi khắp chỗ để tìm kiếm trái cây nhằm cung cấp đủ cho nhau, chúng con nguyện một lòng một dạ, xin Ngài thương xót tế độ cho. Giả sử Ngài bỏ đi, nỗi luyến thương càng tăng thêm buồn bã, sầu khổ, hoặc chẳng tự bảo toàn được.

Còn như hôm nay, không có đủ phẩm vật để cúng dường, thì xin lấy thân con để dâng lên đạo nhân. Vị đạo nhân thấy vậy, thương cảm hết mực, thấu được lòng dạ chí thành của thỏ chúa, phân vân chưa biết phải thế nào. Vị Tiên Nhân này thờ lửa, trước mặt có đông than đang cháy rực.

Thỏ chúa nghĩ là vị đạo nhân này đã bằng lòng nên mới im lặng, thế là nó bèn gieo mình vào đống lửa. Lửa đang bừng bừng cháy đỏ, thỏ chúa vừa rơi vào trong ấy, vị đạo nhân muốn cứu, nhưng nó đã chết.

Sau khi chết, thỏ chúa được sinh lên Cõi Trời Đâu Suất, làm thân Bồ Tát, công đức đặc biệt tôn quý, uy thần lồng lộng. Vị Tiên Nhân thấy thỏ chúa đã vì đạo đức mà không tiếc thân mạng mình, nên thương xót lắm và cũng nghiêm khắc tự trách bản thân, rồi tuyệt cốc, chẳng ăn uống gì, thần hồn về nơi Cõi Trời Đâu Suất.

Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Con thỏ chúa ngày ấy là bản thân ta, các quyến thuộc của thỏ nay là các vị Tỳ Kheo đây, còn vị Tỳ Kheo kia nay là Đức Phật Định Quang. Ta làm Bồ Tát chuyên cần khổ hạnh như thế, luôn tinh tấn chẳng chút biếng trễ, vì Kinh Điển, đạo pháp nên chẳng hề tiếc thân mạng, tích lũy công đức từ vô số kiếp mới chứng đắc Phật Đạo.

Vậy các vị phải nên tinh tấn, siêng năng, không được phóng dật, không được lười nhác, nỗ lực đoạn trừ sáu tình như cứu lửa cháy đầu, tâm không tham vướng, luôn tự tại như chim bay lượn giữa hư không.

Đức Phật thuyết giảng như vậy, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần