Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Cây đàn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH CÂY ĐÀN
Tôi nghe như vậy!
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cù Sư La, tại nước Câu Diệm Di.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nếu với Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni nào, ở nơi sắc được nhận thức bởi con mắt mà phát sanh hoặc dục, hoặc thèm muốn, hoặc ái niệm, hoặc chỗ bị quyết định đắm trước. Đối với những tâm như vậy, phải khéo tự phòng hộ.
Vì sao?
Vì những tâm này đều là con đường đưa đến sợ hãi, có chướng nạn. Đây là chỗ nương tựa của người ác, không phải chỗ nương tựa của người thiện. Cho nên, phải tự phòng hộ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.
Thí như người nông phu có đám mạ tốt, mà người giữ ruộng thì lười biếng, buông lung, để trâu vào ăn lúa mạ. Phàm phu ngu si cũng lại như vậy, sáu xúc nhập xứ cho đến buông lung cũng lại như vậy. Đám mạ tốt, nếu người giữ ruộng tâm không buông lung, thì trâu không ăn được. Giả sử có vào ruộng cũng bị đuổi ra hết.
Nghĩa là tâm, ý, hay thức của Thánh Đệ Tử đa văn, đối với công năng ngũ dục phải khéo tự nhiếp hộ, tĩnh chỉ hết, khiến cho diệt tận.
Đám mạ tốt, người giữ ruộng không tự buông lung, thì nếu trâu vào ruộng, sẽ dùng tay trái kéo dây mũi, tay phải cầm roi nện sả vào thân, đuổi ra khỏi ruộng.
Này các Tỳ Kheo, ý các ông nghĩ sao?
Khi con trâu kia đã bị thống khổ vậy rồi, thì từ làng về nhà, từ nhà ra làng, có còn dám ăn lúa mạ non như lỗi trước không?
Đáp rằng: Bạch Thế Tôn, không!
Vì sao?
Vì nó nhớ lần trước vào ruộng, đã bị cái đau khổ bởi roi vọt. Như vậy, này các Tỳ Kheo, nếu tâm, ý, hay thức của Thánh đệ tử đa văn đối với sáu xúc nhập xứ cực kỳ sanh lòng yểm ly, sợ hãi, nội tâm an trụ, chế ngự nhất tâm.
Này các Tỳ Kheo, thời quá khứ có ông vua nghe tiếng đàn hay chưa từng có được, nên sanh yêu thích, say mê, chìm đắm.
Vua hỏi các vị đại thần rằng: Đó là những âm thanh gì mà nghe khả ái quá vậy?
Đại thần tâu: Tâu bệ hạ, đó là những tiếng đàn.
Vua nói với đại thần: Khanh hãy đem những âm thanh đó đến đây.
Đại thần vâng lời, liền đem cây đàn đến tâu: Tâu Đại Vương, đây chính là cây đàn đã tạo ra âm thanh hay.
Vua nói đại thần: Ta không cần cây đàn, mà chỉ cần đem những âm thanh khả ái đã nghe lần trước đến.
Đại thần tâu: Cây đàn này cần phải có nhiều thứ, là phải có cán, có máng, có thùng, có dây, có da và người đàn giỏi. Cần phải hội đủ những nhân duyên này mới thành âm thanh.
Nếu thiếu đi những dụng cụ này thì sẽ không có được âm thanh. Âm thanh mà bệ hạ đã nghe trước đây đã qua lâu rồi, chúng đã biến chuyển và cũng đã diệt mất rồi, không thể đem đến được.
Lúc ấy, Nhà Vua tự nghĩ: Ôi! Cần gì vật hư ngụy này!
Đàn ở thế gian là vật hư ngụy, mà khiến cho người đời say đắm vậy sao?
Bây giờ các khanh hãy đem chẻ ra từng mảnh, rồi vất bỏ khắp mười phương. Các Đại Thần vâng lệnh, chẻ ra thành trăm mảnh, ném khắp mọi nơi. Như vậy, Tỳ Kheo, nếu đối với sắc, thọ, tưởng, tư, dục. Biết những pháp này là vô thường, hữu vi, do tâm duyên sanh, rồi liền cho là ngã, ngã sở.
Những thứ ấy, ở vào lúc khác, tất cả đều không. Này các Tỳ Kheo, hãy bằng chánh trí bình đẳng như vậy mà quán sát như thật.
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Hai - Phẩm Mười Ba La Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Ma Ha Diễn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thế Gian - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Thánh Niệm Xứ - Phần Hai Mươi Hai
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười - Phẩm Lâm - Kinh Lâm