Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Về Tôn Giả Ca Chiên Diên Nói Về Vô Thường
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH SINH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
ĐỨC PHẬT THUYẾT GIẢNG VỀ
TÔN GIẢ CA CHIÊN DIÊN NÓI
VỀ VÔ THƯỜNG
Tôi nghe như vậy!
Một thời Đức Phật du hóa tại nước A Hòa Đề.
Lúc bấy giờ, Hiền Giả Ca Chiên Diên nói với các vị Tỳ Kheo: Này các vị Hiền Giả, hãy lắng nghe: Tất cả cái gì có hội hợp đều phải có chia lìa, hễ có khỏe mạnh thì phải có bệnh tật, đã trẻ thì phải già, dù có sống lâu rồi cũng phải chết.
Như giọt sương buổi sáng trên cành hoa, mặt trời lên phải tan, thế gian quả là vô thường. Cũng lại như vậy, tuổi trẻ cường tráng nhưng không thể tồn tại mãi được, giống như mặt trời mọc lên soi sáng khắp thiên hạ, nhưng rồi chẳng bao lâu lại lặn mất.
Này các Hiền Giả, đời sống là như vậy, có hội hợp thì có biệt ly, người có sinh thì phải có chết, hưng thịnh ắt suy bại, tất cả vạn vật đều vô thường, hư hoại và trở về mất hết, như trái cây đã chín, đành phải chịu cái buồn rụng rơi. Vạn vật là vô thường.
Cũng lại như vậy, có hội hợp phải có chia ly, có hưng ắt có suy, giống như người thợ gốm làm các đồ sành, sứ, làm ra các đồ dùng rồi thì hư vỡ.
Này các Hiền Giả, như vậy đó, có hội hợp phải có chia ly, có hưng ắt có suy, có sinh ra ắt phải có chết đi. Ân ái, biệt ly, những điều mong cầu, ái mộ không bao giờ được như ý.
Khi có điều xấu ác, quái lạ ứng hiện thì bệnh tật phát sinh, các căn lâm nguy, thân thể bị bệnh thì thân mạng đã gần kề cái chết, xương thịt rã rời, mất hết mọi an ổn bị bệnh nặng khôn thì luôn bực dọc không nói được, cơ thể đau đớn cùng cực, uống nước không trôi, thuốc thang hết hiệu nghiệm, bùa chú hết linh ứng, tất cả mọi biện pháp giải trừ đều vô hiệu, thầy thuốc bó tay phải chạy, cuối cùng phải mạng vong.
Tánh mạng đến hồi đau đớn nguy kịch thì có những chuyển biến. Khi mạng sống sắp hết thì có sáu nỗi thống khổ, chịu bao độc hại đau đớn hành hạ, các thứ khổ hoạn đều tụ về nơi thân, mình không muốn mà tự nhiên chúng cứ ào tới. Rồi lấy hơi lên, hoặc tắt không thông, chỉ có hơi ra mà không có hơi vào, rồi thở ra hít vào cũng dứt luôn, các kinh mạch đều dừng.
Hoặc ốm đau gầy mòn, hết dáng vẻ sống, nằm ngồi phải nhờ người đỡ vịn, người cũng thường cho ăn uống, thuốc men, nhưng cháo gạo chỉ ngậm đấy không tiêu hóa được rất là khổ sở, muốn vói lên hư không, vả mồ hôi trắng, hét lên thất thanh, xuất ra các chất dơ bẩn, thân lại nằm lên trên, rồi chết.
Khi hồn đi hết, người ta mang xác ra bỏ ngoài bãi tha ma, hoặc đem hỏa táng, thân thể thối rữa, không còn biết gì, chim chóc bay đến mổ rỉa, xương cốt đầu mình tay chân vương vãi ra đấy, gân nối đứt lìa tiêu ra tro đất, tất cả đều là vô thường.
Đang lúc này đây, thân hình hiện ở đâu?
Đầu, mình, tay, chân rơi vãi chốn nào?
Lúc mới chết, đem ra nghĩa trang, cha mẹ, anh em, vợ con đều đi theo thương tiếc, thân bằng quyến thuộc cũng lại như vậy, thảy đấm ngực khóc lóc, ưu sầu, thương tiếc lắm thay. Khi thi thể đã chôn rồi, ai về nhà nấy, không ai có thể cứu được, chỉ riêng thân mình chịu cảnh bị chôn bỏ dưới đất, như sành, như đá, không nghe được sắc, thanh, hương, vị, cảm giác êm dịu cùng năm dục cũng chẳng biết gì.
Do đã rõ thân là vô thường, nên phải phụng dưỡng cha mẹ, cung kính Sa Môn và các Đạo Sĩ, bố thí, trì giới, chay tịnh, luôn nghiêm túc giữ giới cấm dốc tu tập.
Đi lại, đưa đón đều cúi đầu, chắp tay làm lễ quy ngưỡng. Này các vị Hiền Giả, phải nên xem xét, quan sát thật kỹ vấn đề này, phải luôn tâm niệm về vô thường, khổ, không và vô ngã.
Lúc ấy, Hiền Giả Ca Chiên Diên đọc bài kệ:
Đã thấy như thế thật đáng sợ
Cầu đặng thân người có dễ đâu
Phải tinh tấn cứu lửa cháy đầu
Đoạn trừ khổ lụy nên an tịnh.
Chư Phật ngày xưa thường tinh tấn
Dứt mọi tôi ta và phóng dật
Gặp phải được mất khổ rất nhiều
Sinh tử, địa ngục, khổ càng dữ.
Lòng nơi ái dục, không làm ác
Hàng phục các căn nên nêu bày
Không được vọng tưởng, nghĩ không hay
Đến được tịch nhiên, phá được giặc.
Không được nghĩ rằng: Của ta thật
Quả không của ta, không ta tất.
Không được ỷ thế, không trọng người
Nhiếp phục thân tâm trước sự đời.
Thường phải biết thân và xấu hổ
Coi thường thân mạng không tham chấp
Không nên chìm đắm trong nẻo ác
Cẩn thận chớ làm, gặp khổ thêm.
Cảnh giới Diêm La lại đừng đến
Với cha mẹ phải thường hiếu thuận
Tích công đức dành để kiếp sau
Phải nên sớm theo đường Hiền Thánh.
Chớ nên cầu an mà phạm ác
Không theo tà giáo, hành độc dữ
Xem đó nên thường bố thí thêm
Bỏ hết ái dục và lỗi lầm.
Sau đấy mới mong nơi cha mẹ
Vợ con, quyến thuộc và bằng hữu
Theo lời Phật dạy, chẳng trái sai
Làm điều giá trị cho tương lai.
Giả sử có bệnh cầu cha mẹ
Vợ con, quyến thuộc và bằng hữu
Nhờ họ cứu giúp không thể được
Công đức, trí tuệ do ta tạo.
Hiền Giả Ca Chiên Diên đã vì các vị Tỳ Kheo mà thuyết giảng như thế, các vị Tỳ Kheo đều hoan hỷ nhận lấy những điều chỉ dạy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Sông Tro
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chiến đấu - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Vô Thường - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tam Muội Niệm Phật - Phẩm Mười - Chánh Quán
Phật Thuyết Kinh Xuất Sinh Vô Biên Môn đà La Ni - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tô Tất địa Yết La - Phẩm Mười - Phẩm Phân Biệt Hương đốt
VỊ TỲ KHEO BỊ KẾT TỘI TRỘM CẮP
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Cầu đại Sư - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Mười Tám - Khen Pháp Sư - Phần Hai