Phật Thuyết Kinh Tam Muội Ngồi Thiền - Phần Một - Pháp Môn Trị Tham Dục

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT

KINH TAM MUỘI NGỒI THIỀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẦN MỘT

PHÁP MÔN TRỊ THAM DỤC  

Khó gặp Đạo Sư dạy

Nghe rồi vui càng khó

Ðiều Bồ Tát thích nghe

Phàm phu nghe lại chán.

Chúng sanh thật đáng thương

Rơi đường hiểm già chết

Nô lệ cho ái ân

Chốn sợ, ngu không sợ.

Thế giới lớn hoặc nhỏ

Không có pháp thường còn

Tất cả không bền chắc

Tạm hiện như điện chớp.

Thân này thuộc già chết

Chỗ các bệnh quy tụ

Da mỏng che bất tịnh

Ngu muội bị nó lừa

Ngươi thường bị giặc già

Nuốt mất tuổi thanh xuân

Như tràng hoa khô héo

Úa tàn, hết xinh tươi

Công đức Vua Ðảnh Sanh

Ngồi chung tòa Ðế Thích

Phước báo thật rộng lớn

Ngày nay có còn đâu?

Vua ấy trong Trời, người

Ðủ năm dục hơn hết

Khi chết rất khổ đau

Do đó nên tỉnh ngộ.

Các dục ban đầu vui

Về sau thành khổ lớn

Như kẻ oán, lúc đầu thân

Sau gây họa diệt tộc.

Thân là vật không sạch

Chín lỗ thường rỉ nhơ

Cũng như mụt Na lợi

Không có thuốc trị lành.

Xương như xe quá yếu

Thức chuyển, gân mạch buộc

Ngươi cho là xe tốt

Yêu chuộng không xấu hổ

Nơi chất chứa thây chết

Vất bỏ đầy gò nỗng

Khi sống thì cưng chiều

Chết rồi liền vứt bỏ.

Phải thường nghĩ như vậy

Một lòng quán, chớ loạn

Phá si, đuổi tối tăm

Cầm đuốc tuệ sáng soi

Nếu lìa bốn niệm chỉ

Ác nào tâm chẳng làm

Như voi không móc sắt

Nên chẳng chịu chăn dắt

Ngày nay làm việc này

Ngày mai làm việc nọ

Ham vui không thấy khổ

Bất chợt thần chết đến

Hối hả làm việc mình

Việc người cũng không xong

Thần chết chẳng chờ đợi

Khi đến không phương thoát.

Như nai vì khát nước

Nên tìm đến dòng suối

Thợ săn không lòng thương

Giết chết khi đang uống.

Người si cũng như vậy

Chăm lo làm các việc

Chết đến không hẹn trước

Ai sẽ giúp được ngươi?

Lòng người mong giàu sang

Năm dục lòng chưa thỏa

Các vị vua nước lớn

Ðâu thoát khỏi họa này.

Tiên Nhân giỏi chú thuật

Nào thoát khỏi tử sanh

Voi vô thường dẫm đạp

Kiến, đỉa nát với đất

Ðâu có chừa một ai.

Chư Phật chánh chân giác

Vượt ngoài dòng sanh tử

Lại cũng chẳng thường còn.

Vì vậy nên phải biết

Những điều ông yêu thích

Phải nên sớm lìa bỏ

Một lòng cầu Niết Bàn

Sau khi bỏ thân này

Ai chứng biết được ta?

Lại được gặp Pháp Bảo

Và người chẳng gặp pháp

Lâu sau Phật xuất hiện

Phá trừ hết tối tăm

Phóng ra các ánh sáng

Dạy nhân đạo, phi đạo

Ta từ chốn nào đến?

Rồi sẽ sanh về đâu?

Nơi đâu được giải thoát?

Nghi này ai rõ biết?

Phật, Đấng nhất thiết trí

Lâu lắm mới ra đời

Nhất tâm không phóng dật

Phá nghi kiết của ngươi

Ngài không thích lợi lộc

Và đắm tâm tệ ác

Ngươi hãy vì chúng sanh

Mà cầu pháp chân thật.

Ai biết được khi chết

Sẽ sanh cảnh giới nào?

Như đèn treo trước gió

Ðâu biết lúc nào tắt.

Ðến đạo pháp không khó

Ðại Thánh đã chỉ dạy

Giảng trí và trí xứ

Hai pháp không nương ngoài.

Nếu ngươi không phóng dật

Một lòng thường hành đạo

Không lâu được Niết Bàn

Vui niềm vui bậc nhất

Bậc trí gần người thiện

Hết lòng kính Phật Pháp

Nhàm chán thân nhơ nhớp

Lìa khổ, được giải thoát.

Tịnh tu nơi vắng vẻ

Ngồi kiết già trong rừng

Kiểm tâm không phóng dật

Tỉnh thức biết các duyên

Nếu chẳng chán các hữu

Ngủ mê không tự tỉnh

Không nghĩ đời vô thường

Ðáng sợ mà không sợ.

Phiền não sâu không đáy

Biển sanh tử không bờ

Thuyền vượt khổ chưa đóng

Sao an nhiên ngủ nghỉ?

Do đó phải giác ngộ

Chớ để ngủ che tâm

Ðối bốn việc dâng cúng

Biết lượng, biết vừa đủ.

Nỗi sợ lớn chưa khỏi

Phải chuyên cần tinh tấn

Các khổ khi ập đến

Hối hận không thể kịp.

Mặc y ngồi dưới cây

Như pháp mà thọ thực

Chớ vì tham vị ngon

Mà dẫn đến tự hoại.

Ăn rồi biết mùi vị

Ngon dở đồng như nhau

Ưa ngon sanh buồn khổ

Vậy chớ sanh ưa thích.

Sinh hoạt trong thế giới

Ngon dở đều nếm hết

Thọ hưởng đủ mọi thứ

Nên phải tự chế phục

Nếu sanh vào súc sanh

Nhai cỏ đủ mùi vị

Ðịa ngục nuốt hòn sắt

Sắt đốt nóng hừng hực

Trong loài quỷ Bệ Lệ

Máu mủ, phân tiểu sôi

Dải đàm, các bất tịnh

Lấy đó làm thượng vị

Hoặc ở trên Cõi Trời

Xem cung điện bảy báu

Ăn toàn vị tô đà

Thiên Nữ làm vui lòng

Trong loài người giàu sang

Các món ngon đủ vị

Ðều đã từng trải qua

Sao nay lại ưa thích?

Qua lại trong thế giới

Chán ngán việc khổ vui

Tuy chưa đắc Niết Bàn

Nhưng phải cầu lợi ấy.

Người học thiền mới đến chỗ thầy, thầy nên hỏi: Ngươi trì giới thanh tịnh chăng?

Không phạm trọng tội tà ác chăng?

Nếu đáp: Giới luật của năm chúng giữ trong sạch, không phạm trọng tội tà ác, thì sau đó mới dạy đạo pháp.

Nếu đáp: Phá giới, thì thầy nên hỏi lại: Ngươi phá giới nào?

Nếu đáp: Trọng giới, thì thầy dạy: Như người bị cắt tai, mũi, không cần phải soi gương, ngươi hãy về đi, siêng năng tụng Kinh và làm điều phước thiện, có thể gieo nhân duyên đạo pháp cho đời sau, đời này xem như đã bỏ. Giống như cây khô, dù tưới nước chăm sóc cũng không sanh hoa lá và quả được.

Nếu phá các giới khác thì khi ấy thầy nên dạy như pháp sám hối. Nếu sám hối đã thanh tịnh, như thầy đắc được thiên nhãn hoặc tha tâm trí thì theo bệnh của họ mà thuyết pháp, đưa đến chí đạo.

Bằng như chưa thông đạt thì nên xem tướng hoặc hỏi người ấy: Trong ba độc, ngươi nặng về thứ nào?

Dâm dục nhiều chăng?

Sân hận nhiều chăng?

Ngu si nhiều chăng?

Thế nào gọi là xem tướng?

Tướng người nhiều dâm dục là người mau lẹ, nhiều thê thiếp, nói nhiều và có lòng tin nhiều, nhan sắc vui vẻ, lời nói hòa nhã, dễ hiểu.

Ít sân hận, cũng ít buồn phiền, có nhiều khả năng kỹ thuật, thích học hỏi, nhiều hiểu biết, ưa thích văn chương, rất khéo biện luận, hay quán xét lòng người, có nhiều lo sợ, ở trong phòng riêng thích mặc áo mỏng, thèm muốn nữ sắc, tham đắm đồ nằm, ưa trang điểm hương hoa.

Tâm rất nhu hòa, có lòng thương người, nói lời tốt đẹp, thích làm việc phước thiện, ý ưa muốn sanh lên cõi trời, ở trong chúng không có các nạn.

Phân biệt người xấu đẹp, ưa tín nhiệm phụ nữ, lửa dục nung nấu, lòng nhiều thay đổi, hối hận, ưa tự trang sức, thích xem tranh vẽ nhiều màu.

Ðối vật của mình thì tham tiếc, lại mong cầu tài vật của người, ưa kết bạn thân, không thích ở một mình, đắm trước chỗ ở, chạy theo dòng thế tục, vừa kinh vừa sợ, chí như khỉ vượn, hiểu biết cạn cợt, làm việc lại không suy nghĩ, ý chí yếu kém, hành động theo sở thích, dở khóc dở cười.

Thân thể mềm yếu, không kham khổ lạnh nóng. Dễ mừng, dễ lo, gặp việc không thể đè nén, được ít vui nhiều, mất ít sầu lớn, tự bày ra rồi tự che dấu. Thân thể ấm, mồ hôi hôi, da mỏng, tóc mềm, mặt nhiều vết nhăn, nhiều điểm trắng, cắt móng tay, cạo râu, chà răng trắng.

Ði ra ngoài thích mặc đồ thật sạch. Học hành không chuyên cần, thích dạo vườn rừng, nhiều tình cảm, nhiều mong cầu, chấp thường kiến.

Hay gần gũi các bậc có đức, vồn vã thăm hỏi, ưa theo lời người, gượng vui, chịu nhục, nghe việc nhanh hiểu, sự việc đã làm phân biệt rõ tốt xấu. Thương người nghèo khổ, tự đại, háo thắng, chẳng chịu người lấn hiếp.

Thích làm việc bố thí, tiếp dẫn người hiền, được đồ ăn uống ngon không ăn một mình, không để ý việc nhỏ nhặt, chí để ở việc to tát. Mắt đắm sắc dục, sự nghiệp không thành, không lo xa.

Biết được phong tục tốt đẹp ở đời, quan sát nhan sắc, dò biết mặt trái lòng người, nói lời hoa mỹ, kết bạn không bền. Tóc thưa, ít ngủ nghỉ, đi đứng nằm ngồi bộ tịch đàng hoàng. Có tài vật liền đem cứu trợ, sau lại hối tiếc.

Ưa thích điều nghĩa, gấp làm cho được nhưng lại mau quên, bám chấp hành động, khó tự sửa đổi, khó lìa được dục, gây tội nhỏ nhặt…

Các loại tướng trạng như thế là tướng dâm dục.

Tướng người sân hận: Người nhiều ưu sầu, hung bạo, ôm lòng phẫn hận, thân miệng thô xẳng, nhẫn chịu các khổ, gặp việc không nhịn được, nhiều sầu, ít vui.

Có thể làm việc đại ác, không có lòng thương người, ưa tranh cãi, nhan sắc tiều tụy, mắt trợn mày nhăn, khó nói, khó vui, khó làm việc, khó thành công. Mình như ghẻ lở, lại ưa nói lỗi của người.

Lý luận cứng cỏi, không thể bẻ dẹp, khó làm lay chuyển, khó thân thiện, khó cản ngăn, ôm lòng độc khó vứt bỏ, bị trách không quên. Nhiều khả năng khéo léo, siêng năng, làm việc nhanh chóng, ôm kỳ vọng không nói, ý sâu khó biết. Thọ ân liền đáp ân.

Lại có khả năng thuyết phục được nhiều người tuân theo, không thể phá hoại. Việc làm thường được trọn vẹn, người khác khó can thiệp, không ngại khó khăn.

Giống như sư tử, rất khó khuất phục. Khi đã quyết định, theo kế hoạch hành động, không bao giờ nghĩ lại, nhớ nghĩ khó quên. Nhiều lo nghĩ tư duy, ôn tập nhớ kỹ.

Hay bố thí, chẳng màng lợi nhỏ, làm thầy rất khôn ngoan. Lìa dục, ở một mình, ít sự dâm dục, thường nghĩ đến sự thành công. Chấp trước đoạn kiến.

Mắt không ưa liếc ngó, lời nói ngay thẳng, biện minh sự việc rõ ràng, ít có bạn thân. Làm việc hay chấp chặt, nhớ dai không quên. Có nhiều sức mạnh, vai ngực nở đẹp, tráng rộng tóc bằng. Tâm cứng rắn, khó điều phục. Mau được mà khó quên. Có thể tự lìa dục, hay gây tội nặng…

Các loại tướng như vậy là tướng sân hận.

Tướng người ngu si: Người nhiều nghi ngờ, nhiều hối hận, lười biếng, không nhận thức, tự mãn, khó khuất phục, kiêu mạn, khó dạy bảo. Việc đáng tin chẳng tin, việc không đáng tin lại tin. Không biết chỗ đáng tôn kính, nơi nào cũng tin theo, có nhiều thầy.

Ðường đột, thô tháo, không biết xấu hổ, hành động không suy nghĩ, thường trái với lời dạy. Chẳng biết chọn bạn, không biết tự trang sức. Ưa thích thầy hay đạo lạ, chẳng phân biệt được tốt xấu.

Khó ghi nhớ, dễ quên, căn tánh tối tăm, biếng nhác, chê bai người bố thí, không có lòng thương xót. Phá hoại chiếc cầu chánh pháp, gặp việc mờ mịt không biết. Lúc giận tối mắt, không có trí tuệ, nhiều mong cầu hy vọng, đa nghi, ít lòng tin, ganh ghét người tốt.

Cho rằng: Không có quả báo tội phước, chẳng phân biệt được lời thiện, không biết điều lỗi, chẳng nghe lời khuyên bảo. Xa lìa người thân, oán ghét họ, không biết lễ phép, ưa nói lời ác. Móng tay, râu tóc để dài, răng áo nhơ nhớp, bị người sai khiến. Chỗ đáng sợ lại không sợ, việc vui thì lo buồn, việc lo buồn lại vui, chỗ ưu buồn lại cười cợt, chỗ vui vẻ lại ưu buồn.

Ðợi kéo mới chịu đi, hay nhẫn các khổ, không phân biệt mùi vị, khó lìa dục, gây tội sâu nặng… các loại tướng như vậy là tướng người ngu si. Nếu người nhiều dâm dục, dùng pháp quán bất tịnh để chữa trị.

Người nhiều sân hận, lấy pháp quán từ bi để chữa trị.

Người nhiều ngu si, tư duy pháp quán nhân duyên để chữa trị.

Nếu người nhiều lo nghĩ, tu pháp quán hơi thở để chữa trị.

Nếu người tham, sân, si đồng nhau, dùng pháp môn niệm Phật để chữa trị.

Như vậy, có bao nhiêu thứ bệnh thì có bấy nhiêu pháp để chữa trị.

Người nhiều dâm dục nên tu tập pháp quán bất tịnh, từ chân đến tóc toàn vật không sạch: Lông, tóc, móng, răng, da mỏng, da dày, máu, thịt, gân, mạch, xương, tủy, gan, phổi, tim, thận, lá lách, dạ dày, ruột già, ruột non, phân, nước tiểu, nước mũi, nước miếng, mồ hôi, nước mắt, cứt ráy, đất, óc, bọng đái, mật, đàm, bầy nhầy, mỡ, mỡ sa, màng óc…

Như vậy, trong thân toàn vật không sạch.

Lại quán bất tịnh theo thứ lớp: Quán thây chết máu ứ bầm xanh, sình trướng, thối rửa vỡ ra, máu mủ chảy ràng rụa, hôi thối, trùng thú ăn còn xương, phân tán, thiêu rụi.

Ðó là pháp quán bất tịnh.

Người nhiều dâm dục, yêu mến bảy thứ:

1. Yêu sắc đẹp.

2. Yêu dáng điệu đoan chánh.

3. Yêu dung mạo.

4. Yêu thích âm thanh.

5. Yêu mềm mại, trơn láng.

6. Yêu con người, chúng sanh.

7. Yêu thích tất cả.

Yêu sắc đẹp nên tu tập pháp quán thây chết bầm xanh, những màu sắc vàng đỏ bất tịnh cũng như vậy.

Nếu yêu dáng điệu đoan chánh nên tu tập pháp quán thây chết sình trương, nứt rã.

Nếu yêu mến dung mạo nên quán thây mới chết, máu chảy ràng rụa, xương cốt rục rã.

Nếu yêu thích âm thanh, nên tập pháp quán khi người sắp chết cổ họng bị nghẹt.

Nếu yêu thích trơn láng nên quán bộ xương và người bệnh khô gầy.

Nếu yêu thân người nên tập quán sáu thứ bất tịnh, trong chín thứ bất tịnh.

Nếu yêu tất cả nên tu tập toàn bộ pháp quán bất tịnh, hoặc lúc thì quán các thứ này, khi lại quán các thứ khác, đều là pháp quán bất tịnh.

Hỏi: Nếu thân bất tịnh như thây chết thối rữa, do đâu sanh lòng yêu mến?

Nếu cho thân là trong sạch thì thân dù thối lầy cũng vẫn yêu. Bằng như không yêu thân thối rửa thì thân thanh tịnh cũng không yêu.

Ðáp: Vì hai thân là một vậy. Nếu cầu hai thân thật thanh tịnh đều không thể có. Tâm người mê lầm vì điên đảo che phủ, nên thân bất tịnh cho là thanh tịnh.

Nếu phá dẹp tâm điên đảo liền được pháp quán thật tướng. Khi ấy, biết thân là bất tịnh, hư dối không thật.

Lại nữa, thây chết không còn hơi ấm. Mạng sống, thần thức và các căn đã bế tắt. Người nhận biết kỹ thì tâm không còn mến tiếc. Thân có hơi ấm, mạng sống, thần thức và các căn đầy đủ nên tâm điên đảo mê lầm, sanh say đắm.

Lại nữa, khi tâm yêu đắm sắc thân, cho đó là sạch. Tâm yêu dứt thì liền biết thân là không sạch.

Nếu thân thật sạch thì phải thường sạch, nhưng đây chẳng phải như thế. Như chó ăn phân, cho là sạch. Người thấy, cho đó là rất dơ.

Trong và ngoài thân, không một chỗ nào sạch, bằng như chấp đắm bề ngoài thân thì chẳng qua nó chỉ là một lớp da mỏng bao bọc. Nắm da cắt một miếng bằng miếng xoài thì bao thứ dơ nhớp hiện bày, huống nữa bên trong thân chứa ba mươi sáu thứ nhơ uế.

Suy cho cùng, thân là tập hợp bao thứ bất tịnh. Thân do tinh cha huyết mẹ hợp thành, lại thường chảy ra đồ bất tịnh. Y phục, giường nệm cũng dơ uế, hôi thối, huống là chỗ chứa thây chết. Vì thế nên biết, thân người dù sống hay chết, bên trong và ngoài đều là bất tịnh.

Người tu Tịnh quán có ba bậc: mới tập, đã tập, đã tập lâu.

Người mới tập nên dạy: Tưởng lột hết da, bỏ hết những thứ bất tịnh, chỉ còn bộ xương màu đỏ, tập trung vào quán tưởng, không cho khởi nghĩ gì khác. Có nghĩ khác, liền nhiếp niệm kéo về.

Nếu người đã tập nên dạy: Tưởng lột hết da thịt, quán bộ xương đầu, không nghĩ gì khác. Có nghĩ gì khác, liền nhiếp niệm kéo về.

Nếu người đã tập lâu nên dạy: Tưởng lột hết da thịt, buộc ý vào một trong năm chỗ: đỉnh đầu, trán, giữa chặn mày, chót mũi, quả tim. Buộc ý vào năm chỗ ấy, quán xương, không nghĩ gì khác. Nghĩ khác, liền nhiếp trở về. Thường quán xét tâm, nó chạy đi liền kéo trở lại. Nếu tâm mệt mỏi thì tự xả duyên ngoài, trụ ở sở duyên.

Thí như con khỉ bị cột ở trụ cây, vọt nhảy mệt rồi nằm yên bên trụ. Sở duyên như trụ cây, niệm như dây buộc, tâm dụ như con khỉ.

Lại giống như người mẹ chăm giữ con còn bú, không để nó rơi té. Hành giả quán sát tâm cũng như vậy, dần dần chế phục được tâm, bắt nó trụ một chỗ.

Nếu tâm trụ được lâu, đó là hợp pháp thiền, bằng như đắc thiền định thì hiện ba tướng: Một là thân thể nhẹ nhàng, mềm dịu, vui vẻ, xương trắng phát ra ánh sáng trắng như ngọc kha, tâm được dừng lặng. Ðó là tịnh quán. Khi ấy được tâm trong sắc giới.

Ðó là người mới học pháp thiền, được tâm sắc giới.

Tâm hợp với pháp thiền tức là pháp sắc giới. Tâm được pháp này, thân tuy ở Dục Giới nhưng tứ đại rất điều hòa, an lạc, hình sắc trong sạch, mềm dịu, tươi nhuận. Ðó là tướng vui vẻ.

Hai là hành giả nội quán tướng xương trắng phát ra ánh sáng màu trắng trong sạch, chiếu tỏa khắp.

Ba là tâm trụ một chỗ, gọi là tịnh quán. Bỏ thịt quán xương nên gọi là tịnh quán.

Ba tướng trên đều tự biết, người khác chẳng thấy biết.

Ba bậc tu tập ở trên là:

1. Bậc mới tu tập, trước chưa phát tâm.

2. Bậc đã tu hành ba bốn năm.

3. Bậc tu tập lâu khoảng một trăm năm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần