Phật Thuyết Kinh Thập Nhị Duyên Sinh Tường Thụy điềm Lành Của Mười Hai Nhân Duyên - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH

THẬP NHỊ DUYÊN SINH TƯỜNG

THỤY ĐIỀM LÀNH CỦA

MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống  

PHẦN HAI  

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các đại chúng: Với mười hai chi, người nào quán sát chu đáo, nhớ nghĩ không quên, thì biết rõ vui hay buồn.

Sinh vào ngày vô minh: Mùng chín tháng chín năm thứ chín bị nạn. Nếu không qua đời thì sung sướng có tài của, quyến thuộc không biết, không bệnh hoạn, nói nhiều. Sống tám mươi mốt tuổi. Chết vào ngày hành.

Sinh vào ngày hành: Mùng tám tháng tám năm thứ tám bị nạn. Nếu không qua đời thì được phú quý, chỉ có hai anh em, sống lâu ít bệnh, có đức hạnh, biết chánh pháp, rất nhiều bạn bè, giỏi tay nghề. Sống tám mươi tám tuổi. Chết vào ngày thức.

Sinh vào ngày thức: Mùng năm tháng năm năm thứ năm bị nạn. Nếu không qua đời thì lanh lợi dũng mãnh, luôn thiếu thốn vật quý, ai thấy đều hoan hỷ. Sống sáu mươi bốn tuổi. Chết vào ngày danh sắc.

Sinh vào ngày danh sắc: Mùng sáu tháng sáu năm thứ chín, thứ mười gặp hoạn nạn. Nếu không qua đời thì ít bệnh, nhiều oán thù, con bị chết yểu, nghèo khổ, thiếu thốn, sợ sệt. Về sau được phú quý, ưa thích bố thí. Sống tám mươi tuổi, chết vào ngày lục nhập.

Sinh vào ngày lục nhập: Mùng năm trong tháng ba tháng tư, năm thứ tám thứ chín gặp tai nạn. Nếu không qua đời thì bị ganh ghét, nhiều bệnh, bần cùng khốn khổ, keo kiệt, tham đắm ái. Sống sáu mươi bốn tuổi. Chết vào ngày xúc.

Sinh vào ngày xúc: Ngày hai mươi lăm, trong tháng ba tháng chín, năm thứ chín bị nạn. Nếu không qua đời thì luôn luôn bệnh hoạn, ăn nói khéo léo biết phương pháp, cố chấp ngã kiến, có tài sản, đố kỵ sắc đẹp. Sống sáu mươi bốn tuổi. Chết vào ngày thọ.

Sinh vào ngày thọ: Mùng hai, mùng mười, tháng hai tháng tám, năm thứ chín bị nạn. Nếu không qua đời thì ở chỗ rất tôn quý, rất giàu sang, có hai vợ, nhiều của cải, giỏi tay nghề. Sống sáu mươi bốn tuổi. Chết vào ngày ái.

Sinh vào ngày ái: Mùng mười, tháng ba tháng năm, năm thứ chín gặp nạn. Nếu không qua đời thì giàu sang số một, con cháu đầy đàn, ít bệnh, nhiều thù oán. Sống sáu mươi bốn tuổi. Chết vào ngày thủ.

Sinh vào ngày thủ: Trong mùng chín, hai tháng tám và chín, năm thứ chín gặp nạn. Nếu không qua đời thì khinh mạn khó điều phục, bạn bè bạo ác, rất nhiều oan gia, làm điều sai trái phạm giới. Sống sáu mươi bốn tuổi. Chết vào ngày hữu.

Sinh vào ngày hữu: Mùng chín, tháng hai tháng tám, năm thứ chín bị nạn. Nếu không qua đời thì ham vợ người, ít ngủ, giòng họ giàu sang, đứng đầu trong quân đội. Sống sáu mươi tuổi. Chết vào ngày chi sinh.

Sinh vào ngày chi sinh: Mùng năm, tháng chín, năm thứ chín, mười bị nạn. Nếu không qua đời thì giàu có, nhiều bệnh, giữ gìn đất nước, tôn sùng đạo đức. Sống bảy mươi tuổi. Chết vào ngày lão tử.

Sinh vào ngày lão tử: Mùng hai, trong tháng chín, năm thứ chín bị nạn. Nếu không qua đời thì ngu si mê loạn, tham lam trộm cướp, thông minh lanh lợi, quyến thuộc hòa thuận, rất nhiều oan gia. Sống sáu mươi bốn tuổi. Chết vào ngày vô minh.

Trên đã so sánh xong về điềm lành.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo đại chúng: Ai bệnh vào ngày vô minh thì đó là nạn Dạ Xoa, nên giữ gìn cẩn thận. Tối mùng năm khỏi bệnh.

Bệnh vào ngày hành: Mùng ba mùng bảy bị nạn, tối mùng hai lành bệnh.

Bệnh vào ngày thức: Mùng năm bị nạn, tối mùng bảy hết bệnh.

Bệnh vào ngày danh sắc: Vào mùng ba mùng năm bị nạn, ngay đêm ấy sống chết bấp bênh.

Bệnh vào ngày lục nhập: Vào mùng ba mùng bốn gặp nạn, tối mùng mười hết bệnh.

Bệnh vào ngày xúc: Mùng ba gặp nạn, mùng tám hết bệnh. Thường bệnh nhưng sống lâu.

Bệnh vào ngày thọ: Mùng năm gặp nạn, mùng chín hết. Tháng mười gặp nạn.

Bệnh vào ngày ái: Mùng tám mùng mười bị nạn, ngày mười chín sống chết bấp bênh.

Ngày thủ bị hoạn nạn: Nếu bị nạn ngày ấy, mùng mười chết.

Ngày hữu bị hoạn nạn: Mùng ba mùng chín bị nạn, tai nạn không bao giờ khỏi.

Ngày chi sinh bị tai hoạn: Mùng năm gặp nạn, mùng tám bớt, cho đến ngày hai mươi được khỏi nạn.

Ngày chi sinh bị tai nạn: Mùng ba mùng bảy bị nạn. Xảy ra tai nạn rồi được khỏi.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo đại chúng: Nếu người nào khi ra đi mà quán sát mười hai chi thì sẽ biết lành hay xấu.

Ngày vô minh: Đi về phương Đông thì an lạc tốt đẹp. Đi thật xa về phương Nam tranh cãi kiện tụng đều được như ý.

Đi về phương Tây: Nghe chuyện không vừa ý.

Đi phương Bắc: Nghe tiếng hòa nhã êm dịu.

Ngày chi hành đi về phương.

Đông: Đi xa bình an không chướng ngại.

Đi phương Nam: Lo buồn, trở về an vui.

Đi phương Tây: Trên đường được ăn uống đầy đủ.

Đi phương Bắc: Trở về bình an.

Ngày chi thức đi về phương Đông: Trên đường đi rất khổ sở.

Đi phương Nam: Được trở về chỗ cũ.

Đi phương Tây: Gặp tranh cãi kiện tụng, bị lừa gạt.

Đi phương Bắc: Mắc tội trở về chỗ cũ.

Ngày danh sắc đi về phương Đông: Được tốt lành giàu có.

Đi phương Nam: Mọi việc đều viên mãn.

Đi phương Tây: Được sự mong cầu.

Đi phương Bắc: Trên đường nhiều khổ sở.

Ngày lục nhập đi về phương Đông: Được nhiều tài lợi.

Đi phương Nam: Tốt lành, trở về theo ý muốn.

Đi phương Tây: Ước nguyện đều đầy đủ, tất cả đều thành tựu.

Đi phương Bắc: Được theo sự mong cầu.

Ngày xúc đi về phương Đông: Tài của bị mất mát.

Đi phương Nam: An ổn.

Đi phương Tây: Tranh cãi, sợ hãi.

Đi phương Bắc: Mau trở về, tài lợi phát đạt.

Ngày chi thọ đi về phương Đông: Lo buồn sợ hãi, đi qua khỏi được thoát.

Đi phương Nam: Sợ hãi tranh cãi.

Đi phương Tây: Nghe tin người mất.

Đi phương Bắc: Được lợi theo ý muốn, nghe tin không vui.

Ngày chi ái đi về phương Đông được tài lợi.

Đi phương Nam: Tài lợi ít, mau về lại chỗ cũ.

Đi phương Tây: Nghe tin người mất.

Đi phương Bắc: Tự do vui sướng.

Ngày chi thủ đi về phương Đông: Sợ hãi, trên đường đi gặp nhiều khổ sở.

Đi phương Nam: An lạc.

Đi phương Tây: ít lo sợ.

Đi phương Bắc: Được như ý muốn, mau trở về chỗ cũ.

Ngày chi hữu đi phương Đông: Khổ sở lo sợ.

Đi phương Nam: Mau về chỗ cũ, được lợi ích theo ý muốn.

Đi phương Tây: Mọi việc tiến triển, mau về lại chỗ cũ.

Đi phương Bắc: Được lợi ích, mau trở về chỗ cũ.

Ngày chi sinh đi về phương Đông: Tài sản bị phá hoại.

Đi phương Nam: Hợp ý.

Đi phương Tây: Được về chỗ cũ.

Đi phương Bắc: Có tài lợi.

Ngày Lão tử đi về phương Đông: Mau chóng trở về.

Đi phương Nam: Được nghe lời thương mến.

Đi phương Tây: Sợ hãi.

Đi phương Bắc: Trở về bình an, vui vẻ tốt đẹp.

Bấy giờ, đại chúng lại bạch: Bạch Thế Tôn! Nếu đời có giặc cướp thì sao biết rõ được?

Đức Thế Tôn bảo đại chúng: Nếu muốn biết rõ những việc của giặc cướp thì cần xét kỹ mười hai chi hữu.

Này các Thiện Nam! Nếu ngày vô minh có giặc cướp đến, của cải ở phương Bắc bị tổn thất, giặc đi vào phương Đông của nhà, tâm giặc độc ác, tóc ít. Ở đó không lâu, đến mùng chín chắc chắn lấy lại được tài của.

Ngày chi hành có giặc cướp, với tướng mạo màu đỏ sậm, mặc áo cũ, giặc ấy bị tội. Nếu đến phương Đông thì việc ấy tự hết.

Ngày chi thức có giặc cướp, từ nhà họ đi ra, tóc ít màu đỏ sậm, nghe người ngoài nói được lấy lại tài vật.

Ngày chi danh sắc có giặc cướp, tuy hai anh em nhưng có một người không tốt, đứng đầu trong tay nghề, đến ngày hai mươi mốt thì lấy lại được của cải quý báu.

Ngày lục nhập có giặc cướp, ra khỏi nhà họ, thân thể màu vàng sậm, ganh ghét xấu ác, mắt to dữ tợn, đi dọc theo ven sông, đồ đạc cất giấu trong nhà gần chỗ ở quyến thuộc, đến mùng hai được mất không rõ, của cải không xác định.

Ngày chi xúc có giặc cướp, ra khỏi nhà, thân cao tóc đen, vui vẻ rồi lại si ám giống như khóc lóc. Nếu có tranh cãi thì lấy lại được tài vật.

Ngày chi thọ có giặc cướp, có một người trong xóm làng, chó trong nhà màu đen, đến ngày hai mươi chắc chắn bắt được cướp.

Ngày chi ái có giặc cướp, họ từ phương Tây đến ở riêng một làng, thân cao đẹp, chân chó trong nhà màu đen, tranh cãi và bàn luận với người ấy chắc chắn được việc.

Ngày chi thủ có giặc cướp từ phương Nam đến, tranh cãi và bàn luận với một người trong số đó chắc chắn lấy lại được tài sản.

Ngày chi hữu có giặc cướp từ phương Đông đến, biện luận lanh lợi, gian trá nhiều nghi ngờ, từ quyến thuộc mà ra.

Ngày chi sinh có giặc cướp, cùng đi ba người, trong đó hai người lạ, một người quen thân, vội vàng tìm kiếm, cuối cùng lấy lại được tài của quý báu.

Ngày chi lão tử có giặc cướp đến từ phương Bắc, hình dáng gọn gàng, răng hư đầu tóc bạc, đến ngày hai mươi lăm thì lấy lại được tài sản.

Bấy giờ, trong chúng hội bạch: Bạch Thế Tôn! Với các chi, khi mắt bị nháy động thì sự việc xảy ra như thế nào?

Đức Phật bảo đại chúng: Nếu người nào muốn biết việc này cần phải xét kỹ mười hai duyên sinh thì biết rõ tất cả buồn vui ở vị lai, chắc chắn không hư dối.

Thiện Nam nào ở chi vô minh khi mắt trái nháy động thì cha mẹ kinh sợ.

Ngày chi hành, mắt trái nháy động thì vui vẻ.

Ngày chi thức, mắt trái nháy động: Mong muốn hay xả bỏ đều vừa ý.

Ngày chi danh sắc, mắt trái nháy động: Thu hoạch được tài lợi.

Ngày chi luc nhập, mắt trái nháy động: Cha mẹ không vui vẻ.

Ngày chi xúc, mắt trái nháy động: Chắc chắn có tranh luận.

Ngày chi thọ, mắt trái nháy động: Mong cầu điều gì đều vừa ý.

Ngày chi ái, mắt trái nháy động: Có người thân cốt nhục đến.

Ngày chi thủ, mắt trái nháy động: Xảy ra tranh luận.

Ngày chi sinh, mắt trái nháy động: Có thư từ, tin tức ở xa.

Ngày lão tử, mắt trái nháy động: Sở cầu đều thuận theo ý muốn.

Nếu ai quán sát mười hai chi nhân duyên thì đều biết rõ:

Ngày chi vô minh, mắt phải nháy động: Cha mẹ kinh sợ.

Ngày chi hành, mắt phải nháy động: Mọi việc đều đạt theo ý muốn.

Ngày chi thức, mắt phải nháy động: Xảy ra tranh luận.

Ngày chi danh sắc, mắt phải nháy động: Có áo mới.

Ngày chi lục nhập, mắt phải nháy động: Tài sản bị phá tan.

Ngày chi xúc, mắt phải nháy động: Có tài vật.

Ngày chi thọ, mắt phải nháy động: Có việc đau buồn khóc than.

Ngày chi ái, mắt phải nháy động: Tài sản ít bị mất.

Ngày chi thủ, mắt phải nháy động: Thu hoạch nhiều trân bảo.

Ngày chi hữu, mắt phải nháy động: Tranh luận, mất tài của kiếm lại được.

Ngày chi sinh, mắt phải nháy động: Mong đợi người đến hay cầu tài vật chắc chắn có.

Ngày chi lão tử, mắt phải nháy động: Có sự vui mừng, hòa hợp thành tựu.

Việc mắt nháy động đã nêu xong.

Mùng một tháng mười năm Hợi thuộc chi vô minh.

Mùng một tháng mười một năm Tý thuộc chi hành.

Mùng một tháng mười hai năm Sửu thuộc chi thức.

Mùng một tháng giêng năm Dần thuộc chi danh sắc.

Mùng một tháng hai năm Mão thuộc chi lục nhập.

Mùng một tháng ba năm Thìn thuộc chi xúc.

Mùng một tháng bốn năm Tỵ thuộc chi thọ.

Mùng một tháng năm năm Ngọ thuộc chi ái.

Mùng một tháng sáu năm Mùi thuộc chi thủ.

Mùng một tháng bảy năm Thân thuộc chi hữu.

Mùng một tháng tám năm Dậu thuộc chi sinh.

Mùng một tháng chín năm Tuất thuộc chi lão tử.

Pháp nói: Chi hữu chuyển thuận, lâu ngày chảy ngược, còn tháng hắc, bạch, như kinh giảng nói.

Bấy giờ, trong chúng hội có vô lượng trời, người bạch: Bạch Thế Tôn! Chim quạ kêu thời gian đến bất thường, làm sao biết rõ, cúi xin Ngài giảng nói.

Đức Thế Tôn bảo đại chúng: Với mười hai chi duyên sinh, ai quán sát thật kỹ thì biết được vui hay buồn.

Ngày vô minh quạ kêu bên phải thì vợ con vui vẻ. Quạ kêu bên trái thì chắc chắn có người ở xa đến.

Ngày chi hành quạ kêu bên phải thì an vui. Kêu bên trái có tài.

Ngày chi thức quạ kêu bên phải mong muốn được như ý.

Quạ kêu bên trái: Hy vọng không thành tựu.

Ngày chi danh sắc quạ kêu bên phải được tài. Quạ kêu bên trái bị ngồi tù.

Ngày chi lục nhập quạ kêu bên phải thì sợ hãi. Quạ kêu bên trái thì tranh cãi kiện tụng.

Ngày chi xúc quạ kêu bên phải: Sợ hãi. Kêu bên trái có người nhà đến.

Ngày chi thọ quạ kêu bên phải: Hợp ý. Kêu bên trái được tin, mất mát tài sản.

Ngày chi ái quạ kêu bên phải: An lành. Kêu bên trái có tin vui.

Ngày chi thủ quạ kêu bên phải bị khổ sở. Kêu bên trái được an vui.

Ngày chi hữu quạ kêu bên phải có người đến thăm. Kêu bên trái an lành.

Ngày chi sinh quạ kêu bên phải cầu gì được nấy. Kêu bên trái được tin, tài sản bị phá hoại.

Ngày chi lão tử quạ kêu bên phải không có hoạn nạn. Kêu bên trái tài sản bị phá hoại còn ít.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần