Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Về Chuyện Hai Cậu Cháu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

ĐỨC PHẬT THUYẾT GIẢNG

VỀ CHUYỆN HAI CẬU CHÁU  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ cùng với chúng Đại Tỳ Kheo.

Đức Phật nói với các vị Tỳ Kheo: Thuở vô số kiếp trong quá khứ, có hai chị em, người chị có một người con trai, cùng với người cậu chuyên cung cấp các thứ ăn mặc quý giá đẹp lạ cho Vua chúa Quan lại như lụa là, gấm vóc.

Anh ta thấy những đồ vật quý hiếm lạ lùng trong kho, nên động lòng tham, liền bàn với người cậu: Chúng ta làm việc luôn siêng năng khó nhọc, không dám trễ nải, biết rõ các đồ vật trong kho tốt xấu, ít nhiều, sao ta lại không lấy để giải quyết cảnh nghèo đói của chính mình?

Như đã định, đêm đến, hắn đào đường hầm chui vào kho trộm lấy nhiều đồ vật không biết bao nhiêu. Sáng ra, người giữ kho thấy đồ vật trong kho giảm bớt, liền đem việc này tâu lên Vua.

Nhà Vua bảo: Chớ làm lớn chuyện khiến người ngoài biết cậu cháu nhà kia ăn trộm. Cứ làm như Vua bận nhiều việc nên không hay biết gì.

Đến ngày hôm sau cứ phục sẵn, thế nào hắn cũng trỗ lại lần nữa. Phải cảnh giác nghiêm nhặt để chờ hắn. Hắn đến là bắt ngay không để chạy mất. Người giữ kho nhận chiếu chỉ, liền gia tăng phòng bị vì thế nào kẻ kia cũng trở lại ăn trộm.

Người cháu nói với cậu: Cậu lớn tuổi, thân thể gầy ốm, nếu bị người giữ kho bắt được, không thể tự thoát nổi, vậy cậu cứ theo đường hầm mà vào, nếu bị họ phát hiện thì sức con còn cường tráng sẽ cứu thoát cậu ngay. Người cậu theo lời vừa chui vào đường hầm thì bị đám canh chừng tóm ngay. Những người này hô hoán lên nhưng không bắt được người cháu.

Sợ sáng mai mọi người biết việc này, nên họ chặt đầu người cậu mang về. Sáng sớm, người giữ kho đem mọi việc tâu với Vua.

Nhà Vua lại chỉ thị: Đem cái thây chết này đặt nơi ngả tư, nếu có ai đến nhận khóc tử thi thì đó chính là tên giặc chủ mưu. Đặt xong tử thi, những người này tản ra bốn ngả đường canh gác nhiều ngày.

Lúc đó, từ phía xa có một đoàn buôn đông đảo đi đến, người ngựa, xe cộ ồn ào đầy dẫy nghẽn cả đường, rồi đột nhiên chen nhau chạy tới. Người kia làm ra vẻ náo loạn, cho chở hai xe củi trên đặt cái thây chết kia chạy đi. Đám người canh gác liền vào triều tâu hết với Vua mọi điều.

Nhà Vua bảo: Phải cẩn trọng dò xét khắp nơi và cẩn mật, nếu gặp chúng thiêu thây thì bắt hết đem về đây. Lúc ấy, người cháu liền bảo bọn trẻ con cầm đuốc múa giỡn, mọi người cùng náo nhiệt cả lên, ném lửa vào củi, củi cháy bừng bừng.

Những người theo dõi thấy vậy chẳng biết phải làm sao, cùng đem sự việc tâu lên Vua.

Nhà Vua lại chỉ thị: Nếu đã hỏa táng rồi thì phải tăng cường canh giữ, dò xét nghiêm mật cái hài cốt kia, kẻ đến lấy cái hài cốt ấy chính là tên cầm đầu vụ trộm. Người cháu biết được việc này, bèn làm thật nhiều rượu ngon rồi sai người hiền lành mang rượu thẳng đến chỗ những người canh giữ rao bán.

Bọn canh giữ nhiều đêm liền đói khát, thấy rượu đến đều mua uống, uống rượu quá nhiều nên say ngủ mê man như bị nhốt trong bình rượu. Người bán rượu bèn nhặt lấy hài cốt mà đi. Đám người canh giữ chẳng hay biết gì cả. Thức dậy, họ lại vào tâu rõ với Vua sự việc.

Nhà Vua lại bảo: Trước, sau cảnh giác, canh giữ đều để hắn sổng mất, tên giặc này rất xảo quyệt, phải dùng mưu mới tóm được hắn. Nhà Vua liền cho người con gái trang sức nào ngọc ngà, chuỗi anh lạc, châu báu, thật đẹp đi ra ở trong ngôi nhà bên bờ sông lớn, rồi sai rất nhiều thị vệ canh chừng, dò xét không ngớt, tức là dùng sắc đẹp để nhử hắn tìm đến nơi chỗ người con gái này.

Nhà Vua chỉ dạy rõ cho người con gái nếu gặp kẻ nghịch thì tìm cách tóm lấy và hô hoán lên cho mọi người bắt giữ. Vào đêm nọ, người cháu lén tìm tới. Nhờ vào dòng nước, hắn thả bè, cho thuận dòng trôi xuống, kêu to lẽn rồi lặn mất.

Các người canh giữ nghe tiếng kêu, sợ hãi đi đến xem cho là có người lạ, nhưng họ chỉ thấy bè cây. Nhiều đêm như vậy, thường thường không đổi, những người canh giữ cho là việc bình thường nên ngủ yên không lo sợ gì. Người cháu liền cỡi bè đến nhà người con gái… người con gái liền nắm áo của y.

