Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Về Chuyện ông Phạm Chí Quang Hoa

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

ĐỨC PHẬT THUYẾT GIẢNG VỀ

CHUYỆN ÔNG PHẠM CHÍ QUANG HOA  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ, cùng với chúng Tỳ Kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị và hội đủ vô số các vị Bồ Tát.

Bấy giờ, số người đông đảo, có tới hàng mấy ngàn đang tụ tập tại chỗ Đức Phật, tất cả đều được cạo bỏ râu tóc, làm Sa Môn. Họ tự hợp lại làm thành từng nhóm năm trăm người, nỗ lực tu trì đạo đức, tinh tấn không chút biếng trễ, thành tựu được thần thông, đoạn dứt được gốc của sinh tử, thảy đều chứng đạt đạo quả, rồi đi khắp mười phương để tế độ chúng sinh.

Tôn Giả A Nan thưa với Đức Phật: Tất cả những người học đạo này, kiếp trước đã có những hạnh nguyện, những sự tu tập về đức ra sao nên hôm nay đạt được vinh dự như thế?

Trí tuệ, thần thông của họ rõ ràng là bậc nhất.

Đức Phật nói với Tôn Giả A Nan: Thuở quá khứ xa xưa, trải qua đến chín mươi mốt kiếp, vào thời Đức Phật Duy Vệ, có một vị Quốc Vương tên là Chiên Đầu, Kinh Thành của Vua hiệu là Chiên Đầu Ma Đề.

Lúc ấy, có một Phạm Chí tên là Quang Hoa, học rộng các Kinh, tuyên dương truyền bá rộng rãi các Pháp Điển, không có một nghĩa lý thâm diệu nào mà không thông đạt.

Ông Phạm Chí này có năm trăm người theo hầu học hỏi, thường hay đến chỗ Đức Như Lai Duy Vệ để nghe giảng và thọ trì Kinh Điển, khuyến dụ giáo hóa muôn dân, mở mang chỗ còn ngu tối của họ, khuyên bày nẻo chân chánh để thành Sa Môn, lấy việc tu đức làm sự nghiệp.

Lúc ấy trong nước đó có tới năm trăm doanh quân, mỗi doanh đem năm trăm người và Đại Thần, bá quan cũng đều làm Sa Môn.

Có vị Trưởng Giả giáo hóa chúng dân cũng đều bỏ nhà theo làm Sa Môn, tinh tấn phụng hành giáo pháp, không phạm giới cấm, sau khi mạng chung được sinh lên Cõi Trời, thọ mạng ở đấy hết thì lại sinh về nhân gian, lên xuống như thế, lần lượt trước sau, có đến chín mươi mốt kiếp.

Nơi đời Phật này, họ cũng đều làm Sa Môn, thảy tụ hội ở chỗ Phật, đảnh lễ Phật xong rồi lui ra ngồi sang một bên. Các chúng Trời, Rồng, Thần, Càn Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chấn Đà La, Ma Hưu Lặc, người và không phải người, ai ai cũng đến chỗ Đức Thế Tôn, cúi đầu làm lễ nơi chân Phật rồi lui ra đứng sang một bên.

Khi ấy, Đức Phật liền mỉm cười.

Tôn Giả A Nan thưa: Do nhân duyên gì mà Đức Phật cười?

Thế Tôn Chí Chân không bao giờ vui cười vô cớ, xin nói rõ về ý nghĩa ấy.

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ông có thấy các chúng Trời, Rồng, Quỷ, Thần đều tụ hội ở đây không?

Tôn Giả A Nan đáp: Thưa, đã thấy.

Đức Phật nói với Tôn Giả A Nan: Thời Đức Phật Duy Vệ, có một nước lớn tên là Chiên Đầu Ma Đề, Vua tên là Chiên Đầu, đều phụng trì giáo pháp, quy mạng tam Bảo.

Lúc đó, có vị Phạm Chí tên là Quang Hoa, trí tuệ gồm thâu ba đạt, tóm hết các Kinh Điển, không một nghĩa lý sâu xa nào mà không thấu tỏ, gặp Đức Phật Duy Vệ đang hóa độ khắp mười phương, trên trời dưới đất ai ai cũng đều quy ngưỡng, ông liền khuyên dụ năm trăm người đến chỗ Đức Phật xin làm Sa Môn, thọ trì Kinh Điển, giới luật.

Bấy giờ, Quốc Vương ấy đã từ bỏ ngai vàng, đất nước, cùng với năm trăm người cũng làm Sa Môn. Có vị đại Trưởng Giả cũng giáo hóa đám tùy tùng năm trăm người đi làm Sa Môn, đều thọ trì đạo pháp, tinh tấn tu tập đạt được thần thông, luôn thể hiện bốn tâm vô lượng là từ, bi, hỷ, hộ.

Chín mươi mốt kiếp không rơi vào đường ác, chỉ sinh về Cõi Trời hoặc cõi người, nay họ được làm thân người đều tụ hội về đây, cũng cùng xuất gia làm Sa Môn, lãnh hội thọ trì Kinh Điển, giới luật, đều chứng đắc đạo quả.

Nên biết vị Phạm Chí thời đó, không phải là ai khác mà chính là thân ta, Quốc Vương, thần dân và chúng của vị đại Trưởng Giả, nói chung là những người cùng tu học ở thời Đức Duy Vệ Như Lai Chí Chân, trước đã gieo giống thì nay thu hoạch, công đức không hề mất đi mà đều tự đạt được.

Lúc nghe Đức Phật thuyết giảng có vô số người phát tâm cầu đạo quả vô thượng chí chân, ngay lúc đó được an trụ ở địa bất thoái chuyển, thành bậc nhất sinh bổ xứ, số lượng ấy không thể kể xiết, những người đắc quả A La Hán cũng đông đảo như vậy.

Đức Phật thuyết giảng như thế, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần