Phật Thuyết Kinh Phương đẳng Bát Nê Hoàn - Phẩm Tám - Phẩm Thiên Bồ Tát

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

PHƯƠNG ĐẲNG BÁT NÊ HOÀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM TÁM

PHẨM THIÊN BỒ TÁT  

Bấy giờ, Hiền Giả A Na Luật khóc lóc thảm thiết, liền nói bài kệ:

Tựa như trăng tròn giữa hư không

Như muôn ngàn tia nắng ban mai

Như lửa ma ni chiếu soi khắp

Thế Tôn không còn làm giáo thọ.

Ai là người cứu khổ thế gian?

Vô lượng chúng sinh còn sinh tử?

Tất cả Thế Giới đều tốt tăm

Bởi vì Thế Tôn đã Niết Bàn.

Chúng sinh ở khắp trong ba cõi

Sở dĩ có an vui, giải thoát

Đều nhờ Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng

Từ bi thương xót và trưởng dưỡng.

Thế Tôn là vị thầy thuốc giỏi

Đưa chúng sinh đến bờ giải thoát

Cứu vớt tất cả mọi khổ đau

Đấng Pháp vương nay vào Niết Bàn.

Khắp cả thế gian đeu quay cuồng

Từ nay vĩnh viễn chẳng thấy Ngài

Hóa giải tất cả tham, sân, si

Chúng sinh ba cõi đều quy mạng.

Bậc Đạo Sư đoạn trừ sinh tử

Sí điểu, rồng thảy đều quy mạng

Quỷ, Ma Hầu Lặc, A Tu Luân

Sau Phật diệt độ, rơi tối tăm.

Không có dâm dục, lìa mạn trần

Ánh sáng bốn phương đã diệt độ

Tất cả thế gian sẽ tối tăm

Phật nhập Nê Hoàn, cớ sao vậy!

Hiền Giả A Na Luật nói kệ này xong, tức thời có các vị ở các Cõi Trời khác nhau đều đến nơi Phật nhập Niết Bàn. Có người đi một mình, hoặc đi xe voi, đi xe ngựa. Người tại các giao lộ, người trong các giảng tòa, người trong các cung điện, người ở trên cửa sổ, người ở trên các nẻo đường, người ở trong nhà, người ở trên vòm bán nguyệt, người ở trên thềm bệ v.v… đều từ chỗ ở của mình đi đến nơi Phật Niết Bàn.

Khi đi đến, họ kêu khóc thảm thiết, đến đất sinh sống của các lực sĩ, tới chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Đức Phật. Hoặc có vị Trời tung lên các hoa Ưu bát xanh, vàng, trắng, hoặc có vị tung lên đủ loại chiên đàn, hoặc có vị Trời tự lấy mũ báu, bông tai báu, vòng tay báu và áo Trời đem tung lên trên Đức Phật, cúng dường Đức Phật.

Đến đây, Hiền Giả La Vân kêu khóc bi ai, nói kệ:

Công đức thù thắng, tuệ không lường

Trời người tôn kính bậc Chánh Giác

Trừ mọi nghiệp ác, dứt lo toan

Đến nơi lực sĩ đang sinh sống.

Phật là cội phước, người kính ngưỡng

Phật là y vương trừ các bệnh

Thân tướng thanh tịnh như hoa sen

Phật nay an giấc nơi Song Thọ.

Phật như ánh sáng vầng nhật, nguyệt

Chói chan chiếu sáng khắp muôn nơi

Là vị Pháp chủ đến Ta Bà

Độ thoát ức người lìa khổ não.

Phật nhập tịch tịnh, vô vi pháp

Đến bờ kia, đệ nhất vô tưởng

Xả bỏ tất cả nguyện thế gian

Pháp vương đã đi vào Nê Hoàn.

Thế Tôn nhập diệt, đất Trời tối

Đi lại tự tại trong ba cõi

Phật là Đạo Sư độ tử sinh

Vì thương chúng sinh, hiện Niết Bàn.

Phát ra tiếng rống Sư Tử chúa

Lời Phật ấy sáng như trăng rằm

Chúng sinh nghe thấy đều vui mừng

Thương xót chúng sinh, hiện thị tịch.

Hiền Giả La Vân khen mười lực

Vật vả khóc thương, mắt dàng dụa

Lăn lóc nơi đất không tự kềm

Pháp vương thương xót đừng Niết Bàn!

Tôn Giả La Vân nói bài kệ này xong. Bấy giờ ở phương Đông, có vô số Thế Giới chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể xưng tán, không bờ cõi. Hàng Bồ Tát ở các nước Chư Phật đều từ giã các Đức Phật nơi bản quốc của mình đi đến chỗ Phật Niết Bàn.

Vì muốn thấy Đức Như Lai vào Nê Hoàn và đại hội Bồ Tát, muốn được chiêm ngưỡng Đức Như Lai, cúi đầu đảnh lễ cúng dường. Các vị Bồ Tát đến đây đã trải qua vô số vô lượng Thế Giới, tại các cung Trời, tất cả các âm thanh vi diệu không có người tấu mà tự phát.

Trời mưa hoa Mạn đà. Các Thiên Tử của những Thế Giới đó có đức lớn, học Đại Thừa, các Vua Trời, Vua rồng, Vua quỷ thần A Tu La, Vua Ca lưu la, Vua Chân Đà La, Vua Ma hầu lặc v.v… đều theo hầu các vị Bồ Tát đến cúng dường.

Các vị Bồ Tát dùng các báu tự trang nghiêm mình đi đến, hoặc mặc quần áo của Thiên Tử mà đến, hoặc mặc áo quần của Thiên Tử Trời thứ sáu mà đến, hoặc mặc áo quần của Thiên Tử Trời Đâu thuật mà đến, hoặc mặc áo quần của Trời Đế Thích mà đến, hoặc mặc quần áo của Nhật Vương mà đến, hoặc mặc áo quần của Nguyệt Vương mà đến.

Có Bồ Tát vào trong điện xá báu mani ngồi kiết già mà đến, hoặc vào trong cung báu ma ni ngồi kiết già mà đến, hoặc vào trong trướng giao lộ báu ma ni ngồi mà đến.

Lại có Bồ Tát vào trong điện thơm, cung thơm, trướng giao lộ thơm ngồi kiết già mà đến, hoặc vào điện vàng tía, hoặc vào điện tất cả báu, hoặc vào trong trướng giao lộ tất cả báu ngồi kiết già mà đến. Lại có Bồ Tát vào điện chiên đàn đỏ, vào trong điện xá tất cả chiên đàn ngồi kiết già mà đến.

Lại có Bồ Tát vào điện hoa bảy báu, hoặc vào điện báu ánh sáng mặt trăng sáng hơn ngọc ma ni nhật nguyệt, hoặc vào điện ngọc báu Như ý, hoặc vào cung ngọc báu Như ý, hoặc vào trong trướng giao lộ Như ý ma ni ngồi kiết già mà đến.

Các vị Bồ Tát dùng ba mươi hai tướng tốt trang nghiêm thân mình, có vô số ánh sáng, ánh sáng rực rỡ chẳng thể nghĩ bàn, vô số ánh sáng rộng lớn.

Những ánh sáng ấy diệt trừ tất cả sự khổ đau của con người, khiến cho tất cả được ánh sáng thiện tưởng, tiêu trừ tất cả ánh sáng của địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, đem tất cả đến ánh sáng thiện đạo, khiến cho thân họ có tướng phước công đức đoan chánh đặc biệt đẹp đẽ mà người thấy đều vui mừng, yêu mến sắc tướng ấy, không ai ngang bằng được. Sắc tướng ấy được sự nhìn thấy của tất cả mọi người.

Các vị Bồ Tát có thứ tiếng Phạm mà âm hưởng dịu dàng làm cho phát sinh âm thanh vui mừng về đạo, âm thanh tạo sự sợ hãi cho các ma, âm thanh ích lợi cho tất cả mọi người, âm thanh sinh ra các pháp, các phước đức, âm thanh diệt trừ tất cả ác, sinh ra vô lượng pháp minh. Các Bồ Tát Đại Sĩ đó mưa xuống những hoa Trời báu khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới.

Các vị đi đến với Đức Như Lai, hoặc mưa xuống áo Trời, hoặc mưa xuống chuỗi ngọc trang sức, hoặc mưa xuống lọng báu, hoặc mưa xuống phướn báu bằng lụa ngũ sắc, hoặc mưa xuống đủ thứ chiên đàn, hoặc mưa xuống vàng ròng màu vàng tía, hoặc mưa xuống hoa sen, hoặc mưa xuống ngọc Như ý, hoặc mưa xuống những báu sở hữu hơn cả Trời khắp cả ba ngàn đại thiên Thế Giới.

Những thứ đó đều rơi xuống chỗ Đức Như Lai. Hoặc có vị Bồ Tát hóa làm ra các lọng báu trang sức như ba ngàn đại thiên Thế Giới vượt hơn những thứ báu của Trời để cúng dường Đức Như Lai. Hoặc có vị Bồ Tát dùng các chuỗi ngọc trang nghiêm như ba ngàn đại thiên Thế Giới hóa làm cành mềm mại của hoa sen. Lưu ly xanh, xà cừ, hổ phách, bảo tạng, cát tường dùng làm xe.

Xe ngọc Như ý đều cùng khắp. Ngọc ánh sáng, ngọc ma ni, vàng ròng v.v… đem tất cả làm đồ trang sức. Hoặc có vị hóa làm một cung điện như ba ngàn đại thiên Thế Giới. Hoặc có vị hóa làm các trướng giao lộ báu hơn cả Trời như ba ngàn đại thiên Thế Giới, rồi dùng ngọc ánh sáng, vàng ròng v.v… tất cả để trang hoàng.

Hoặc có vị hóa làm chỗ thanh tịnh như ba ngàn đại thiên Thế Giới rất lớn, chẳng thể kể, vô lượng vô biên chẳng thể nghĩ bàn, không lường được, không bờ bến. Sở dĩ hóa ra như vậy là để cúng dường Đức Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác.

Tám phương và trên dưới Bồ Tát đều đến như vậy. Chẳng thể kể, chẳng thể tính, chẳng thể nghĩ bàn, không thể lường những Bồ Tát đến cúng dường Đức Phật. Những vị Bồ Tát đó đều đồng thời cúi đầu đảnh lễ dưới chân Đức Phật, nhiễu quanh Đức Thế Tôn ba vòng.

Rồi mỗi vị đều từ cõi nước mình đã đến, có hoa sen hóa làm Tòa Sư Tử, dùng những ngọc báu sáng và vàng ròng trang hoàng những tòa ngồi ấy. Mỗi một vị Bồ Tát đều vì Đức Phật, ở rừng Song Thọ, hóa làm Tòa Sư Tử, dùng vô lượng áo thanh tịnh vượt hơn Trời trải lên tòa ấy, dùng vô lượng vô số đủ các màu sắc, chẳng thể kể hết, trăm ngàn muôn thứ màu sắc vượt hơn cả những thứ ở trên Trời để trang hoàng.

Các vị dùng ngọc ánh sáng, vàng ròng, các báu màu vàng tía làm trướng mà trang nghiêm. Dùng hương thơm vượt cả Trời mà xông tỏa sực nức khiến cho tất cả chúng sinh cải ác hướng thiện, tất cả đều hoan hỷ, vui vẻ. Việc làm của một Bồ Tát như thế thì các Bồ Tát khác cũng như vậy. Mỗi mỗi sự hóa hiện của từng vị đều khác nhau.

Vì sao?

Vì tịch định, không thiên lệnh, đối với các pháp không dính mắc. Ví như ngọc Như ý đối với các trần cấu không bị nhiễm ô. Học phương tiện khéo léo, đối với các pháp đã niệm thanh tịnh, được các pháp tôn tuệ. Như thân đã làm thì lời nói cũng như vậy.

Là vị đại thí chủ bố thí tất cả mà không trụ ở bất kỳ pháp nào. Các vị Bồ Tát đó đều khen ngợi Đức Như Lai xưa vì cầu đạo mà tu tất cả các hạnh khổ khó làm chẳng thể kể, chẳng thể lường, chẳng thể xưng tán. Nay vì pháp nghĩa mà thị hiện.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần