Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Sáu - Phẩm Ba Mươi Bài Kệ - Chuyện Vương Tử Chiến Thắng Tiền Thân Jayaddisa
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG MƯỜI SÁU
PHẨM BA MƯƠI BÀI KỆ
CHUYỆN VƯƠNG TỬ CHIẾN THẮNG
TIỀN THÂN JAYADDISA
Kìa, đã nhịn ăn bảy buổi sáng. Câu chuyện này bậc Ðạo Sư kể về một Tỳ Kheo phụng dưỡng mẹ mình. Phần mở đầu cũng giống như chuyện kể trong Tiền Thân Sàma.
Nhưng vào dịp này, bậc Ðạo Sư bảo: Các Hiền Nhân ngày xưa từ bỏ chiếc lọng trắng có các vòng kim hoa để phụng dưỡng song thân. Nói xong, Ngài liền kể câu chuyện quá khứ.
Ngày xưa có một vị Vua ở Kinh Thành phía Bắc Pãncàla, trong Quốc Độ Kampila, mệnh danh là Pãncàla. Hoàng Hậu của Ngài có thai, sinh được một hoàng nam.
Trong suốt tiền kiếp xưa, bà có một tình địch trong hậu cung đang cơn nóng giận đã thề: Một ngày kia ta sẽ ăn thịt con bà. Và để lời nguyền kia có công hiệu, nàng biến thành một con quỷ cái. Sau đó, ác quỷ tìm cơ hội chụp lấy hài nhi ngay trước mặt Hoàng Hậu, nhai ngấu nghiến như miếng thịt tươi rồi biến đi.
Lần thứ hai cũng làm y hệt như thế, nhưng đến lần thứ ba, khi Hoàng Hậu đã vào phòng sinh, đám vệ binh liền canh gác quanh Hoàng Cung rất chặt chẽ. Vào ngày bà sinh con, quỷ cái lại xuất hiện và chụp lấy hài nhi.
Hoàng Hậu thét lên: Quỷ cái! Lập tức binh lính cầm khí giới chạy đuổi theo con quỷ cái khi nghe báo động. Vì không kịp ăn thịt hài nhi, quỷ cái chạy trốn, ẩn mình dưới cống. Hài nhi nhận quỷ cái ấy làm mẹ, ngậm vú đòi bú, và quỷ cái kia bỗng sinh lòng thương hài nhi như mẹ thương con, liền đi đến nghĩa địa dấu hài nhi trong hang đá và chăm sóc kỹ lưỡng.
Hài nhi lớn dần, quỷ cái đem thịt người về cho nó ăn, và cả hai đều sống bằng thức ăn này. Ðứa trẻ không biết mình là người, song dù tưởng mình là con của quỷ, cậu bé cũng không thể biến hóa khỏi hình người hay dấu mình được.
Ðể thực hiện việc này, con quỷ đưa cho cậu bé cất một loại rễ cây Nhờ công lực của thứ rễ này, cậu biến hình được và tiếp tục sống bằng thịt người. Lúc bấy giờ quỷ cái có việc đi xa để chầu đại lực Quỷ Vương Vessavana Tỳ Sa Môn rồi chết luôn tại đó.
Còn phần Hoàng Hậu, lần thứ tư sinh được một hoàng nam bình yên vì quỷ cái đã chết, và do sự kiện hoàng nam sinh ra chiến thắng kẻ thù là quỷ cái kia, nên được đặt tên Jayaddisa Hoàng Tử Chiến Thắng.
Khi Hoàng Tử khôn lớn, học hành tinh thông mọi mặt, chàng lên nắm quyền theo nghi lễ giương chiếc lọng trắng và trị vì Quốc Độ.
Vào thời ấy, Hoàng Hậu của Vua sinh hạ Bồ Tát được đặt tên là Alinasattu. Khi Hoàng Tử lớn khôn tinh thông mọi môn học thuật, liền được phong làm phó Vương.
Còn cậu bé làm con của quỷ cái vì bất cẩn làm hư hỏng rễ cây kia nên không thể dấu mình được nữa, phải sống trong nghĩa địa ăn thịt người nhưng vẫn xuất lộ nguyên hình.
Dân chúng thấy vậy sợ hãi, đến kêu than với nhà Vua: Tâu Đại Vương, một con quỷ có hình dạng rõ ràng đang ăn thịt người trên nghĩa địa. Dần dần nó sẽ tìm đường vào Kinh Thành ăn thịt dân. Xin Đại Vương ra lệnh bắt nó đi.
Nhà Vua chấp thuận ngay và ra lệnh bắt quỷ nọ. Một đạo binh cầm khí giới đứng quanh thành. Con quỷ ấy trần truồng nom thật khủng khiếp, nhưng lại sợ chết nên thét to và nhảy vào giữa ba quân.
Quân sĩ la lên: Quỷ đây rồi! Và họ cũng lo sợ cho mạng sống của họ, nên tan rã thành hai nhóm và bỏ chạy. Con quỷ thoát được và chạy ẩn mình trong rừng, từ đó không dám lai vãng chỗ có người ở.
Nó sống dưới gốc cây đa gần con đường lớn xuyên qua rừng, khi dân chúng qua lại đường đó, nó bắt lấy từng người một đem vào rừng giết ăn thịt.
Lúc bấy giờ có một Bà La Môn dẫn đầu đám, bộ hành, đưa một ngàn đồng tiền cho đám kiểm lâm rồi đi ngang qua đường ấy với năm trăm cỗ xe. Con quỷ có hình người liền rống lên nhảy vào đám người ấy. Họ hốt hoảng chạy trốn ngã lăn lóc dưới đất.
Quỷ chụp lấy gã Bà La Môn nhưng vì bị mảnh gỗ gây thương tích trong lúc đang chạy trốn, lại bị đám kiểm lâm đuổi theo rất gắt, nên nó thả gã Bà La Môn và đi đến nằm dưới gốc cây thường trú ẩn.
Ðến ngày thứ bảy, Vua Jayaddisa truyền lệnh đi săn và khởi hành từ Kinh Thành. Ngay lúc nhà Vua lên đường, một người dân vùng Takkasilà, là một Bà La Môn tên gọi Nanda, đang phụng dưỡng cha mẹ, đến yết kiến Đức Vua, mang theo bốn bài kệ, mỗi bài trị giá bốn trăm đồng tiền. Nhà Vua dừng lại để nghe kệ, và ra lệnh làm chỗ nghỉ ngơi cho Ngài.
Trong lúc đi săn người bảo: Người nào để con hươu chạy thoát từ phía mình thì phải trả tiền cho vị Bà La Môn về các bài kệ ấy. Sau đó một con hươu sao xuất hiện, chạy thẳng về phía nhà Vua để thoát thân. Các cận thần cười rộ lên. Nhà Vua chụp lấy kiếm, đuổi theo con hươu chừng ba dặm bắt được nó, liền lấy kiếm xẻ đôi và gánh lên đòn.
Lúc trở về, Ngài đi đến chỗ quỷ nhân đang ngồi, nghỉ ngơi một lát trên bãi cỏ Kusa rồi định tiếp tục đi, lúc đó quỷ nhân xuất hiện thốt lên: Dừng lại, ngươi định đi đâu, ngươi là mồi ngon của ta!
Rồi chụp lấy tay Ngài, quỷ ngâm vần kệ:
Kìa! Bảy ngày qua chịu đói lòng
Mồi ngon bỗng xuất hiện sau cùng
Phải chăng danh tiếng ngươi lừng lẫy?
Ta muốn biết tên họ, giống dòng
Nhà Vua kinh hoảng khi thấy quỷ nhân, nên đứng sửng như Trời trồng, không thể chạy trốn được, song rồi tỉnh trí dần, Ngài đáp vần kệ thứ hai:
Nếu ngươi biết Chiến Thắng là Vua
Của xứ Pãn ca, Quốc Độ ta!
Săn bắn trong rừng ta lạc bước,
Xin dùng hươu nọ thả ta ra.
Con quỷ nghe vậy liền ngâm vần kệ thứ ba:
Muốn cứu mạng, Ngài đã hiến dâng
Mồi kia ngon thật đấy Quân Vương
Ta xơi Ngài trước và không bỏ
Thú nếm thịt hươu: chớ nói quàng!
Khi nhà Vua nghe vậy liền nhớ đến Bà La Môn Nanda, và ngâm vần kệ thứ tư:
Vì ta chẳng thuộc mạng an toàn
Ðược thả như ta khẩn thiết van
Thì hãy cho ta tròn hứa cũ
Ta đà giao ước Bà La Môn
Sáng mai cứu được lời danh dự
Rồi sẽ trở về với quỷ nhân
Quỷ nhân nghe vậy, lại ngâm vần kệ thứ năm
Ðến gần chỗ chết chẳng an lòng
Lo lắng việc gì hỡi Đại Vương
Nói thật cho ta rồi có thể
Ta bằng lòng thả một ngày ròng
Nhà Vua ngâm vần kệ thứ sáu để giải thích sự việc ấy.
Ta hứa lời cùng một Đạo Nhân
Nợ kia chưa trả, hứa cho xong
Mong tròn nguyện ước, thanh danh cứ
Ta sẽ gặp Ngài buổi rạng đông
Nghe vậy, quỷ nhân đáp vần kệ thứ bảy:
Ngài đã hứa cùng một Đạo Nhân
Nợ kia chưa trả, hứa chưa xong
Mong tròn nguyện ước thanh danh cứu
Rồi trở về đây buổi rạng đông.
Nói xong con quỷ để cho Vua đi, Vua được tha về liền bảo: Xin đừng bận tâm vì ta, sáng sớm mai ta sẽ trở lại. Rồi ghi nhận một số dấu đường xong, Ngài trở lại với đám binh sĩ và chúng hộ tống Ngài về thành. Sau đó Ngài triệu vị Bà La Môn vào, Ngài ban tặng bốn ngàn đồng tiền.
Rồi Ngài lại truyền đưa vị Bà La Môn lên ngồi một cỗ xe, ra lệnh cho đám tùy tùng rước vị này thẳng đến Takkasilà. Ngày hôm sau, nôn nóng đến gặp quỷ nhân, Ngài gọi hoàng Thái Tử đến dặn dò.
Bậc Ðạo Sư ngâm hai vần kệ giải thích việc này:
Thoát ác quỷ kia, lại trở về
Nhà yêu, mộng nước đẹp tràn trề
Với La Môn bạn, không sai hứa
Song dặn A lin quý tử kia.
Vương nhi nay nhận chức Quân Vương
Cai trị bạn thù thật chính chân
Ðừng để bất công làm hại nước
Cha đành nộp mạng chốn hung thần
Thái Tử nghe vậy liền ngâm vần kệ thứ mười:
Hoàng nhi mong biết rõ nguyên nhân
Khiến trẻ mất ân lộc phụ hoàng
Cha phải đưa con lên kế vị
Thiếu cha, con chẳng thiết ngai vàng
Nhà Vua nghe vậy, ngâm vần kệ tiếp theo:
Này con, cha chẳng thể tìm ra
Một ác ngôn hay một nghiệp tà
Song nợ thanh danh, giờ trả trọn
Còn lời nguyền giữ với yêu ma.
Thái Tử nghe thế liền ngâm vần kệ:
Cha ở lại, đây con sẽ đi
Trở về an ổn, có gì mong
Nếu cha đi nữa, con theo gót
Phụ tử cùng nhau chẳng sống chi!
Nghe lời này, nhà Vua đáp kệ:
Vương Tử, con theo đúng đạo Trời
Song cha mất hết thú yêu đời
Nếu yêu tinh nọ dùng xiên gỗ
Nướng thịt con ăn trọn cả đời
Nghe vậy Thái Tử lại ngâm vần kệ nữa:
Nếu cha thoát được vuốt yêu tinh
Vì Phụ Vương, con nguyện bỏ mình
Hơn nữa con tràn trề hỷ lạc
Ðược đem đời hiến sinh thành
Nghe vậy Vua nhận thấy đức hiếu thảo của con, liền nhận lời cầu mong của con và bảo: Tốt lành thay, Vương nhi, hãy ra đi. Thế là Thái Tử giả từ song thân và rời Kinh Thành.
Bậc Ðạo Sư làm sáng tỏ việc này qua nửa vần kệ:
Thái Tử anh hùng, xin vĩnh biệt
Cúi đầu Ngài đảnh lễ song thân.
Lúc ấy, song thân Ngài, em gái Ngài, Vương Phi cùng triều thần tiễn Ngài đi ra khỏi Kinh Thành. Ngài hỏi Vua cha lối đi và sau khi xếp mọi việc cẩn thận cùng dặn dò khuyên nhủ các người thân, Ngài lên đường tiến về hang quỷ, oai hùng như con sư tử có bờm. Mẹ Ngài thấy Ngài ra đi, không thể kềm chế được, liền ngất lịm. Vua cha giơ hai tay khóc lớn.
Bậc Ðạo Sư làm sáng tỏ việc này qua nửa vần kệ:
Phụ Vương khóc lớn, giơ tay cản,
Hiền mẫu buồn thương, ngã lịm dần.
Như vậy, muốn nêu rõ lời nguyện cầu của Vua cha và lời thề chân thực của mẹ Ngài, em Ngài, cùng Vương Phi, bậc Ðạo Sư lại ngâm thêm bốn vần kệ:
Khi hình Thái Tử khuất mờ dần
Trước mắt thảm sầu của phụ thân
Cầu nguyện Chư Thần, tay chắp khấn
Va rù na với So Ma Vương
Phạm Thiên, Nhật Nguyệt, Chư Thần nữa,
Bảo vệ hoàng nhi được vạn an
Nhờ các Thần linh này, Thái Tử
Mong con thoát ác quỷ kinh hoàng.
Mẫu Hậu:
Như mẹ Rama đẹp dáng người
Cứu con nàng đã bặt tăm hơi
Khi vào rừng rậm Damda ấy
Con trẻ ta mong giải thoát thôi
Nhờ khấn lời chân thành, ước nguyện
Chư Thần cho trở lại an vui.
Vương Muội:
Hoàng huynh chẳng có lỗi lầm gì
Dù lộ rõ ràng hoặc giấu che
Chứng thực lời này, con nguyện ước
Chư Thần mang Thái Tử quay về.
Vương Phi:
Với thiếp, chàng không phạm lỗi lầm
Lòng đầy yêu dấu, hỡi lang quân
Chứng thực lời này xin ước nguyện
Thần Thánh cho chàng trọn tấm thân
Về phần Thái Tử, ra đi theo lời hướng dẫn của Vua cha, lên đường đến nơi quỷ nhân ở.
Song quỷ nhân nghĩ thầm: Các Vua Sát Đế Lỵ nhiều mưu mẹo lắm, ai biết được việc gì sẽ xảy ra?
Rồi nó trèo lên cây đợi nhà Vua đến. Khi thấy Thái Tử, nó nghĩ người con đã ngăn cản Vua cha và tự dẫn thân đến. Không có gì phải sợ người ấy cả. Và quỷ trèo xuống ngồi quay lưng về phía Thái Tử.
Khi đến nơi Thái Tử đứng trước quỷ nhân, vừa lúc quỷ nhân này ngâm vần kệ:
Chàng từ đâu đến, hỡi hoàng nam
Có biết rừng này của quỷ chăng?
Ai đến thật xem thường tính mạng
Nơi loài quỷ dữ chiếm làm hang
Nghe vậy, Thái Tử bèn đáp kệ:
Ta biết rõ ngươi, quỷ bạo tàn
Chốn này ngươi ở giữa rừng hoang
Ta là đích tử Jaya đế,
Ăn thịt rồi, thả Phụ Vương
Quỷ nhân lại ngâm vần kệ:
Ta biết con trai chúa Jaya
Dáng chàng để lộ việc kia mà
Thật là gian khổ cho chàng quá
Phải chết vì thay mạng của cha
Thái Tử liền đáp kệ nữa:
Nghĩ rằng chẳng phải việc anh hùng
Ðược chết vì ân phước phụ thân
Và mẹ quý yêu khi bỏ mạng
Ðời đời hưởng Cực Lạc Thiên Cung
Nghe vậy, quỷ liền nói
Này Thái Tử, không có kẻ nào không sợ chết.
Thế tại sao chàng lại không sợ?
Ngài liền nói lý do cho quỷ nghe qua hai vần kệ:
Nhớ ta không phạm lỗi lầm gì
Dù lộ ra ngoài hoặc giấu che
Sinh tử ta đều cân nhắc kỹ
Dù đây, hay các cõi sau về.
Ăn thịt ta đây, hỡi quỷ nhân
Phải làm công việc ấy cho xong
Ta buông mình xuống trên cao chết
Người cứ ăn ta, thỏa nguyện lòng
Qủy kia nghe vậy kinh hoảng liền bảo:
Ta không thể ăn thịt người này được.
Rồi nghĩ mưu kế cho Ngài chạy trốn, quỷ liền bảo:
Nếu chàng tự nguyện muốn liều thân
Thái Tử, đem đời cứu Phụ Vương
Ta bảo chàng rời ngay bước vội
Tìm gom củi đốt lửa than hừng
Bậc Ðạo Sư ngâm một vần kệ nữa làm sáng tỏ vấn đề này:
Hoàng nam anh dũng nhặt cây rừng
Và chất cao lên một cái giàn
Và thét vừa châm: Bày tiệc sẵn!
Hãy xem, ta nhóm lửa cho hừng!
Khi thấy Thái Tử trở về và nhóm lửa, quỷ nhân nói:
Người này thật gan dạ không sợ chết.
Xưa nay ta chưa từng thấy ai can đảm như vậy.
Nó ngồi sửng sờ, thỉnh thoảng lại nhìn Thái Tử.
Ngài thấy thái độ quỷ nhân như thế, liền ngâm vần kệ:
Ðừng đứng nhìn ta, dáng sửng sờ
Ta cầu ngươi giết bắt ăn ta
Khi đang còn sống ta trù tính
Muốn để ngươi ăn thịt đúng giờ
Quỷ nhân nghe vậy, liền ngâm kệ:
Một Hiền Nhân, chánh trực, công bằng
Chắc chẳng bao giờ phải bị ăn
Hoặc kẻ nào ăn người, ắt hẳn
Ðầu kia tan nát bảy phần chăng.
Thái Tử nghe vậy hỏi: Nếu ngươi không muốn ăn ta, tại sao ngươi bảo ta bẻ cành về nhóm lửa?
Quỷ nhân nói: Ta muốn thử chàng đó thôi, vì ta chắc chàng sẽ bỏ chạy trốn.
Thái Tử đáp: Bây giờ làm sao ngươi thử ta được, bởi vì lúc còn là súc sinh, ta đã để cho Thiên Chủ thử đức hạnh của ta rồi.
Cùng với lời này Ngài ngâm vần kệ:
Ðế Thiên giả dạng một La Môn
Thỏ lấy thịt mình để cúng dâng
Từ đó mặt trăng in dáng thỏ
Ta chào nguyệt diện: Dạ Xoa thần!
Quỷ nhân nghe vậy thả cho Thái Tử đi về và bảo:
Như trăng thoát vuốt La Thần
Chiếu giữa đêm rằm tỏa ánh quang
Ngài, chúa Kam pi anh dũng đã
Thoát tay quỷ dữ, sáng huy hoàng
Bạn đang sầu, bỗng tung hô dậy
Trước mặt Ngài xuất hiện vẻ vang
Phụ Mẫu thân yêu, Ngài cống hiến
Bao niềm hạnh phúc ngập hân hoan.
Rồi nó nói thêm: Hỡi đấng anh hùng, hãy đi đi!
Và nó để bậc Đại Sĩ lên đường. Sau khi đã hàng phục quỷ nhân xong, Ngài còn dạy nó ngũ giới và muốn thử xem nó phải quỷ không.
Ngài nghĩ thầm: Mắt bọn quỷ thường đỏ và không chớp. Chúng không đổ bóng xuống đường và không hề biết sợ gì cả. Còn đây không phải quỷ. Ðây là người.
Nghe nói cha ta có ba Vương huynh bị quỷ dữ tha đi, hai người ắt hẳn đã bị ăn thịt rồi, còn một người được quỷ cái thương yêu với tình mẹ con. Chắc là đây thôi. Ta phải đem vị này về tâu với Vua cha để đưa lên ngôi báu mới được.
Nghĩ vậy Ngài kêu lên: Này Tôn ông, Tôn ông chẳng phải là quỷ đâu, mà là bào huynh của cha ta. Xin mời Tôn ông đi về cùng ta giương chiếc lọng trắng biểu hiện Vương quyền trong giang sơn của Tổ Tiên mình.
Khi quỷ nhân đáp: Ta không phải là người.
Thái Tử nói: Tôn ông chẳng tin ta ư?
Vậy kẻ nào cho Tôn ông tin được?
Quỷ đáp: Có chứ, có một nơi nọ có một Ẩn Sĩ đã thành tự Thiên Nhãn Thông. Thế là Ngài dẫn quỷ đến nơi ấy.
Vừa trông thấy hai người xuất hiện, vị Ẩn Sĩ hỏi ngay: Hai vị có cùng dòng họ Tổ Tiên, cần gì mà đến đây?
Nói xong vị Ẩn Sĩ lại nói rõ về liên hệ dòng họ giữa hai người.
Con quỷ ăn thịt người liền tin ngay và bảo: Này hiền hữu cứ về triều đi, phần ta, ta sinh ra với hai bản chất trong một hình hài. Ta không muốn làm Vua. Ta sẽ đi tu làm Ẩn Sĩ. Thế là quỷ thọ giới tu hành với vị Ẩn Sĩ ấy. Sau đó Thái Tử đảnh lễ hai vị và trở về triều.
Bậc Ðạo Sư ngâm vần kệ làm sáng tỏ thêm vấn đề này:
A lin Thái Tử anh hùng
Nghiêng mình kính lễ quỷ nhân hung tàn
Thêm lần thoát nạn lên đàng
Về Kampi xứ, an toàn tấm thân.
Khi Thái Tử về thành, bậc Ðạo Sư giải thích cho dân trong thành cùng toàn thể hội chúng nghe những chuyện Thái Tử đã làm và ngâm vần kệ cuối cùng:
Từ thành thị đến thôn trang
Nhân dân lũ lượt lên đàng chen chân
Kìa! Ðồng nô nức hô vang
Uy danh Thái Tử can tràng hùng anh
Tượng, xa ngất nghểu đăng trình
Ðến Ngài đảnh lễ, cung nghênh khải hoàn
Vua nghe Thái Tử đã trở về liền đi ra ngoài đón Ngài. Thái Tử được đám đông hộ tống bước đến đảnh lễ Vua cha.
Vua cha hỏi: Này Vương nhi, làm thế nào con thoát được ác quỷ kia?
Ngài đáp: Tâu Phụ Vương, vị đó chẳng phải quỷ đâu. Chính là bào huynh của Phụ Vương, là bá phụ của con đấy.
Ngài liền kể mọi chuyện cho Vua cha nghe và nói: Vương phụ nên đi thăm bá phụ ngay.
Vua lập tức ban lệnh khua trống lên rồi cùng đoàn tùy tùng lên đường đi thăm hai vị Ẩn Sĩ, vị Ẩn Sĩ trưởng kể lại đầy đủ chi tiết câu chuyện: Hài nhi bị quỷ bắt đi ra sao. Thay vì ăn thịt, quỷ cái đem hài nhi về nuôi thành quỷ nhân. Vua và quỷ liên hệ máu huyết như thế nào.
Vua liền bảo: Này hoàng huynh, hãy về làm Vua trị nước. Xin cảm tạ Đại Vương. Không được đâu.
Vua lại nói: Thế thì hoàng huynh đến ở trong vườn thượng uyển, ta sẽ cung cấp đủ bốn thứ vật dụng. Nhà Ẩn Sĩ lại từ chối. Sau đó Vua cho lập ngôi làng trên một ngọn núi, không xa nơi ẩn cư kia, xây hồ, trồng trọt, đất đai và đem một ngàn gia đình cùng nhiều của cải đến lập một ngôi làng lớn cùng ban bố thí cúng dường cho hai vị Ẩn Sĩ. Ngôi làng lớn dần thành thị trấn Cullakammàsadamma.
Vùng có quỷ nhân được bậc Ðại Sĩ Sutasoma điều phục mệnh danh là thị trấn Mahàkammàsadamma.
Bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp Thoại xong liền tuyên thuyết các Thánh đế, và nhận diện tiền thân: Vào lúc kết thúc các Thánh đế, vị Tỳ Kheo phụng dưỡng mẹ mình đã đắc quả Dự Lưu.
Thời ấy, Phụ Vương và Mẫu Hậu là hai thân trong Hoàng Tộc ngày nay, Ẩn Sĩ là Sàriputta Xá Lợi Phất, quỷ nhân là Angulimàla. Vương Muội là Uppalavannà Liên Hoa Sắc, Hoàng Hậu là mẹ của La Hầu La và Thái Tử Alinasattu chính là ta.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười Năm - Phẩm Biện đại Thừa - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Kiến
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Ba - Pháp Hội Bất Thuấn Bồ Tát - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Ba - Pháp Hội Bất Thuấn Bồ Tát - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Bất động Lợi ích - Phần Ba - Vô Hữu Xứ