Người cháu bảo: Níu áo làm chi, nắm tay ta đây này. Người cháu vốn sáng trí lắm mưu nên đã mang sẵn cánh tay của người chết, bèn trao cho đứa con gái, cô ta liền bỏ áo chụp lấy cánh tay chết, rồi kêu ầm lên. Những người canh giữ thức dậy chậm, nên người cháu thoát chạy mất. Những người này lại tâu rõ sự việc với Nhà Vua.

Nhà Vua lại nói: Tài nghệ của tên này thật có một không hai, nên lâu rồi mà chưa bắt được. Đang lúc chưa biết tính sao, thì người con gái ấy mang thai, sau mười tháng sinh được một đứa con trai, trông rất bụ bẫm, kháu khỉnh. Nhà Vua bảo người nhũ mẫu bồng nó đi khắp trong nước, nếu có người nào thấy mà gọi nó thì bắt trói đem về đây.

Bà nhũ mẫu bồng đứa bé đi cả ngày mà không có ai gọi cả. Người cháu lúc bấy giờ là thợ làm bánh. Đứa bé đói khóc, bà nhũ mẫu bồng sang lò bánh mua bánh cho ăn. Người cháu thấy đứa trẻ liền lấy bánh cho, nhân đó mà gọi nó.

Bà nhũ mẫu trở về tâu với Vua: Ẵm đứa bé đi trọn ngày không ai đến gần, nó đói, đi ngang qua lò bánh, thì người bán bánh đến trao cho bánh và gọi nó.

Nhà Vua nói: Sao không bắt trói đem về đây?

Bà nhũ mẫu đáp: Trẻ nhỏ đói khóc, người làm bánh cho bánh, nhân đó mà gọi nó, chẳng có ý làm giặc, cớ gì bắt tù người ta được. Nhà Vua bảo bà nhũ mẫu đem đứa bé ra và sai người hầu bám theo dò xét, nếu thấy ai đến gần đứa bé thì liền bắt trói đem về.

Người cháu làm rượu ngon, gọi mời bà nhũ mẫu và những người ngầm theo dõi tựu về quán rượu, cho uống đến say mềm, rồi bắt trộm đứa bé đem đi. Những người này khi tỉnh dậy thấy mất đứa bé, chỉ còn biết về tâu rõ với Vua.

Nhà Vua lại nói: Các ngươi ngu đần, đều ham uống rượu, đã không bắt được kẻ giặc mà còn làm mất đứa bé. Người cháu khi được đứa bé liền mang sang nước khác, xin yết kiến vị quốc vương nước này.

Trong khi nói năng, bàn luận với Vua, ông luôn luôn từ tốn và dẫn giải theo Kinh Điển khiến Nhà Vua rất vui mừng, liền phong ban cho ông địa vị, bổng lộc, cử làm đến đại thần, nhận xét, bảo: Trong nước của ta, về trí tuệ và tài năng thì không ai sánh kịp Khanh, nay ta muốn gả con gái ta cho Khanh, ý riêng của Khanh thế nào?

Ông tâu rằng: Thần chẳng dám! Nếu bệ hạ thật lòng thương thần thì Ngài cưới con gái của Vua nước thần cho thần.

Nhà Vua đáp: Lành thay! Ta chuẩn theo sở nguyện của Khanh. Nhà Vua liền nhận ông ta làm con và sai sứ đến hỏi con gái vị Vua kia cho ông.

Vị Vua ấy bằng lòng gả con gái cho, nhưng lại nghĩ: Hắn liên tục là kẻ trộm, trước sau rất xảo trá. Vua bảo cho sứ giả hay là muôn rước con gái mình thì thái tử phải có đủ năm trăm xe ngựa chỉnh tề. Nhà Vua liền ra lệnh mau chóng chuẩn bị đầy đủ xe ngựa để đi ra ngoài.

Người cháu vốn là một tên giặc nên đối với Vua có lòng lo sợ, tự nghĩ: Nếu đến nước kia, Vua biết được thì sẽ bắt liền, chẳng chút nghi ngại.

Bèn nói với sứ giả về tâu lại với Vua bên ấy: Nếu Nhà Vua cho người ngựa của năm trăm xe đầy đủ, quần áo, yên cương thảy đều giống nhau không chút sai khác thì mới có thể nghinh hôn. Nhà Vua bằng lòng sự đòi hỏi đó, liền cho sang rước dâu.

Vua cha cô dâu lệnh cho con gái mình tiếp đãi ăn uống thật vui vẻ, hai trăm năm mươi xe ngựa ở phía trước, hai trăm năm chục xe ở phía sau, người cháu ở giữa, nhưng chàng rể vẫn ngồi trên lưng ngựa, không xuống giữa năm trăm chiếc xe.

Phụ Vương cô gái phải tự ra xem xét rồi đi vào giữa đoàn xe, đích thân dẫn người cháu ra và nói: Ngươi đã bày ra mưu mô trước sau, đủ cách thì làm sao bắt được.

Người cháu cúi đầu thưa: Có thật như thế sao?

Nhà Vua nói: Cái thông tuệ của nhà ngươi thật là thiên hạ vô song, ta thuận theo sở nguyện của ngươi. Nhà Vua đem con gái gả cho và họ đã trở nên vợ chồng.

Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Người cháu lúc đó là tiền thân của ta, Phụ Vương của người con gái là Xá Lợi Phất bây giờ, người cậu nay là Điều Đạt. Vị Quốc Vương nhận làm cha người cháu nay là Du Đầu Đàn, mẹ của người cháu là thân mẫu Ma Da, người vợ nay là Cù Di, đứa trẻ là La Vân…

Đức Phật thuyết giảng như thế, các vị Tỳ Kheo không ai là không hoan hỷ lãnh hội.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần